Lệnh bắt giam TT Sudan của ICC gây chia rẽ cộng đồng quốc tế

Thứ Năm, 12/03/2009, 09:05
Tòa án Hình sự quốc tế (ICC được thành lập năm 2002 để xử các tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Tòa án này đã được hơn 100 quốc gia công nhận) ngày 4/3 vừa qua đã ra trát bắt giam đương kim Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị quy kết phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.

Đây là lần đầu tiên, một vị tổng thống đương nhiệm bị một tòa án quốc tế ra lệnh bắt giam. Việc làm này của ICC đang gây chia rẽ sâu sắc cộng đồng quốc tế và tạo lo ngại về bạo động có thể bùng nổ ở Sudan.

Trong cuộc họp báo được tổ chức tại khuôn viên phiên tòa La Hague ngày 4/3 vừa qua, trưởng công tố viên của ICC, Luis Moreno Ocampo, khẳng định là có đủ bằng chứng để bắt giam Tổng thống Sudan.

Ông Moreno Ocampo cho biết, tòa án đã có hơn 30 nhân chứng sẵn sàng ra tòa và chứng minh là ông Al-Bashir kiểm soát tất cả mọi thứ, và những bằng chứng này sẽ cho các thẩm phán thấy rằng đây là một vụ án diệt chủng thật sự chứ không phải chỉ là những tin đồn.

Tháng 7/2008, ông Moreno Ocampo đã yêu cầu ICC ban hành lệnh bắt giam Tổng thống Omar al-Bashir, 65 tuổi, người đứng đầu quốc gia lớn nhất ở châu Phi từ năm 1989. Ông Al-Bashir bị tố cáo là đã gây ra các tội ác chiến tranh và chống nhân loại tại vùng Darfur, phía tây Sudan.

Năm 2005, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã chấp thuận nghị quyết số 1593 đề nghị đưa tình hình ở Darfur ra trước Tòa án Tội phạm Quốc tế La Haye, tìm nguyên nhân và trách nhiệm về những tội ác đã dẫn đến cái chết của khoảng 300.000 người và khiến hơn 2 triệu người khác phải sơ tán, kể từ năm 2003.

Tháng 7/2008, Trưởng ban công tố ICC đã trình bày với hội đồng gồm 3 thẩm phán các bằng chứng cáo buộc Tổng thống Bashir về trách nhiệm có liên quan đến các tội ác đối với nhân loại và các tội ác chiến tranh, đồng thời yêu cầu tòa công bố trát bắt ông Al-Bashir.

Phát ngôn viên của Tòa án La Haye, Laurence Blairon, cho biết, tòa sẽ gửi trát tới Chính phủ Sudan sớm để yêu cầu bắt giữ Tổng thống.

Trong khi đó tại Sudan, Tổng thống Al-Bashir vẫn tỏ ra rất bình tĩnh và cho biết trong mọi trường hợp ông không thừa nhận các quyết định của ICC.

Tuyên bố tại buổi khánh thành một đập thủy điện tại thành phố Merowe, miền Bắc Sudan, Ông Al-Bashir cho biết, ICC không biết gì về những sự thật đang xảy ra tại Sudan, thay vào đó người dân nên nhìn rõ những chương trình phát triển của quốc gia này, và ông cũng loan báo một loạt những dự án khác kể cả việc xây thêm những đập nước, đường sá và phân phối đất cho người dân để làm ruộng, chấm dứt nạn đói nghèo ở Sudan và là một trong những kế hoạch phát triển và tái thiết đất nước này.

Cũng nhân dịp này, ông Al-Bashir thông báo việc cắt giảm giá điện từ 25 đến 30% cho người nghèo và những ngành công nghiệp và nông nghiệp.

Việc ban hành lệnh bắt giam Tổng thống Sudan của ICC đang gây chia rẽ trong cộng đồng quốc tế. Trung tuần tháng 2 vừa qua, trong một cuộc họp không chính thức của HĐBA LHQ, đại diện của Liên hiệp châu Phi và của Liên đoàn Arập kêu gọi ngưng các thủ tục tố tụng nhắm vào ông Al-Bashir.

Trong khi đó, chiếu theo điều khoản 16 của Quy chế Roma, văn bản thành lập ICC, thì HĐBA LHQ có thể yêu cầu tòa án dời lại quyết định trong một năm, và thời hạn này có thể được gia hạn. Theo các nhà ngoại giao, có 6 nước thành viên HĐBA sẵn sàng bỏ phiếu yêu cầu ICC ngưng các thủ tục tố tụng đối với Tổng thống Sudan, nhưng còn thiếu 3 nước để yêu cầu của HĐBA LHQ được chấp nhận.

Tình hình đã trở nên căng thẳng hơn tại Sudan trong lúc chờ đợi phán quyết của ICC. Trung Quốc (quốc gia đầu tư chính vào công nghiệp dầu khí của Sudan), Liên hiệp châu Phi và Hiệp hội Các quốc gia Arập đã lên tiếng cảnh báo việc này có thể gây nên bất ổn trong khu vực, làm cho cuộc tranh chấp tại Darfur sẽ tệ hại hơn, và đe dọa những hiệp ước hòa bình giữa bắc Sudan và những tổ chức bán tự trị ở miền Nam.

Về việc Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã ra lệnh bắt Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng trả lời phóng viên ngày 5/3/2009: Chúng tôi rất quan ngại trước việc ICC ra lệnh bắt Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và cho rằng quyết định trên sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình hòa hợp, hòa giải tại Sudan và các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình, toàn diện và bền vững cho vấn đề Darfur.

(Website Bộ Ngoại giao VN)

Một số tòa đại sứ các nước phương Tây đã lên tiếng cảnh báo kiều dân của họ về vấn đề bạo động có thể bùng nổ nếu ông Al-Bashir bị ban trát bắt giữ.

Trước đó, hôm 3/3, người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình tại Sudan là ông Alain Leroy đã bày tỏ sự lo ngại về bạo động có thể bùng nổ ở Sudan, nếu ICC quyết định truy tố và ban trát bắt giữ Tổng thống Al-Bashir. Ông Leroy nói ông không thể nào tiên đoán chính xác những gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn đây sẽ là một sự kiện rất đáng ngại.

Sẽ có những vụ bạo động ở một số nơi, nhưng không biết là tình hình bạo động sẽ diễn ra như thế nào, và mọi người hy vọng chính quyền Sudan sẽ có trách nhiệm để bảo đảm tình trạng an ninh chung cho người dân.

Ông Leroy cũng yêu cầu chính quyền Sudan cũng như những nhóm kháng chiến trong nước hãy tự kiềm chế, và không lợi dụng cơ hội này để mở những cuộc tấn công lẫn nhau, vì ông cho rằng điều này sẽ gây thêm xáo trộn trong khu vực. An ninh hiện đã được thắt chặt tại thủ đô Khartoum của Sudan, và người ta dự kiến sẽ có nhiều cuộc biểu tình lớn ủng hộ cho ông Al-Bashir trong những ngày tới

N.Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.