Kiện cáo và tai tiếng từ quá khứ ùa về vây bọc D.Trump

Thứ Ba, 27/09/2016, 16:00
Đang bị đối thủ bám đuổi sát nút sau sự cố liên quan đến vấn đề sức khỏe, ứng cử viên Hillary Clinton và êkíp vận động tranh cử của bà bỗng dưng có ngay cơ hội để vượt lên. Trong một tuyên bố, ban vận động của Hillary nhấn mạnh: "Lại một lần nữa, ông Trump chứng tỏ là một người lừa đảo và hành động vô nguyên tắc".

Lời tuyên bố này không hề là kiểu tuyên bố bừa phứa vì đã có nhiều chứng cứ cho việc ứng viên đảng Cộng hòa đang dính vào vụ kiện cáo liên quan đến quỹ từ thiện và... muốn xù chuyện trả khoản tiền thưởng lên đến 1 triệu đôla.

Nguyên đơn kiện lần này là Martin Greenberg, Giám đốc Điều hành (CEO) của Tập đoàn Sterling Commodities. Cách đây 6 năm, vào tháng 8-2010, trong giải đấu golf diễn tại sân golf Trump National Westchester, bang New York, Martin Greenberg đã phát một cú đánh bóng tuyệt đẹp, bóng golf lăn vào lỗ thứ 13 theo quy định của giải đấu, người thực hiện thành công cú đánh cực khó như thế sẽ được thưởng số tiền 1 triệu USD.

Nhưng sau đó, Martin Greenberg đã bị ban tổ chức từ chối trao giải thưởng vì họ đưa ra lập luận rằng quả bóng đã không đi đủ khoảng cách quy định là 137 m, vì thế Martin Greenberg đệ đơn kiện câu lạc bộ golf của ông Trump, tổ chức từ thiện Mourning và công ty bảo hiểm tài trợ cho giải đấu.

Để dàn xếp êm thấm, câu lạc bộ của Donald Trump đi đến thỏa thuận và đồng ý chuyển 158.000 USD cho một tổ chức từ thiện mà ông Martin Greenberg sáng lập. Tuy nhiên, tờ Washington Post ngày 20-9 đăng bài phóng sự điều tra cho biết, số tiền đó lại được lấy từ Quỹ Từ thiện Donald Trump Foundation. Ngoài ra, ông Trump đã dùng ít nhất 258.000 USD tiền từ quỹ từ thiện này để chi trả các khoản bồi thường cho các vụ kiện tụng liên quan đến công việc làm ăn của bản thân.

Theo luật pháp Mỹ, lãnh đạo của các tổ chức phi lợi nhuận và từ thiện bị cấm không được sử dụng tiền vào mục đích cá nhân. Hôm 13-9, Tổng Chưởng lý bang New York Eric Schneiderman tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra Quỹ Donald J. Trump nhằm đảm bảo quỹ này hoạt động đúng pháp luật.

Người thực hiện bài phóng sự điều tra là David Fahrenthold, ông trích dẫn cụ thể những ghi chép và báo cáo về thuế, từ đó đưa ra thông tin khiến độc giả bị sốc là ông Trump đã không đóng góp một đồng nào cho quỹ từ thiện của mình kể từ năm 2008 nhưng lại không ít lần sử dụng tiền của người khác thông qua quỹ này để trả các khoản chi phí pháp lý, điều này đã vi phạm các quy định "tự thỏa thuận", theo đó cấm các nhà quản lý quỹ không lợi nhuận như quỹ từ thiện dùng tiền từ quỹ để làm lợi cho bản thân hoặc cho công việc kinh doanh có lợi nhuận của họ.

Tỷ phú Trump bị cáo buộc dùng tiền của quỹ từ thiện để trả các chi phí pháp lý riêng. Ảnh: The Daily Beast.

Không chỉ có chuyện này, David Fahrenthold còn dẫn thêm vài vụ như vụ câu lạc bộ Mar-a-Lago cũng thuộc sở hữu của Trump ở Florida phải nhận mức phạt 120.000 USD từ ban quản trị thị trấn Palm Beach vì vụ tranh cãi xung quanh kích thước của một cột cờ. Cột cờ cao nhất ở Palm Beach là 12m nhưng ông Trump đã cho dựng một cột cờ cao gấp đôi và cho rằng "không cần phải được phép mới được treo cờ Mỹ". Thị trấn này đồng ý xóa mức phạt nếu câu lạc bộ của ông Trump quyên góp 100.000 USD cho một tổ chức của cựu chiến binh. Và để chiều lòng địa phương, ông Trump đã gửi một tấm séc đóng góp từ quỹ từ thiện của mình.

Trong một vụ khác, Quỹ Donald J. Trump vào năm 2007 còn chi 20.000 USD để in bức ảnh chân dung ông Trump khổ lớn (cao gần 2 m). Rồi chuyện Trump dùng 5.000 USD tiền quỹ để chi cho việc quảng cáo chuỗi khách sạn của mình. Ông còn dùng 12.000 USD trong quỹ để mua mũ bảo hiểm bóng bầu dục có chữ ký của cựu ngôi sao Tim Tebow.

