Mikhail Saakashvili - cựu tổng thống không chốn dung thân

Thứ Sáu, 15/09/2017, 09:53
Sự đen đủi và lận đận cứ đeo bám Mikhail Saakashvili, cựu Tổng thống Gruzia. Lên nắm quyền sau cuộc “Cách mạng hoa hồng” hồi tháng 1-2003 và từng được coi là người “thắp sáng hy vọng cho Gruzia” luôn bị vây bủa bởi những cáo buộc khiến đường công danh của ông đi dần vào ngõ hẹp: thất cử tổng thống năm 2013, phải sống lưu vong trong khi bị chính quốc Gruzia truy nã và yêu cầu các nước dẫn độ.

Vận số những tưởng đã mỉm cười khi Mikhail Saakashvili được Ukraine dang tay chào đón nhưng không lâu sau, chính nơi này cũng quay lưng và tước luôn quốc tịch Ukraine khiến ông không khác nào một kẻ không chốn dung thân, ngoại trừ nước Mỹ.

Gieo nhân thì gặt quả

Sinh tháng 12-1967, cựu Bộ trưởng Tư pháp thời Tổng thống Shevardnadze lên làm Tổng thống Gruzia sau cuộc “Cách mạng hoa hồng” diễn ra ở Gruzia vào tháng 11-2003 không đổ máu, mở màn cho phong trào “cách mạng màu” ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. M.Saakashvili tại nhiệm 2 nhiệm kỳ liên tiếp, từ tháng 1-2004 đến tháng 11-2013.

Thời còn làm Tổng thống Gruzia, M. Saakashvili là người tiên phong thúc đẩy thực hiện những cải cách và thực thi chính sách thân phương Tây nên rất được lòng giới chính khách phương Tây. Hơn nữa, M. Saakashvili còn là một “nhân tố tích cực” dám đương đầu với nước Nga vào tháng 8-2008 trong sự kiện xung đột ở Nam Ossetia. Khi ấy, Gruzia tìm cách trấn áp lực lượng ly khai tại Nam Ossetia và Abkhazia. Hầu hết cư dân cả hai vùng này đều có ủng hộ Nga.

Được Liên minh châu Âu thương lượng và giữ vai trò trung gian, M.Saakashvili và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký một kế hoạch hòa bình, theo đó, quân đội của đôi bên trở về vị trí cũ trước khi xảy ra đối đầu quân sự.

Giai đoạn cuối nhiệm kỳ Tổng thống của M.Saakashvili diễn ra không mấy êm đẹp, với hàng loạt biến cố chính trị, khiến M.Saakashvili từ người hùng của “Cách mạng hoa hồng” trở thành một “tội đồ” do chính sách lãnh đạo ngày càng độc đoán. Đặc biệt nghiêm trọng là những luồng dư luận tố cáo hệ thống nhà tù với điều kiện giam giữ tồi tệ và việc “vi phạm nhân quyền nặng nề” vào năm 2012 đã khiến Gruzia rơi vào khủng hoảng chính trị.

Ông M.Saakashvili tìm cách vào Ukraine và đến thành phố Lvov để “bảo vệ quyền hợp pháp của mình đối với quốc tịch Ukraine”.

Mâu thuẫn dâng cao đến mức biến thành những biểu tình phản đối diễn ra rầm rộ và Tổng thống M.Saakashvili đã ra lệnh cho quân đội, cảnh sát đàn áp thẳng tay, bắt giam những người đối lập cầm đầu. Nhận ra tiền đồ dành cho mình sẽ không có gì sáng sủa, nên một tháng sau khi rời khỏi chức vụ, M.Saakashvili đi khỏi Gruzia và sang Mỹ để tránh việc bị giới tư pháp “sờ gáy”.

Quả nhiên, vào cuối tháng 7-2014, Viện Công tố Tbilisi, thủ đô của Gruzia đã ra quyết định truy tố cựu Tổng thống M. Saakashvili với các tội danh gian lận, tham nhũng và lạm quyền trong vụ đàn áp giải tán cuộc biểu tình năm 2007, chiếm dụng một đài truyền hình và tịch thu tài sản của một doanh nhân bất hợp pháp.

