Malaysia - Cuộc chiến với di sản nợ công

Thứ Năm, 05/07/2018, 15:39
Chính phủ mới đang làm hết sức mình để khắc phục món nợ công khổng lồ do chính chuyền tiền nhiệm để lại. Làm thế nào để trả nợ công là chủ đề nóng còn hơn cả việc nhà chức trách tìm ra và tịch thu khối tài sản bất minh lên tới nhiều chục triệu USD của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak.

Nếu mỗi ngày trả 1 triệu ringgit, Malaysia cần tới 2.739 năm mới trả hết nợ

Sau khi lên nắm quyền, đối mặt với núi nợ do chính phủ tiền nhiệm để lại lên tới hơn 1.000 tỷ ringgit (trên 250 tỷ USD), tương đương 80,3% GDP, chính phủ mới do ông Mahathir đứng đầu đã đưa ra nhiều giải pháp như chấm dứt và xem xét lại một số siêu dự án lớn không hiệu quả; giải tán một số cơ quan không cần thiết hoặc không hiệu quả; sa thải hoặc cắt giảm khoảng 17.000 nhân viên do chính phủ tiền nhiệm tuyển dụng vì mục đích chính trị; tìm cách giảm vay nợ từ nước ngoài, tịch thu tài sản của chính phủ bị thất thoát và tăng cường tiết kiệm chi tiêu.

Thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết, ông tin rằng phần lớn những khoản tiền bị thất thoát gây nên nợ công lớn có liên quan đến vấn đề tham nhũng. "Rất khó để ước tính chính xác độ lớn nợ công mà Malaysia đang có hiện nay. Chúng ta vẫn còn một chặng đường rất dài phải đi", chuyên gia kinh tế Krystal Tan của Capital Economics nói. Trong khi đó, một tuyên bố mới nhất của hãng đánh giá tín dụng quốc tế Moodys cho rằng nợ công của Malaysia ở mức 50,8% GDP.

Giải thích về con số nợ công được chính phủ mới công bố là khoảng 80% GDP đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài có hàng chục phiên bán ròng trên thị trường chứng khoán Malaysia. Liên quan tới việc này, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng một lần nữa nhấn mạnh rằng, sở dĩ chính phủ mới công bố số nợ công lên tới hơn 1.000 tỷ ringgit, bao gồm nợ trực tiếp và nợ gián tiếp.

Cảnh sát Malaysia thu giữ rất nhiều tiền, đồ trang sức xa hoa, nghi là tài sản do tham nhũng của cựu Thủ tướng Najib Razak. Ảnh: The Japan Times.

Con số mà Moodys đưa ra chỉ là nợ trực tiếp. Nợ gián tiếp bao gồm nợ do chính phủ và một số cơ cấu nhà nước khác như Quỹ Phát triển 1 Malaysia (1MDB) bảo lãnh và phần đối ứng của chính phủ trong các dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP), tới ngày 31/12/2017 là 29,5% GDP.

Theo Bộ trưởng Lim Guan Eng, nếu mỗi ngày trả 1 triệu ringgit, Malaysia cần tới 2.739 năm mới trả hết nợ.

Cả nước chung tay "gánh nợ"

Do phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ, Bộ trưởng Lim Guan Eng mong muốn người dân Malaysia cho chính phủ mới thêm thời gian thực hiện lời hứa khi tranh cử vì phải tập trung vào mục tiêu trước mắt là ổn định tài chính quốc gia. Tờ Nam Dương thương báo cho biết nợ công của Malaysia, nếu xét về tỷ lệ trên GDP, hiện chỉ đứng sau Singapore trong các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Manoharan, điều may mắn là 97% nợ công của Malaysia là bằng đồng ringgit, còn nợ bằng đồng USD và đồng yên Nhật lần lượt chỉ chiếm 2% và 1%. Như vậy, nợ công của Malaysia có thể tránh được rủi ro từ sự biến động trên thị trường tiền tệ, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày một nóng khiến đồng tiền của nhiều nước bị mất giá.

