Liên minh châu Âu: Tồn tại hay không tồn tại?
Liên minh châu Âu, một mô hình liên kết quốc tế lý tưởng ra đời từ hơn 60 năm qua, đang trải qua thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng về mọi mặt. Quằn quại trong cơn suy thoái kinh tế suốt mấy năm qua, EU giờ lại đối mặt với cuộc khủng hoảng về chính trị sau chiến thắng vang dội của phe bài châu Âu trong cuộc bầu cử Nghị viện hồi cuối tháng 5/2014. Thất bại trong cả lĩnh vực đối ngoại, mà vụ Ukraina là ví dụ điển hình, EU dường như đang mất tất cả.
Xu thế cực hữu “lên ngôi”
Theo 84% dân Pháp, thành lập EU là sáng kiến tốt, nhưng khi đánh giá thực hiện thì có đến 77% phê bình là yếu kém. Các cuộc thăm dò ý kiến khác đều xác nhận xu hướng hoài nghi này. Tỷ lệ cử tri ở châu Âu ngả theo các tổ chức triệt để bài bác các định chế châu Âu, thậm chí số người muốn đất nước mình rút ra khỏi liên minh, có chiều hướng gia tăng, tuy chưa đủ mạnh để gây bế tắc.
Nếu là một người dân đứng ngoài châu Âu, thì liên minh 28 nước trải dài từ Đông Âu sang Tây Âu, từ Bắc Âu xuống tận Địa Trung Hải là vùng đất hứa. Gần như mỗi tuần đều có hàng nghìn người tìm cách từ lục địa châu Phi vượt biên, vượt biển sang Tây Ban Nha và Italia, trong khi các mạng lưới buôn người tổ chức cho dân châu Á, mà đông nhất là Trung Quốc xâm nhập EU qua ngả Đông Âu.
Thế nhưng cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 22/5 đối với Anh và Hà Lan hay trễ hơn như Pháp, Đức vào ngày 25/5 để bầu 751 dân biểu là một sự kiện mang nhiều nghịch lý. Nghịch lý thứ nhất: nhiều người trong số 380 triệu cử tri được sống bình an trong châu lục yên bình lại không nồng nhiệt tham gia bầu cử, tỷ lệ vắng mặt rất cao, gần 60%.
Thứ hai là xu hướng bài châu Âu cũng tăng cao. Những tổ chức như Mặt trận Quốc gia (FN) tại Pháp, hay đảng Jobbik tại Hungari, đảng PVV ở Hà Lan thuộc khuynh hướng cực hữu cho đến “Phong trào 5 Sao” tại Italia, và nhóm EFD ở Anh, tuy không cùng một phong trào chính trị, nhưng tất cả đều bài châu Âu.
Sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 25/5 vừa qua, các đảng cực hữu hoặc bài châu Âu hoặc hoài nghi châu Âu ở hầu hết các nước thành viên đã về đầu. Theo tỷ lệ phân chia giữa các nước trong EU, thì nước Pháp có 74 đại diện trong Nghị viện châu Âu.
Theo kết quả bầu cử tại Pháp hôm 25/5, đảng Mặt trận quốc gia (FN) chiếm gần 25% số phiếu ủng hộ (tương đương 24/74 ghế), tức là tăng gấp 4 lần so với cuộc bầu cử châu Âu hồi năm 2009. Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cánh hữu về thứ hai với gần 21% số phiếu ủng hộ (20/74 ghế), đánh mất vị trí đảng đối lập chính tại Pháp. Còn đảng Xã hội (PS) cầm quyền thì về thứ ba với chỉ có gần 14% số phiếu ủng hộ (13/74 ghế).
Với kết quả này, bàn cờ chính trị của Pháp đã bị đảo ngược. Kể từ những cuộc bầu cử châu Âu đầu tiên vào năm 1979 đến nay, đây là lần đầu tiên hai đảng lớn nhất của Pháp là UMP cánh hữu và PS cánh tả bị một đảng cực hữu đánh bại.
Các đảng cực hữu chiến thắng không chỉ ở những nước cải cách chưa thành công như Pháp, hoặc đang còn chưa thoát khỏi suy thoái như Hy Lạp, mà còn ở các nước châu Âu có nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và năng động như Đan Mạch và Áo, hoặc những nước đang phục hồi mạnh như Anh. Kết quả bầu cử cho thấy, lần này, các đảng bài châu Âu giành được 140 ghế trên tổng số 751 ghế của nghị viện châu Âu.
