"Kỹ nghệ kiếm tiền" của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair

Thứ Hai, 30/09/2013, 07:45

Vừa qua, tạp chí Tatler chuyên về giới siêu giàu ở Anh, đã cho đăng tải một số bài viết đề cập tới các "kỹ nghệ" kiếm tiền của cựu Thủ tướng Tony Blair. Theo đó, trước khi rời ghế Thủ tướng Anh hồi năm 2007, ông Blair có thể đã kiếm được hàng trăm triệu bảng qua các công ty con trong giai đoạn 2007-2012, khiến mức lương thủ tướng hơn 190.000 bảng một năm chỉ như "tiền tiêu vặt".

Các bài viết miêu tả rất sống động khả năng "hút tiền" của ông Blair, từ những thương vụ tư vấn bộn tiền cho tới các buổi diễn thuyết với mức giá 2.000 bảng/ phút. Ước tính tài sản mà ông Blair tích lũy sau nhiều năm lặn lội trên thương trường lên tới hàng trăm triệu bảng Anh. Với vai trò cố vấn, ông được nhận 2 triệu bảng mỗi năm, chỉ với một lời mời và một lần ký kết với mức thù lao "không thể khước từ".

Thậm chí, cựu Thủ tướng còn dính đến các tin đồn "xin tiền" của bạn thân, vốn là những nhân vật nổi tiếng thế giới.

"Chạy sô" diễn thuyết và làm “trùm” tư vấn

Sau 10 năm giữ cương vị thủ tướng, ông Tony Blair đã rời phố Downing, để lại chiếc ghế cho người kế nhiệm Gordon Brown trong một mối quan hệ vô cùng sóng gió, và chính thức bước chân vào thương trường tài chính khốc liệt với chức vụ tư vấn. Theo tạp chí Tatler, hợp đồng tư vấn đầu tiên ông Blair ký với Chính phủ Kuwait mang tên "Kuwait 2035" có trị giá 30 triệu bảng.

Tiếp theo đó, ông Blair ký nhiều hợp đồng tư vấn khác thông qua dịch vụ tư vấn chính phủ - một chi nhánh trực thuộc Tập đoàn Tư vấn Tony Blair Associates (TBA), vốn phụ trách các hoạt động thương mại của cựu Thủ tướng. Trên thực tế, ông sở hữu các hợp đồng béo bở với những chính phủ dầu khí như Kazakhstan, Kuwait và các quỹ tài sản ở Trung Quốc, Abu Dhabi.

Tony Blair tiến rất nhanh trên con đường trở thành cựu Thủ tướng giàu có nhất xứ sương mù. Ông thâu tóm vị trí cố vấn về vấn đề thay đổi khí hậu, những xu hướng và trào lưu trong môi trường chính trị thế giới cho Tập đoàn Tài chính Zurich (Thụy Sĩ). Cả ông Blair và phía Zurich đều từ chối công bố chi tiết về mức lương của "cố vấn duy nhất".

Tuy nhiên một nguồn tin cho biết, Blair sẽ không nhấc điện thoại hay đặt bút ký nếu bản hợp đồng ít hơn 2 triệu bảng. Trước đó, Ngân hàng JP Morgan đã phải chi 3 triệu bảng để có được chữ ký của ông trong vai trò là nhà tư vấn về tác động của toàn cầu hóa tới kinh tế và chính trị.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong số các công việc sẽ giúp Tony Blair trở thành tỷ phú. Kể từ khi rời vị trí thủ tướng, ông Blair đã bắt đầu đảm nhiệm vai trò một nhà diễn thuyết. Blair vốn là luật gia, có tài hùng biện, thế nên nếu chỉ tính riêng thu nhập từ các buổi nói chuyện thì ông đã có thể bỏ túi mỗi năm không dưới 3 triệu bảng, với mức trung bình khoảng 120.000 bảng cho một bài diễn thuyết.

Tony Blair nhanh chóng trở thành nhà diễn thuyết có thu nhập cao nhất thế giới. Khách hàng mời ông đến thuyết giảng có các ngân hàng đầu tư, công ty quản lý tài sản tư và các hội doanh nghiệp. Danh sách đơn "đặt hàng" cứ dài ra từng ngày. Tony Blair đã xây dựng một đế chế riêng, phục vụ cho công việc với đại bản doanh là tòa nhà 4 tầng ở Quảng trường Grosvenor, London và văn phòng đại diện tại Mỹ, Trung Đông hay châu Phi.

Theo giới truyền thông Anh, kể từ khi mãn nhiệm, ông đã gom góp và tích lũy được ít nhất 30 triệu bảng từ các lần thuyết giảng trên toàn thế giới. Người ta ước tính rằng, con số thực tế có thể lên tới 80 triệu bảng. Không có bất kỳ cựu lãnh đạo nào trong lịch sử thế giới có thể kiếm tiền với tốc độ nhanh như vậy sau khi rời nhiệm sở.

Ông Blair bị nghi ngờ được cựu Ngoại trưởng Mỹ HilLary Clinton hậu thuẫn tài chính trong những năm còn đương chức Thủ tướng.

