Lục địa già trước thách thức thay đổi

Thứ Tư, 29/05/2019, 18:44
Theo kết quả sơ bộ được công bố tối 26-5 (giờ địa phương), các đảng ủng hộ củng cố Liên minh châu Âu (EU) nắm được 2/3 số ghế trong Nghị viện châu Âu, trong khi lực lượng dân tộc chủ nghĩa và cực hữu cũng giành được không ít chỗ đứng.

Cuộc bầu cử này không chỉ quan trọng đối với tương lai của EU mà với cả phần còn lại của thế giới. Bởi EU vẫn là một siêu cường kinh tế, với tổng GDP tương đương với Mỹ và lớn hơn Trung Quốc.

Thông điệp phức tạp

Các cuộc bầu cử của EU đánh dấu sự thành công dành cho phái cực hữu, với sự nổi lên của đảng Xanh và sự thất bại của các đảng truyền thống ở khắp lục địa này. Thời điểm kết thúc cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ (S&D) vẫn là hai đảng mạnh nhất, trong khi đảng Xanh và đảng Cực hữu giành kết quả đột phá tại một số nước châu Âu.

Cụ thể, EPP giành được 178 ghế; S&D được 152 ghế; Liên minh Tự do và Dân chủ cho châu Âu (ALDE) được 108 ghế; đảng Xanh/Liên minh Tự do châu Âu (Verts/ALE) giành 67 ghế; Bảo thủ và cải cách châu Âu (CRE) có 61 ghế; Châu Âu vì tự do và dân chủ trực tiếp (EFDD) giành 53 ghế; Cánh tả thống nhất châu Âu/Cánh tả xanh Bắc Âu (GUE/NGL) giành 39 ghế; Châu Âu của các quốc gia và người tự do (ENF) giành 55 ghế. Còn 38 ghế thuộc về các nghị sĩ trung lập.

Một cuộc họp của EP. Ảnh: Deutschland.de.

Với số ghế giành được giảm mạnh, hai nhóm đảng dẫn đầu là EPP và S&D lần đầu tiên trong hơn 20 năm không còn chiếm được đa số tại EP. Trong khi đó, với việc về đích ở vị trí thứ 3 và thứ 4, Những người tự do ALDE và nhóm đảng Xanh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một liên minh đa số mới.

Tuy nhiên, các đảng hoài nghi châu Âu, bài châu Âu và dân tộc chủ nghĩa có thể giành 172 trong số 751 ghế tại EP, tương đương 22,9%.Thông báo của EP cũng cho biết ước tính tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này là 49-52%, cao hơn nhiều so với con số 42,61% trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm.

Không chỉ vậy, Nghị viện châu Âu còn đối mặt với nỗi lo không hề nhỏ là việc đối tác lớn nhất của họ - Tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ - người luôn ủng hộ những chính trị gia dân túy đã và đang khơi mào cho không ít người dân tại lục địa già cũng mong muốn phong trào dân túy tại châu Âu lên ngôi.

Cuộc bầu cử vừa diễn ra mang tầm quan trọng rất lớn trong năm nay bởi nó có thể là một cuộc trưng cầu ý dân về công trình hội nhập đã tồn tại 6 thập kỷ qua của một khối các quốc gia đóng tại Brussels. Một lý do giải thích tại sao cuộc bầu cử năm nay càng thu hút hơn ở châu Âu là bởi tiến trình Brexit của nước Anh.

Thế bế tắc dai dẳng của Brexit là một lý do khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả cuộc bỏ phiếu này là một lựa chọn hoặc là vì châu Âu, hoặc chống lại châu Âu trong bối cảnh các đảng có chủ trương chống hội nhập và hoài nghi châu Âu trên khắp lục địa già đang kỳ vọng vào những thành tựu lớn. Nhưng đáng tiếc, hầu hết người dân ở châu lục này đã không còn niềm tin hoặc suy giảm niềm tin vào EP, cho rằng Brussels dường như quá thờ ơ với cuộc sống của họ.

