Kosovo: Điều ít biết về tân Tổng thống Behgjet Pacolli

Thứ Năm, 17/03/2011, 19:45

Ngày 22/2, Quốc hội Kosovo đã bầu nhà tỉ phú, doanh nhân kinh doanh bất động sản Behgjet Pacolli làm Tổng thống mới của quốc gia mới thành lập này sau 3 vòng bỏ phiếu. Tạo dựng cơ nghiệp tại Nga và đồng thời mang hai quốc tịch - Kosovo và Thụy Sĩ - Pacolli được cho là người có khả năng mở một cuộc thương thảo với Serbia kể từ khi Kosovo tuyên bố độc lập.

Trong khi các phương tiện truyền thông Kosovo đặt nghi vấn về "khả năng đương đầu với Serbia" của ông thì báo chí nước ngoài lại vẽ nên chân dung một tỉ phú với những mối quan hệ chính trị rộng rãi. Nếu như trước đây chỉ được biết đến như người Kosovo giàu nhất thế giới, từ ngày 22/2 vừa qua, ông Behgjet Pacolli còn ghi thêm chức danh Tổng thống mới của Kosovo vào tấm danh thiếp của mình, sau một hiệp ước được ký kết giữa đảng của ông là Liên minh mới Kosovo (AKR) và đảng Dân chủ Kosovo (PDK) của Thủ tướng đương nhiệm Hashim Thaci.

Đảng AKR được nhà tỉ phú Behgjet Pacolli thành lập ngày 17/3/2006. Cho đến ngày 17/11/2007, AKR đã không tham gia bất kỳ cuộc bầu cử nào, tuy nhiên, do nền tảng kinh doanh thành công của người sáng lập Behgjet Pacolli nên đảng này đã nhận được sự ủng hộ đáng kể ở Kosovo: chỉ sau hơn 1 năm thành lập, AKR đã trở thành đảng chính trị lớn thứ tư ở Kosovo. Nhưng do mới chỉ có 4 năm tham gia vào chính trường Kosovo, tuổi đời chính trị quá non nớt so với lãnh đạo các đảng phái khác, nên cái tên Pacolli chưa phổ biến đối với người dân Kosovo. Mặt khác, có lẽ vì ông có quan hệ mạnh mẽ với Chính phủ Nga, chính phủ phản đối sự ly khai của Kosovo khỏi Serbia vào năm 2008.

Việc bầu Behgjet Pacolli làm Tổng thống Kosovo đã gây ra một số tranh cãi và nghi vấn tại Kosovo, nhất là "khả năng đương đầu với Serbia" của vị tân Tổng thống. Những tranh cãi này xuất phát từ nguyên nhân cho rằng ông Pacolli có xu hướng thân Nga, nơi mà tập đoàn xây dựng Mabetex (có trụ sở tại Thụy Sĩ) của ông nhận được nhiều ưu đãi và kiếm được các hợp đồng cải tạo công trình công cộng béo bở.

Báo chí Kosovo cũng cho biết, người vợ thứ ba của ông Behgjet Pacolli, bà Maria, là một phụ nữ gốc Nga. Tờ Koha Ditore cũng nhắc lại việc một vài nhóm nghị sĩ từ chối tham gia vào cuộc bầu cử, trong đó có phong trào Vetevendosja (Tự xác định), nhóm này chỉ trích tân Tổng thống có xu hướng "nghiêng về khả năng đàm phán với Serbia hơn là cộng tác với Albani".

Cũng nên nhắc lại một chi tiết liên quan đến liên minh với ông: Thủ tướng Hashim Thaci. Cũng trong kỳ họp Quốc hội Kosovo hôm 22/2, ông Hashim Thaci tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của các đại biểu khi bầu ông này nắm cương vị Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ, mặc dù những áp lực từ cộng đồng quốc tế. Thanh danh của ông Thaci đã bị hoen ố sau một bản báo cáo của Hội đồng châu Âu hồi tháng 1 vừa qua tiết lộ ông này có liên quan tới bọn tội phạm có tổ chức và việc buôn bán nội tạng. Ông này đã lớn tiếng bác bỏ những cáo buộc có liên quan đến các sự việc diễn ra khi ông còn làm lãnh đạo tối cao của Quân đội giải phóng Kosovo (UCK). Điều này đã làm dấy lên những lo ngại về tính bền vững của liên minh trên.

Tờ nhật báo Express của thành phố Pristina trích dẫn lời phát biểu của một đại biểu phe đối lập, ông Glauk Konjula như sau: "Sự kết hợp trái tự nhiên này sẽ không thể tồn tại lâu dài". Ý kiến này cũng được ông Ueli Luenberger, người sáng lập Đại học Albani tại Genève, đồng thời là đại biểu đảng Xanh và là chủ tịch của phái các nhà môi trường Thụy Sĩ, chia sẻ trên trang Swissinfo: "Tôi không tin rằng chính phủ sẽ chống lại tham nhũng, một trong những tệ nạn nghiêm trọng tại Kosovo".

