Lebanon: Chính phủ sụp đổ sau vụ nổ
Tính đến ngày 10-8, số người chết trong vụ nổ kho ammonium nitrate ở cảng Beirut đã lên hơn 200 người, hàng chục người còn mất tích, hơn 6.000 người bị thương, 300.000 người mất nhà cửa. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10 đến 15 tỉ USD.
Trong khi đó, việc truy cứu trách nhiệm những người liên quan đến vụ nổ vẫn đang được tiến hành. Đài phát thanh quốc gia Pháp dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Lebanon Charbel Wehbe cho biết, một ủy ban điều tra được giao nhiệm vụ phải xác định cho được trách nhiệm thuộc về ai trong vụ tai nạn kinh hoàng này.
Trước mắt, cơ quan điều tra đã bắt giam khoảng 20 người, trong đó có Cục trưởng Hải quan Beirut Badri Daher và Hassan Koraytem, Tổng Giám đốc Cảng vụ Beirut. Hai người này sẽ bị giam giữ cho đến khi nào có kết quả điều tra.
Thủ tướng Lebanon Hassan Diab. |
Ngày 10-8, Công tố viên Ghassan El Khoury bắt đầu thẩm vấn tướng Tony Saliba, người đứng đầu cơ quan An ninh Nhà nước Lebanon, để làm rõ trách nhiệm liên quan trong việc đảm bảo an ninh khu vực cảng Beirut, nhất là trước những cáo buộc các cơ quan an ninh đã lơ là trách nhiệm sau khi đã có nhiều lời cảnh báo nguy hiểm từ những người canh giữ kho ammonium nitrate.
Những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc khủng hoảng chính trị đã xuất hiện. Thông tin từ báo chí cho biết, cơ quan an ninh Lebanon đã tổng hợp báo cáo về những mối nguy hiểm của việc lưu trữ ammonium nitrate tại cảng Beirut và đã gửi một bản báo cáo đến văn phòng của Tổng thống Aoun và Thủ tướng Diab vào ngày 20-7 vừa qua. Chi tiết này đang đặt ra vấn đề trách nhiệm của những người có liên quan ở Văn phòng Tổng thống Aoun và Văn phòng Thủ tướng Diab, kể cả Tổng thống và Thủ tướng.
Bên cạnh việc từ chức của Chính phủ, hàng loạt nghị sĩ cũng từ chức, con số có thể sẽ bắt đầu gia tăng trong vài tuần tới, khi cuộc điều tra làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan vụ nổ và làn sóng giận dữ tiếp tục gia tăng. Một số chính khách đối lập cho rằng ít nhất phải có 43 nghị sĩ từ chức để tổ chức bầu cử lại. Vấn đề trách nhiệm của những người trong bộ máy nhà nước dẫn đến vụ tai nạn cũng là mấu chốt khiến người dân nổi giận và xuống đường phản đối. Người biểu tình đã chiếm trụ sở một số cơ quan chính phủ, đưa ra các yêu sách đòi cải cách hệ thống chính trị, kinh tế.
Một cuộc vận động quốc tế cứu trợ cho Lebanon đang được phát động và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người khởi xướng. Ngày 9-8, ông Macron đã chủ trì cuộc họp trực tuyến từ xa với Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo một số nước để bàn việc vận động gây quỹ cứu trợ Lebanon. Liên Hợp Quốc cho rằng trước mắt Lebanon cần gấp khoảng 117 triệu USD trong 3 tháng tới để giải quyết ngay những vấn đề cấp thiết nhằm khôi phục lại một phần thành phố sau tai nạn.
Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad. |
Cho đến nay, Chính phủ Anh đã viện trợ 5 triệu bảng (tương đương 6,5 triệu USD) và đang hứa sẽ viện trợ thêm 20 triệu bảng. Lãnh đạo các quốc gia đã hứa viện trợ tổng số tiền lên đến hơn 300 triệu USD. Tuy nhiên, tiền viện trợ nghe “rôm rả” nhưng không phải là không có điều kiện. Lãnh đạo các quốc gia viện trợ đã ra điều kiện số tiền viện trợ này sẽ không được giải ngân nếu Chính phủ Lebanon không đáp ứng các đòi hỏi cải cách chính trị và kinh tế mà người dân đặt ra.
Trong khi đó, Israel - “kẻ thù truyền thống” của Hezbollah, đã lên tiếng chỉ trích phong trào Hồi giáo này “cố tình tích trữ tên lửa và vũ khí” trong khu vực đông dân cư. Dù không trực tiếp cáo buộc Hezbollah liên quan vụ nổ, nhưng Tel Aviv cũng ám chỉ việc tích trữ vũ khí của Hezbollah khắp các khu vực dân cư là một “minh chứng” có liên quan.
Đáp trả những lời chỉ trích của Israel, Bộ Ngoại giao Iran cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc các nước phương Tây và đồng minh lợi dụng vụ nổ cho mục đích chính trị của riêng mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho rằng “người dân nổi giận là điều tự nhiên” nhưng “nếu một số người, tổ chức hay quốc gia nước ngoài nào lợi dụng tai nạn để áp đặt ý định của họ là không thể chấp nhận”.
Như một sự trùng hợp, vụ nổ ở cảng Beirut xảy ra đúng dịp Tòa án La Hay ra phán quyết đối với 4 thành viên phong trào Hồi giáo Hezbollah, bị cáo buộc là thủ phạm vụ đánh bom sát hại cựu Thủ tướng Rafik Hariri vào tháng 2-2005. Vụ đánh bom năm đó đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và mở ra một giai đoạn chính trị mới, trong đó Lebanon được cho là đã thoát khỏi sự kiểm soát nhiều mặt của Syria. Suốt từ đó đến nay, Hezbollah đã dần củng cố vị thế, trở thành lực lượng chính trị có quyền lực mạnh nhất ở Lebanon.
Quyền lực của Hezbollah không chỉ thể hiện trong nghị trường mà cả trong bộ máy chính quyền. Nhiều người ở Lebanon cho rằng các thế lực chống Hezbollah đang có ý định lợi dụng vụ nổ ở cảng Beirut để dồn ép, khống chế Hezobllah. Đó sẽ là một sai lầm lớn, bởi một cuộc đối đầu trực diện với Hezbollah sẽ đẩy đất nước Lebanon vào một cuộc khủng hoảng mới, sẽ càng làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế mà người dân nước này đang trải qua.