Liban: Đám cháy lan từ Syria

Thứ Năm, 31/05/2012, 06:35

Tình hình Liban đang ngày càng trở nên căng thẳng do những bất ổn từ nước láng giềng Syria. Một phần là sự căng thẳng giữa các phe phái chính trị ở Liban ủng hộ và chống Tổng thống Bashar al-Assad của Syria, phần nữa là do thành phần phiến quân chống Chính phủ ở Syria gây hấn với Liban. Nguy cơ lớn nhất chính là sự xung đột giữa 2 phái tôn giáo Sunni và Shiite.

Đúng như giới phân tích lo ngại, “đám cháy” ở Syria cuối cùng đã lan sang nước láng giềng Liban. Diễn biến mới nhất của “đám cháy” này chính là vụ bắt cóc 12 người trên một chuyến xe buýt ở tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria. Theo các nhân chứng, vào ngày 22/5, những người Liban đi hành hương ở Iraq đang trên đường về nhà ở Liban, trên chuyến xe buýt do một tài xế người Syria lái.

Khi xe đến địa phận tỉnh Aleppo thì bị một nhóm phiến quân thuộc lực lượng FSA chặn lại. 11 người đàn ông và tài xế xe bị bắt, phụ nữ và trẻ em được thả. Những người bị bắt cóc thuộc dòng Hồi giáo Shiite. Vì thế, vụ bắt cóc ngay lập tức gây nên làn sóng phản đối mới ở khu vực của người Hồi giáo Shiite ở phía nam thủ đô Beirut. Người ta đổ ra đường, đốt xe và chặn các ngả lưu thông.

Tình hình có lẽ sẽ càng tồi tệ hơn nếu thủ lĩnh Hezbollah (dòng Shiite) Sheik Hassan Nasrallah không lên truyền hình kêu gọi mọi người bình tĩnh, không có hành động trả đũa, đồng thời yêu cầu Chính phủ Liban tìm mọi cách để giải cứu 12 người bị bắt cóc.

Đó mới chỉ là một phần. Trước khi vụ bắt cóc xảy ra, bạo lực căng thẳng giữa 2 phe ủng hộ và chống Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã xảy ra tại nhiều nơi, đặc biệt là tại thành phố Tripoli ở ven biển phía bắc Liban và thủ đô Beirut. Bạo lực được cho là bắt nguồn từ sau khi giáo sĩ Sunni chống Syria bị bắt và giết chết tại khu Akkar, ngoại ô phía nam Beirut vào hôm 20/5 và lan ra nhiều nơi.

Hôm 21/5, một màn đấu súng phóng lựu và súng máy tiểu liên đã làm chết ít nhất 2 người. Thành phố Tripoli được xem là "thủ phủ của người Sunni" và cũng là nơi khởi phát làn sóng bạo lực hiện nay. Từ cách đây một tuần, bạo lực giữa các phái tôn giáo Sunni và Shiite (ở Liban còn gọi là người Alawite) tại thành phố này đã gây chú ý mạnh vì nó mang tính chất cuộc đối đầu giữa các thành phần ủng hộ và chống Syria. Căng thẳng được đẩy lên cao sau khi giáo sĩ Sunni tên là Shadi Mawlawi bị an ninh Liban bắt giam và thẩm vấn do nghi ngờ có liên quan đến khủng bố Al-Qaeda. Ngày 22/5, Mawlawi được tại ngoại sau khi nộp tiền thế chân.

Chẳng có gì lạ khi các phe phái ở Liban chia rẽ vì tình hình Syria. Họ vốn nổi tiếng là dễ xung đột, từ lâu nay rất dễ chia rẽ vì tình hình biến động ở một trong những quốc gia láng giềng. Thập niên 70 thế kỷ trước, Liban đã từng xung đột dữ dội vì vấn đề của người Palestine, và xung đột đó đã dẫn đến nội chiến kéo dài 15 năm (1975-1990). Nay thì tình hình tuy chưa đến mức có thể dẫn đến nội chiến, nhưng sự giống nhau khiến nhiều người lo ngại "lịch sử lặp lại".

Biểu tình chống chiến tranh tại Syria.

Syria và Liban có mối quan hệ truyền thống lâu đời, và Syria từng duy trì quân đội trên đất Liban suốt 30 năm để bảo đảm an ninh trước mối đe doạ thường trực từ Israel. Do đó, Syria có ảnh hưởng đáng kể đối với Liban.

Từ sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri năm 2005, đất nước Liban đã bị phân chia rõ rệt thành 2 phe: ủng hộ và chống Syria. Do vậy, ngay từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Syria, Chính phủ của Thủ tướng Liban Najib Mikati đã công khai tuyên bố một chính sách trung lập, không can dự vào bất kỳ bên nào ở Syria để tránh bị "cháy lan". Suốt một năm trời, chính sách đó xem ra phát huy hiệu quả. Nay thì tình hình đã thật sự trở thành một mối lo lớn. Và người ta lo ngại những xung đột này có thể dẫn đến nội chiến như trong những thập niên 70-90 thế kỷ XX.

Thủ tướng Mikati của Liban đang bị đặt vào thế khó xử. Là một người thuộc dòng Hồi giáo Sunni đến từ thành phố Tripoli, Thủ tướng Mikati phải cân nhắc thật kỹ trong từng hành động, lời nói của mình để tránh xung đột giữa nội các chính phủ gồm đa số theo dòng Shiite với thành phần Sunni ở quê nhà mình. Tình hình đang cho thấy Beirut khó có thể tiếp tục duy trì chính sách "vô can" khi mà các khu vực dọc biên giới phía bắc giáp với Syria còn đang chứa đến 24.000 người Syria tị nạn, đa số là Sunni.

Tại sao "đám cháy" Syria không được dập tắt mà lại để lan sang Liban? Và sau Liban, "đám cháy" Syria sẽ lan sang nước nào nữa, Thổ Nhĩ Kỳ hay Iraq? Vấn đề này đã được giới phân tích tình hình Trung Đông cảnh báo nhiều lần: Phương Tây không nên can thiệp vào nội bộ Syria, vì như vậy chỉ khiến bất ổn sẽ bùng phát mạnh và lan rộng trong toàn khu vực Trung Đông.

Điển hình là Syria, tình trạng bất ổn kéo dài và khó dập tắt được, kể cả sau khi có Kế hoạch hòa bình của Liên Hiệp Quốc, là do phe đối lập và phiến quân FSA có được chỗ dựa, sự hậu thuẫn, khích lệ từ bên ngoài, cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây. Điều đặc biệt nguy hiểm là xung đột tôn giáo giữa 2 dòng Hồi giáo Sunni và Shiite có nguy cơ biến thành làn sóng xung đột mới khắp khu vực Trung Đông, mà không một thế lực nào trên thế giới có thể ngăn chặn được

Văn Trương (tổng hợp)
.
.