Vì đang sống ở nước ngoài, nhà cầm quyền Gruzia phát lệnh truy nã M.Saakashvili. Giữa Gruzia và Mỹ không ký kết hiệp ước dẫn độ nên ở Mỹ, M.Saakashvili vẫn bình chân như vại và còn nhận lời làm giáo sư giảng dạy cho Đại học Tufts, bang Massachusetts. Với thân phận mới có phần được trọng vọng, M.Saakashvili chuyển đến ở tại khu Brooklyn nổi tiếng của thành phố New York.

Sự nghiệp chính trị của M. Saakashvili ở cố quốc coi như đã chấm hết, và một lệnh truy nã dành cho ông với tội danh bị cáo buộc là biển thủ công quỹ và lạm quyền, mặc dù M.Saakashvili biện minh với giới báo chí phương Tây rằng, đó là những lời cáo buộc mang động cơ chính trị.

Điều trớ trêu là M.Saakashvili lại được chính giới Mỹ phương Tây ca ngợi là một “người chủ trương chống tham nhũng triệt để” với bằng chứng là các biện pháp chống tham nhũng của ông ta lúc đương chức được đánh giá là hiệu quả và đã giúp mang lại cho Gruzia những tiến bộ rõ rệt về mặt kinh tế. Đó là điểm mâu thuẫn lớn nhất trong những mâu thuẫn vốn có trong cuộc đời làm chính trị của M.Saakashvili.

Không những thế, ông ta còn nổi danh là người công-tư nhập nhằng, có những mối “quan hệ ngoài luồng” để lại nhiều tai tiếng. Vết đen lớn và khó gột rửa nhất là chuyện M.Saakashvili đã buộc người tình Alana Gakeloeva tuy mang thai với ông ta đã đến tháng thứ sáu phải phá thai để không làm ảnh hưởng đến chiếc ghế tổng thống.

Rồi chuyện phái đoàn của Tổng thống Gruzia trong dịp lưu lại khách sạn Tiara Park Atlantic ở Lisbon, Bồ Đào Nha, khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 11-2010 đã “vui vẻ” với 80 cô gái bán hoa. Chuyện vào cuối tháng 1-2012, phái đoàn do ông M. Saakashvili dẫn đầu đến thăm thủ đô Washington của Mỹ đã gọi tới khách sạn khoảng 10 “kiều nữ bao” hạng sang.

Giới truyền thông Gruzia còn phanh phui việc chính quyền dưới thời cựu Tổng thống Mikhail Saakashvili có một tài khoản đặc biệt để ông ta và nhóm phụ tá thân cận “giải trí”. Người tiết lộ bí mật này cho giới truyền thông là cựu nhân viên văn phòng tổng thống.

Theo đó, vào đầu năm 2013, ông M.Saakashvili đã chi khoảng 145.000 USD khi cùng đoàn tùy tùng tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đón năm mới, sau đó chi thêm 70.000 USD để đến Áo “du hí” với cựu Thị trưởng Tbilisi...

Khi bồ hòn đã méo...

Đầu năm 2015, M.Saakashvili đến Ukraine. Ngày 13-2-2015, M.Saakashvili được Tổng thống Ukraine Poroshenko bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng Tư vấn quốc tế về cải cách (IACR), một cơ quan quy tụ các chuyên gia nước ngoài có nhiệm vụ tư vấn cũng như đưa ra các đề xuất và kiến nghị để thực hiện công cuộc cải cách kinh tế - chính trị ở Ukraine.

Đến ngày 30-5 cùng năm, Tổng thống Poroshenko chính thức trao cho Saakashvili chức vụ Thống đốc vùng Odessa, nơi có hải cảng lớn nhất Ukraine nằm bên bờ Biển Đen, cách bán đảo Crimea và khu vực ly khai Transnistria của Moldova không xa.

Trước thời điểm công bố danh tính người sẽ thay thế vị Thống đốc vùng Odessa chuẩn bị mãn nhiệm, Tổng thống Poroshenko đã trịnh trọng trao cho M.Saakashvili thẻ công dân đặc biệt, chính thức công nhận cựu Tổng thống Gruzia được mang quốc tịch Ukraine. Theo quy định của Hiến pháp Ukraine, chức danh thống đốc vùng có nhiệm kỳ kéo dài 4 năm.

