Mở hướng thúc đẩy quan hệ liên Triều

Thứ Hai, 17/08/2020, 18:22
Một cuộc đụng độ quân sự thật sự tuy không được nhắc đến, song những điều đó đã thể hiện thái độ dứt khoát của Bình Nhưỡng khiến tình hình trở nên vô cùng căng thẳng...

Kể từ tháng 6-2020, quan hệ liên Triều xấu đi nhanh chóng. CHDCND Triều Tiên liên tục áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với Hàn Quốc như cắt đứt mọi liên lạc và đánh sập tòa nhà Văn phòng liên lạc chung; Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Triều Tiên đề xuất thực hiện 4 kế hoạch hành động quân sự nhằm vào Hàn Quốc và đệ trình lên Quân ủy Trung ương, bao gồm triển khai hỏa lực tại khu vực du lịch núi Kumgangsan và khu công nghiệp Kaesong, tái điều động và triển khai các đồn cảnh sát trong khu vực phi quân sự, tăng cường trực chiến toàn bộ lực lượng pháo binh ở tuyến đầu như trên biển phía Tây Nam...

Một cuộc đụng độ quân sự thật sự tuy không được nhắc đến, song những điều đó đã thể hiện thái độ dứt khoát của Bình Nhưỡng khiến tình hình trở nên vô cùng căng thẳng.

Chỉ sau cuộc họp trù bị của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 23-6, tình hình mới có những thay đổi. Dưới sự chủ trì của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cuộc họp quyết định "tạm hoãn" kế hoạch hành động quân sự nhằm vào Hàn Quốc nhưng nhấn mạnh phải có các biện pháp tăng cường hơn nữa ý chí chiến tranh của đất nước. Sau đó, CHDCND Triều Tiên đã tháo dỡ hơn 10 loa phóng thanh được lắp đặt ở khu vực biên giới, các phương tiện truyền thông nước này cũng xóa bớt một số bài viết chỉ trích Hàn Quốc.

Cả CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đều có những nhượng bộ sau đợt căng thẳng hồi tháng 6.

CHDCND Triều Tiên đã kịch liệt lên án hành động của một nhóm người Hàn Quốc rải truyền đơn sang miền Bắc, cho rằng đó là sự vi phạm Tuyên bố Panmunjom, vốn quy định rõ ràng hai bên phải chấm dứt mọi hành động thù địch. Mặc dù phía Seoul khẳng định việc rải truyền đơn chỉ là hành động của một số người quá khích, song lời giải thích đó không được Bình Nhưỡng chấp nhận.

Việc CHDCND Triều Tiên đánh sập tòa nhà Văn phòng liên lạc chung có ý nghĩa tượng trưng mạnh mẽ, thể hiện sự thất vọng và tức giận của mình. Ngay cả bà Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Lao động Triều Tiên , người từng là một nhân vật biểu tượng dốc sức cứu vãn tình hình bán đảo trong năm 2018, lần này đi dầu trong việc thực hiện các biện pháp cứng rắn nhằm vào Hàn Quốc cũng mang một thông điệp rõ ràng.

Tuy đề cập đến việc Hàn Quốc vi phạm tinh thần của Tuyên bố Panmunjom nhưng theo một số nhà phân tích, lý do sâu xa hơn nằm ở việc mặc dù CHDCND Triều Tiên đã thực hiện một loạt biện pháp tích cực dựa trên thỏa thuận đạt được với Mỹ và Hàn Quốc trong 2 năm qua nhưng Hàn Quốc lại chưa thể thực hiện cam kết giảm bớt các biện pháp trừng phạt kinh tế và áp dụng các biện pháp mang tính thực chất cho hợp tác kinh tế giữa hai miền Nam - Bắc.

Trước cuộc khủng hoảng quan hệ liên Triều, Hàn Quốc cũng nhanh chóng có các biện pháp xoa dịu tình hình. Tổng thống Moon Jae-in đã điều chỉnh toàn diện các thành viên chủ chốt phụ trách an ninh quốc gia và các cơ quan có liên quan đến quan hệ với miền Bắc như bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Suh Hoon làm Giám đốc An ninh quốc gia, nghị sĩ Lee In-young thuộc đảng Dân chủ Đồng hành làm Bộ trưởng Bộ Thống nhất và đề cử nghị sĩ Park Jie-won làm giám đốc tiếp theo của Cơ quan Tình báo quốc gia.

Cựu Chánh văn phòng an ninh quốc gia Chung Eui-young và cựu Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Im Jong-seok được bổ nhiệm làm Cố vấn đặc biệt của Tổng thống về vấn đề ngoại giao và an ninh...

Những người được bổ nhiệm đều từng đóng vai trò thúc đẩy trong hội nghị Thượng đỉnh liên Triều. Trong đó, Park Jie-won từng chịu toàn bộ trách nhiệm cho chuyến thăm của Tổng thống Kim Dae-jung tới Bình Nhưỡng vào năm 2000, được cho là nhân vật mà phía CHDCND Triều Tiên rất tín nhiệm. Suh Hoon là quan chức có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề Triều Tiên.

Trong 3 năm làm Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia, ông luôn chịu trách nhiệm điều phối các vấn đề quan trọng trên bán đảo như Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Năm 2018, ông đã tham gia có chiều sâu vào Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3.

Có phân tích cho rằng lần điều chỉnh nhân sự này đã thể hiện quyết tâm tạo ra bước đột phá quan trọng trong quan hệ liên Triều của ông Moon Jae-in nếu nhìn vào Bộ Thống nhất và Cơ quan Tình báo quốc gia phụ trách các vấn đề Triều Tiên lần này đều do các nhân vật có nhiều kinh nghiệm và được phía CHDCND Triều Tiên chấp nhận đảm nhiệm. Nhiều ý kiến cho rằng đã nhiều lần Bộ Thống nhất bở lỡ cơ hội cải thiện quan hệ liên Triều dưới sự ảnh hưởng của Mỹ, giờ đây sẽ khác với những thay đổi về nhân sự cấp cao.

Các chuyên gia cho rằng sau lần cải tổ này, vai trò của đội ngũ phụ trách an ninh quốc gia được chia sẻ tương đối hợp lý. Với tư cách là người đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia, Suh Hoon sẽ phụ trách việc vạch ra toàn bộ chính sách an ninh và ngoại giao đối với CHDCND Triều Tiên. Park Jie-won là Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia, chủ yếu phụ trách liên lạc với Bình Nhưỡng. Lee In-young sẽ phát huy vai trò với tư cách là nghị sĩ quốc hội đương nhiệm và từng là đại biểu quốc hội của đảng cầm quyền, phụ trách thuyết phục quốc hội ủng hộ chính sách của chính phủ đối với Triều Tiên.

Từ lần cải tổ toàn bộ đội ngũ phụ trách an ninh quốc gia này của Hàn Quốc, có thể thấy trọng tâm chính sách đối ngoại của chính quyền ông Moon Jae-in trong giai đoạn nửa sau là tìm ra bước đột phá trong quan hệ liên Triều. Cả CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đều đã nhượng bộ và tất cả đều đang quan tâm đến những động thái tiếp theo. Nhiều ý kiến cho rằng, Hàn Quốc nên kết hợp giữa việc cải thiện quan hệ liên Triều với hòa giải đối thoại Mỹ - Triều, trong tiền đề ổn định quan hệ liên Triều dẫn dắt đối thoại Mỹ - Triều.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.