Malaysia: Bạo lực và nghi án “mực giả” suýt phá hỏng bầu cử

Thứ Hai, 13/05/2013, 23:20

Ngày 6/5 vừa qua, Chủ tịch Liên minh Mặt trận dân tộc - đảng Barisan Nasional (BN), cầm quyền ở Malaysia trong suốt 56 năm qua, ông Najib Razak, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng trước Quốc vương Abdul Halim Mu'adzam Shah. Để có được kết quả này, Thủ tướng Najib và đảng cầm quyền đã phải trải qua một cuộc bầu cử được đánh giá là bạo động nhất trong lịch sử bầu cử Malaysia.

Từ trước đến nay, các cuộc bầu cử của Malaysia diễn ra thường khá hòa bình. Tuy nhiên, cuộc bầu cử ngày 5/5 không chỉ có bạo lực mà còn xuất hiện các chiến dịch bôi nhọ và tố cáo đối thủ trên diện rộng.

Những vụ loạn đả khởi sự vào giữa tháng 4/2013, 5 kẻ tấn công ở Georgetown, bang Penang đã đánh bị thương hai người đàn ông khác và ném họ lên trên lá cờ của đảng đối lập. Ngày 23/4 sau đó, người biểu tình phản đối liên minh Mặt trận dân tộc - hay đảng Barisan Nasional (BN), đã kích hoạt thiết bị gây nổ tại phía bắc Penang. Ngày 25/4, những kẻ tấn công còn ném bom xăng vào văn phòng đảng BN ở thủ đô Kuala Lumpur và đốt xe của con gái ông Xavier Jayakumar, ứng viên đảng Pakatan Rakyat ngay tại nhà riêng.

Bên cạnh các vụ tấn công bạo lực còn có các vụ tấn công mạng Internet khiến cho một số các trang web ở Malaysia không thể truy cập được hoặc bị chặn khiến các báo mạng không thể đưa tin về cuộc bầu cử.

Chỉ vài ngày sau khi các điểm bỏ phiếu được mở ra, dấu hiệu gian lận người bỏ phiếu đã bị lật tẩy sau khi có các tố cáo cho rằng loại mực không tẩy được dùng để đánh dấu ngón tay của những cử tri đã bỏ phiếu vẫn có thể bị rửa trôi bằng nước sạch. Ý nghĩa của việc dùng mực đánh dấu để ngăn một cử tri bỏ phiếu nhiều lần giờ đây đã trở thành vô nghĩa, gây hoang mang về sự công bằng và minh bạch trong bầu cử.

Trong khi đó, một ủy viên của ban bầu cử ngụy biện rằng đó chỉ là họ quên không lắc lọ mực trước khi sử dụng. Tuy nhiên đó là một cách lấp liếm sự việc hết sức ngớ ngẩn. Trong nỗ lực cố gắng xóa bỏ cáo buộc này, đại diện ban bầu cử Malaysia đã phải xuất hiện trước công chúng để chứng minh rằng loại mực sử dụng thực tế không bị rửa trôi như lời cáo buộc và vẫn sẽ được dùng trong cuộc tổng tuyển cử.

Cử tri Malaysia đi bầu cử hôm 5/5/2013.

Cuộc bầu cử lần này sẽ quyết định phe nào giữa liên minh cầm quyền BN (điều khiển đất nước suốt 56 năm qua) và liên minh đối lập Pakatan Rakyat (PR), một liên minh lỏng lẻo hơn gồm các đảng đối lập, thành lập trong cuộc bầu cử cuối cùng năm 2008, sẽ lên nắm quyền.

Đứng đầu khối BN là đương kim Thủ tướng Najib Razak, ông là con trai và cháu của các đời thủ tướng trước, người nhậm chức từ năm 2009. Trong khi đó người đứng đầu PR là Anwar Ibrahim, cựu Phó thủ tướng phụ trách mảng tài chính, đã từng vài lần phải đi tù vì tội tham nhũng và dính vào  các scandal tình ái. Nhưng theo ông Anwar, những tội danh này đều chỉ vì mục đích chính trị.

Trong chiến dịch bầu cử hết sức căng thẳng này, cả hai phe phái đều nỗ lực lôi kéo các cử tri bỏ phiếu cho mình bằng nhiều hứa hẹn về việc chính phủ sẽ chi tiêu hào phóng hơn. James Chin, giáo sư khoa học chính trị khu vực Malaysia của trường đại học Monash, Australia cho biết "Các thủ thuật của cả hai bên đều chưa có một chút khôn ngoan chính trị nào, chúng đơn thuần chỉ gồm một chút "ban phát" để mị dân, họ có thể hứa hẹn nhiều thứ nhưng về cơ bản sẽ chẳng có sự khác biệt nào trong chính sách khi một trong hai phe lên nắm quyền".

Ngoài ra còn là những căng thẳng sắc tộc, vấn đề vẫn đang chia rẽ đất nước này kể từ khi Mặt trận dân tộc đưa ra các chính sách ưu tiên người Mã Lai nhiều hơn các dân tộc khác từ năm 1970. Hiến pháp Malaysia vì vậy đã vô tình chia đất nước làm hai, một bên là dân Bumiputera (dân tộc Mã Lai) và một bên là dân Sarawak và Sabah (chủ yếu là dân cư gốc Hoa và gốc Ấn). (Theo điều tra những sự thật về thế giới của CIA, hơn 50% dân số Malaysia là người Mã Lai, người Hoa chiếm 23,7% và 7,1% dân số là người Ấn).

Chính phủ Malaysia đã đề ra một "hạn ngạch" cho phép bao nhiêu phần trăm của cải quốc gia được nằm trong tay người Mã Lai hoặc trao quyền quản lý cho họ. Họ cũng được nhận các ưu đãi trong lĩnh vực nhà ở, cổ phiếu, chứng khoán v.v…

Chính sách này đã khiến nhiều người bất bình và đây cũng chính là sơ hở để liên minh đối lập khai thác, biến đó thành lợi thế cạnh tranh cho mình trong cuộc bầu cử lần này. Giáo sư Chin phát biểu: "Anwar và liên minh PR đều đủ tỉnh táo để biết rằng nếu như họ cố tình muốn thay đổi nền tảng của quốc gia và chạy theo những dân tộc kia thì người Mã Lai sẽ không bỏ phiếu cho họ”.

Một tuần trước ngày bầu cử, một cuộc trưng cầu dân ý thực hiện bởi một trường đại học của Malaysia tuần trước đã cho thấy 60% những người được hỏi sẽ bầu cho đảng PR. Tuy nhiên, chính phủ đã bác bỏ kết quả của cuộc trưng cầu này và tuyên bố chính kết quả bỏ phiếu sẽ hạ hồi phân giải mọi chuyện.

Trong lúc này, giáo sư Chin phát biểu: "Vấn đề không chỉ nằm ở kết quả, công chúng đang phán xét giới cầm quyền dựa trên việc cuộc bầu cử có được diễn ra công bằng hay không. Nếu như có bất kì một sự bất công hay gian lận nào, các cử tri sẽ trở nên tức giận và khi ấy không ai dám chắc được họ có thể làm những gì”.

May mắn thay, kết quả bầu cử được công bố vào cuối ngày chủ nhật và nó không nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia. Đảng cầm quyền BN giành phần thắng với 133 trên 222 ghế, tiếp tục kéo dài hơn nửa thế kỷ nắm quyền dù phải trải qua một cuộc tổng tuyển cử được cho là tồi tệ nhất lịch sử bầu cử của Malaysia

Hoàng Cúc (tổng hợp)
.
.