Bên cạnh đó, tuy tỷ lệ nước ngoài nắm giữ nợ công của Malaysia tương đối cao (khoảng 30%), nhưng nước này có hệ thống quản lý tài sản tốt và ngành bảo hiểm phát triển, cho nên dòng tiền lưu động dồi dào trong nước có thể lấp đầy chỗ trống từ bất cứ quyết định rút vốn nào. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Malaysia khả quan giúp cho vấn đề nợ công vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát.

Chuyên gia kinh tế Manoharan cho rằng chỉ cần kinh tế duy trì tăng trưởng hơn 5% là Malaysia có khả năng trả nợ. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia năm 2018 từ 5% (đưa ra hồi tháng 10/2017) lên 5,4%.

Kenanga Research, một tổ chức có hơn 40 năm kinh nghiệm hoạt động ở Malaysia, dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia năm 2018 có thể đạt 5,5% thay vì mức 5,1% đưa ra trước đó.

Một điểm đáng chú ý khác là trước tình hình tài chính khó khăn của đất nước, người dân và quan chức Malaysia đã chung tay cùng chính phủ mới đóng góp sức mình để trả nợ. Nhà vua Malaysia Muahammad V mới đây đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề nợ và tình hình kinh tế quốc gia, đồng thời quyết định cắt giảm 10% lương tới khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021.

Vua Muhammad V muốn dùng hành động thực tế để cùng nhân dân gánh vác trách nhiệm cứu quốc. Trước đó, thành viên nội các, quan chức một số bang như Johor, Kedah, Penang và nhiều nghị sỹ Malaysia cũng có hành động tương tự.

Malaysia cũng đã chính thức thành lập Quỹ Hy vọng Malaysia để tiếp nhận sự đóng góp của nhân dân với mục đích duy nhất là xử lý vấn đề nợ quốc gia. Ngay trong ngày đầu tiên (cuối tháng 5/2018), quỹ này đã nhận được hơn 7 triệu ringgit tiền quyên góp (tương đương 1,77 triệu USD). Và tới ngày 25-6, con số này đã đạt trên 108 triệu ringgit. Chính phủ Malaysia cho biết việc thành lập một quỹ quyên góp tiền để người dân có thể chung tay tự nguyện quyên góp tiền trả nợ công.

Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng khẳng định trong thông cáo báo chí cập nhật về số tiền ủng hộ cho biết: "Đây thực sự là một kỳ tích. Người Malaysia đã đưa tình yêu nước của mình lên một tầm cao mới, sẵn sàng đóng góp tiền lương và tiền tiết kiệm của mình để xây dựng đất nước mà tất cả chúng ta đều yêu quý".

Động thái này ngay lập tức kích thích một cuộc tranh luận trên mạng xã hội rằng liệu các quốc gia khác gặp khó khăn về ngân sách có nên làm theo hay không? Thực tế, động thái tương tự của người dân Malaysia đã gợi nhớ lại thời kỳ cuối thập niên 1990 tại Hàn Quốc khi người dân xếp hàng quyên góp những thứ có giá trị, như nhẫn cưới bằng vàng của họ cho chính phủ để giúp nền kinh tế này vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông Lim cho biết Bộ Tài chính tri ân lòng hào hiệp của người Malaysia."Chính xác là tinh thần hy vọng và đoàn kết này cũng sẽ thúc đẩy chính quyền hoàn thành những cam kết với nhân dân", bộ trưởng Lim bày tỏ.

Gian nan 60 lời hứa

Trong cam kết và giành chiến thắng, ông Mahathir và chính phủ của mình cam kết trong vòng 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện 60 lời hứa, được chia thành 5 trụ cột, nhằm tạo dựng một đất nước Malaysia tốt đẹp hơn trên các khía cạnh kinh tế, quan hệ sắc tộc, đối ngoại và quản trị chính phủ... Những điều này sẽ định hình cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại của Malaysia trong thời gian tới.

Theo đó, ngay trong vòng 100 ngày đầu tiên nắm quyền, chính phủ mới cam kết sẽ thực hiện 10 lời hứa, và điều đầu tiên là xóa bỏ thuế GST như đã cam kết.