Đây là con số chưa đủ để chi phối diễn đàn. Hơn nữa, các nhà phân tích cho biết, giữa các đảng cực hữu của các nước vốn tồn tại nhiều khác biệt và bất đồng, khó có thể liên kết tạo thành một khối thống nhất để gây sức ép ở nghị viện. Mặc dù không thể ngăn cản được tiến trình xây dựng châu Âu, nhưng số ghế trên đủ để các đảng cực hữu có tiếng nói phản đối châu Âu và gây sức ép với các chính đảng truyền thống.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho sự thắng thế của phe cực hữu tại châu Âu cũng như sự thất bại của các đảng cánh tả. Giải thích cho chiến thắng của phe cực hữu, tờ Le Monde nhấn mạnh đến hồ sơ nhập cư. Tờ báo cho rằng, giữa các đảng cực hữu của các nước có nhiều bất đồng, nhưng lại có một điểm chung, đó là “Nỗi ám ảnh” của tình trạng nhập cư ồ ạt của cư dân các nước nghèo đến các nước giàu. Tức là, họ phản đối chính sách lưu thông tự do giữa các nước châu Âu. Và ở trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phúc lợi xã hội bị đe dọa, thì dĩ nhiên tâm lý bài ngoại sẽ trở nên mạnh mẽ.
Để giải thích cho chiến thắng của đảng FN tại Pháp, các nhà quan sát có chung một số nhận định. Thứ nhất, trong cuộc bầu cử hôm 25/5, số cử tri không đi bầu chiếm tỷ lệ quá cao (57%). Trong đó, số cử tri cánh tả vắng mặt cao nhất. Trong cuộc bầu cử Hội đồng địa phương hồi tháng 3/2014, các đảng cánh tả đã bị thất bại. Và lần đó được xem như là cử tri cánh tả muốn bày tỏ thái độ bất mãn đối với các chính sách do đảng Xã hội cầm quyền đang tiến hành. Đó là một sự bỏ phiếu có tính “trừng phạt”. Còn trong cuộc bầu cử ngày 25/5, thì các cử tri cánh tả một lần nữa nhấn mạnh sự bỏ phiếu trừng phạt đó.
Lãnh đạo EU họp bàn cách thoát khủng hoảng toàn phần hôm 27/5/2014. |
Đối với đảng UMP, thì mấy năm rồi bị lâm vào cái vòng xâu xé nội bộ, tranh giành chức quyền. Và lại còn đang chìm trong mấy vụ lùm xùm về tài chính. Vì thế, uy tín của đảng đang bị sụt giảm, làm nản lòng cử tri. Báo Les Echos cho rằng, cử tri trừng phạt hai đảng Xã hội và UMP. Thắng lợi của đảng FN chính là đòn trả đũa cho cuộc khủng hoảng chính trị đang xô đẩy nước Pháp từ vài năm gần đây. Người Pháp không quan tâm tới châu Âu và cho rằng quá xa và quá phức tạp.
Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trở thành thời thượng, Marine Le Pen, Chủ tịch đảng FN, hiểu điều này hơn ai hết và tận dụng cơ hội. Ngoài ra, không quan tâm tới bầu cử nghị viện châu Âu, chính là cách người Pháp trừng phạt các nhà lãnh đạo trong nước, bất lực trong việc phải quyết khủng hoảng kinh tế.
Cuộc bỏ phiếu của cơn giận dữ và bế tắc
Đánh giá kết quả cuộc bầu cử, báo L’Humanité cho rằng: “Chính sách thắt lưng buộc bụng ùa vào các phòng phiếu và đó là cuộc bỏ phiếu của cơn giận dữ bế tắc của cử tri”.
Thêm vào đó, tâm lý bài châu Âu không chỉ dâng cao tại Pháp mà còn ở nhiều nước châu Âu khác trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp leo thang. Bởi thế mà FN đã huy động được nhiều cử tri ủng hộ. Thành phần ủng hộ của FN, ngoài những người truyền thống bấy lâu nay, giờ đây đã lan sang các bộ phận cử tri khác, đủ mọi thành phần xã hội nghề nghiệp, thu hút nhiều thanh niên và công nhân.
Ngay sau thất bại trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, đảng cánh hữu UMP gặp khủng hoảng nghiêm trọng với việc Chủ tịch đảng Jean-Francois Copé buộc phải từ chức. Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị đảng UMP hôm 27/5, ông Copé tuyên bố từ chức kể từ ngày 15/6.
Ban lãnh đạo của đảng này cũng đã thông báo từ chức tập thể. Tạm thời đảng cánh hữu sẽ nằm dưới sự điều hành của một ban lãnh đạo tập thể, bao gồm 3 cựu Thủ tướng Alain Juppé, Francois Fillon và Jean-Pierre Raffarin, cho đến kỳ đại hội bất thường vào tháng 10 năm nay.