Những ai biết đến vị nguyên thủ lưu vong này đều không quên được hình ảnh M.Saakashvili rạng rỡ và tự hào giơ cao tấm thẻ công dân Ukraine, minh chứng cho cách “che chở” hợp pháp mà Tổng thống Poroshenko ưu ái dành cho người được giao trọng trách đứng đầu vùng Odessa và thừa nhận tư cách “chiến hữu cùng chung chiến tuyến” đối đầu với nước Nga.

Với sự o bế của Tổng thống Poroshenko, thậm chí, vào tháng 9-2015, ông M.Saakashvili còn được đề cử vào vị trí thủ tướng thay cho ông Arseniy Yatsenyuk - người được coi là đối thủ chính trị của ông Poroshenko, bị cáo buộc là điều hành chính phủ kém và tham nhũng.

Vì luật pháp Gruzia không cho phép công dân mang song tịch, hơn nữa lại đang bị giới hành pháp nước này tầm nã nên M.Saakashvili nhẹ nhàng rũ bỏ quốc tịch Gruzia như để xóa đi một quá khứ hỗn độn giữa danh phận vinh quang lẫn nỗi niềm cay đắng. Tháng 12-2015, Tổng thống Gruzia ký lệnh xóa bỏ vĩnh viễn quyền công dân của ông M.Saakashvili.

Nhưng “ngồi ghế nóng” mới được khoảng năm rưỡi, M. Saakashvili lại dần trở thành người đối nghịch với Tổng thống Poroshenko, người từng ôm vai M. Saakashvili nói với báo giới “đây là người bạn mà tôi biết rõ từ thời học đại học”.

Ngày 7-11-2016, ông M.Saakashvili đã tuyên bố ý định từ chức thống đốc sau khi giải thích cho quyết định của mình là do chính quyền Ukraine không muốn chống tham nhũng, đồng thời cáo buộc các quan chức cấp cao của Chính phủ Ukraine ngăn chặn những nỗ lực của ông ta trong quá trình “thực thi nhiệm vụ chống tham nhũng”.

Ông M.Saakashvili và nhóm người ủng hộ (cạnh ông là cựu nữ thủ tướng Ukraine Yulia Timoshenko) trên chuyến tàu về Ukraine từ nhà ga Przemysl, tây nam Ba Lan.

Tờ The New York Times đưa tin rằng, khi nộp đơn xin từ chức, M. Saakashvili đã cáo buộc chính Tổng thống Poroshenko tiếp tay cho tệ nạn tham nhũng đang hoành hành ở Ukraine! “Tổng thống Poroshenko đã hỗ trợ 2 gia tộc bằng tư cách cá nhân. Odessa chỉ có thể phát triển một khi Kiev được giải phóng khỏi những kẻ ăn hối lộ này!”.

Tổng thống Ukraine Poroshenko ngay sau đó đã ký sắc lệnh “miễn nhiệm ông Mikhail Saakashvili khỏi chức Thống đốc vùng Odessa và ông Saakashvili cũng thôi giữ vai trò làm cố vấn cho tổng thống”.

Dường như phẫn uất vì bị “vắt chanh bỏ vỏ”, M. Saakashvili tuyên bố thành lập một chính đảng mới và theo lời ông ta thì “lực lượng chính trị này sẽ là một liên minh những người mới tham gia chính trường mang tư tưởng cải cách, các chính trị gia trẻ tuổi và chủ doanh nghiệp nhỏ”. Trong cuộc biểu tình diễn ra ở trung tâm thủ đô Kiev hôm 27-11-2016, M. Saakashvili còn kêu gọi tiến hành bầu cử quốc hội sớm!

Nhận thấy không thể cứ mãi “nuôi ong tay áo”, trong một động thái bất thường, ngày 26-7-2017, Cục Di trú quốc gia Ukraine ra thông báo đã kiến nghị lên Ủy ban Quốc tịch trực thuộc Văn phòng Tổng thống về việc tước quốc tịch của ông M. Saakashvili, sau khi “nghiên cứu kỹ lưỡng những tài liệu liên quan đến ông ta”. Thời điểm này, thống đốc bị phế truất đang ở Mỹ.