Siêu quyền lực và tốn kém

Khởi đầu được thành lập vào những năm 1950, EP đã đạt được tính hợp pháp về chính trị từ năm 1979, khi nó trở thành một cơ quan được bầu trực tiếp. Kể từ đó, cơ quan lập pháp này đã có được quyền phủ quyết đối với ngân sách thường niên vào khoảng 157 tỷ USD của EU và duy trì được các quyền sửa đổi hay phản đối hàng loạt dự thảo luật do Ủy ban châu Âu (EC) đề ra.

Các thành viên mới của EP cũng sẽ có một cơ hội quan trọng để gây ảnh hưởng đối với việc lựa chọn chủ tịch tiếp theo của EC, được coi là người nắm giữ vị trí chủ chốt ở Brussels.

Trong thời gian này, EP là đề tài được nhắc đến nhiều trên truyền thông nhiều quốc gia châu Âu. Đây là dịp để nhìn nhận lại về vai trò, tổ chức, cơ cấu hoạt động và đương nhiên là cả chuyện chi tiêu tốn kém của định chế này. EP là cơ quan lập pháp gồm 751 nghị sĩ. Theo mô tả của hãng truyền thông Deutsche Welle (Đức): "Đây là thể chế siêu quốc gia được hợp pháp hóa một cách dân chủ duy nhất trên thế giới".

2019 là năm có số lượng người đi bỏ phiếu cao. Ảnh: South EU Summit.

Nói cách khác: Đây là nghị viện duy nhất bao gồm nhiều quốc gia, nơi người dân của chính những quốc gia đó có thể bỏ phiếu trực tiếp bầu ra đại diện của mình. Một điều khiến EP trở nên nổi bật đó là số lượng cử tri rất lớn tham gia các cuộc bầu cử bầu ra cơ quan này. Hơn 370 triệu người đủ tiêu chuẩn đi bỏ phiếu, khiến cuộc bầu cử EP trở thành cuộc bầu cử lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau bầu cử tại Ấn Độ.

Các nghị sĩ của EP là các đại diện đến từ 28 nước thành viên EU. Mỗi quốc gia sẽ tự quyết định cách thức tổ chức bầu cử. Cả nam và nữ đều được đi bỏ phiếu (tuổi bắt đầu được đi bỏ phiếu là 18 tuổi, ngoại trừ ở Áo là 16 tuổi). Số ghế được phân bổ cho mỗi quốc gia phụ thuộc vào quy mô dân số của quốc gia đó. Đức, quốc gia đông dân nhất châu Âu, có 96 đại diện, trong khi các quốc gia nhỏ hơn như Cyprus, Malta và Luxembourg mỗi nước có 6 đại diện. Cần phải nói rằng các nghị sĩ của EP không phải luôn luôn cần bầu theo quốc tịch. Một khi đắc cử, họ sẽ gia nhập các đảng và các liên minh lớn hơn.

Các nghị sĩ châu Âu có nhiệm kỳ 5 năm và có tiếng nói trong các vấn đề tài chính, quốc tế và định hướng chung của khối. Kể từ sau Hiệp ước Lisbon 2009 giúp mở rộng quyền lực của EP, cơ quan này sẽ chỉ định người đứng đầu Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của EU, đồng ý hoặc phản đối các thỏa thuận quốc tế ví dụ như thỏa thuận thương mại gần đây với Singapore và quyết định toàn bộ ngân sách của EU. EP có vai trò quan trọng trong các quyết định liên quan tới một loạt các vấn đề, bao gồm nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản, các vấn đề môi trường và các chính sách nhập cư.

Tuy nhiên, báo Le Monde lại cho rằng, EP quá tốn kém. Theo dự báo, ngân sách của EP cho năm 2020 sẽ vượt quá 2,5 tỉ euro. Chi phí cho các nghị sĩ hoạt động dự kiến tăng 2,68%, lên 2,5 triệu euro/người/năm. Trong khi đó, tại Hạ viện Pháp, ngân sách cấp cho mỗi nghị sĩ là dưới 1 triệu euro/năm. Tại sao ngân sách dành cho EP lại cao như vậy?

