Kịch bản nào cho nước Anh khi Brexit cận kề

Thứ Ba, 06/11/2018, 19:35
Dự kiến, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29-3-2019. Tuy nhiên, cho đến nay, khi các cuộc đàm phán Brexit bước vào giai đoạn cuối cùng, hai bên vẫn chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Điều gì sẽ xảy ra?

Theo cơ chế chính trị hiện nay, rất có thể dẫn tới một cuộc trưng cầu dân ý mới và khả năng hủy bỏ Brexit trở nên rõ ràng. Việc nước Anh có thể ở lại Liên minh châu Âu (EU) lại tiếp tục bỏ ngỏ...

Bất đồng lớn nhất giữa hai bên là quan điểm trong vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland, nước thành viên EU, cũng như vấn đề thương mại giữa hai bên. Khi mà mọi sự đàm phán lâm vào thế bế tắc, tới mức không thể thỏa hiệp, theo các nhà phân tích, điều đó không có nghĩa là không tốt.

Bởi rằng Quốc hội Anh có thể sẽ từ chối bất kỳ sự sắp đặt nào mà Thủ tướng Theresa May cố gắng thương lượng với các lãnh đạo châu Âu và biện pháp có vẻ thích hợp để chấm dứt sự bế tắc này sẽ là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới để xem xét lại quyết định của Anh rời khỏi EU. Cho đến gần đây, ý tưởng này vẫn bị gạt bỏ. Nhưng cơ chế chính trị hiện nay có thể dẫn tới một cuộc trưng cầu dân ý mới và khả năng hủy bỏ Brexit trở nên rõ ràng.

Thủ tướng Anh đứng trước sức ép cả trong và ngoài nước. Ảnh: Daily Express.

“Không thỏa hiệp” - Mối đe dọa hay cơ hội

Dù bất kỳ phiên bản Brexit nào mà bà May đề nghị nhiều khả năng sẽ bị phủ quyết. Một “Brexit mềm” theo kiểu Na Uy nhằm giữ Anh ở trong các cấu trúc thương mại của EU sẽ bị ngăn chặn bởi những người chỉ trích hội nhập EU trong đảng Bảo thủ của bà May. Một “Brexit cứng”, đòi hỏi kiểm soát biên giới với Cộng hòa Ireland, là không thể chấp nhận được đối với Chính phủ Ireland và EU.

Một thỏa thuận lai ghép đưa Anh ra khỏi thị trường chung EU nhưng vẫn giữ Bắc Ireland ở lại sẽ làm tổn thương đến đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland mà bà May rất cần sự ủng hộ của họ để duy trì quyền lực.

Những yếu tố trên giải thích cho chiến lược duy nhất “phân phát Brexit” của bà May. Do đó, các nghị sĩ và các nhà lãnh đạo EU phải lựa chọn một kịch bản ít tệ hại hơn. Họ vừa phải chấp nhận đề nghị thỏa thuận Brexit của bà May, vừa phải đối mặt với một Brexit hỗn loạn “không thỏa hiệp” mà sẽ là thảm họa không chỉ cho Vương quốc Anh mà cho toàn bộ EU.

Brexit “không thỏa hiệp” sẽ bỏ qua quá trình chuyển giao mà nước Anh “liều mình” thương lượng lại hàng nghìn nguyên tắc, quy định và tiêu chuẩn trong các hiệp định mà EU đã thương thảo hàng thập niên qua để có thể tiếp tục “làm ăn” với châu Âu cũng như với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia khác.

Không có sự chuyển giao, xuất khẩu của Anh sẽ tạm thời ngừng hoạt động vào tháng 3-2019, bởi các hiệp định về an toàn sản phẩm, dán nhãn, chất lượng thực phẩm và hàng trăm vấn đề ít được biết đến sẽ phải được đàm phán lại theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và những hiệp định này cần được tất cả 164 thành viên của WTO thông qua.

Sự đình trệ dòng chảy thương mại sẽ chỉ là tạm thời, bởi vì Anh cuối cùng cũng sẽ đàm phán những hiệp định cần thiết của WTO, nhưng thậm chí một sự gián đoạn nhỏ cũng đủ gây thiệt hại, và điều này đã được minh chứng bởi sự “dừng đột ngột” trong lĩnh vực tài chính ngân hàng dù kéo dài chỉ vài tuần sau khi tập đoàn đầu tư ngân hàng Lehman Brothers phá sản năm 2008.

Mối đe dọa “không thỏa hiệp” trở nên rõ ràng hơn khi bà May gửi hàng chục “thông báo kỹ thuật” tới doanh nghiệp, bệnh viện và các cơ quan công lập để họ chuẩn bị “kế hoạch ứng phó khẩn cấp”. Thật không may cho những người ủng hộ Brexit, những cảnh báo này là phản tác dụng: thay vì lên kế hoạch chuẩn bị, viễn cảnh máy bay bị cấm bay, bệnh viện hết thuốc, xuất khẩu thì ngừng trệ khiến cho Brexit “không thỏa hiệp” trở nên ngu xuẩn và có thể khiến các nghị sĩ nản lòng không muốn lãng phí tiền bạc để chuẩn bị cho sự kiện bất ngờ không có thực như vậy.