Người biểu tình bài châu Âu đốt cờ của liên minh EU tại Hy Lạp. |
Cùng ngày 27/5, lãnh đạo của 28 nước thành viên EU đã nhóm họp với mục tiêu xem xét lại những ưu tiên của toàn khối, trước sự bất bình của người dân trên lục địa này. Trong cuộc họp - ăn tối, kéo dài 4 tiếng đồng hồ, tại Bruxelles, lãnh đạo các nước châu Âu đã giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, tiến hành các cuộc tham khảo sau khi có Nghị viện mới và các nhóm đảng phái trong định chế này được hình thành, để xem xét lại các ưu tiên của EU.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, các ưu tiên trong giai đoạn sắp tới của châu Âu phải là “tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và việc làm”, “liên minh tiền tệ hoạt động tốt hơn, chống hiện tượng biến đổi khí hậu”, dự án “liên minh năng lượng”, “chống nạn nhập cư bất hợp pháp”. Tuy nhiên, công việc đầu tiên cần phải làm để có thể thay đổi các ưu tiên là lựa chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu, một định chế có quyền lực như chính phủ châu Âu.
Các cuộc thương lượng đang được tiến hành và từ nay đến cuối tháng 6, trước khi có phiên hợp thượng đỉnh, châu Âu phải đạt được đồng thuận về việc bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban châu Âu để đệ trình lên Nghị viện mới xin phê chuẩn.
Thất bại trong đối ngoại
Trong khi đang bị khủng hoảng về kinh tế, cộng thêm cuộc khủng hoảng về chính trị sau cuộc bầu cử Nghị viên hôm 25/5, EU còn thất bại cả về ngoại giao. Theo báo Le Monde, khủng hoảng tại Ukraina đánh dấu sự thất bại của EU tại Đông Âu. Trên thực tế, những vụ bạo động tại Ukraina thể hiện thất bại hiển nhiên của EU và cho thấy sự chia rẽ của 28 nước thành viên. Xung đột tại Ukraina cũng khẳng định sự bất lực của các nước này trước việc thiết lập đường lối với nước Nga, cũng như là sự thất bại của chiến lược Đối tác phương Đông được đưa ra hồi tháng 7/2008.
Cuộc thương lượng gần đây giữa EU với Ukraina bị thất bại bởi nhiều lý do. Một phần do cuộc đàm phán được EU tiến hành một cách máy móc mà không có sự tham gia chính trị cụ thể của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, đánh giá nhầm cũng là một lý do cho thất bại của chiến lược Đối tác phương Đông. EU nhiệt tình ủng hộ ý tưởng rằng liên kết với châu Âu là một kiểu “lựa chọn văn minh” giữa khối này và Nga. Từ đó dẫn tới việc một bộ phận thân Moskva tẩy chay ý tưởng này.
Ban đầu, EU muốn kéo các nước trong khối Liên Xô cũ, nằm bên biên giới phía đông của Liên minh, để tránh các nước này rơi vào vùng chịu ảnh hưởng của Moskva. Thế nhưng, 6 nước gồm Ukraina, Belarusia, Armenia, Gruzia, Moldova và Azerbaidjan, không có một điểm chung nào. Hơn nữa, thể chế của Belarusia và Azerbaidjan không tương đồng với tiêu chuẩn châu Âu.
Các quốc gia ứng cử viên nhiệt tình nhất là Moldova, Gruzia và Ukraina nhận định dự án này như bước đầu tiên tiến tới hội nhập vào EU. Được Ba Lan và các nước Bắc Âu ủng hộ, song Paris lại không đồng tình với việc ký kết các hiệp ước trên đồng nghĩa với việc mở rộng Liên minh sang phương Đông.
Nước Nga cũng nhanh chóng phản công. Dưới sức ép đe dọa an ninh quốc gia và năng lượng của Nga, Armenia là nước đầu tiên chùn bước. Tiếp theo là Ukraina, dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovych. Từ 6 nước ban đầu, hiện giờ chỉ còn hai quốc gia, Moldova và Gruzia, sắp phê chuẩn hiệp định hợp tác với EU. Nhưng không gì có thể khẳng định rằng từ giờ tới lúc ký kết, Nga lại không tung đòn ngăn cản mới.
Đã vậy, chiến thắng của những đảng theo đường lối dân tộc ở châu Âu hồi cuối tháng 5 đang đe dọa đường đến EU của Ukraina. Nhà phân tích Maria Lipman của Trung tâm Carnegie ở Nga dự đoán: phe ngờ vực châu Âu và phe thiên hữu sẽ cố chặn viện trợ tài chính cho Ukraina.
Theo ông, EU đã chịu những gánh nặng nghiêm trọng rồi và tình hình kinh tế không được tốt. Thêm một gánh nặng như Ukraina, phân bổ nguồn quỹ cho Ukraina, sẽ là một quyết định vô cùng khó khăn