Chỉ tính riêng sau một năm bận rộn nói chuyện ở khắp nơi, khối tài sản của ông tăng gấp 6 lần. Ông từng trình bày bài thuyết giảng mang tên "Từ vĩ đại đến siêu việt" tại một thành phố ở Trung Quốc. Phía mời đã phải chi tới 1 triệu bảng cho cuộc thuyết giảng này, trong đó bao gồm chi cho trung gian môi giới, mời khách, tiệc chiêu đãi… riêng "nhuận khẩu" cho ông Blair là 25.000 bảng. Trước đó, ông Blair đã bỏ túi từ 50.000 đến 170.000 bảng cho mỗi buổi nói chuyện về các vấn đề địa lý, chính trị ở Tây Ban Nha và Philippines.

Lansdowne, một hãng đầu cơ nổi tiếng tại London, đã mời cựu Thủ tướng Tony Blair đến diễn thuyết trước 100 nhân viên cấp cao của công ty. Hãng Lansdowne nhận định: "Tony Blair hiện là một trong những diễn giả nổi tiếng nhất trong khu vực". Quỹ đầu cơ này nổi tiếng vì đã thuê ông Blair đến diễn thuyết để có cái nhìn chính xác về môi trường chính trị và đầu tư tại nhiều nước hoặc khu vực trên thế giới. Người phát ngôn của Lansdowne từ chối tiết lộ thù lao dành cho Tony Blair. Tuy nhiên, nguồn tin giấu tên cho biết, mức phí cho 90 phút nói chuyện là 180.000 bảng. Tính ra, mỗi phút cựu Thủ tướng Anh hưởng 2.000 bảng.

Ngoài ra, ông Blair còn kiếm được khoảng 10 triệu bảng nhờ viết hồi ký và 160.000 bảng tiền lương hưu thủ tướng mỗi năm. Gia đình ông mỗi năm cũng sẽ được hưởng 100.000 bảng từ quỹ trợ cấp công vụ để "đỡ đần họ trong cuộc sống sau khi ra khỏi ngôi nhà số 10". Mức trợ cấp miễn thuế này sẽ được trả cho ông Blair đến hết đời. Blair còn được hưởng nhiều thứ miễn phí như điện thoại, văn phòng phẩm, xe hơi, tài xế và một đội bảo vệ, như tất cả các vị tiền nhiệm. Tất cả ngốn của ngân quỹ nhà nước sơ sơ mỗi năm khoảng 3 triệu bảng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ông Blair sẽ kiếm được nhiều tiền hơn cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton hoặc cựu Thủ tướng Anh John Major về khoản tiền tác quyền, viết sách. Có nguồn tin cho rằng có người sẵn sàng trả 15 triệu bảng để độc quyền in và bán cuốn hồi ký của ông. Chưa kể tiền thù lao diễn thuyết, đầu tư địa ốc và lương cao của nhiều công ty lớn đang thuyết phục ông về làm cố vấn cho họ.

Wes Neff, ông chủ một công ty thuộc hàng đại gia chuyên tổ chức diễn thuyết ở New York, đánh giá "thương hiệu" Tony Blair trên thị trường diễn thuyết Mỹ: "Hiện nay những tên tuổi lớn bao gồm Bill Clinton, Rudy Giuliani và Colin Powell. Nhưng các vị này đã hoạt động trên thị trường từ ba bốn năm nay". Có nghĩa là ông Blair sẽ là một ngôi sao mới toanh trên thị trường Mỹ và chắc chắn sẽ rất đắt khách.

Vẫn còn những lẩn khuất

Toàn bộ những phỏng đoán về khối lượng tài sản riêng của ông Blair có lẽ chưa bao giờ chạm tới con số chính xác. Sự giàu có của ông Blair thực chất nằm ở những giao dịch có phần "thiếu minh bạch" của Tập đoàn TBA. Những cuộc làm việc và viếng thăm của ông tới Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất và Kuwait được đồn thổi với con số thù lao sẽ chạm tới ngưỡng 5 triệu bảng mỗi năm.

Từ đó, toàn bộ lợi nhuận được chia ra 6 công ty con do ông Blair quản lý, dưới những cái tên bắt đầu bằng Windrush hoặc Firerush. Dù ông Blair có "cố ý" công khai mức thu nhập của 2 công ty con, xấp xỉ 12 triệu bảng/ năm, tuy nhiên, lại giấu nhẹm chi tiết về nguồn gốc và cách thức tiền được chi trả cho tập đoàn. Để tránh thông tin bị rò rỉ, ông Blair đã cho lập những mê cung trên trang web của công ty để cập nhật thông tin mà không sợ tai mắt dư luận.