Kết quả cuối cùng là thậm chí nếu bà May thực sự muốn theo đuổi một Brexit “không thỏa hiệp”, đa số nghị sĩ trong quốc hội sẽ đoàn kết để ngăn chặn nó.

Một cuộc trưng cầu dân ý mới?

Trong khi có nhiều hoài nghi về các thủ tục phê chuẩn của quốc hội, rối loạn chính trị là điều rõ ràng. Việc theo đuổi một trò chơi mạo hiểm như vậy chống lại mong muốn của đa số thành viên quốc hội sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng hiến pháp mà chỉ có thể được giải quyết bằng cách cầu viện cử tri thông qua một cuộc tổng tuyển cử hoặc một cuộc trưng cầu dân ý mới.

Công đảng đối lập sẽ yêu cầu một cuộc tổng tuyển cử, khi đó đảng Bảo thủ sẽ đoàn kết để ngăn chặn điều này. Một khi nước cờ bầu cử thất bại, Công đảng sẽ cần phải tạo ra một đa số với 85% thành viên của đảng này ủng hộ trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, đối với đảng bảo thủ, họ sẽ chỉ cần tạo ra một đa số ủng hộ trưng cầu dân ý với một vài thành viên, gồm cả một đồng minh không mong đợi: bà Theresa May.

Đối với bà May, một cuộc trưng cầu dân ý mới có thể là chìa khóa để mở chiếc cũi mà chính “những lằn ranh đỏ” đã nhốt bà vào đó. Một khi lựa chọn duy nhất rời khỏi EU vỡ vụn với Brexit “không thỏa hiệp” trở nên rõ ràng, bà May có thể tuyên bố rằng bà đã được ủy nhiệm kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 để “thực hiện Brexit”, nhưng điều đó sẽ dẫn đến tình trạng còn tồi tệ hơn mong đợi.

Bởi vì những người ủng hộ Brexit cứng rắn đã coi Brexit “không thỏa hiệp” là một kết quả hoàn hảo và có thể chấp nhận được, họ không thể phản đối nếu đây là hình thức Brexit hỏi ý kiến của cử tri.

Nhiều khả năng, một cuộc trưng cầu dân ý mới sẽ loại bỏ Brexit “không thỏa hiệp”, không chỉ bởi những rủi ro kinh tế mà còn do sự cân bằng nhân khẩu học của dân chúng Anh đã thay đổi khi khoảng 1 triệu cử tri quay sang ủng hộ Anh ở lại EU kể từ năm 2016. Nếu cử tri từ chối “không thỏa hiệp” để ủng hộ “không Brexit”, các đối thủ có quan điểm cứng rắn của bà May sẽ im lặng và vị trí thủ tướng của bà sẽ được bảo đảm cho đến cuộc bầu cử năm 2022.

Thậm chí tốt hơn, việc chấm dứt sự bất ổn của Brexit sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế, gần như chắc chắn đảm bảo chiến thắng của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2022.

Như vậy, một cuộc trưng cầu dân ý mới để phá vỡ tình trạng quốc hội treo sẽ có nghĩa rằng nước Anh vẫn ở trong EU và bà May vẫn đi lại trên con phố Downing. Câu hỏi đặt ra là tại sao không?

Anh là một cường quốc quân sự có tầm quan trọng đối với nền an ninh và quốc phòng của châu Âu. Ảnh: The Independent.

Những "khu vực cấm"

Có thông tin cho rằng Phố Downing đã nhận những lời chỉ trích khá nặng nề từ một số nghị sĩ đảng Bảo thủ vốn phản đối kế hoạch Brexit. Họ cho rằng Thủ tướng Anh Theresa May đang bước vào “khu vực cấm” Brexit và có lẽ cũng là mối đe dọa lớn nhất. Theo một bài viết đăng trên tờ The Financial Times, nội các của bà May hiện vẫn bất đồng sâu sắc về việc làm thế nào để phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán Brexit với EU hiện nay.

Thậm chí, một số quan chức đảng Bảo thủ còn cho rằng Thủ tướng May sẽ phải đương đầu với một kế hoạch lật đổ bà do một số nghị sĩ tại Quốc hội dẫn đầu trong vòng 8 tháng tới.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với vai trò lãnh đạo của Thủ tướng May chỉ có thể xảy ra vào thời điểm sau khi nước Anh rời EU vào tháng 3-2019. Trong khi đó, thời gian không còn nhiều để những người muốn thay thế bà thu thập được 48 chữ ký cần thiết, tương đương 15% của tổng số 315 nghị sĩ đảng Bảo thủ trong Quốc hội, để tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nếu họ muốn tạo ảnh hưởng đối với Brexit.

EU hiện đang xem xét để gắn thỏa thuận rút khỏi EU với đề xuất của Anh là giữ nguyên toàn bộ Vương quốc Anh với tư cách là một đối tác thuế quan với EU. Theo kế hoạch dự phòng được EU đề xuất trước đây, Bắc Ireland vẫn gắn với các quy định của châu Âu về hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả thủ tục hải quan, sau khi Anh rời khỏi khối.