Ngoài ra, chính phủ mới còn cam kết thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội khác, như cho phép tạm dừng đóng phí học đại học cho những người có thu nhập dưới 4.000 ringgit/tháng, tăng lương tối thiểu cho người lao động, trợ cấp giá xăng dầu... Tất cả đòi hỏi nguồn ngân sách lớn. Đây là bài toán không dễ đối với chính phủ mới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Malaysia vẫn chưa thực sự thoát khỏi những khó khăn hiện nay.

Đặc biệt, chính phủ của ông Mahathir sẽ phải nhanh chóng giải quyết bài toán liên quan đến chi phí sinh hoạt cho người dân. Đây là vấn đề khá nhức nhối hiện nay tại Malaysia và cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Giá cả sinh hoạt tại Malaysia gần đây tăng lên, nhất là giá cả nhiên liệu và một số nhu yếu phẩm khác.

Bộ Tài chính Malaysia công bố số tiền người dân đóng góp cho Quỹ Hy vọng trong ngày đầu vận động. Ảnh: Malaysia-chronicle.

Sẽ không có hoạt động "chính trị bằng tiền"

Ngoài việc cam kết tiến hành các cuộc điều tra bê bối chính trị và kinh tế trong thời gian vừa qua tại Malaysia, trong đó có vụ lùm xùm thất thoát tài sản của Quỹ 1MDB, một cam kết đáng chú ý khác mà chính phủ mới đưa ra liên quan đến những dự án xây dựng lớn, nhưng chưa thực sự cấp thiết.

Thủ tướng Mahathir cho biết, sẽ xem xét một số siêu dự án. Những dự án nào được tiếp tục triển khai, những dự án nào buộc phải ngừng. Ví dụ như dự án đường sắt kết nối khu vực bờ biển phía đông Malaysia, hay dự án khu siêu đô thị ở bang Johor.

Câu chuyện xây dựng đường sắt cao tốc kết nối Kuala Lumpur với Singapore một lần nữa trở thành chủ đề bàn thảo khá nhiều ở Malaysia sau khi thủ tướng nước này, ông Mahathir Mohamad nói rằng dự án trên đơn thuần chỉ bị trì hoãn chứ không hủy bỏ. Vậy tại sao Malaysia lại lưỡng lự trong việc xây dựng đường sắt cao tốc?

Còn nhớ sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Mahathir tuyên bố vào ngày 28-5 vừa qua rằng Malaysia sẽ hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc kết nối Kuala Lumpur với Singapore vì nó không cần thiết. Nhưng khi trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asean Review bên lề Hội nghị Tương lai châu Á tổ chức ở Nhật Bản mới đây, người đứng đầu Chính phủ Malaysia cho biết nước này không thể nói là không bao giờ cần tới đường sắt cao tốc và cái mà Malaysia có thể làm là trì hoãn dự án này lại vì nó quá đắt đỏ trong thời điểm hiện tại.

Theo ông Mahathir, đường sắt cao tốc hiệu quả nhất khi có kết nối hai địa điểm cách nhau rất xa, nếu khoảng cách gần, đường sắt cao tốc sẽ không đóng góp được nhiều.

Cho dù biết việc hủy bỏ nhiều dự án này sẽ làm ảnh hưởng tới hàng nghìn công ăn việc làm được tạo ra từ các dự án và một số quốc gia trong khu vực, trong đó đặc biệt là các đối tác quan trọng nhưng ông Mahathir nhấn mạnh, Malaysia sẽ "làm lại từ đầu" một cách bài bản.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của tân Thủ tướng Mahathir Mohamad cũng thông báo sẽ cắt giảm khoảng 10% lương của các bộ trưởng trong nội các của ông nhằm kiểm soát chi tiêu. Trong một động thái quyết liệt hơn, ông Mahathir cho biết ngoài việc cắt giảm chi tiêu, Malaysia đang hướng tới chủ trương thực hiện những biện pháp khác, trong đó có việc thành lập một nội các nhỏ hơn, thu hẹp quy mô chính phủ và thu lại một số tài sản liên quan "bất minh". Các bộ, ngành chồng chéo và một số cơ quan "không quan trọng" khác sẽ bị giải thể.

