Liệu những chiếc neo giữ Italy ở lại châu Âu có bị cuốn trôi?

Thứ Ba, 05/06/2018, 10:27
Chưa bao giờ Italy lại rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng như hiện nay. 2 tháng sau bầu cử quốc hội, nước này vẫn chưa thành lập được chính phủ và có lẽ chưa biết bao giờ mới xong. Làn sóng dân túy đang tràn về Roma và đe dọa sẽ cuốn trôi những chiếc mỏ neo giữ Italy ở lại châu Âu.

Khủng hoảng chính trị Italy trở nên nghiêm trọng

Xin nhắc lại một cách vắn tắt diễn biến cuộc khủng hoảng này. Ngày 4-3-2018, người dân Italy đi bầu quốc hội. Kết quả là không đảng nào giành chiến thắng tuyệt đối để toàn quyền đứng ra thành lập chính phủ. Phe dân túy gồm 3 đảng chống châu Âu về nhất. Bên kia là tất cả các lực lượng trung tả, ủng hộ châu Âu, chống lại quyết định rút khỏi đồng Euro, đứng đầu là đảng Dân chủ về sau.

Lúc này các đảng dân túy liên kết lại lập chính phủ liên minh nhưng Tổng thống Italy không phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Paolo Savona, kinh tế gia, chống châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế. Đây là một trong số những nguyên nhân khiến việc thành lập chính phủ thất bại. Bên cạnh đó, nội bộ cánh hữu cũng có mâu thuẫn. Tân thủ tướng buộc phải từ chức.

Tổng thống Italy đã phó thác cho một kinh tế gia sứ mạng thành lập chính phủ “phi chính trị”, để điều hành đất nước trong thời gian chuẩn bị tổ chức bầu cử quốc hội trước kỳ hạn vào mùa thu tới. Nhưng ông Carlo Cottarelli, được chỉ định lập chính phủ kỹ trị tại Italy, dường như không hoàn thành được sứ mệnh.

Thủ tướng được chỉ định của Italy Carlo Cottarelli.

Theo AFP, sáng 30-5, ông Carlo Cottarelli đã trở lại hội kiến Tổng thống Sergio Mattarella một cách không chính thức để thông báo kết quả thăm dò ở quốc hội và đề nghị danh sách Hội đồng Bộ trưởng. Nhưng sau buổi hội kiến, ông Carlo Cottarelli đã tuyên bố với báo chí rằng còn cần có thêm thời gian để hoàn tất danh sách.

Kết quả thăm dò ở quốc hội cho thấy là chính phủ của ông Carlo Cottarelli sẽ không có được đa số trong quốc hội, bởi vì cho đến giờ phút đó, chỉ có đảng Dân chủ PD là đảng duy nhất tuyên bố ủng hộ chính phủ Cottarelli và do đó, nếu chính phủ được thành lập thì cũng chỉ kéo dài một vài tháng (dự kiến là đến mùa thu 2018) rồi sau đó sẽ đi bầu lại quốc hội mới.

Nhưng trước khi ông Carlo Cottarelli hội kiến với tổng thống thì bất ngờ phía đảng Dân chủ tuyên bố có thể họ sẽ không tham gia việc bỏ phiếu để tìm đa số cho chính phủ trong quốc hội và do đó đến cả số phiếu ít ỏi của đảng Dân chủ cũng sẽ không có. Nguồn tin nói trên đã làm thay đổi toàn bộ các kịch bản để thành lập chính phủ Cottarelli, thậm chí có nguồn tin rò rỉ rằng trong buổi hội kiến với tổng thống, ông Carlo Cottarelli đã tuyên bố rút lui.

Nhưng sau đó chính ông Carlo Cottarelli đã xác định với báo chí rằng ông chưa hề có quyết định từ nhiệm và vấn đề hiện nay là danh sách Hội đồng Bộ trưởng vẫn chưa đầy đủ, do đó cần có thêm thời gian để hoàn tất.

