Malaysia: Cú "chốt hạ" của ông Anwar

Thứ Ba, 20/10/2020, 14:57
Ngày 13-10, lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim đã có cuộc diện kiến đức vua Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah của Malaysia để trao cho đức vua hồ sơ chứng minh sự tín nhiệm của nghị sĩ trong Quốc hội dành cho ông, để trên cơ sở đó yêu cầu đức vua bổ nhiệm ông làm Thủ tướng mới của Malaysia.

Cuộc diện kiến của ông Anwar Ibrahim với đức vua diễn ra trong 1 tiếng đồng hồ được xem là thủ tục cần thiết để ông Anwar nhắm đến chiếc ghế thủ tướng mà ông ôm mộng từ hàng chục năm qua. Đức vua chưa có ý kiến gì trước công chúng về nội dung hồ sơ mà ông Anwar trao. Tuy chỉ đóng vai trò mang tính nghi thức nhưng đức vua Malaysia có quyền bổ nhiệm Thủ tướng nếu xét thấy một chính khách có được sự tín nhiệm của đa số trong Quốc hội. Đồng thời, đức vua cũng có quyền giải tán Quốc hội và ra lệnh tổ chức bầu cử theo sự cố vấn của Thủ tướng.

Giới phân tích cho rằng đức vua cần có thời gian để xem xét và xác minh kỹ lưỡng những nội dung trong hồ sơ mà ông Anwar trao trước khi đưa ra bất cứ lời nhận xét, đánh giá nào, kể cả quyết định bổ nhiệm thủ tướng đối với ông Anwar.

Năm nay 73 tuổi, ông Anwar Ibrahim bắt đầu tham gia chính trị Malaysia trong thập niên 1970, xuất thân là nhà hoạt động sinh viên, với vai trò Chủ tịch Liên đoàn Sinh viên Hồi giáo quốc gia Malaysia, là thành viên sáng lập Phong trào Thanh niên Hồi giáo Malaysia. Ông được Mahathir Mohamad tiếp nhận cho gia nhập Tổ chức Quốc gia Malaysia thống nhất (UMNO) và nhanh chóng vươn lên trên nhiều cấp bậc, chức vụ khác nhau trong đảng UMNO cũng như trong chính phủ.

Từ đầu thập niên 1980, ông Anwar trải qua ít nhất 3 chức Bộ trưởng trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính Malaysia vào năm 1991, giữ chức đến năm 1998. Năm 1993, ông được Thủ tướng Mahathir bổ nhiệm kiêm chức Phó Thủ tướng, được xác định là người kế thừa chức Thủ tướng Malaysia.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bùng phát năm 1997-1998 đã gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế lẫn chính trị. Malaysia là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến nền kinh tế quy giảm nặng nề. Ông Anwar bị đem ra làm “tội đồ” cho cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970. Và thế là, ông bị Thủ tướng Mahathir phế truất cả chức Phó Thủ tướng lẫn Bộ trưởng Tài chính.

Ông Anwar Ibrahim.

Tuy nhiên, giới am hiểu hậu trường cho rằng khủng hoảng tài chính 1997-1998 chỉ là cái cớ. Thực chất việc ông Mahathir sa thải ông Anwar là kết quả tất yếu của một cuộc đấu đá quyền lực nội bộ. Ông Mahathir thu nhận ông Anwar vào UMNO vì phát hiện năng lực chính trị của ông này thông qua hoạt động trong phong trào sinh viên và thanh niên Hồi giáo Malaysia. Nhưng, khi nhìn thấy ông Anwar thăng tiến quá nhanh trong hệ thống đảng lẫn trong chính quyền, ông Mahathir bắt đầu cảm thấy quyền lực của mình bị đe dọa bởi con người vừa trẻ, năng động vừa có “khiếu” chính trị này.

