Liban: Tướng Michel Suleiman được chọn làm Tổng thống

Thứ Năm, 27/12/2007, 09:30
Nỗ lực tìm kiếm "nhân vật thỏa hiệp" của các đảng phái Liban, cuối cùng đã mang lại kết quả không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích. Ngày 3/12, sau 5 lần hoãn, các chính đảng Liban đã nhất trí đề cử tướng Michel Suleiman, Tổng tư lệnh quân đội, ra ứng cử chức tổng thống Liban, chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài gần suốt năm nay tại nước này.

Tướng Michel Suleiman năm nay 59 tuổi, được dư luận đánh giá là người có quan điểm trung dung nhất ở Liban. Ông được Tổng thống Emile Lahoud bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân đội vào năm 1998 và nắm giữ chức vụ này cho đến nay.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Liban kéo dài hơn 2 tháng qua, tướng Suleiman là một trong những ứng cử viên hàng đầu, và là nhân vật mang tính thỏa hiệp, được xem là người thích hợp nhất lên thay thế Tổng thống Emile Lahoud trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, về nguyên tắc thì tướng Suleiman không được phép làm Tổng thống Liban do quy định trong Hiến pháp. Có lẽ chính vì lý do này mà ông đã không được chọn ngay từ đầu.

Chỉ sau khi không thể tìm ra lối thoát cho bế tắc chính trị kéo dài, các đảng phái mới chấp nhận ông như một sự chọn lựa khôn ngoan nhất.

Các đảng phái Liban đã cam kết sẽ sửa đổi Hiến pháp để tướng Suleiman có thể chính thức nhậm chức Tổng thống. Như vậy, ông Suleiman sẽ là vị tướng thứ 2 làm Tổng thống Liban.

Ngoài lý do là nhân vật thỏa hiệp, ông Suleiman được liên minh cầm quyền “14 tháng Ba” do Saad Hariri dẫn đầu ủng hộ còn vì một lý do khác: Ông là sự lựa chọn cuối cùng của liên minh này, không còn sự lựa chọn nào tốt hơn.

Trên thực tế, việc Liban chọn ông Suleiman làm Tổng thống sau khi Hội nghị Annapolis kết thúc đã có ý nghĩa nhất định: Chờ đợi “tín hiệu” từ Damascus. Và tín hiệu đó cho thấy rằng liên minh “14 tháng Ba” không còn cơ hội nhận được sự hậu thuẫn tối đa của Mỹ nữa.

Nhìn lại những lần khủng hoảng chính trị của Liban trong hơn 2 năm qua kể từ sau cái chết của cựu Thủ tướng Rafik Hariri, người ta thấy chính trường Liban phân hóa rõ rệt giữa một phe ủng hộ và một phe chống Syria.

Phe chống Syria bao gồm Chính phủ thân phương Tây của Thủ tướng Fouad Siniora và các đảng phái liên minh “14 tháng Ba” được Mỹ, phương Tây và Arập Xêút hậu thuẫn; còn phe ủng hộ Syria bao gồm nhóm Hồi giáo Shiite Hezbollah và các đảng đối lập khác nhận sự hậu thuẫn từ Syria và Iran.

Từ lâu nay, các cuộc xung đột, khủng hoảng chính trị ở Liban không chỉ đơn thuần là cuộc đấu đá giữa các phe phái chính trị trong nước mà còn ít nhiều chịu sự tác động từ bên ngoài. Chính vì thế mà các chuyên gia phân tích đã gọi Liban là “sàn đấu” chính trị của các thế lực bên ngoài, và nước này đang chịu tác động trực tiếp từ cuộc tranh giành ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông giữa Arập Xêút với Iran và Syria.

Dư luận cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị xung quanh việc bầu tổng thống mới tại Liban hiện nay đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các động thái chính trị gần đây của Mỹ và Syria.

Trước hết phải kể đến việc Syria đã hợp tác tốt trong vấn đề an ninh ở Liban và Iraq, sau vài lần gặp giữa các quan chức ngoại giao Mỹ - Syria từ tháng 3/2006 đến nay.

Syria đã thực thi việc đóng cửa biên giới với Iraq nhằm ngăn chặn các phần tử cực đoan từ các nước trong khu vực mượn đường xâm nhập vào Iraq. Hành động này đã góp phần cải thiện tình hình an ninh tại Iraq, làm giảm các vụ tấn công liều chết so với trước đây.

Đáng chú ý là sau cuộc gặp mặt giữa Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice với Ngoại trưởng Syria Walid Moualem tại Hội nghị Sharm el-Sheikh, Ai Cập hồi tháng 5/2007, ông Moualem đã liên tục được các đồng nghiệp từ Anh, Đức và Pháp tiếp xúc để bàn giải pháp góp phần ổn định tình hình Liban.

Đỉnh điểm của những động thái tích cực là việc Syria cử Thứ trưởng Ngoại giao Faysal Miqdad đi dự Hội nghị quốc tế về Hòa bình Trung Đông tại thành phố Annapolis, bang Maryland, Mỹ. Như báo chí đã thông tin, kết quả của Hội nghị Annapolis sẽ ảnh hưởng đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Liban.

Theo tờ Time, dư luận chung sau Hội nghị Annapolis cho rằng, giữa Syria và Mỹ dường như “đã đạt được một thỏa thuận nào đó về việc ai sẽ làm tổng thống Liban” - trong nỗ lực giúp Liban tìm kiếm giải pháp ổn định tình hình an ninh, chính trị tại nước này. (Năm 1990, Tổng thống Mỹ George W.H. Bush từng bật đèn xanh cho việc Syria đưa quân đội vào Liban, giúp nước này chấm dứt nội chiến để đổi lấy việc Syria hỗ trợ Mỹ đánh bật quân đội Iraq của Tổng thống Saddam Hussein ra khỏi Kuweit trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần 1 năm 1991).

Vào những ngày cuối tháng 11/2007, công tố viên LHQ người Bỉ Serge Brammertz đã công bố báo cáo điều tra về cái chết của ông Rafik Hariri. Báo cáo không những không nêu ra bất cứ cái tên nghi can nào là người Syria, mà còn “khen ngợi” Syria đã hợp tác tốt trong cuộc điều tra của LHQ - những điều hoàn toàn trái ngược với báo cáo hồi năm 2005 của người tiền nhiệm ông Brammertz.

Chưa hết, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không hề phản đối việc LHQ trợ giúp kỹ thuật cho Syria. Thậm chí Bộ Thương mại Mỹ còn cấp phép cho Công ty Cisco Systems cung cấp các thiết bị công nghệ cho Syria...

Một quan chức thuộc liên minh “14 tháng Ba” chua chát nói với báo chí: “Không ai có thể xóa đi được cảm giác của chúng tôi rằng mình đã bị người Mỹ bỏ rơi”.

Quả thật, với hàng loạt động thái tích cực như nêu trên, Washington không thể tiếp tục gây sức ép với Damascus để hậu thuẫn cho liên minh “14 tháng Ba” nữa. Vì vậy, hợp tác vì lợi ích chung của quốc gia chính là cách duy nhất để liên minh này duy trì vị thế chính trị của mình tại Liban

Văn Trương (tổng hợp)
.
.