Khủng hoảng Venezuela và những kịch bản

Thứ Ba, 12/03/2019, 14:45
Ý đồ đưa “viện trợ nhân đạo” vào Venezuela với mục đích được cho là sẽ đánh dấu “sự mở đầu cho hồi kết” của “chế độ Maduro”, sự can thiệp thô bạo từ phía Mỹ và phương Tây nhằm ủng hộ tổng thống tự phong Juan Guaido, cùng những lợi ích trái chiều với Nga - quốc gia ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro - đang làm cho cuộc khủng hoảng Venezuela ngày càng trở nên trầm trọng và khó đoán định.

Cứng rắn

Không chỉ là sự can dự giữa các nước lớn, nội bộ Venezuela cũng đang rất rối ren. Trở về nước ngày 4-3, sau chuyến “công du” bất chấp lệnh cấm đi lại của Tòa án Tối cao, gặp các tổng thống Colombia, Brazil, Paraguay và Ecuador, tổng thống tự phong Guaido đã tiến hành một loạt hoạt động nhằm tăng cường chiến dịch lật đổ Tổng thống Maduro.

Ông Guaido không chỉ kêu gọi những người ủng hộ phe đối lập xuống đường biểu tình quy mô lớn vào ngày 9-3 mà còn kêu gọi các công nhân đình công, thúc giục các công đoàn quay lưng lại với Tổng thống Maduro. Ông Guaido ra lời kêu gọi các công nhân nhà nước chuẩn bị đình công để thúc đẩy một đạo luật bảo đảm quyền cho họ.

Tổng thống Maduro vẫy chào những người ủng hộ.

Tổng thống Maduro cũng đang có những bước đi gay gắt và quyết liệt nhằm hạn chế sức mạnh của phe đối lập. Phát biểu tại một sự kiện gần đây, ông nói: "Một thiểu số điên cuồng tiếp tục với lòng thù hận, với sự cay đắng của họ, đó là vấn đề của họ. Chúng ta không nên để ý đến họ, hỡi đồng bào”.

Ngoài ra, một động thái ngoại giao đáng chú ý là việc chính quyền ông Maduro ngày 6-3 đã trục xuất Đại sứ Đức Daniel Kriener với cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Ông Kriener là một trong số những nhà ngoại giao nước ngoài tới sân bay ở thủ đô Caracas để chào đón thủ lĩnh phe đối lập Guaido trở về. Hiện tại, thủ lĩnh phe đối lập được khoảng 50 quốc gia ủng hộ, trong đó có Đức và một số nước châu Âu.

4 kịch bản

Để thoát khỏi tình trạng “hai vua”, đất nước Venezuela đang đứng trước nhiều kịch bản khác nhau, kể cả nội chiến. Kịch bản thứ nhất và có thể sẽ là lối thoát ít đau thương nhất chính là bầu cử. Tuy nhiên, bình yên đến với Venezuela không hề dễ dàng như vậy. Về lý thuyết, Tổng thống Maduro không phản đối bầu cử dù ông cho rằng ông có thể tại vị đến năm 2025.

Tuy nhiên, “gật đầu” với bầu cử đồng nghĩa với việc ông Maduro đã “cúi đầu” trước sức ép của Washington. Khi Mỹ công nhận ông Guaido làm Tổng thống Venezuela - cùng với nhóm các nước Mỹ Latinh và cấm giao dịch dầu lửa với chính phủ của ông Maduro, Mỹ đang đánh cược rằng sức ép sẽ đủ mạnh để lật đổ chế độ.

Một cựu quan chức cấp cao của Mỹ đã nhận định rằng “Washington nghĩ có thể lật đổ chế độ Maduro trong vòng 24 giờ”. Như vậy, trước mắt, việc có một cuộc bầu cử diễn ra êm đẹp cũng rất khó khả thi.