Luật sư Jeffrey Tenenbaum từ Công ty Luật Venable ở Washington, đưa ra nhận xét: "Tôi đại diện cho 700 các hiệp hội không lợi nhuận và tôi chưa bao giờ bắt gặp một việc làm trơ tráo như thế này. Nếu ông Trump đang sử dụng tiền của người khác thông qua quỹ từ thiện của mình, để làm tròn các bổn phận của riêng mình thì đó chính là ví dụ điển hình của việc tự tiện giao dịch. Ông ta có thể phải đóng tiền phạt hoặc trả lại số tiền của quỹ đó nhưng hơn hết là khả năng phải đối mặt với điều tra từ văn phòng Tổng Chưởng lý New York vì vi phạm luật từ thiện của bang".

Ban vận động tranh cử của bà Hillary Clinton tung ra bình luận ngay sau khi báo cáo được công bố: "Rõ ràng là Tổ chức Trump đúng là một tổ chức từ thiện cũng giống như Trường Đại học Trump là một học viện giáo dục cao vậy. Phiên bản từ thiện của ông Trump đang lấy tiền từ những người khác để giải quyết các vấn đề pháp lý của riêng mình, như vậy là vi phạm các quy định của những tổ chức từ thiện chính phủ" - Christina Reynolds, Phó Giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của bà Clinton cho biết: "Một lần nữa, ông Trump lại chứng minh bản thân là một kẻ lừa lọc, một người không phù hợp với luật pháp. Đã đến lúc ông Trump phải hoàn thuế để xem liệu vấn đề thuế của ông ta có mở rộng ra các khoản tài chính cá nhân hay không".

Một số lãnh đạo đảng Dân chủ nhân dịp này chỉ trích giới truyền thông Mỹ trước đây không đưa tin về những hoạt động sai trái của Quỹ Donald Trump, trong khi luôn nhắm vào Quỹ Clinton. Trước đó, ông Trump từng yêu cầu đối thủ của mình là bà Hillary Clinton phải đóng cửa Quỹ Clinton và gọi đây là "tổ chức tham nhũng".

Người phát ngôn ban vận động tranh cử của tỷ phú bất động sản phản bác: "Báo cáo này đã đưa sai sự thật. Truyền thông đưa tin dựa trên những thông tin võ đoán và thiếu chính xác từ một phóng viên muốn lái sự chú ý của người đọc khỏi những sai phạm từ quỹ từ thiện của nhà Clinton".

Cần nhắc lại rằng, trong lĩnh vực golf, D.Trump vừa là người bị kiện vừa là người đi kiện, như chuyện ông ta khởi kiện cả thành phố Rancho Palos Verdes, nơi ông ta đang có một dự án sân golf đầy rắc rối và tranh cãi. Khởi nguồn của vụ kiện này bắt đầu từ một dự án cách đây 6 năm, lúc đó Trump đã được hân hoan chào đón khi ông trùm này đem tới một dự án xây dựng sân golf tầm cỡ thế giới cho Rancho Palos Verdes.

Mâu thuẫn và tranh cãi giữa tỷ phú này với địa phương bắt đầu từ kế hoạch đặt tên cho khu phố mang tên ông, tiếp đến là tranh cãi với những người hàng xóm về hàng cây cao quá 3 mét. Không đi đến thỏa hiệp, ông trùm bất động sản tức giận khởi kiện thành phố Rancho Palos Verdes, đòi khoản bồi thường lên tới 100 triệu USD vì lý do họ cố ý ngăn cản công việc và xâm phạm các quyền lợi của ông.

Bức ảnh tố cáo ông Trump bàn bạc với bà Chủ tịch Ban Giám khảo trước vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013.

Số tiền đòi bồi thường là quá lớn so với thành phố Verdes bởi ngân sách hằng năm của chính quyền thành phố chỉ có 20 triệu USD. Trump cho rằng chính quyền đã đang cố tình phớt lờ đi ý tưởng đổi mới trong kế hoạch của ông ta và phàn nàn chính quyền thành phố quá chậm trễ trong việc cấp phép thực hiện những thay đổi cần thiết trong dự án của ông.

Nói về vụ kiện này, hồi tuần trước tại New York, Donald Trump đã cho biết đã chuẩn bị trong một thời gian dài để các luật sư của ông ta thu thập đủ bằng chứng cho vụ kiện. Ông trùm bất động sản này cũng rất tin tưởng vào sự thành công của vụ kiện bất chấp những ý kiến công kích và chỉ trích rằng vụ kiện là toan tính cho những kế hoạch tham vọng hơn của ông ta trong tương lai.

Trong khi đó giới lãnh đạo và cư dân thành phố Rancho Palos Verdes lại cho rằng vụ kiện này chỉ là một chiêu thức của Donald Trump nhằm thu hút sự chú ý của dư luận.

Cùng với làn sóng dư luận chỉ trích và gọi ứng viên đảng Cộng hòa là "kẻ lừa đảo", dịp này giới truyền thông vốn không ưa D.Trump tha hồ lật lại những chuyện lùm xùm, tai tiếng trong lĩnh vực giải trí mà đứng đầu "bảng phong thần" này, ông Trump được gọi tên bằng biệt danh "ông trùm hoa hậu".

