Lùm xùm chuyện tề gia của Tiểu vương Dubai

Thứ Năm, 19/03/2020, 09:19
Ngày 5-3, Tòa án Gia đình thuộc Tòa án Cấp cao Anh và Xứ Wales tại London tuyên bố Quốc vương Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum đã tổ chức và chỉ đạo việc bắt cóc 2 cô con gái ruột của mình cách đây gần 20 năm. Tuy nhiên, việc đưa vụ án ra xét xử đang gặp trở ngại lớn vì quan hệ ngoại giao giữa Anh và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Tuyên bố của Tòa án được đưa ra sau cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 4-2019 theo đơn của người vợ thứ 6 của Quốc vương al-Maktoum và 2 cô con gái. Tòa án chủ yếu căn cứ vào các cứ liệu điều tra của cảnh sát sau vụ mất tích của Shamsa, một trong những người con của Quốc vương al-Maktoum.

Thực ra thì đó chưa hẳn là vụ bắt cóc như cách gọi của báo chí Anh, Mỹ. Tòa án Anh đang bối rối không biết xử sao vì nếu chiếu theo luật lệ quốc tế hay của Anh quốc đều không thể buộc tội Quốc vương Dubai. Vấn đề là, người vợ thứ 6 của Quốc vương Dubai đã trốn khỏi UAE và đâm đơn kiện ông.

Công nương Haya, người vợ trẻ nhất năm nay 45 tuổi, đã mang theo 2 con nhỏ trốn sang Anh vào tháng 4-2019. Bà này đã nhiều năm nay quan tâm vụ việc của 2 cô con gái của chồng và đã sắp xếp kế hoạch hành động.

Theo hồ sơ khởi kiện tại tòa án, vụ bắt cóc công chúa Shamsa xảy ra vào tháng 8-2000, khi đó cô 19 tuổi. Trước đó một tháng, công chúa Shamsa đã trốn khỏi khu dinh thự của gia đình Quốc vương al-Maktoum ở Chobham, vùng Surrey, nơi ông đưa gia đình đến ở trong các kỳ nghỉ mùa hè. Shamsa là con của Quốc vương al-Maktoum với người vợ thứ 5, bà Houria Ahmed Lamara, người Algeria.

Sau khi lén rời khỏi khu dinh thự, Shamsa tìm đường đến ở tạm trong một khách sạn ở phía Nam London. Cô tìm gặp một luật sư chuyên về nhập cư để nhờ tư vấn làm cách nào để được ở lại Anh rồi đến Cambridge và ở lại đó.

Trong khi đó, sau khi phát hiện con gái bỏ trốn, Quốc vương al-Maktoum đã phái người đi tìm. Họ đã phát hiện cô công chúa Shamsa ở Cambridge và bắt cô, đưa lên xe chở đến khu Newmarket rồi đưa lên máy bay trực thăng chở đến một sân bay tư nhân ở Pháp. Tại đây, công chúa Shamsa được chuyển sang một chuyên cơ riêng và đưa thẳng về Dubai. Kể từ đó, bạn bè không ai còn nhìn thấy Shamsa nữa.

Trong thư gửi tòa án, Shamsa kể rằng cô đã bị cha giam giữ trong biệt thự riêng của gia đình ở Dubai, không được phép ra ngoài. Vụ “bắt cóc” Shamsa đã từng được báo chí Anh đưa tin vào tháng 12-2001. Trong một văn bản lời chứng gửi tòa án năm ngoái, Quốc vương al-Maktoum cho rằng con gái ông đã “mất tích”, ông đã cho người tìm kiếm và đã tìm thấy nên cảm thấy nhẹ nhõm.

Quốc vương Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum và vợ là Công nương Haya.

Công chúa thứ hai tên Latifa tinh quái hơn chị mình, đã cho người quay video lại toàn bộ quá trình bỏ trốn của mình và gửi cho bạn bè, nhờ đăng lên mạng xã hội để làm bằng chứng. Từ năm 2002, sau khi cô chị bỏ trốn và bị bắt lại, Latifa cũng bỏ trốn nhưng đã bị bắt lại tại cửa khẩu biên giới với Oman.

Đầu năm 2018, Latifa quyết định bỏ trốn một lần nữa. Lần này cô chọn phương tiện là một chiếc du thuyền và trốn ra vùng biển quốc tế trong Ấn Độ Dương với hy vọng cha mình không thể tìm thấy như trên đất liền.

Cuối tháng 2-2018, Latifa được một người bạn là Tiina Jauhiainen giúp đỡ, thuê một chiếc du thuyền tên Nostromo để ra khơi. Trong 8 ngày tiếp theo, chiếc du thuyền lênh đênh trong hải phận quốc tế tại biển Arab. Sai lầm của Latifa ở chỗ trong lúc trên du thuyền tại vùng biển quốc tế, cô và một thủy thủ của du thuyền đã liên lạc điện thoại với người thân của mình. Nhờ đó, cơ quan chức năng Dubai đã không khó khăn để tìm thấy vị trí của cô.

6 ngày sau, du thuyền Nostromo đi vào vùng biển Ấn Độ, cách bang Goa của Ấn Độ khoảng 30 dặm. Tại đó, chiếc du thuyền bị lực lượng đặc nhiệm hải quân Ấn Độ bắt giữ. Một toán lính đặc nhiệm tiếp cận và bắt Latifa trói lại, đưa vào đất liền để chuyển giao cho chính quyền Dubai đưa trở về nước. Latifa cũng bị giam lỏng trong dinh thực của gia đình như chị của mình.

Công nương Haya đã phát hiện ra vụ việc trong những lần bà đến thăm 2 cô công chúa. Bà kể với Tòa án London về hoàn cảnh bị giam lỏng, không được tự do vui chơi, bạn bè cũng như không được trang điểm, ăn mặc thời trang như bao cô gái thường dân.

Theo bà Haya, Quốc vương al-Maktoum là một người cha hà khắc, người chồng nghiệt ngã. Bản thân bà cũng cảm thấy cuộc sống gia đình vô cùng ngột ngạt, mất quyền tự do, luôn phải tuân theo những gì Quốc vương phán truyền. Vì thế, tháng 4-2019 bà quyết định mang 2 con nhỏ bỏ trốn sang Anh, với sự trợ giúp của một số người hầu cận và bạn bè.

Haya cho biết, bà đâm đơn kiện Quốc vương al-Maktoum ra Tòa án London nhằm mục đích đánh động dư luận về cuộc sống gia đình quá khổ sở của những người vợ, con của Quốc vương. Tuy nhiên, vấn đề của bà không được nhiều người đồng tình ủng hộ, nhất là ở các quốc gia Arab Hồi giáo, bởi văn hóa Hồi giáo không cho phép người phụ nữ có quyền ngang hàng với nam giới.

Quốc vương Dubai không bác bỏ câu chuyện nhưng cho rằng việc gia đình là chuyện của riêng ông, không ai có quyền can thiệp. Bên cạnh đó, cái khó của Tòa án Gia đình Anh là không thể xét xử vụ án gia đình của nước ngoài, bởi các cô công chúa Dubai dù bị bắt ở Anh nhưng không phải là công dân Anh.

Hơn nữa, vụ kiện cũng đặt nước Anh vào thế khó về mặt ngoại giao, bởi UAE là một trong những đồng minh và đối tác kinh tế quan trọng của Anh trong khu vực Trung Đông. Quốc vương Dubai là Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE, do đó không thể có chuyện một nước đồng minh đi xét xử một lãnh đạo đồng minh của mình.

An Châu (Tổng hợp)
.
.