Thụy Sĩ cũng đang theo dõi những động thái đầu tiên của tân Tổng thống bởi lý do rất đơn giản: "Behgjet Pacolli cũng có một hộ chiếu Thụy Sĩ", tờ nhật báo Le Matin nhắc lại. Trang thông tin Swissinfo cũng đưa nhiều thông tin về người "nhập cư khác thường" này. Behgjet Pacolli là người "đi lên tỉ phú từ nông dân".

Sau khi rời Kosovo năm 17 tuổi, Pacolli đã có thời gian làm nghề rửa bát cho một nhà hàng ở Hamburg. Giờ đây, ông đang đứng đầu một đế chế hùng mạnh và khẳng định làm ra "một khoản lợi nhuận 1,4 triệu frăng Thụy Sĩ mỗi ngày". "Một số tiền khổng lồ, thành quả của các hoạt động đa dạng trong đế chế Mabetex (với gần 16.000 nhân viên trên toàn thế giới). Công ty đặt trụ sở tại Lugano và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ xây dựng, tài chính, đến công nghiệp giải trí, từ khách sạn cao cấp (khách sạn năm sao tại Tessin) đến truyền thông (tờ Lajm và một kênh truyền hình)" - trang thông tin này cho biết.

Văn phòng Tổng thống Kosovo vừa loan báo chính thức, rằng tân Tổng thống Behgjet Pacolli đã quyết định dành toàn bộ số lương hàng tháng tặng cho những người dân nghèo khó.

Cụ thể là khoản lương tương đương 2.500 euro của vị nguyên thủ quốc gia sẽ được chia cho 10 gia đình đang có cuộc sống khó khăn nhất, dựa theo sự xét duyệt thường xuyên của một cơ quan tối cao có thẩm quyền.

Thực ra số tiền 2.500 euro chẳng đáng là bao so với vị tổng thống kiêm nhà tài phiệt 60 tuổi này. Ông Pacolli là người giàu nhất Kosovo cùng tổng giá trị tài sản cỡ 2 tỉ euro. Tổ hợp xây cất Mabetekx do ông làm chủ từng tham gia tôn tạo điện Kremlin ở Moskva (Nga), cũng như nhiều công trình văn hóa và tòa nhà chính phủ khác ở Italia, Đức, Arập Xêút, Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Kazakhstan, Trung Quốc và quần đảo Caribbean. Ngoài ra, tân Tổng thống Kosovo còn đứng tên chủ sở hữu mạng lưới cửa hàng cung cấp xăng OMV lớn nhất đất nước.

Theo tiểu sử chính thức, Behgjet Pacolli sinh ra trong một gia đình có 10 người con, lớn lên tại một ngôi làng không có điện và nước gần thủ phủ Pristina. Sau đó ông sang Đức vừa học vừa làm để lấy bằng cử nhân thương mại và marketing. Tổng thống B.Pacolli nói thông thạo 10 ngoại ngữ và có nhiều mối liên hệ thân hữu ở nhiều nơi trên thế giới. Riêng tại Mỹ ông thành lập công ty vận động hành lang "Liên minh vì một Kosovo mới", với hội đồng quản trị quy tụ những chính khách kỳ cựu cùng Tổng giám đốc là ngài William Walker, nguyên Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Đồng thời B.Pacolli cũng là một người bạn gần gũi của cựu Tổng thống Mỹ G.W.Bush.

Thành công của Behgjet Pacolli tại Kosovo phần nào bị lu mờ vì những cáo buộc tham nhũng và những hoạt động của ông tại các nước thuộc Liên Xô cũ, nơi ông có tình bạn khăng khít với những chính khách Nga dưới thời Tổng thống Eltsine hay với Tổng thống Kazakhstan, Noursoultan Nazarbaev. Nhưng đến thời điểm hiện tại, dù đã chú ý rất nhiều tới Behgjet Pacolli, luật pháp Thụy Sĩ cũng không tìm ra bất cứ điều gì để chỉ trích ông và người mà báo chí Thụy Sĩ vẫn gọi là "Beslusconi vùng Balkans" đã có thể theo đuổi "giấc mơ Kosovo" của mình.

Kosovo vốn là một tỉnh thuộc Cộng hòa Serbia tự tách ra tuyên bố độc lập dạo 3 năm trước. Cho đến nay chỉ có các nước thân phương Tây chịu công nhận nhà nước Kosovo, còn đa phần các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc vẫn một mực không thừa nhận do e ngại làn sóng đòi ly khai bùng phát. Thậm chí còn có tin đồn rằng quốc đảo Maldives ở Ấn Độ Dương với gần 300.000 dân đã nhận được khoản viện trợ 2 triệu USD từ Pristina,  trước khi quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Kosovo

Văn Bôl – Thu Hường (tổng hợp)
.
.