Lý Quang Diệu, người tạo lập đất nước Singapore hiện đại

Thứ Hai, 23/03/2015, 11:25
Dư luận báo chí Singapore những ngày qua đã chuẩn bị tinh thần cho “ngày không còn Lý Quang Diệu”. Tuy đã rời khỏi chức vụ từ lâu rồi, nhưng ảnh hưởng của ông vẫn còn rất lớn trong dân chúng Singapore.

Người dân Singapore tôn kính gọi ông là vị "cha sáng lập" đất nước, là người kiến tạo nên xã hội Singapore hiện đại, xây dựng nên những quy tắc chuẩn mực để quản lý xã hội; thế giới kính trọng ông, xem ông như hình mẫu lãnh đạo tài ba của thế giới văn minh, hiện đại. Chính ông đã đặt nền móng vững chắc cho Singapore phát triển, là động lực để người dân, nhất là giới trẻ Singapore luôn luôn phấn đấu xây dựng đất nước phồn vinh.

Lý Quang Diệu là người góp công lớn trong việc hình thành đất nước Singapore thời kỳ giành độc lập từ thực dân Anh.

Lý Quang Diệu sinh năm 1923, gốc gác tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông cố của Lý Quang Diệu là Lee Bok Boon từ tỉnh Quảng Đông di cư đến Singapore vào năm 1863. Lý Quang Diệu là thế hệ thứ tư sinh ra trên đất Singapore. Là người Hoa, nhưng Lý lại nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ và không biết tiếng Hoa. Mãi đến năm 32 tuổi (1955) ông mới bắt đầu học tiếng Hoa.

Thời trẻ, Lý Quang Diệu theo học trong hệ thống giáo dục Anh quốc, tốt nghiệp Trường đại học Raffles (nay là Đại học Quốc gia Singapore). Ông bắt đầu sự nghiệp là một luật sư, làm việc cho Công ty luật John Laycock, tham gia tư vấn luật cho các nghiệp đoàn và liên đoàn lao động. Năm 1951, Lý Quang Diệu làm quen với chính trị với vai trò cố vấn luật cho đảng Tiến bộ (PP) thân Anh.

Năm 1954, Lý cùng một nhóm bằng hữu đứng ra thành lập đảng Hành động Nhân dân (PAP), và cùng với đảng này tạo nên một liên minh với các liên đoàn lao động thân Cộng sản. Trong tập một hồi ký “Câu chuyện Singapore” (The Singapore Story) xuất bản năm 1999, ông Lý mô tả mối liên minh này như một cuộc "hôn phối" đôi bên cùng có lợi; nhóm người nói tiếng Anh của đảng PAP cần sự ủng hộ của Cộng đồng người Hoa thân Cộng sản, và ngược lại, những người thân Cộng sản cũng cần PAP làm bình phong che chắn, vì thời đó, Đảng Cộng sản đã bị cấm hoạt động.

Thời đó, 70% dân số Singapore nói tiếng Hoa, chỉ có khoảng 20% người nói tiếng Anh, do đó, mối liên minh này có lợi cho PAP nhiều hơn. Kết quả của sự ủng hộ đó đã giúp cho đảng PAP giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử vào năm 1959 (giành 43 trên 51 ghế nghị viện), trở thành đảng lãnh đạo đất nước Singapore, và ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore.

Tháng 5/2011, Lý Quang Diệu chính thức nghỉ ngơi, rút lui hoàn toàn khỏi chính trường do tuổi cao, sức yếu.

Lý Quang Diệu là người góp công lớn trong việc hình thành đất nước Singapore thời kỳ giành độc lập từ thực dân Anh. Năm 1961, Thủ tướng Malaysia khi đó là Tunku Abdul Rahman đề xuất việc thành lập một nhà nước liên bang bao gồm Malaya, Singapore, Sabah và Sarawak. Lý Quang Diệu chộp lấy cơ hội này sáp nhập Singapore vào Malaysia.

