Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc 2018: Những dấu ấn đặc biệt

Thứ Tư, 21/03/2018, 14:24
Năm 2018 sẽ đi vào lịch sử Trung Quốc bằng nhiều dấu ấn quan trọng với những kỳ tích chưa từng có sau 40 năm cải cách mở cửa. Để duy trì kỳ tích, có thêm thành công trong thời đại mới, Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc 2018 đã xác định, tới năm 2020, Trung Quốc sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng đói nghèo. Người dân đang trông đợi ban lãnh đạo mới vừa được bầu ra sẽ đủ sức thực hiện nhiệm vụ nặng nề ở đất nước hơn tỷ dân này.

Mỗi phút có 25 người thoát nghèo

Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc năm 2018 (Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Khóa XIII), khai mạc từ ngày 3-3, đã bầu ra các chức danh lãnh đạo khóa mới, với người đứng đầu là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình; thông qua kế hoạch cải tổ Quốc vụ viện quy mô lớn nhằm củng cố bộ máy chính phủ hoạt động hiệu quả và hiệu lực hơn.

Việc Quốc hội Trung Quốc khóa XIII thông qua các nội dung sửa đổi hiến pháp như xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; tư tưởng chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc là một dấu mốc lịch sử. Như báo chí Trung Quốc đánh giá, Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc năm 2018 mang một ý nghĩa đặc biệt trong thời đại mới, hoàn thành thắng lợi xây dựng xã hội khá giả toàn diện, mở ra hành trình mới giành thắng lợi vĩ đại cho chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.

Dư luận quốc tế bày tỏ sự quan tâm tới những thay đổi trong ban lãnh đạo khóa mới của Trung Quốc cùng những đường hướng tương lai của nước này. Vladimirovich Denisov, nhà nghiên cứu cao cấp làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Bộ Ngoại giao Nga, đánh giá ông Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước là sự thể hiện ý nguyện chung của toàn dân Trung Quốc.

Còn ông Khaled Binet, Trưởng ban nghiên cứu Thông tấn xã Qatar thì nhấn mạnh rằng cải cách của Trung Quốc được tiến hành một cách toàn diện, công cuộc phát triển kinh tế gắn liền với cuộc chiến chống tham nhũng, phát triển khoa học công nghệ đi đôi với xóa đói giảm nghèo... qua đó cung cấp nhiều kinh nghiệm quý cho các nước khác tham khảo. Đây là lý do khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm đến những chính sách và tín hiệu quan trọng được Bắc Kinh đưa ra trong Kỳ họp Lưỡng hội lần này.

Có cùng quan điểm, Costa Gurria, Hiệu trưởng Đại học châu Âu Cyprus (EUC) cho rằng, thế giới hiện nay đầy biến động, bất ổn, việc ban lãnh đạo mới của Trung Quốc thể hiện trí tuệ và sức mạnh như thế nào để thúc đẩy phát triển, chống tham nhũng, xóa đói giảm nghèo sẽ là kinh nghiệm quý đối với thế giới.

Quả đúng như vậy, công cuộc “xóa đói giảm nghèo” là một ví dụ sinh động. Khái niệm “xóa đói giảm nghèo” giờ đây được khắc trên bia đá trước cổng các thôn xóm, trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ khích lệ các thôn xóm làm giàu thoát nghèo. Kể từ khi cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc tổng cộng giảm được hơn 700 triệu người nghèo, chiếm hơn 70% số người được giảm nghèo trên toàn cầu.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim cho biết: “Thành tựu giảm nghèo của Trung Quốc là một trong những sự kiện vĩ đại của lịch sử nhân loại”.

Nhấn mạnh kỳ tích xóa đói giảm nghèo mà Trung Quốc đã đạt được trong 5 năm gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tại lễ khai mạc Kỳ họp Quốc hội Khóa XIII, cho biết, GDP của Trung Quốc trong 5 năm vừa qua đã tăng từ 54.000 tỷ NDT lên 82.700 tỷ NDT, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 7,1%, tạo ra hơn 66 triệu việc làm mới ở các đô thị và thành phố; hơn 68 triệu người thoát nghèo; thu nhập cá nhân đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 7,4%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm giảm nghèo cho trên 13 triệu người. Cuộc chiến “xóa đói giảm nghèo” ở đất nước có dân số quy mô lớn nhất thế giới đã lập kỷ lục của nhân loại, mỗi giờ khoảng 1.500 người, mỗi phút khoảng 25 người thoát nghèo. Bình quân thu nhập đầu người của người dân đã tăng hơn 9.000 NDT.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Cao Bồi Dũng nhận định, đến năm 2020, dân tộc Trung Hoa sẽ lần đầu tiên xóa bỏ hoàn toàn tình trạng đói nghèo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên thệ trước Hiến pháp. Ảnh: Tân Hoa xã.

Tư tưởng phát triển lấy dân làm gốc và mục tiêu nước lớn

Ngoài cuộc chiến giảm nghèo, tại Kỳ họp Lưỡng hội vừa diễn ra, các đại biểu Trung Quốc còn bàn về nhiều biện pháp mới nhằm giải quyết hữu hiệu các vấn đề mà người dân lo lắng như quản lý ô nhiễm, an toàn thực phẩm, giáo dục y tế, nhà ở dưỡng lão... Thực hiện tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm; quan tâm tới các nhu cầu mới về cuộc sống tốt đẹp của quần chúng nhân dân. Nghĩ vấn đề mà người dân nghĩ, lo lắng vấn đề mà người dân lo, giải quyết khó khăn cho người dân... Quản lý đất nước có quy tắc, lấy việc có lợi cho người dân làm gốc.

Một thông tin được người dân hết sức quan tâm đó là việc Phiên họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Giám sát quốc gia, thiết lập Ủy ban Giám sát quốc gia. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ chống tham nhũng tới cùng. Đạt cho bằng được mục tiêu không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng.

Về ngoại giao, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng khẳng định với báo giới rằng, Trung Quốc theo đuổi mục tiêu "ngoại giao nước lớn" trong thời kỳ mới là việc Trung Quốc muốn cùng các nước xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới; thực hiện nhiều chính sách ngoại giao ưu đãi nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư của nước ngoài; thúc đẩy một môi trường kinh doanh đẳng cấp thế giới.

Tuy nhiên, cũng tại kỳ họp trên, việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng để dồn sức cho chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang đầy tham vọng không khỏi khiến các nước lo ngại. Theo báo cáo mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra tại phiên khai mạc kỳ họp, ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2018 được ấn định ở mức 1,11 nghìn tỷ NDT, tương đương 175 tỷ USD cũng phản ánh những dự định chiến lược của Trung Quốc trong việc không ngừng củng cố năng lực quân sự, gây quan ngại cho khu vực và thế giới.

Hoa Huyền
.
.