Không chỉ có vậy, Thủ tướng Mahathir Mohamad còn đưa ra quy định cấm các bộ trưởng trong nội các nhận quà tặng nhằm xây dựng một chính phủ trong sạch đúng như cam kết thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử. Thủ tướng Mahathir cho biết, chính phủ sẽ áp dụng quy định “không quà tặng” đối với các bộ trưởng và các trợ lý của họ. Hiện quy định này mới chỉ áp dụng cho các công chức. Theo ông Mahathir, nếu có quà tặng, đó chỉ có thể là hoa, thức ăn hoặc hoa quả.

Thủ tướng Mahathir đã cam kết xây dựng một đạo luật nhằm chống lại hoạt động "chính trị bằng tiền" ở nước này và quy định các loại quà tặng liên quan đến chính trị. Hơn nữa, ông Mahathir cho biết tất cả các bộ trưởng cũng như thư ký của họ sẽ phải công khai tài sản của mình đối với thủ tướng và những thông tin này sẽ được chia sẻ với cơ quan chống tham nhũng.

Siết chặt các tiêu chí về công chức

Một trong công việc bức thiết để giảm gánh nặng ngân sách là làm sạch đội ngũ nhân viên công vụ. Trong một phát biểu mới đây được tờ China Press dẫn lại, Thủ tướng Mahathir Mohamad thẳng thắn thừa nhận rất nhiều nhân viên công vụ không phục vụ cho đất nước và chính phủ mà chỉ chăm lo cho đảng chính trị của mình. Mặc dù chính phủ mới không muốn "mạnh tay" với những người này nhưng do họ không thực thi nhiệm vụ như mong muốn của chính phủ nên chính phủ buộc phải thay thế họ.

Tờ Tinh Châu nhật báo cho biết thêm hiện nước này có hơn 1,6 triệu nhân viên công vụ, chiếm 11% tổng dân số. Bình quân, mỗi nhân viên công vụ Malaysia phục vụ 19,37 người dân trong khi đó tỷ lệ này ở Trung Quốc và Indonesia là 1/110, tại Singapore là 1/71, tại Nhật Bản là 1/128 và tại Đài Loan là 1/66. Vấn đề là hiệu suất làm việc của các nhân viên công vụ Malaysia có cao hơn các nước và vùng lãnh thổ trên hay không?

Trong 13 năm qua, tiền lương ngân sách hằng năm chi cho đội ngũ này đã tăng 3,36 lần, từ mức 22 tỷ ringgit năm 2003 lên 52 tỷ ringgit trong năm 2016. Điều đó đủ cho thấy bộ máy cơ quan hành chính của Malaysia đã phình to nghiêm trọng tới mức nào.

Theo báo trên, bộ máy công vụ quá cồng kềnh không sớm thì muộn sẽ khiến đất nước sụp đổ. Một trong những nguyên nhân khiến Hy Lạp phá sản chính là do có quá nhiều nhân viên công vụ, chiếm tới 10% dân số và 22% số việc làm. Đội ngũ nhân viên công vụ cơ bản không liên quan tới sản xuất, chủ yếu cung cấp dịch vụ cho người dân.

Trong thời đại công nghệ thông tin, nhiều lĩnh vực phục vụ có thể được máy tính hóa nhưng Hy Lạp đã không làm điều đó mà bỏ tiền nuôi dưỡng đội ngũ nhân viên công vụ khổng lồ, đẩy đất nước tới bờ vực phá sản. Đài Loan là quốc gia sớm nhận ra gánh nặng lương hưu từ việc duy trì đội ngũ nhân viên công vụ đông đảo, 10 năm qua Đài Loan không tăng thêm biên chế và đặt tiêu chuẩn cao cho việc tuyển dụng nhân viên công vụ. Trung bình, tỷ lệ trúng cử nhân viên công vụ trong các cuộc thi tuyển là chưa đầy 3%.

Hoa Huyền
.
.