Macedonia: “Watergate mới” làm chính trường dậy sóng

Thứ Hai, 25/05/2015, 15:20
Một vụ bê bối nghe lén kiểu Watergate tại Macedonia đã làm cho chính trường nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng từ nhiều tháng qua. Trong đó, chính phủ của Thủ tướng Nikola Gruevski bị tố cáo dính líu trong một vụ nghe lén và gian lận bầu cử, còn lãnh đạo phe đối lập, Zoran Zaev, Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội (SDSM) - đảng Cộng sản cũ - bị Thủ tướng Gruevski cáo buộc âm mưu làm đảo chính.

Ngày 17/5, hơn 20.000 người dân Macedonia đã xuống đường biểu tình, vây quanh trụ sở chính phủ đòi chính phủ từ chức sau hàng loạt vụ việc bê bối chính trị và xung đột sắc tộc khiến quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này rơi vào hỗn loạn. Vụ việc khơi mào từ cách đây 3 tháng, khi phe đối lập của ông Zaev bắt đầu tung ra những "quả bom" - những đoạn băng ghi âm nghe lén khoảng 670.000 cuộc trò chuyện của hơn 20.000 số điện thoại được Chính phủ Macedonia bí mật nghe trộm từ năm 2007 đến năm 2013.

Phe đối lập cho biết, họ có được những băng ghi âm nghe lén này do một số "công chức yêu nước" cung cấp. Đối tượng nghe lén là các nhà báo, giáo sĩ, các nhà hoạt động và giới ngoại giao nước ngoài, kể cả một số quan chức cấp cao của chính phủ, trong đó có chính Thủ tướng Gruevski. Từ tháng 1/2015, phe đối lập đã 31 lần tung ra các đoạn băng ghi âm nghe lén như thế, và tuyên bố sẽ tung ra thêm nữa.

Chính phủ Macedonia không phủ nhận các đoạn băng ghi âm là thật hay giả, nhưng lại cho rằng việc ghi âm là "công việc có bàn tay" của một số cơ quan tình báo nước ngoài với sự hợp tác của Bộ Nội vụ Macedonia nhằm “lật đổ chính phủ”.

Thủ tướng Nikola Gruevski.

Điều gây sốc nhất đối với người dân Macedonia là những nội dung của các đoạn băng ghi âm, cũng như giọng nói, và cách mà các bộ trưởng chính phủ bày mưu trừng trị những "kẻ thù" của mình. Chẳng hạn, trong một đoạn băng, người ta nghe thấy một cảnh sát mật vụ có quan hệ bà con với Thủ tướng Gruevski kể một cách "hân hoan" về chuyện một đối thủ chính trị bị hiếp dâm trong tù!?

Đến ngày 13/5, một loạt nhân sự cấp cao của Chính phủ Macedonia đã phải từ chức do liên quan đến vụ bê bối nghe lén, trong đó có Bộ trưởng Giao thông, Bộ trưởng Nội vụ, và người đứng đầu cơ quan mật vụ Macedonia. Sáu người có liên quan đến vụ bê bối đã bị bắt giam và buộc tội "tạo dựng và phát tán" các băng ghi âm. Riêng ông Zaev, Chủ tịch đảng SDSM cũng bị cáo buộc tội "đe dọa dùng vũ lực" chống ông Gruevski.

Khủng hoảng leo thang nghiêm trọng từ ngày 9 và 10/5 vừa qua, khi xảy ra vụ Cảnh sát Macedonia đấu súng với các tay súng người sắc tộc Albania, nhiều người trong số đó đến từ Kosovo. Phe nổi dậy người gốc Albania đã đánh chiếm một chốt canh ở biên giới với Kosovo và bắt giữ một số quan chức chính quyền Macedonia làm con tin.

Lãnh đạo phe đối lập Zoran Zaev.

Cảnh sát Maceodnia triển khai chiến dịch giải cứu con tin, và vụ đấu súng xảy ra đã làm chết 8 cảnh sát và 18 người thuộc nhóm sắc tộc Albania, làm gia tăng nỗi lo ngại về một cuộc xung đôt sắc tộc mới tại Macedonia và vùng Balkan nói chung. Macedonia có khoảng 25% dân số là người sắc tộc Albania, và đất nước này đã từng trải qua một lần xung đột sắc tộc với người gốc Albania vào năm 2001, cũng xảy ra ngay sau một vụ bê bối nghe lén của chính phủ.

Một số người lý giải nguyên nhân sâu xa của những bê bối và xung đột đang xảy ra tại Macedonia có nguồn gốc từ lâu. Từ khi Liên Xô tan rã và Nam Tư cũng bị chia năm xẻ bảy, Macedonia từng được phương Tây ngợi khen là "điểm sáng" trong số các quốc gia mới tách ra giành độc lập. Tuy nhiên, với thành phần sắc tộc phức tạp, lại ở ngay tâm điểm của khu vực Balkan với hàng loạt vụ xung đột sắc tộc, Macedonia đang ngày càng trở nên nhạy cảm, dễ xảy ra xung đột, khủng hoảng.

Điểm gây mâu thuẫn giữa Thủ tướng Gruevski với ông Zaev và đảng SDSM chính là việc Thủ tướng Gruevski tại vị quá lâu, lên nắm quyền từ năm 2006 và liên tục tái đắc cử. Gruevski lại có xu hướng lãnh đạo theo kiểu chuyên quyền độc đoán, cho nên ông Zaev yêu cầu thành lập một chính phủ liên hiệp hòa hợp dân tộc nhằm tạo không khí chính trị hòa đồng, cân bằng quyền lực giữa các phe phái, sắc tộc, tôn giáo. Tuy nhiên, yêu cầu của ông Zaev đã bị Thủ tướng Gruevski bác bỏ.

Cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát tình hình ở Macedonia nhằm có biện pháp ngăn chặn kịp thời một cuộc chiến sắc tộc mới tại vùng Balkan. Đồng thời, các cường quốc cũng có dấu hiệu nhúng tay vào cuộc khủng hoảng. Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) đang làm trung gian cho Chính phủ Macedonia đối thoại với phe đối lập. EU, Mỹ, NATO và OSCE ủng hộ phe đối lập và chỉ trích Chính phủ của Thủ tướng Gruevski, trong khi nước Nga đã thể hiện sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Gruevski. Không khó để lý giải sự can thiệp này.

Macedonia hiện là một ứng viên gia nhập EU, nhưng các cuộc đàm phán tư cách thành viên giữa nước này với EU đã bị đóng băng từ nhiều năm qua do việc Macedonia tranh cãi với Hy Lạp về tên của quốc gia này trùng với một địa danh ở Hy Lạp; do đó Athens đòi Macedonia đổi tên, và hai bên xảy ra tranh chấp. Giới quan sát cho rằng, khủng hoảng ở Macedonia đang có nguy cơ lôi kéo sự can thiệp của một số quốc gia khác trong khu vực, như Serbia và Bulgaria từ lâu đã cạnh tranh nhau gây ảnh hưởng tại Macedonia. Macedonia lại nằm trên tuyến ống dẫn khí đốt tự nhiên do Nga đề xuất xây dựng, cho nên các chính phủ phương Tây rất chú tâm theo dõi tình hình.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.