Như vậy có thể hiểu, Hội đồng Bộ trưởng đang thiếu nhân sự. Điều cũng dễ hiểu: vì nếu như phải tham gia vào hội đồng của một chính phủ chỉ kéo dài được vài tháng, trong cảnh dầu sôi lửa bỏng và tình hình chính trị căng thẳng thì cũng chẳng mấy ai "ham" đứng ra làm bộ trưởng.

Đó là chưa nói đến điều kiện tiên quyết mà Tổng thống Sergio Mattarella đã đề ra với ông Carlo Cottarelli là để giữ thái độ trung lập của chính phủ, sẽ không có bất cứ một nhân vật nào trong hội đồng chính phủ được tham gia ứng cử trong kỳ bầu cử quốc hội sắp tới. Điều kiện này coi như "cắt đường" của bất cứ nhân vật nào có ý định muốn ra tranh cử.

Điều bất ngờ hơn nữa là nếu chính phủ Carlo Cottarelli hoàn toàn không có phiếu ủng hộ ở quốc hội, thì ngoài 2 đảng dân túy là Phong trào 5 sao và Lega ra, đa số các đảng khác cũng đang đề nghị giải tán lập tức quốc hội, cho đi bầu lại ngay lập tức vào khoảng cuối tháng 7 tới.

Công luận Italy cũng khá bất ngờ trước tuyên bố của đảng Dân chủ đề nghị đi bầu lại ngay từ cuối tháng 7. Có thể hình dung ra được rằng lần tranh cử quốc hội sắp tới sẽ diễn ra như một trận thư hùng giữa 2 mặt trận: một bên là các lực lượng dân túy, hữu khuynh, chống châu Âu và đồng Euro, tẩy chay cơ chế nhà nước, đứng đầu là 2 đảng Phong trào 5 sao và Lega, cùng đảng Forza Italia của Berlusconi. Bên kia là tất cả các lực lượng trung tả, ủng hộ châu Âu, chống lại quyết định rút ra khỏi đồng Euro, đứng đầu là đảng Dân chủ, na ná như kiểu trưng cầu dân ý để quyết định chống hay đồng thuận châu Âu.

Tổng thống Sergio Mattarella.

Lý do vì sao 2 đảng Phong trào 5 sao và Lega muốn đi bầu càng sớm càng tốt thì cũng dễ hiểu, vì đó là những tuyên bố mà cả ông Di Maio (đứng đầu đảng Phong trào 5 sao) và Salvini (dẫn dắt đảng Lega) đều thường xuyên đem ra "dọa nạt" Tổng thống Sergio Mattarella.

Cả 2 đảng dân túy này đều sẽ dồn hết sức để tuyên truyền, thậm chí sử dụng rộng rãi các "tin giả" rằng chính cái cơ chế nhà nước và hệ thống chính trị lại tha hóa và toàn bộ các đảng phái chính trị đi ngược lại nguyện vọng "cách mạng đổi mới" đã âm mưu ngăn chặn không cho liên minh dân túy đứng ra lập chính phủ, dù rằng cộng cả 2 đảng Phong trào 5 sao và Lega lại trong quốc hội liên minh này có đủ phiếu để có đa số. Với một mùa tranh cử căng thẳng như thế, 2 đảng Phong trào 5 sao và Lega dự kiến họ sẽ thu hút thêm phiếu cử tri. Và theo một số tin tức từ những cuộc thăm dò ý kiến trong những tuần lễ gần đây thì đó là một kịch bản rất khả thi.

Phía đảng Forza Italia, vốn bị thất cử nặng nề lần vừa rồi, lại hy vọng rằng lần tranh cử tới, chính bản thân ông Silvio Berlusconi sẽ trực tiếp đứng ra tranh cử và lãnh đạo liên minh hữu khuynh. Trước đây Berlusconi đã không được phép tranh cử vì bị kết tội gian lận thuế má và do đó bị kết án không được quyền trực tiếp tham chính trong vòng 5 năm, tức là cho đến hết năm 2018. Nhưng vừa rồi Tòa án Milano, với lý do Berlusconi "cải tạo tốt", đã quyết định rút ngắn thời gian thụ án và bây giờ Berlusconi hoàn toàn có quyền đứng ra tranh cử trong lần sắp tới.