Ngày 1/9/1962, Lý tổ chức trưng cầu ý dân cho việc sáp nhập, được 70% dân chúng ủng hộ. Tháng 9/1963, Singapore trở thành một bang của Malaysia. Việc sáp nhập này đã chính thức chấm dứt chế độ thuộc địa ở Singapore.

Tuy nhiên, việc Singapore ở trong liên bang Malaysia không bền vững. Lãnh đạo Malaysia khi đó lo ngại cộng đồng người Hoa đông đảo của Singapore có thể gây ra những bất ổn về sắc tộc, đồng thời sức mạnh chính trị của đảng PAP có thể đe dọa địa vị thống trị của họ.

Thực tế, từ giữa năm 1964 đã bắt đầu xảy ra các cuộc bạo loạn sắc tộc, trong đó đáng kể nhất là vụ bạo loạn ngày 21/7/1964 và một số vụ việc vào tháng 9 năm đó. Tình trạng này đã dẫn đến việc Lý Quang Diệu và Thủ tướng Malaysia Tunku Abdul Rahman ký một thỏa thuận tách Singapore ra khỏi Liên bang Malaysia vào tháng 8/1965. Singapore chính thức trở thành quốc gia độc lập.

Điều khiến nhiều người khâm phục nhất ở ông Lý là các chính sách điều hành đất nước đúng đắn, nhờ đó đã biến Singapore từ một thuộc địa trở thành một quốc gia phát triển.

Ông đã ban hành Luật Chống tham nhũng, trao quyền hành rộng rãi cho Cục Điều tra chống tham nhũng (CPIB) để cơ quan này thẳng tay trừng trị các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, kể cả trong kinh tế lẫn trong chính trị. Diệt trừ được nạn tham nhũng là bước thành công cơ bản đầu tiên giúp ông Lý tiếp tục triển khai thành công nhiều chính sách quan trọng khác, như các chính sách về an ninh quốc gia, kinh tế, về tài nguyên nước,…

Ông khuyến khích kinh tế đất nước phát triển bằng cách tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, áp dụng mức thuế thấp và sử dụng cả bộ máy chính quyền vào việc chăm lo đời sống nhân dân.

Về điều hành xã hội, ông Lý áp dụng các quy tắc nghiêm khắc, với hình phạt nổi tiếng có từ thời thực dân Anh là dùng roi đánh vào mông đối với nhiều hành vi vi phạm khác nhau, từ đánh nhau cho đến nghiện ma túy, nhập cư trái phép, và sau này mở rộng thêm nhiều vi phạm khác như hút thuốc lá, xả rác nơi công cộng,… Tuy nhiên, việc áp dụng luật pháp hà khắc đôi khi đã khiến cho một số người cảm thấy cuộc sống quá cứng nhắc, mất tự do.

Lý Quang Diệu lãnh đạo Singapore tham gia sáng lập ra Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 8/1967. Ông xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với láng giềng Indonesia trong khi mối quan hệ truyền thống với Malaysia đã bị gián đoạn sau thời kỳ bạo loạn sắc tộc và chia tách năm 1964-1965.

Tháng 11/1990, sau 31 năm lãnh đạo Singapore, Lý Quang Diệu thoái vị, trao quyền điều hành đất nước lại cho ông Goh Chok Tong. Tuy nhiên, ông Lý vẫn chưa yên tâm về tương lai đất nước, cho nên ông không nghỉ ngơi mà tiếp tục đảm nhận vai trò Bộ trưởng Cao cấp (1990-2004), rồi sau đó là Cố vấn Bộ trưởng thời con trai ông, Lý Hiển Long làm Thủ tướng (2004-2011). Tháng 5/2011, Lý Quang Diệu chính thức nghỉ ngơi, rút lui hoàn toàn khỏi chính trường do tuổi cao, sức yếu.

Từ ngày 17/3, Bệnh viện Đa khoa Singapore đã chính thức thông báo "tình trạng sức khỏe của ông Lý Quang Diệu chuyển biến xấu sau hơn một tháng nhập viện để điều trị bệnh viêm phổi cấp". Hàng ngàn người dân Singapore vẫn xếp hàng túc trực trước cổng bệnh viện để chờ tin tức và cầu nguyện cho ông…

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.