Kịch bản thứ hai là ông Maduro ra đi và chuyển giao chính quyền. Hiện nay, ông Maduro vẫn chưa bỏ cuộc. Ở trung tâm thủ đô Caracas vào cuối tuần qua, Chính phủ Venezuela đã tổ chức một buổi hòa nhạc nhân danh hòa bình. Thông qua các nghệ sĩ, chính quyền Venezuela muốn đưa ra thông điệp rằng họ không cần sự can thiệp của các nước khác trong việc khôi phục Venezuela. Chính quyền hiện tại vẫn được quân đội ủng hộ. Sự ủng hộ này không chỉ dành cho cá nhân ông Maduro mà cho cả chế độ chính trị của Venezuela.

Tuy vậy, những người phản đối ông Maduro cho rằng việc ông ra đi tự nguyện cũng là lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Trong trường hợp đó, Phó Tổng thống Delma Rodriges có thể trở thành quyền tổng thống. Bà có kinh nghiệm đàm phán với phe đối lập và có khả năng trở thành nhân vật được cả hai bên chấp nhận.

Kịch bản thứ ba là Venezuela sẽ có sự can thiệp quân sự của Mỹ. Mỹ đã nhiều lần bóng gió với Venezuela về khả năng can thiệp của Washington. Lần đầu tiên là từ phía cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ John Bolton. Tại một cuộc họp báo, ông Bolton xuất hiện một cách tình cờ với cuốn sổ tay có dòng chữ: “5.000 binh sỹ đến Colombia”. Tín hiệu được hiểu là sức ép.

Tổng thống tự xưng Juan Guaido.

Tuy nhiên, sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Venezuela sẽ khiến nhiều quốc gia khu vực chống lại Washington. Những người Venezuela ủng hộ chính quyền tại vị cũng kịch liệt phản đối những động thái từ Mỹ, Ezequiel Suarez là một trong số đó.

Ezequiel Suarez  nói: “Điều chúng tôi muốn đó là cả thế giới sẽ chuyển lời đến ông Donald Trump, đến Mỹ và các quốc gia muốn Venezuela bị chết ngạt rằng chúng tôi là một nước tự do. Chúng tôi có thể tự quyết định tương lai mà chúng tôi xứng đáng có và muốn xây dựng”.

Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo khác của Mỹ lại cho rằng, thời điểm cho cuộc thương lượng đã qua. Họ tin vào một cuộc chiến tranh chóng vánh nếu cần thiết. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, các nước láng giềng của Venezuela và các nhà lãnh đạo thế giới cũng nên phản đối lựa chọn quân sự của Mỹ.

Venezuela cần sự dàn xếp để hướng tới những cuộc bầu cử mới, không phải chiến tranh. Nó cũng cần một thỏa thuận đình chiến chính trị tạm thời, khẩn cấp trong năm 2019 để chấm dứt tình trạng siêu lạm phát, khôi phục các nguồn cung cấp lương thực, thuốc men, điều chỉnh lại danh sách cử tri và các thể chế vì một cuộc bầu cử hòa bình và tin cậy trong năm 2020.

Cuối cùng là kịch bản nội chiến. Khi nào thì “giọt nước tràn ly”? Tình trạng phân cực chính trị tại Venezuela khi đạt tới cao độ có thể dẫn đến một cuộc nội chiến đẫm máu. Đây là kịch bản khó khả thi nhất, song không thể loại trừ. Hỗn loạn chính trị có thể leo thang thành xung đột vũ trang giữa hai phe cánh tả và cánh hữu. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela Temir Porras Ponceleon đã từng cảnh báo trên tờ Guardian (Anh) về khả năng này khi chỉ ra thất bại kinh tế của ông Maduro.

Tuy vậy, Ông Ponceleon cũng cho rằng nhờ cá nhân ông Maduro mà chủ nghĩa “chavismo” (tư tưởng của cố Tổng thống Hugo Chavez) được hàng triệu người ủng hộ. Chính hành động gây hấn của Mỹ đã giúp ông Maduro có được một sự ủng hộ nhất định.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.