Nhưng đảng Dân chủ thì thế nào? Ai cũng biết là hiện nay đảng này, ngoài việc thất cử nặng nề vừa qua, ban lãnh đạo đảng đang bị chia rẽ trầm trọng, khiến bị mất phương hướng hoạt động. Trong tình huống như thế thì đảng Dân chủ khó có thể mở một chiến dịch tranh cử hùng hậu. Nhưng có thể là lãnh đạo đảng này cũng nghĩ rằng trong bối cảnh "dầu sôi lửa bỏng" như hiện nay, nếu phải kéo dài tình trạng bất ổn định thêm vài tháng cho đến mùa thu thì bản thân đảng Dân chủ cũng chẳng có thêm được lợi thế nào, kéo dài thêm thời gian tranh cử lại càng tạo thêm cơ hội để phe dân túy tiếp tục tạo xói mòn cho cơ chế nhà nước, gây thêm bất ổn kinh tế.

Chủ trương của đảng Dân chủ là thành lập một mặt trận chung với tất cả các lực lượng chính trị ủng hộ châu Âu để thu hút được tất cả các cử tri, dù muốn dù không, cũng không muốn làm một cuộc phiêu lưu rút ra khỏi châu Âu và khối đồng tiền chung Euro với một viễn ảnh tồi tệ. Mục tiêu của đảng Dân chủ là, dù sẽ thắng cử hay không, quan trọng là cần phải rút ngắn tối đa thời gian kéo dài tình trạng chính trị bất ổn cho Italy.

Đại diện 3 đảng dân túy chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 4-3.

Còn có thêm một chi tiết chính trị không nhỏ trong trường hợp đi bầu lại ngay vào cuối tháng 7: trong trường hợp này, chính phủ của ông Paolo Gentiloni sẽ tiếp tục hoạt động và điều hành quản lý nhà nước trong suốt mùa tranh cử. Kịch bản này có 2 thuận lợi: thuận lợi thứ nhất là cho riêng đảng Dân chủ vì ông Paolo Gentiloni là người của đảng này.

Thuận lợi thứ hai là cho cả nước Italy: chính phủ Paolo Gentiloni sẽ tiếp tục là đối tác trực tiếp với châu Âu và quốc tế, do đó có thể lấy những quyết định "chữa cháy" để nhanh chóng kịp thời dập tắt những tuyên bố mị dân bài xích châu Âu và đồng Euro trong thời gian tranh cử sắp tới.

Một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang “thai nghén” trong lòng EU?

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy kéo dài và không thấy lối thoát hiện nay đã khiến truyền thông và lãnh đạo EU phát hoảng. Về chủ đề này, nhà báo Renaud Girard, trên Le Figaro, có bài viết báo động “Hai sai lầm thiếu kỷ cương sẽ giết chết Liên minh châu Âu”. Bởi vì, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai, nước Italy phải tổ chức 2 cuộc bầu cử lập pháp trong vòng 1 năm.

Điều này cho thấy nền dân chủ Italy bị “trục trặc” nhưng đồng thời cũng báo trước một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang “thai nghén” trong lòng Liên minh châu Âu.

Sau khi Tổng thống Italy không chấp nhận việc bổ nhiệm ông Paolo Savona, kinh tế gia, chống châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế, trên mạng xã hội Twitter, lãnh đạo đảng cực hữu Liga Matteo Salvini, đã tuyên bố: “Chúng ta sẽ không bao giờ trở thành đầy tớ của ai nữa. Nước Italy không phải là một thuộc địa, chúng ta không phải là nô lệ của Đức, Pháp, của tài chính...”.