Cùng với đài truyền hình NBC, Donald Trump hiện là chủ sở hữu Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe Organization). Ngoài cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ danh tiếng thế giới, Miss Universe Organization còn đứng ra tổ chức hai cuộc thi sắc đẹp uy tín của nước Mỹ: Miss USA và Miss Teen USA.

Trước đó, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1952 bởi công ty thời trang Pacific Mills ở California. Đến năm 1996, cuộc thi mới về tay Donald Trump và được duy trì hằng năm kể từ đó.

Suốt 20 năm qua, dù vướng không ít thị phi, nhưng Miss Universe vẫn được công nhận là một trong ba đấu trường sắc đẹp lớn nhất thế giới. So với những cuộc thi khác, chất lượng thí sinh của Hoa hậu Hoàn vũ lúc nào cũng nổi trội và gây chú ý hơn. Hai cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Mỹ do Donald Trump tổ chức không ít lần dính tai tiếng quanh việc sắp đặt giải thưởng và chấm không công bằng.

Cụ thể, trước thềm bán kết Miss Universe 2013, Hoa hậu Hoàn vũ Ấn Độ 2012 - Shilpa Singh viết một bức thư "tố cáo" ban tổ chức cuộc thi hành xử không công minh. Từng là thí sinh mùa trước và lọt top 16, Shilpa Singh cho rằng, cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh - Miss Universe - hoàn toàn "vô giá trị" vì kết quả chung cuộc không phụ thuộc vào những đánh giá và lựa chọn của ban giám khảo mà hoàn toàn là sự nhúng tay sắp đặt của ông trùm Donald Trump.

Theo lời tố cáo của người đẹp, trước đêm bán kết, ông Trump đi cùng bà chủ tịch Paula M. Shugart đến gặp gỡ, bắt tay từng thí sinh. Ông yêu cầu từng người trình diễn. Sau đó, ông thì thầm hồi lâu với bà Paula và bà chủ tịch cầm bút hí hoáy ghi ghi chép chép. Shilpa Singh tin rằng Trump đang chỉ đạo và "ông ta lựa chọn những người vào ngôi vị cao nhất của cuộc thi bằng con mắt của thương gia với mục đích thương mại".

Trước đó, năm 2012, vụ kiện tụng giữa Donald Trump với thí sinh Hoa hậu Mỹ - Sheena Monnin cũng gây xôn xao dư luận. Sheena tình nguyện xin từ bỏ vương miện Hoa hậu bang Pennsylvania. Cô tố cáo cuộc thi Miss USA gian lận, thiếu đạo đức và mâu thuẫn. Monnin cũng cho biết kết quả top 5 được quyết định trước khi phát sóng trực tiếp đêm chung kết. Phát ngôn của cô gái này khiến "ông trùm đầu bạc" rất tức giận.

Ông cho rằng đây là thái độ hậm hực của một kẻ thua cuộc. Không những thế, Trump còn dọa kiện Sheena Monnin với tội danh bôi xấu hình ảnh Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ. Và ông làm thật. Người đẹp bang Pennsylvania thua kiện, phải bồi thường cho tổ chức của ông 5 triệu USD.

Ngoài những lời tố cáo thiên vị và thiếu minh bạch, Donald Trump còn bị dư luận chỉ trích do quá dễ dãi với các nữ hoàng sắc đẹp, không xử phạt nghiêm minh khi họ vi phạm nội quy. Có thể kể đến trường hợp của Hoa hậu Mỹ 2006 Tara Conner và Hoa hậu Hoàn vũ 2008 Dayana Mendoza. Sau khi đăng quang, Tara Conner chuyển đến New York sống. Tại đây, cô dùng ma túy, tổ chức tiệc tùng thác loạn trong căn hộ là một phần trong các phần thưởng của ban tổ chức. Nhưng Donald Trump lại rất "khoan dung", cho phép Tara giữ lại danh hiệu sau khi cô đồng ý tham gia cai nghiện.

Hay việc Dayana Mendoza, ngay sau khi chiến thắng cuộc thi Miss Universe, cô bị phát tán ảnh nude lên mạng. Tuy nhiên, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ kết luận đó là những bức ảnh nghệ thuật, hoàn toàn không mang nội dung khiêu dâm, hơn nữa, bộ ảnh này được chụp trong thời gian trước khi Dayana tham gia cuộc thi nên cô không phải chịu bất cứ hình phạt nào.

Hồi đầu năm 2015, Donald Trump lại bị hai cựu Hoa hậu Hoàn vũ - Alicia Machado (1996) và Lupita Jones (1991) - lăng mạ vì xúc phạm người dân Mexico trên mạng xã hội Twitter. Trump nói ông không bao giờ tổ chức Miss Universe tại Mexico nữa vì nước này nợ ông quá nhiều tiền. Người đẹp Venezuela, Alicia, phát biểu trên kênh Telemundo: "Ông ta không hơn gì một gã vô lại!".

Q.H. (tổng hợp)
.
.