Lựa chọn của châu Âu nếu Brexit không thỏa thuận
Cho đến nay, tiến trình đàm phán dù có chút le lói, song vẫn gặp nhiều khó khăn như dự đoán. Tuy cả hai bên luôn nhắc đi nhắc lại rằng họ muốn đạt được một thỏa thuận thương mại nhưng những mâu thuẫn chính trị vẫn còn đó. Điều này có thể thấy rõ trong các quy định về cạnh tranh công bằng, ngư nghiệp cũng như các cơ chế thực thi thỏa thuận.
Tháng 9-2020, Chính phủ Anh đã tăng thêm gánh nặng cho các cuộc đàm phán khi họ muốn loại bỏ một phần nghĩa vụ trong Dự thảo Bắc Ireland theo một bản dự thảo luật thị trường trong nước. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Anh muốn đánh cược lần nữa nhưng đến cuối lại đồng ý nhượng bộ, như năm 2019, hay họ đang thực sự mở đường cho việc rời bỏ đàm phán.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen họp báo sau cuộc gặp. |
Nhưng, khác với năm 2019, ông Boris Johnson, người chủ trương theo đuổi một Brexit cứng (trong đó Anh không còn là thành viên của thị trường chung châu Âu), không phải đối mặt với những giới hạn chính sách trong nước. Do đó, điều quan trọng là EU cần chuẩn bị về mặt chính trị cho kịch bản một Brexit không thỏa thuận.
Một Brexit không thỏa thuận là viễn cảnh tiêu cực nhất cho nước Anh và có tác động tiêu cực ở mức giới hạn đối với EU-27 (EU còn lại 27 thành viên). Ngân hàng trung ương Anh thậm chí còn đánh giá rằng cái giá của một Brexit không thỏa thuận về lâu dài sẽ còn cao hơn những thiệt hại mà dịch COVID-19 gây ra cho tới nay. Vì quan hệ kinh tế gắn bó cũng như vị trí địa lý gần gũi, kể cả khi đàm phán thất bại thì mối quan hệ rạn nứt giữa Anh và EU cuối cùng cũng sẽ được hàn gắn. Hoàn cảnh của một Brexit không thỏa thuận sẽ quyết định liệu đàm phán mang tính xây dựng có thể được nối lại nhanh đến mức nào và có mục tiêu như thế nào.
Trong trường hợp thứ nhất, Brexit không thỏa thuận diễn ra một cách hòa bình và hai bên tiếp tục đàm phán dựa trên các dự thảo hiện nay. Nhưng, kể cả trong trường hợp này thì Anh vẫn rời khỏi thị trường chung châu Âu cũng như không còn thực hiện các chính sách khác của EU từ ngày 1-1-2021. Điều này đồng nghĩa với việc thuế xuất nhập khẩu và kiểm soát biên giới sẽ được thiết lập lại.
Trường hợp thứ hai, hậu quả có thể nặng nề hơn. Vì không đạt được một giải pháp cho những khác biệt còn tồn tại, một trong hai đối tác đàm phán sẽ rút lui khi thời hạn của thời kỳ chuyển giao tới gần. Thuế xuất nhập khẩu và các hạn chế thương mại khác sẽ được kích hoạt. EU đơn phương áp đặt những biện pháp có giới hạn nhằm bảo vệ các ngành bị ảnh hưởng và phía Anh cũng sẽ phải chịu các điều kiện thương mại tương tự như các nước thứ ba không có thỏa thuận với EU.
Hậu quả nhãn tiền sẽ xuất hiện, bao gồm tắc nghẽn giao thông tại Kent và Dover, chi phí cao hơn cho các doanh nghiệp với chuỗi cung ứng Anh - EU, tắc nghẽn hàng hóa với thời gian chuyển hàng ngắn, chậm trễ chuyển hàng và tăng giá của các mặt hàng thực phẩm cũng như các sản phẩm y tế.
Trường hợp thứ ba là một Brexit không thỏa thuận với tình thế căng thẳng hơn. London có thể gây áp lực lên các nước EU khác, như thông qua đóng cửa lãnh hải của họ đối với tàu cá của Pháp. Cả Anh và các nước EU còn lại đều cố gắng tách rời các mối quan hệ an ninh song phương và đa phương với đàm phán Brexit. Tuy nhiên, một Brexit không thỏa thuận, trong đó London đổ lỗi cho EU về các tổn thất kinh tế, có thể sẽ tạo sức ép lên các mối quan hệ này.
Chỉ còn ít thời gian nữa là hai bên phải thống nhất về một thỏa thuận hậu Brexit trước khi thời hạn chuyển giao kết thúc. So sánh 3 kịch bản cho một Brexit không thỏa thuận nhấn mạnh rằng đàm phán thất bại không đồng nghĩa với sự kết thúc của câu chuyện Brexit dài kỳ, mà là mở đầu một giai đoạn mới. Trong trường hợp đó, lợi ích của châu Âu nằm ở việc hối thúc Anh tuân thủ thỏa thuận ra đi và quay trở lại bàn đàm phán nhanh nhất có thể. Lý do là vì một "cuộc chia tay thân thiện", trong đó các hậu quả của một Brexit không thỏa thuận là không đáng kể, hay trường hợp leo thang tình hình đến mức gây chia rẽ sâu sắc giữa EU và Anh cũng khó xảy ra.
Có 3 công cụ có thể giúp EU khẳng định lợi ích của họ trong kịch bản Brexit không thỏa thuận. Đó là EU nên chuẩn bị về mặt chính trị cho các nước thành viên cho viễn cảnh không có thỏa thuận, bên cạnh đó phát triển các kế hoạch kinh tế chuẩn bị để đảm bảo sự đồng thuận của EU-27. Tiếp đó, EU cần một chiến lược truyền thông chính trị hiệu quả. Điều quan trọng là cần truyền tải rõ ràng lập trường và sự sẵn sàng tiếp tục đàm phán của EU thông qua truyền thông, đặc biệt là bằng tiếng Anh.
Cuối cùng, nếu đàm phán hiện thời thất bại, việc để các nước thành viên lớn lần đầu tiên can thiệp vào đàm phán có thể có lợi cho EU. Cho tới nay, EU vẫn thể hiện lập trường thống nhất đối với Anh vì các nước lớn để Brussels đảm trách đàm phán. Những lợi ích và mối liên kết vẫn còn nên được sử dụng sau một Brexit không thỏa thuận để thuyết phục London tham gia các cuộc đàm phán mới.