Trong một đoạn video phát tán trên mạng xã hội Facebook, M. Saakashvili tuyên bố: chính quyền Ukraina sẽ không thể tước được quốc tịch của ông. “Tôi đã sống ở Ukraine hơn 13 năm, đã tham gia 3 cuộc cách mạng - cách mạng nằm của sinh viên (năm 1990) và 2 cuộc Maidan. Tôi chỉ có một quốc tịch duy nhất là quốc tịch Ukraine và không ai có thể tước bỏ nó được. Hiện nay, người ta đang muốn ép tôi nhận quy chế người tị nạn, nhưng điều đó sẽ không xảy ra. Tôi sẽ đấu tranh vì quyền hợp pháp được quay trở lại Ukraine”.

Ngày 27-7, Tổng thống Poroshenko ký lệnh hủy bỏ quốc tịch của ông Saakashvili vì đã “cung cấp thông tin cá nhân gian dối để có quốc tịch Ukraine”. Đúng là “yêu thì củ ấu cũng tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo”!

Gruzia mấy năm nay vẫn không “buông” M. Saakashvili nên chớp ngay cơ hội. Ngày 31-7, kênh truyền hình số 1 của Gruzia dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Gruzia Tea Tsulukiani tuyên bố: “Nếu Ukraine có ý chí chính trị, thì Kiev có thể ra quyết định về việc dẫn độ ông Saakashvili, còn nếu ông Saakashvili ở lại Mỹ, Gruzia có thể tiến hành các tham vấn pháp lý với nước này, bao gồm đàm phán và thỏa thuận về dẫn độ” đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền Ukraine hợp tác dẫn độ M. Saakashvili về lại Gruzia.

Trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông quốc tế, M. Saakashvili chua xót thừa nhận “giờ tôi trở thành người vô tổ quốc, không quốc tịch và có thể phải xin tị nạn chính trị tại Mỹ”, nhưng ông khẳng định vẫn mong muốn quay trở lại chính trường Ukraine “càng sớm càng tốt”.

M. Saakashvili đã nói là làm. Ngày 10-9 vừa qua, Cơ quan chức năng Ukraine thông báo đã ngăn chặn âm mưu xâm nhập Ukraine của M. Saakashvili để “đòi lại quốc tịch”. Hàng chục người tập trung tại cửa khẩu Krakovets trên biên giới giữa Ukraine và Ba Lan hô vang “Misha! Misha!” (biệt danh của ông Saakashvili) và vẫy cờ Ukraine. Tuy nhiên, đám đông bị một hàng lính biên phòng chặn lại, không cho vượt qua biên giới từ Ba Lan vào Ukraine.

Nguy cơ hỗn loạn tăng lên khi người ủng hộ ông Saakashvili tranh cãi và suýt nữa xung đột với lính biên phòng Ukraine. Cuối cùng, nhiều người bắt đầu xô đẩy hàng lính đến khi họ buông tay, giúp ông M.Saakashvili vượt qua trạm kiểm soát biên giới thành công.

“Họ đã đưa tôi sang biên giới. Tôi không ngờ chuyện này lại xảy ra. Lực lượng cảnh sát không ngăn lại vì họ đứng về phía người dân” (!) - kênh truyền hình Ukraine NewsOne dẫn lời cựu Tổng thống Gruzia cho biết. Ông M.Saakashvili nói thêm rằng, ông có ý định đến thành phố Lvov để “bảo vệ quyền hợp pháp của mình đối với quốc tịch Ukraine”.

Cơ quan biên phòng Ukraine tuyên bố hành động của ông Saakashvili là “sự xâm lược vào lãnh thổ Ukraine” và khẳng định một số người ủng hộ cựu Tổng thống Gruzia đã được “huấn luyện đặc biệt” từ trước cho ông ta thoát thân. Trước đó, các quan chức thông báo M.Saakashvili sẽ bị tước hộ chiếu và trục xuất về Ba Lan khi đến Ukraine.

Quay trở về nơi từng hồ hởi dang tay đón mình rồi cũng chính nơi này “rũ tay”, trước mặt của M.Saakashvili là một tương lai mờ mịt vì Kiev là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về giảm bớt tình trạng người không quốc tịch. Như vậy, cơ quan chức năng Ukraine sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nhằm trục xuất ông M. Saakashvili sang nước khác mà không có giấy tờ chứng minh ông ta là công dân của nước nào!

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.