Lebanon: Thủ tướng mới, thách thức cũ

Thứ Hai, 07/09/2020, 21:27
Đại sứ Lebanon tại Đức Mustapha Adib vừa được các đảng phái trong Quốc hội Lebanon đồng thuận đề cử và được Tổng thống Michel Aoun bổ nhiệm làm thủ tướng mới của nước này. Liệu bước đột phá này có giúp Lebanon vượt qua loạt khủng hoảng chồng chất hiện nay?

Đại sứ Mustapha Adib được giới bình luận đánh giá là một nhà ngoại giao ít được biết đến cho đến khi nhận được 90 phiếu ủng hộ trên tổng số 128 thành viên Quốc hội Lebanon để sau đó được Tổng thống Aoun bổ nhiệm. Bước đột phá được tạo ra vài giờ trước khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt chân đến Lebanon cho chuyến thăm hôm 31-8, trong đó ông dự kiến sẽ thúc giục giới chính khách Lebanon nhanh chóng xây dựng một thỏa hiệp chính trị mới nhằm đưa đất nước vượt khủng hoảng.

Động thái đầu tiên của ông Adib sau khi nhận chức thủ tướng là đến thăm khu Gemmayzeh, một trong những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất trong vụ nổ ở cảng Beirut và trò chuyện với người dân tại đây. Giới quan sát đánh giá hành động này của ông Adib chưa có vị chính khách nào trước đây từng làm. Tuy nhiên, thái độ của người dân địa phương lại chưa hoàn toàn tin tưởng vào ông Adib và họ đặt ra yêu cầu nếu ông không làm gì để đưa sự thật ra ánh sáng thì họ cũng sẽ chẳng cần đến ông.

Vụ nổ cảng Beirut cũng là một trong những khủng hoảng tồi tệ mà Lebanon đang đối mặt, đặt ra những thách thức to lớn cho tân Thủ tướng. Đến nay, vụ nổ đã khiến cho 190 người chết và 6.000 người bị thương, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa, gây thiệt hại lan rộng ở các khu dân cư và thương mại. Vụ nổ được ví như quả bom nổ chậm đã phát nổ đối với hệ thống chính trị bảo thủ, trì trệ và bị cáo buộc tham nhũng của Lebanon. Nó khiến cho chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab phải từ chức trước áp lực quá lớn từ dư luận cũng như giới chính trị đối lập.

Tân Thủ tướng Mustapha Adib.

Để giải quyết tận gốc hậu quả của vụ nổ cảng Beirut, ông Adib tuyên bố ông mong muốn thành lập chính phủ trong thời gian ngắn nhất có thể nhằm đẩy nhanh tiến độ cuộc điều tra đối với vụ nổ. Phát biểu tại Dinh tổng thống sau khi được bổ nhiệm Thủ tướng, ông Adib khẳng định ông sẽ thành lập một nội các chính phủ bao gồm những chuyên gia và sẽ làm việc với Quốc hội để mau chóng đưa đất nước vào guồng quay để chấm dứt tình trạng khủng hoảng nguy hiểm hiện nay.

Ông Adib cho rằng “cơ hội vàng” cho đất nước ông là khá hạn hẹp, vì vậy ông cần các nhóm chính trị cùng nhận thức được điều đó để nhiệm vụ của ông được thực thi đầy đủ. Tân Thủ tướng Adib cho rằng các cải cách cần được tiến hành ngay lập tức thông qua một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đến nay, IMF và các lãnh đạo thế giới vẫn đang từ chối viện trợ cho Lebanon với lý do nước này vẫn chưa cho thấy động thái cải cách cụ thể.

Sự đồng thuận nhanh chóng xung quanh cương vị mới của ông Adib là dấu hiệu cho thấy giới chính khách truyền thống ở Lebanon đang rất khẩn trương trước tình hình các cuộc khủng hoảng dồn dập đang vây hãm đất nước, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế và tài chính. Họ muốn thể hiện động thái cụ thể trước chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron. Ông Adib là cái tên duy nhất được tất cả các đảng phái ủng hộ ngồi vào ghế Thủ tướng, vừa phù hợp với truyền thống chia sẻ quyền lực thế tục của Lebanon, vừa phù hợp với các thành phần tôn giáo. Ông được 4 cựu thủ tướng đề cử ngay hôm trước phiên họp bỏ phiếu của Quốc hội và tham vấn Tổng thống.

Sau cuộc họp tham vấn với Tổng thống Aoun hôm 30-8, cựu Thủ tướng Saad Hariri nói rằng tất cả 18 thành viên khối của ông trong Quốc hội đều ủng hộ ông Adib. Ông Hariri cũng kêu gọi thành lập nội các chính phủ bao gồm các chuyên gia nhằm triển khai các cải cách một cách hiệu quả nhằm mục tiêu khôi phục niềm tin của thế giới đối với nền kinh tế Lebanon, từ đó giúp đất nước vượt qua khủng hoảng. Ngay cả phong trào Hồi giáo Hezbollah cũng hoàn toàn ủng hộ ông. Thủ lĩnh Hezbollah, giáo sĩ Hassan Nasrallah tuyên bố tất cả tín đồ của ông và các đồng minh đều ủng hộ tân Thủ tướng Adib.

Sau khi thành lập nội các mới, nhiệm vụ hàng đầu của ông Adib sẽ là chấn hưng nền kinh tế, đưa đất nước Lebanon từng bước thoát ra khỏi các cuộc khủng hoảng. Đây được xem là nhiệm vụ khó khăn nhất trong các nhiệm vụ mà tân Thủ tướng Lebanon phải làm ngay.

Giới phân tích mô tả nền kinh tế Lebanon đang trong tình trạng “rơi tự do”. Và vụ nổ cảng Beirut chỉ góp một phần vào khủng hoảng. Khủng hoảng kinh tế đã kéo dài từ nhiều năm. Đi kèm với khủng hoảng kinh tế lại có thêm cuộc khủng hoảng tài chính, đã làm cho đồng tiền Lebanon bị mất đến 80% giá trị. Đầu năm 2020, khủng hoảng lại chồng thêm khủng hoảng bởi đại dịch COVID-19. Đến nay, Lebanon đã ghi nhận hơn 18.000 ca nhiễm và gần 200 người chết. Đại dịch kéo theo giãn cách xã hội, nhiều hoạt động phải đình trệ, từ đó làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế.

Tháng 3-2020, lần đầu tiên trong lịch sử, Lebanon thông báo vỡ nợ, mất khả năng chi trả khoản nợ công lên đến 92 tỉ USD, tức gần 170% GDP, một trong những tỉ lệ nợ công cao nhất thế giới hiện nay. Tháng 5-2020, chính phủ nước này đã tiến hành đàm phán với IMF nhằm tìm kiếm khoản vay giải cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, đàm phán bị bế tắc do các chủ nợ quốc tế đặt điều kiện cải cách quyết liệt đối với Chính phủ Lebanon.

Khủng hoảng chồng chất đã làm cho đất nước Lebanon gần như kiệt quệ, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Thất nghiệp, nghèo đói đều tăng cao, còn lạm phát thì tăng kịch trần. Gần một nửa dân số Lebanon hiện đang sống dưới ngưỡng nghèo và 35% không có việc làm. Đã vậy, Lebanon còn gánh thêm tình trạng người tị nạn chiến tranh từ Syria chạy sang tá túc khiến cho tình hình càng trở nên không có lối thoát. Hàng triệu người đã phải rời bỏ quê hương đi tìm sinh kế ở châu Âu hay bất cứ nơi nào khác có thể.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.