Có rất nhiều lý do khách quan dẫn đến việc EP được hưởng ngân sách cao đến khó tin như vậy. Thứ nhất là ngoài trụ sở chính tại Strasbourg (Pháp), cơ quan này còn có một trụ sở đồ sộ tại Brussels (Bỉ), nơi diễn ra phiên họp của các ủy ban. Việc đi lại giữa Strasbourg và Brussels đương nhiên là rất tốn kém. Khi có các phiên toàn thể, tất cả các nghị sĩ, một phần trợ lý của họ và nhiều công chức phải tham gia và lưu lại khách sạn 3 đêm. Theo báo cáo năm 2014 của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), riêng khoản chi cho các khách sạn ở Strasbourg đã "ngốn" của EP tới 114 triệu euro/năm.

Ngoài ra, EP cũng tốn thêm 3,6 triệu euro tiền thuê tàu Thalys chở các nghị sĩ (năm 2017) và 260.000 euro tiền vận chuyển tài liệu giấy tờ đến Strasbourg. Nghị viện cũng mới nâng mức trần phụ cấp lên 180 euro/đêm khách sạn cho một quan chức nghị viện đến họp tại trụ sở Strasbourg. Đó là chưa kể đến việc văn phòng của Ban Thư ký Nghị viện lại đặt tại Luxembourg.

Mới đây, tòa nhà Konrad-Adenauer này đã được tu sửa với chi phí lên tới 432 triệu euro, tăng 115 triệu euro so với dự toán ban đầu. Các nghị sĩ châu Âu có quyền làm việc bằng ngôn ngữ của quốc gia mình nên Ban Thư ký Nghị viện phải duy trì "bộ máy" biên phiên dịch bằng 24 ngôn ngữ chính thức. Chi phí dịch thuật không hề rẻ: Dịch mỗi trang tài liệu mất khoảng 145 euro, còn tiền thù lao cho phiên dịch là khoảng 270-311 euro/giờ.

Tốn kém nhất cho EP vẫn là khoản trả lương cho 751 nghị sĩ: ngoài tiền lương 6.825 euro/tháng sau khi đã trừ các khoản đóng góp xã hội, các nghị sĩ còn được hưởng phụ cấp 320 euro mỗi ngày đi họp. Ngoài tiền tàu xe khi đi công tác, mỗi nghị sĩ còn được cấp thêm 4.513 euro/tháng tiền phụ phí cho các hoạt động và gần 25.000 euro/tháng để trả lương cho các trợ lý.

Người dân EU hy vọng nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều khởi sắc với EU. Ảnh: Islington Liberal Democrats.

Con số này cao gấp đôi so với tiêu chuẩn mà một nghị sĩ được hưởng tại Pháp. EP không chỉ có 751 nghị sĩ mà còn có thêm 338 quan chức. Lương tháng trước khi trừ các khoản đóng góp xã hội của các quan chức này dao động trong khoảng 14.546-20.219 euro, bằng, thậm chí hơn lương của Tổng thống Pháp (15.140 euro/tháng). Đó là chưa kể đến các khoản trợ cấp "hào phóng" cho gia đình các quan chức hoặc tiền hỗ trợ khác.

Tính tổng cộng, số người làm việc cho EP và được trả lương là 7.698 người (kể cả những người ký hợp đồng sự vụ), tất cả đều được hưởng mức lương rất cao. Riêng trong năm 2017, định chế này đã tuyển dụng thêm 116 lái xe. Theo số liệu của Eurostat, năm 2020, khoản ngân sách của EP để trả lương cho nhân viên, công chức, nghị sĩ... sẽ tăng thêm 6% so với năm 2019.

Châu Âu sẽ đi về đâu?

