Liên Hiệp Quốc sắp hết tiền?
- Liên Hiệp Quốc ký thỏa thuận bí mật với Myanmar
- Những tình tiết về cuộc chạy trốn của Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc (kỳ cuối)
Những lời cảnh báo về tình trạng thiếu hụt ngân sách của LHQ thường được Tổng Thư ký đưa ra trong những bức thư gửi các quốc gia thành viên và đây không phải là bức thư đầu tiên được ông Guterres gửi đi. Đặc biệt trong năm nay, ông Guterres đã ít nhất 2 lần gửi thư cho các quốc gia thành viên kêu gọi sự đóng góp tích cực hơn nữa cho ngân sách hoạt động hằng năm của LHQ.
Trong bức thư vừa gửi đi, ông Guterres cho biết tính đến ngày 30-6, ngân sách cốt lõi của LHQ đã bị thâm hụt 139 triệu USD và rằng “LHQ chưa bao giờ đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính như thế này khi năm dương lịch còn quá sớm”. Còn trong bức thư thứ hai gửi cho nhân viên làm việc tại LHQ, ông Guterres đã nhấn mạnh tình trạng tài chính bấp bênh của LHQ.
Ông bày tỏ quan ngại rằng xu hướng thiếu hụt ngân sách đang mở rộng và đáng lo nhất là “chúng ta cạn tiền sớm hơn thường lệ và ở trong tình trạng báo động đỏ lâu hơn”. Một tổ chức quốc tế bao trùm cả thế giới như LHQ thì nhất định không thể cứ liên tục trong tình trạng thiếu hụt ngân sách và đối mặt nguy cơ hết sạch tiền để đảm bảo cho các hoạt động trọng yếu trên khắp thế giới, ông Guterres nhấn mạnh.
Nguyên nhân trước nhất của tình trạng thiếu hụt ngân sách LHQ được ông Guterres lý giải là do sự chậm trễ trong việc đóng góp ngân sách của các quốc gia thành viên. Tháng 12-2017, Đại hội đồng LHQ đã thống nhất ngân sách cốt lõi cho niên khóa 2018-2019 là 5,4 tỉ USD, cắt giảm khoảng 285 triệu USD so với niên khóa 2016-2017 (hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ sẽ có ngân quỹ riêng).
Theo LHQ, tính đến cuối tháng 7-2018 mới có 112 trên tổng số 193 nước thành viên đóng góp phần của mình vào ngân sách cốt lõi của LHQ. Con số này thấp hơn so với thời điểm tháng 7-2017 là 116 quốc gia và cao hơn năm 2016 với 98 quốc gia. Tuy vậy, chỉ có năm nay tình trạng thiếu hụt ngân sách diễn ra trầm trọng chưa từng có.
Trong các quốc gia chưa thực hiện nghĩa vụ đóng góp ngân sách cho LHQ gồm có Mỹ, Argentina, Syria, Venezuela và Belarus. Mỗi quốc gia có khó khăn riêng, như Syria hiện đang còn chiến tranh, Venezuela đang lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Riêng nước Mỹ, quốc gia giàu có nhất thế giới, có tỉ lệ đóng góp lên đến 22%, cho đến nay chưa thực hiện việc đóng góp ngân sách cho LHQ do đặc điểm tài khóa của nước này.
Điều đáng quan tâm là nước Mỹ hiện cũng đang chần chừ trong việc đóng góp và đang muốn cắt giảm phần đóng góp của mình cho LHQ. Hiện 4 trong số 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ đều đã đóng góp xong phần ngân sách của mình, trừ Mỹ.
Việc cắt giảm đóng góp cho LHQ và các tổ chức thành viên của Mỹ không phải bây giờ mới được đề cập mà đã từng được nêu lên dưới thời Tổng thống Barack Obama. Từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1-2017, vấn đề này bắt đầu được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley ngay khi vừa nhận nhiệm vụ đã bắt tay vào thúc đẩy việc cải cách LHQ nhằm cắt giảm chi phí, từ đó có thể thực hiện cắt giảm phần ngân sách đóng góp của Mỹ một cách hợp tình lý hơn.
Tổng Thư ký Antonio Guterres tuyên bố “Liên Hiệp Quốc sắp hết tiền”. |
Bà Haley đã chỉ ra một thực tế tại LHQ mà bà gọi là “bội chi” trong thời gian qua và khẳng định rằng nước Mỹ của bà sẽ “không để cho sự hào phóng của người dân Mỹ bị lợi dụng hoặc chi tiêu một cách không kiểm soát”.
Và không chỉ ngân sách cốt lõi của LHQ mà một số chương trình, hoạt động của các cơ quan, tổ chức trực thuộc LHQ cũng đang bị ảnh hưởng bởi chính sách cắt giảm đóng góp nghĩa vụ quốc tế của nước Mỹ. Ngay trong tháng 7-2018, việc Mỹ cắt giảm 300 triệu USD trong ngân sách tài trợ cho Cơ quan cứu trợ và hoạt động nhân đạo LHQ (UNRWA) đã khiến cơ quan này gặp khó khăn lớn do thiếu hụt ngân sách hoạt động trong khi những hoạt động cứu trợ tại các điểm nóng nhân đạo trên toàn thế giới vẫn đang đòi hỏi rất cấp bách.
Chris Gunness, phát ngôn viên của UNRWA cho biết, việc cắt giảm này đã gây ra hậu quả là UNRWA buộc phải cắt giảm gần 250 việc làm trong hoạt động cứu trợ tại các vùng lãnh thổ Palestine ở Bờ Tây sông Jordan và Dải Gaza. Đồng thời 500 nhân viên toàn thời gian cũng phải chuyển sang làm hợp đồng bán thời gian vì UNRWA không còn đủ ngân quỹ để trả lương.
Ông Gunness gọi sự cắt giảm tài trợ của Mỹ là “mối đe dọa cho sự tồn tại của UNRWA”, bởi nếu không có ngân quỹ đóng góp từ các quốc gia thành viên LHQ, các cơ quan như UNRWA sẽ khó có thể tồn tại được lâu, đừng nói gì đến việc duy trì hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Được biết, UNRWA hiện đang triển khai hoạt động cứu trợ nhân đạo cho khoảng 3 triệu người Palestine tị nạn ở khắp khu vực Trung Đông. Hoạt động này sử dụng khoảng 20.000 người lao động, phần lớn là người Palestine. Và đã có những cuộc biểu tình của hàng trăm người Palestine diễn ra trước cửa văn phòng UNRWA tại Dải Gaza để phản đối việc cắt giảm công ăn việc làm của họ.
Cũng cần nhìn nhận rằng, do việc cắt giảm tài trợ và việc làm tại UNRWA làm ảnh hưởng người Palestine, trong khi đó việc cắt giảm này được tiến hành không lâu sau khi chính quyền Mỹ thực hiện cắt giảm tài trợ cho người Palestine ở Bờ Tây sông Jordan để gây sức, buộc người Palestine chấp nhận những điều kiện gây thiệt thòi cho họ, có lợi cho Israel trong nỗ lực đàm phán hòa bình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng viết trên Twitter ngày 2-1-2018 sự tính toán rất chi li của ông về khoản tài trợ của nước Mỹ dành cho người Palestine. Cho nên người ta có cảm giác việc cắt giảm ngân sách tài trợ cho UNRWA chủ yếu là để trừng phạt người Palestine hơn là một chính sách cắt giảm chi tiêu, tài trợ chung cho các tổ chức của LHQ.