Trong bất cứ một chính phủ nào, bộ trưởng kinh tế - tài chính cũng là một trong những vị trí quan trọng nhất. Vì thế việc các đảng Lega, Phong trào 5 sao muốn chọn một Bộ trưởng Kinh tế chống châu Âu, chính là thể hiện rõ nhất đường lối của các đảng này. Chưa bao giờ người ta nghe thấy những phát biểu mạnh mẽ như vậy từ các lãnh đạo những chính đảng lớn tại châu Âu.

Sau vụ Brexit, chúng ta không nên ảo tưởng. Nếu Italy, một trong những nước đồng sáng lập Liên minh châu Âu ra khỏi khối này thì điều đó có nghĩa là trong trung hạn, Liên minh châu Âu sẽ bị xóa sổ. Vì sao đến nông nỗi này? Theo Renaud Girard, kể từ đầu thiên niên kỷ này, Liên minh châu Âu là nạn nhân của 2 sai lầm thiếu kỷ cương nghiêm trọng bên trong 2 cơ chế ra quyết định: đó là Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu.

Sai lầm đầu tiên là Liên minh châu Âu không đủ khả năng bắt các nước thành viên tôn trọng các cam kết về ngân sách. Ngoài ra, khối này không hề có dự án tiến tới hài hòa, có chính sách chung về thuế khóa, xã hội và ngân sách. Trách nhiệm đầu tiên, đương nhiên là chính phủ các nước thành viên, mù quáng về lợi ích trước mắt và đề ra các chính sách dân túy phục vụ tranh cử.

Hơn thế nữa, những nhân vật lãnh đạo Ủy ban châu Âu không đủ khả năng đối phó với cuộc khủng hoảng kép: dư thừa cán cân thương mại của các nước phương Bắc ngày càng tăng, trong khi đó, thâm thủng thương mại của các nước phương nam ngày càng trầm trọng.

Sai lầm thứ hai là thiếu kỷ cương trong lĩnh vực an ninh, bảo vệ biên giới. Bất lực trong việc bảo vệ biên giới và làm chủ luồng nhập cư đến từ các nước Arập Hồi giáo và châu Phi, Liên minh châu Âu đã liên tiếp gây ra sự chống đối bên trong, Anh “ly dị” và phe chống châu Âu ngày càng thu được nhiều phiếu trong các cuộc bầu cử...

Liên minh châu Âu là một câu lạc bộ và không một câu lạc bộ nào có thể tồn tại và phát triển lâu dài nếu các hội viên không tôn trọng nội quy và không có một bộ máy lãnh đạo có khả năng định ra hướng đi và kiên quyết dẫn dắt toàn khối đi theo hướng đó.

Đối với Liên minh châu Âu thì các diễn biến tại Italy hiện nay được quan tâm sát sao bởi bất cứ biến động nào tại đất nước này đều có thể gây ra tác động lớn đến cả khối. Sau khi Anh rời Liên minh thì Italy chính là nền kinh tế lớn thứ 3 của khối. Tuy nhiên, nền kinh tế này lại đang có rất nhiều rủi ro, với tỷ lệ nợ công lên tới 130% GDP. Vấn đề của châu Âu là nền kinh tế Italy quá lớn để có thể đổ vỡ nhưng nếu muốn giải nguy cho Italy một khi nước này lâm vào khủng hoảng trầm trọng thì cần có những nguồn lực tài chính khổng lồ.

Chỉ cần chứng kiến châu Âu đã vất vả như thế nào để giải cứu Hy Lạp, nền kinh tế có quy mô chỉ bằng 1/8 Italy cũng đủ hiểu rằng, một khi chính trường Italy biến động khiến kinh tế nước này lâm nguy thì thách thức duy trì sự ổn định của khu vực Eurozone lớn đến mức nào.

Vì thế, việc chính phủ liên minh giữa 2 đảng cực hữu và dân túy ở Italy không được thành lập như hiện nay là điều khiến châu Âu bớt đi được một nỗi lo rất lớn. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo là nỗi lo này không quay trở lại bởi như đã nói ở trên trong cuộc bầu lại sắp tới, các đảng dân túy có rất nhiều cơ hội lại tiếp tục chiến thắng.

M.T. (tổng hợp)
.
.