Sau cuộc bầu cử này, câu hỏi đặt ra là châu Âu sẽ thế nào? Sẽ phát triển theo hương tích cực hay tiếp tục đi vào "vệt tối": khủng hoảng dân chủ, bảo vệ môi trường, quyền tự do đi lại và khả năng cạnh tranh kinh tế... Đang có những thách thức bủa vây EP. Trước mắt chính là xử lý mối quan hệ giữa EU và nước Anh, cũng như giải quyết những hậu quả để lại khi "đường ai nấy đi".

Thái độ cứng rắn của EU trong vấn đề Brexit ngoài việc bảo vệ quyền lợi của liên minh trong quan hệ với Anh, còn phát đi một thông điệp mạnh mẽ về những hậu quả có thể xảy ra nếu tiếp tục xuất hiện những cuộc chia tay khác.

Theo chân nước Anh, nhiều lực lượng chính trị, đặc biệt những người theo chủ nghĩa dân túy và cực hữu, trên khắp châu Âu đã lên tiếng đòi chia tách, đẩy một châu Âu thống nhất đến nguy cơ tan rã. Các đảng chống châu Âu nổi lên sẽ tạo thành một liên minh lớn thứ hai tại EP là khá rõ ràng. Kịch bản này có thể làm tê liệt EP khi các lực lượng chính trị khó tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề lớn.

Từ năm 2015, các cuộc bầu cử tại Ba Lan, Hungary, Séc và Slovakia đã đánh dấu sự nổi lên đáng kinh ngạc của chủ nghĩa dân túy châu Âu. Ở nhiều nước khác như Pháp, Hà Lan và Đức, phe dân túy cũng tạo ra những đột phá lớn dù chưa thể vươn lên giành chính quyền. Cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh với chiến thắng thuộc về liên minh lỏng lẻo tập hợp những người chỉ có đặc điểm chung lớn nhất là muốn phá vỡ hệ thống chính trị không còn phù hợp với tình hình thực tiễn mà không có một dự án chính trị cụ thể, đã đưa chủ nghĩa dân túy và hoài nghi châu Âu lên một tầm mức mới.

Tiếp sau đó là thành công của một loạt đảng có khuynh hướng chính trị ít cực đoan hơn. Tại Đức, Phần Lan, Thụy Điển hay Tây Ban Nha, lực lượng cực hữu phát triển không ngừng. Đó là bức tranh hết sức sống động và đặc trưng của nền chính trị châu Âu hiện nay.

Thêm vào đó, sự chênh lệch về tốc độ phát triển cũng là vấn đề đáng quan ngại ở châu Âu, khi các nước "đầu tàu" như Đức hay Pháp tỏ ra vượt trội với phần còn lại, đặc biệt là những quốc gia thuộc khu vực Đông Âu mới gia nhập EU chưa quá lâu, hay thậm chí cả những nước từng là "đầu tàu" nhưng nay bị tụt lại phía sau như Italy, Tây Ban Nha...

Mâu thuẫn xảy ra, phần nào khiến nội bộ EU chia rẽ sâu sắc trong những vấn đề đối ngoại với Mỹ hay với Trung Quốc. Trong khi đó, châu Âu dường như đã vượt qua cuộc khủng hoảng xảy ra trong giai đoạn 2008-2009, tuy nhiên, châu Âu vẫn không khỏi lo ngại về một cuộc suy thoái nữa khi tình trạng kinh tế bấp bênh ở các quốc gia thành viên là điều mà bất kỳ ai cũng có thể nhận ra.

Trong bối cảnh đó, châu Âu vẫn loay hoay giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư được xem là "bom nổ chậm" đối với EU. Một châu Âu đang bị chia rẽ sâu sắc về chính trị và xã hội, bấp bênh về kinh tế từ bên trong lại phải đối mặt với nhiều khó khăn từ cả bên trong và bên ngoài. Điều này giải thích tại sao lòng tin của người dân các nước châu Âu đối với liên minh ngày càng sụt giảm.

Đối mặt với hàng loạt thách thức to lớn như vậy nhưng có thể thấy rằng, EU đang thiếu những nhà lãnh đạo xuất sắc, có đủ khả năng và uy tín để “cầm lái” con tàu châu Âu.

Hoa Huyền
.
.