“Miền đất hứa” - Cuốn hồi ký gây sốt của ông Obama
Nhà in Crown cho biết họ choáng váng với việc phải in nối bản quá nhiều trong khoảng thời gian quá ngắn. Thống kê số sách đã bán cho thấy hồi ký “A Promised Land” dày 768 trang của cựu Tổng thống Obama đã bán được gần 890.000 bản chỉ riêng ở Mỹ và Canada trong 24 giờ phát hành đầu tiên, khả năng trở thành quyển hồi ký Tổng thống Mỹ bán chạy nhất trong lịch sử hiện đại.
Hồi ký của ông Obama đang gây sốt tại Mỹ. |
Trên các cửa hàng sách hàng đầu trên mạng Internet như Amazon.com và Barnes & Noble.com, hồi ký “A Promised Land” hiện đang dẫn đầu số lượng phát hành. Số sách đã bán bao gồm sách in đặt hàng trước, sách điện tử và sách nói, chưa kể sách bán trên quầy nhà sách. Một quan chức nhà in Crown nhận định, số lượng kỷ lục sách đã bán phản ánh sự hào hứng của người đọc đối với nội dung hồi ký của cựu Tổng thống Obama.
Trong lịch sử các “cư dân Nhà Trắng” Mỹ, người có số lượng phát hành sách hồi ký đạt số lượng tiêu thụ ngày đầu tiên gần nhất với kỷ lục của ông Obama chính là vợ ông, bà Michelle Obama, với quyển hồi ký “Becoming” đạt số lượng tiêu thụ 725.000 bản trong 24 giờ phát hành vào năm 2018, đến nay đã bán được hơn 10 triệu bản.
Trong lịch sử gần đây, những cựu tổng thống có sách hồi ký “đình đám” nhất cũng không thể so sánh với sách của ông Obama. Chẳng hạn như quyển hồi ký “My Life” của cựu Tổng thống Bill Clinton bán được 400.000 bản trong 24 giờ đầu tiên ở Bắc Mỹ, còn hồi ký “Dicision Points” của cựu Tổng thống George W. Bush bán được xấp xỉ 220.000 bản. Đến nay, sau trên dưới 10 năm phát hành, 2 quyển hồi ký trên đã bán được lần lượt là 3,5 và 4 triệu bản.
Theo giới phê bình sách, quyển hồi ký của cựu Tổng thống Obama chứa đựng nhiều nội dung thú vị về khoảng thời gian ông làm chủ Nhà Trắng, bao gồm các chi tiết về công việc đưa ra các quyết định cho các vấn đề có thể định đoạt vận mệnh nước Mỹ và thế giới.
Nhưng, việc phát hành quyển sách vào thời điểm hiện nay cũng là một “nghệ thuật” có ẩn ý của ông Obama. Người Mỹ đang quá “ngán” món ăn tinh thần chứa nhiều chất dễ gây ngộ độc từ những dòng Twitter liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống rồi.
Tất cả những sự ồn ào đang diễn ra dường như trái ngược hẳn với những trang sách hồi ký đầy thú vị của ông Obama. Quyển hồi ký được đánh giá là sản phẩm văn chương lịch sự, là món ăn tinh thần bổ ích, được làm ra bởi một người từng tạo nguồn hứng khởi cho hàng triệu người Mỹ lẫn người dân nhiều nước trên thế giới khi ông bước chân vào làm chủ Nhà Trắng. Vị tổng thống thứ 44 và tổng thống thứ 45 là hai thái cực trái ngược nhau - một người đại diện cho sự hòa hợp các màu da ở Mỹ, người khơi dậy giấc mơ “Vâng, chúng ta có thể”, một ông chủ Nhà Trắng không tai tiếng; còn người kia thì ngược lại, đầy tai tiếng, luôn phát ngôn “gây bão”, kỳ thị màu da và có những quyết sách khiến cho nhiều người nhập cư khốn khổ.
Cậu bé Barack Obama thời thơ ấu cùng ông nội chơi đùa trên bãi biển. |
Không phải hiếu kỳ, mà chính là vì niềm hứng khởi về ông Obama ở nhiều người vẫn còn gần như nguyên vẹn như ngày nào đã khiến người ta hăm hở đón nhận quyển sách, thậm chí đặt mua trước. Ở đây cũng cần công nhận thêm về tài viết lách của cựu Tổng thống Obama - ông từng nổi danh là “nhà văn” khi còn ngồi trong Phòng Bầu dục và cũng từng tuyên bố sẽ làm nghề viết lách sau khi nghỉ làm tổng thống.
Giới phê bình sách quan tâm nhất đến những câu chuyện ông Obama kể ra trong quyển hồi ký. Có những câu chuyện từ thời niên thiếu cũng được ông Obama đưa vào phần đầu của quyển sách dẫn dắt người đọc trở về thời kỳ tuổi thơ đầy nắng gió và biển cả của ông. Nhưng, ngay sau những trang sách thú vị đáng yêu ấy, người đọc lập tức bắt gặp trở lại những câu chuyện khi ông ở trong Nhà Trắng, từng được báo chí Mỹ tô đậm một thời nhưng được kể lại bởi chính người trong cuộc.
Đó là câu chuyện về cuộc tập kích của 12 lính đặc nhiệm hải quân SEAL tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tháng 5-2011; đó là câu chuyện về chuyến công tác Brazil gặp phải sự cố công nghệ viễn thông gây trục trặc cho sự liên lạc giải quyết công việc với bộ sậu Nhà Trắng; đó là câu chuyện về cuộc chiến đầy khó khăn để thông qua chính sách y tế mang bí danh “Obamacare”, do đảng Cộng hòa làm chủ Hạ viện; cả những dòng mô tả chi tiết mà báo chí chưa bao giờ được biết về các nhà lãnh đạo cùng thời như Thủ tướng David Cameron của Anh, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitri Medvedev của Nga,...
Người đọc Bắc Mỹ đang bắt gặp trở lại rất, rất nhiều tình huống, chi tiết thú vị của giai đoạn ông Obama làm chủ Nhà Trắng; những khoảnh khắc chính trị sống động, đầy kịch tính nhưng không đến nỗi cực đoan, gây tranh cãi như thời ông Trump sau này. Dường như quyển hồi ký muốn nhắc cho người Mỹ và cả Bắc Mỹ nhớ lại một giai đoạn 8 năm tốt đẹp khi một người của đảng Dân chủ làm tổng thống, kinh tế Mỹ hồi phục thần tốc, trật tự xã hội Mỹ được vãn hồi.