Mexico: Chính trường náo loạn vì vụ 43 sinh viên mất tích

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:50
Chính trường Mexico đang trở nên rối loạn bởi những cuộc biểu tình của hàng vạn người dân Mexico diễn ra trên khắp cả nước. Trong khi đó, hàng loạt chính khách ở cả 2 đảng phái chính trị cầm quyền và đối lập bị bắt và bị ngưng chức do dính líu đến vụ bắt cóc các giáo sinh sư phạm xảy ra cách đây 2 tháng. Tổng thống Enrique Pena Nieto đang đối mặt trước sức ép lớn.

Hai tháng sau khi 43 sinh viên sư phạm của Trường Escuela Normal Rural de Ayotzinapa thuộc thị trấn Tixtla, bang Guerrero, bị bắt rồi sau đó mất tích, người ta vẫn chưa biết số phận họ hiện giờ ra sao. Có ý kiến cho rằng họ đã bị sát hại. Tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Mexico Jesus Murillo Karam thông báo ngắn gọn rằng các sinh viên mất tích có thể đã bị sát hại và đốt xác tại một bãi rác ở gần Iguala vì đã phát hiện một số dấu vết nghi là tàn tích của họ. Trong khi đó, Chính phủ Mexico đứng đầu là Tổng thống Enrique Pena Nieto vẫn đang bế tắc trong việc đáp ứng yêu cầu tìm kiếm của họ.

Sự chờ đợi trong tuyệt vọng đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối ban đầu là của phụ huynh các sinh viên, rồi sau đó lôi kéo thêm giới giáo viên, sinh viên học sinh, lúc đầu diễn ra tại bang Guerrero, nơi mà hệ thống chính trị hầu như tê liệt do dính líu, phụ thuộc vào các băng đảng ma túy, sau đó lan ra nhiều bang khác, kể cả thủ đô Mexico City. Các nghiệp đoàn giáo viên đã vào cuộc phát động biểu tình rộng khắp trên cả nước Mexico. Cách đây 2 tuần, cuộc biểu tình đã thu hút thêm nhiều giới nghề nghiệp khác, từ kế toán, nhân viên bán hàng cho đến công nhân, nhân viên văn phòng. Và cuộc biểu tình đã biến thành bạo động khi cảnh sát mạnh tay trấn áp dòng người biểu tình bao vây, chiếm đóng các tòa nhà chính quyền, trường học, trụ sở cảnh sát.

Tổng thống Enrique Pina Nieto đang đau đầu vì vụ 43 sinh viên mất tích (ảnh trái); Vợ chồng cựu Thị trưởng thành phố Iguala, Jose Luis Abarca và Maria de los Angeles Pineda.

Tại bang Guerrero, người biểu tình đã xông vào và chiếm quyền kiểm soát 29 tòa thị chính, tức hơn 1/3 cơ quan công quyền của bang này. Tòa nhà chính quyền bang Guerrero và trụ sở của đảng cầm quyền Cách mạng Thể chế (PRI) tại thành phố Chilpancingo, thủ phủ bang cũng đều đã bị đốt cháy. Ngay cả khuôn viên Trường đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM) danh tiếng cũng bị chiếm. Ngày 22/11, hàng vạn người mặc tang phục màu đen biểu tình tràn ngập khu vực trung tâm thủ đô Mexico City. Tính chất các cuộc biểu tình giờ đây không còn đơn thuần phản đối vụ mất tích ở bang Guerrero mà đã trở thành cuộc tổng phản đối toàn quốc đối với thái độ và sự phản ứng quá chậm chạp và kém hiệu quả của Chính phủ Mexico đối với số phận 43 giáo sinh mất tích. Trong làn sóng biểu tình đó, đã có nhiều khẩu hiệu yêu cầu Pena Nieto từ chức hoặc "hãy biến khỏi đây ngay".

Vụ mất tích đã làm cho chính trường Mexico náo loạn. Các cảnh sát viên liên quan đến vụ bắt người đều đã bị bắt giam, còn Cảnh sát trưởng thành phố Iguala cũng đang bị ngưng chức. Ngày 4/11, cựu Thị trưởng Iguala là Jose Luis Abarca và vợ là Maria de los Angeles Pineda đã bị bắt giam với cáo cuộc chủ mưu vụ bắt cóc, vì chính Abarca đã ra lệnh cho cảnh sát Iguala bắt giam các giáo sinh vào ngày 26/9, rồi bàn giao cho băng đảng ma túy ở địa phương có tên gọi là Guerreros Unidos. Rogelio Ortega Martinez, Thống đốc lâm thời bang Guerrero cũng buộc phải từ chức do dính líu đến băng đảng Guerreros Unidos. Đảng Cách mạng Dân chủ (PRD) là đảng chính trị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Báo chí Mexico đưa tin hiện có nhiều chính khách ở bang Guerrero, trong đó có 12 thị trưởng, dính líu đến các băng đảng ma túy, trong số này có 8 người của đảng PRD. Ngay cả chiếc ghế của Chủ tịch PRD Carlos Navarrete cũng đang lung lay.

Bạo động ở Mexico đang dâng cao.

Đây là một cuộc khủng hoảng lớn nhất của Tổng thống Pena Nieto kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 12/2012. Việc có nhiều chính khách và lực lượng cảnh sát dính líu đến các băng đảng tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy đang trở thành vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với Chính phủ của Tổng thống Pena Nieto vì nó bộc lộ những vấn đề khó khăn nhất trong cuộc chiến chống các băng đảng tội phạm ma túy mà ông đặt thành trọng tâm và đã từng tuyên bố sẽ thực hiện thành công. Chính mối liên hệ nguy hiểm này là nguyên nhân chủ đạo châm ngòi cho biểu tình phản đối và bạo loạn bộc phát khắp nơi, lan đến thủ đô Mexico City, lan cả ra ngoài biên giới đất nước. Người biểu tình đã đặt ra yêu cầu mà dường như Tổng thống Nieto rất khó đáp ứng là làm sao cắt đứt được mối dây liên hệ nguy hiểm đó. Đây cũng là mấu chốt quan trọng cần phải thực hiện để bảo đảm cuộc chiến chống các băng đảng tội phạm ma túy Mexico thành công, nhưng cho đến nay Tổng thống Nieto chưa làm được.

Trong khi tình hình trong nước đang náo loạn vì vụ 43 sinh viên mất tích, Tổng thống Nieto có chuyến công du nước ngoài đến Trung Quốc và Australia, mà các nhà bình luận cho rằng ông đang muốn mượn hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác kinh tế nhằm lấy ưu thế kinh tế tăng trưởng mạnh để che lấp vụ việc. Nhưng dường như Nieto không thể làm được điều đó. Sự bất ổn trong nước đã phần nào khiến cho hoạt động đối ngoại của ông ở Trung Quốc cũng không được như mong muốn, vì thông tin về vụ sinh viên mất tích cứ bám theo ông thông qua các kênh truyền thông. Tệ hơn, khi đặt chân đến Australia, Nieto đã được chào đón ngay tức thì bởi loạt biểu tình phản đối rầm rộ tại 4 thành phố lớn của Australia là Brisbane, Canberra, Sydney và Melbourne. Người ta phản đối ông vì Nieto khẳng định theo đuổi công lý, nhưng trên thực tế công lý cho 43 giáo sinh sư phạm mất tích vẫn chưa được thực thi.

An Châu (tổng hợp)
.
.