Tạp chí Tatler đã đặt liên tiếp các câu hỏi về vai trò chính trị của ông Blair và các thương vụ mà TBA xử lý. Ví dụ Tatler đưa ra là thương vụ mang lại cho ông Blair hơn 600.000 bảng sau ba tiếng làm việc cho JP Morgan. Ông Blair đã can thiệp để vụ sáp nhập lớn nhất của năm 2012 giữa hai tập đoàn khai mỏ Glencore International và Xstrata không bị sụp đổ; nhờ vậy ngân hàng tư vấn cho Xstrata, JP Morgan, không phải trả phí phá hợp đồng.

Theo Tatler, cổ đông lớn thứ nhì của Xstrata chính là gia đình Hoàng gia Qatar và hợp đồng chỉ được thông qua nhờ sự ủng hộ của Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim al-Thani, người vừa là bạn thân của ông Blair và vừa là đối tác làm ăn của vị cựu Thủ tướng.

Các bài viết của Tatler cho biết, khi còn đương chức, ông Blair đã nêu cao tầm quan trọng của sự minh bạch nhưng đã không thực hiện điều này sau khi rời nhiệm sở.

Giấu nhẹm thông tin thu nhập, Tony Blair còn thể hiện sự "chảnh" với con số tiền lương yêu cầu rất cao. Trung tâm nghiên cứu học thuật tại thị trấn Herzliya, Israel đã từng có lời mời ông Blair tới cộng tác trong một dự án nghiên cứu chiến tranh vô cùng nổi tiếng, bao gồm cả một hệ thống tướng lĩnh quân đội hàng đầu, các chính trị gia và học giả tài năng nhằm tìm ra hướng đi cho Israel nếu xảy ra chiến tranh với Iran.

Và dư luận bấy giờ "sốc" trước câu trả lời kiêu ngạo của ông, rằng: "Tôi sẽ rất vui được cộng tác với các bạn…, nếu tôi được trả công với mức giá là 100.000 bảng". Đến mức một nhà nghiên cứu phải thốt lên: "Điều đó vượt quá khả năng của những người thường như chúng tôi".

Chuyện kiếm tiền mỏi tay của ông Blair còn được phân tích kỹ lưỡng tới mức các bài viết nêu ra nghi ngờ việc cựu Thủ tướng Anh đang qua lại với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Theo tiết lộ, đây là mối quan hệ rất đặc biệt, tạo nền tảng cho việc các quỹ từ thiện của ông Blair và vợ đã nhận được ít nhất 1 triệu bảng từ bà Clinton.

Ngoài ra, quỹ từ thiện phụ nữ của bà Cherie Blair nhận được tổng số 405.000 bảng từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), trở thành số tiền lớn nhất trong số 550.000 bảng mà "Sáng kiến quản lý châu Phi" - một trong những tổ chức của Tony Blair nhận được trong năm 2011.

Một tổ chức giám sát của Mỹ đã yêu cầu tiến hành điều tra vì khoản tiền trên được phân bổ trong khi bạn quý của bà Blair là Hillary Clinton đang giữ vị trí ngoại trưởng và chịu trách nhiệm về số tiền đó. Cả ông Blair lẫn vợ đều phủ nhận mối quan hệ của họ với bà Clinton, được hình thành khi ông Blair còn là Thủ tướng. Tuy nhiên, khoảng một tháng sau khi số tiền được trao cho quỹ từ thiện của bà Blair, bà Hillary đã từ nhiệm.

Chưa hết, có tin đồn rằng, ông Blair còn xây dựng được mối quan hệ với một tỉ phú để nhận hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động từ thiện. Trong những lần tới Israel làm việc, Tony Blair đã trở nên thân thiết với Ofra Strauss - người sở hữu khối tài sản trên dưới 1,3 tỉ bảng. Dư luận đều đồn rằng, cựu Thủ tướng thực sự đã "phải lòng" khối tài sản của bà Strauss, và muốn chiếm gọn bằng kế hoạch nhờ giúp đỡ tài chính… từng đợt.

Tạp chí Tatler gọi ông Blair là cựu Thủ tướng "siêu giàu", tỏ ra khá bất mãn với lối sống và hoạt động kinh doanh từ sau khi rời phố Downing. Tony Blair đang sở hữu nhiều khối bất động sản có giá trị bạc tỉ, dành thời gian du ngoạn thế giới bằng máy bay riêng. Phải kể tới một biệt thự ở Buckinghamshire và Mayfair cũng như nhà cửa cho con cái ông ước tính vào khoảng 30 - 90 triệu bảng. Trong mỗi lần đi lại, ông thường ở các phòng khách sạn sang trọng, với một đội ngũ bảo vệ hộ tống.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Blair đã xóa tan nghi ngờ khi khẳng định ông dùng sự giàu có để cống hiến cho các quỹ từ thiện. "Tiền tôi kiếm được đã giúp tôi trang trải chi phí của các quỹ. Mục tiêu thực sự của tôi là tạo ra thay đổi trên thế giới chứ không phải là kiếm tiền. Nếu tôi chỉ đơn giản muốn tích lũy thật nhiều tiền thì có những cách đơn giản hơn và ít tốn thời gian hơn nhiều"…

Anh Doãn - Việt Dũng (tổng hợp)
.
.