Trong khi đó, Thủ tướng May đưa ra đề xuất toàn bộ Vương quốc Anh vẫn nằm trong liên minh thuế quan của EU trên cơ sở có thời hạn nhưng EU đã từ chối đề xuất này. Một quan chức thân cận của bà May cho biết họ muốn đạt được một thỏa thuận vào tháng 11 tới, song một số ý kiến trong EU muốn lùi việc này đến tháng 12.

Một thành viên của Nhóm Nghiên cứu châu Âu ủng hộ Brexit cho rằng khả năng bà May sẽ phải đối mặt với những vận động nhằm lật đổ bà là 50-50. Tuy nhiên, nhiều người tin bà May có thể vượt qua được những giai đoạn khó khăn như thế này, bởi người ta tin rằng hiện các nghị sĩ Quốc hội vẫn chưa có đủ ý chí để lật đổ bà. Bởi người ta đã nhìn thấy động thái của Thủ tướng May khi cam kết tìm mọi cách để phá vỡ tình thế bế tắc về Brexit.

Vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland đang trở thành mấu chốt trong tiến trình Brexit. Ảnh: The Conversation.

Một thỏa thuận lơ lửng

Nói về khả năng kéo dài thời kỳ chuyển đổi, Thủ tướng May cho biết việc bà cân nhắc kéo dài thời kỳ chuyển đổi là điều "không mong muốn" và thời kỳ này sẽ phải kết thúc trước tháng 5-2022. Bà May cho rằng kéo dài thời kỳ chuyển đổi là để hai bên có thêm thời gian nhất trí với nhau về quan hệ đối tác kinh tế trong tương lai.

Bà May cho rằng bảo vệ sự toàn vẹn của nước Anh là điều vô cùng quan trọng, do vậy bà có nghĩa vụ tìm ra giải pháp để giữ đường biên giới Ireland mở và đảm bảo không có rào chắn mới nào được dựng lên giữa Bắc Ireland với phần còn lại của nước Anh.

Có thể thấy rõ, những hy vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận Brexit vào cuối năm nay đang bị treo lơ lửng khi tại cuộc họp thượng đỉnh EU cách đây ít ngày, lãnh đạo 27 nước EU đã tuyên bố ngưng kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới vì cho rằng đàm phán hai bên chưa đạt được đủ tiến bộ.

Lãnh đạo EU cảnh báo nước Anh rằng sẽ không đưa ra thêm bất cứ nhượng bộ nào để phá vỡ bế tắc trong đàm phán Brexit, song bày tỏ tin tưởng hai bên có thể đạt thỏa thuận “ly hôn” trước khi Vương quốc Anh chính thức rời mái nhà chung vào tháng 3-2019.

Các nhà lãnh đạo EU lo ngại nguy cơ không đạt được thỏa thuận (Brexit cứng), đang trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Điều này nếu trở thành hiện thực sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế Anh cũng như châu Âu. Ngoài ra, còn có những hệ lụy đối với công dân của cả hai bên, liên quan tới tương lai của 3 triệu người châu Âu định cư tại Anh. Vấn đề tự do đi lại trong EU sẽ bị ảnh hưởng thông qua việc kiểm soát biên giới và kiểm tra visa người Anh khi đó sẽ được coi là người nước thứ 3.

Thêm một nguy cơ nữa là hỗn loạn tại biên giới là không tránh khỏi một khi các trạm kiểm soát hải quan và kiểm dịch được tái thành lập. Không chỉ có vậy, hệ thống giao thông vận tải cũng bị xáo trộn. Bên cạnh đó, Brexit sẽ tác động tới ngành du lịch của EU. Ngoài ra, nguy cơ thiếu thuốc men cũng hiển hiện khi mỗi năm, nước Anh nhập khẩu 37 triệu hộp thuốc từ châu Âu. Nhiều vùng sẽ bị thiếu điện.

Cụ thể là Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland cùng chung thị trường năng lượng từ hơn một thập niên qua. Bắc Ireland không có khả năng sản xuất đủ năng lượng và phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ biên giới phía Nam. Trong trường hợp xảy ra "Brexit cứng" vào tháng 3-2019, nguy cơ hiện hữu là Bắc Ireland sẽ không có đủ điện.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều xáo trộn, các chuyên gia EU đã dự báo EU không thể đùa với lửa. Bởi Brexit còn liên quan mật thiết tới vấn đề quốc phòng của cả châu Âu.

Anh là một cường quốc quân sự có tầm quan trọng đối với nền an ninh và quốc phòng của châu Âu vì kinh nghiệm và các khả năng họ mang đến. Đồng thời, mọi thách thức đáng kể về an ninh và quốc phòng đối với các nước thành viên EU cũng sẽ là một mối quan ngại đối với Anh. Vào tháng 2-2018, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở London và Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức (DGAP) ở Berlin lập luận rằng dù là thách thức nhưng Anh và EU phải tìm ra các giải pháp và chính sách mang tính thực dụng để hỗ trợ quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các nước thành viên EU và Anh làm việc với nhau vì an ninh của các công dân của họ hậu Brexit.

Hoa Huyền
.
.