Ông Anwar đã lãnh đạo cánh trẻ trong UMNO dấy lên phong trào đòi tranh luận về “chủ nghĩa bè phái” và “vây cánh” xung quanh các lãnh đạo UMNO, trong đó có ông Mahathir. Như để đáp trẻ yêu sách của cánh trẻ, trong Quốc hội Malaysia bỗng xuất hiện một quyển sách lan truyền nội dung cáo buộc ông Anwar vi phạm đạo đức, phạm tội “gian dâm đồng tính” và tham nhũng. Ông Anwar khi đó là chính khách trẻ đang lên của UMNO, vì thế quyển sách bị chặn lưu hành và thu hồi, cảnh sát được lệnh điều tra sự thật nội dung và tác giả của nó.

Kết quả điều tra cũng thật bất ngờ, với việc ông Anwar bị buộc tội “gian dâm đồng tính”. Ngày 2-9-1998, ông bị sa thải và bị tống giam để điều tra, xét xử hành vi phạm tội. Năm 2004, ông được trả tự do. Trước đó một năm, ông Mahathir cũng không còn làm Thủ tướng Malaysia. Nhưng án phạt cấm tham gia chính trị vẫn còn hiệu lực, vì thế ông phải tạm gác lại khát vọng làm Thủ tướng Malaysia để đi làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy đại học.

Tháng 4-2008, ông Anwar quay trở lại chính trị với tư cách nghị sĩ, sau khi lệnh cấm tham gia chính trị hết hiệu lực. Từ khi trở lại chính trường với tư cách lãnh đạo phe đối lập, ông luôn tìm cách để nắm lấy quyền lực thông qua việc vận động các đảng phái để hình thành liên minh đa số trong Quốc hội sau cuộc bầu cử năm 2008 và nhất là cuộc bầu cử năm 2013.

Tuy nhiên, cái mác “gian dâm đồng tính” cứ đeo bám mãi chưa thôi. Năm 2015, ông lại bị cáo buộc lần thứ hai về tội danh này nhưng không bị tống giam. Lần này thì dư luận cho rằng ông Anwar bị các đối thủ chính trị (không phải ông Mahathir) hãm hại.

Năm 2018, tức giận vì tình hình chính trị Malaysia ngày càng trở nên rối ren, suy đồi, cựu Thủ tướng Mahathir quyết định quay trở lại với chính trị. Sau nhiều năm, hai ông Mahathir và Anwar đã gác lại những xích mích cũ để cùng nhau hợp sức trong một liên minh chính trị mới mang tên Pakatan Harapan đánh bại đảng cũ UMNO suy yếu do bê bối quỹ đen 1MDB.

Pakatan Harapan giành chiến thắng trước UMNO trong cuộc bầu cử ngày 9-5-2018, nhưng ông Anwar thì không thể trực tiếp tham gia ứng cử do bị buộc tội. Vài ngày sau bầu cử, ông được ân xá và giành chiến thắng áp đảo trong một cuộc bầu cử bổ sung.

Khi hợp tác với nhau, ông Mahathir có hứa là sẽ chuyển giao quyền lực cho ông Anwar sau 2 năm cầm quyền để ổn định lại chính trị đất nước. Thế nhưng, đến tháng 5-2020, thời hạn chuyển giao quyền lực đã đến, ông Mahathir lại không chuyển giao quyền lực Thủ tướng Malaysia cho ông Anwar như đã hứa mà lại giao trả quyền lực cho đức vua để bổ nhiệm người khác. Người thay thế ông Mahathir chính là ông Muhyiddin Yassin, người cũng chuyển từ UMNO sang liên minh Pakatan.

Giới phân tích cho rằng, vẫn chưa chắc chắn đức vua có bổ nhiệm ông Anwar làm thủ tướng hay không, bởi đang xuất hiện dư luận nghi ngờ đối với thông tin về “đa số nghị sĩ” mà ông Anwar cung cấp cho đức vua. Việc ông Anwar từ chối công khai danh tính các nghị sĩ ủng hộ mình khiến dư luận cho rằng rất có thể các nghị sĩ ủng hộ ông nằm trong danh sách các chính khách dính bê bối, đang bị điều tra.

Văn Trương (Tổng hợp)
.
.