Mối liên kết của cựu Thủ tướng Anh từ Abu Dhabi đến Colombia

Thứ Hai, 04/05/2015, 21:00
Sau khi rời khỏi dinh Thủ tướng Anh trên phố Downing vào tháng 6/2007, cơ hội kiếm tiền bắt đầu đến với ông Tony Blair với vai trò tư vấn đầu tư và chiến lược cho các chính phủ nước ngoài, tập đoàn kinh doanh cũng như các tỉ phú. Khối tài sản khổng lồ hiện nay của cựu Thủ tướng Tony Blair ước tính từ 50 - 100 triệu bảng Anh - trong đó bao gồm một số căn nhà, khu điền trang vùng nông thôn cùng với nhiều tài sản khác.

Được ở khách sạn 7 sao và dùng máy ATM nhả ra vàng!

Một tháng sau khi rời khỏi chiếc ghế Thủ tướng nước Anh, Tony Blair đã bay đến Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) để gặp gỡ giới quan chức cao cấp cũng như các thành viên hoàng gia nước này. Với vai trò Đại sứ hòa bình Trung Đông (trung gian đàm phán hòa bình và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Gaza và Bờ Tây), Tony Blair có cơ hội tiếp xúc với nhiều tỉ phú và lãnh đạo quyền lực bậc nhất khu vực Vùng Vịnh. Nhiều người trong số đó là chỗ quen biết với Tony Blair khi ông còn đương chức.

Tony Blair gặp gỡ Vua Abdullah của Arập Xêút, năm 2010.

Trọng tâm của chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên vào tháng 7/2007 của Tony Blair là cuộc hội kiến với Mohammed bin Zayed al-Nahyan, Thái tử Abu Dhabi. Thậm chí, sau đó Thái tử còn tổ chức bữa tiệc trọng thể để chiêu đãi cựu Thủ tướng Anh. Ngoài ra, trong bữa tiệc Tony Blair còn nhận được sự ủng hộ từ Abdullah bin Zayed al-Nahyan, Ngoại trưởng UAE và cũng là em trai Thái tử. Chuyến viếng thăm chính thức này diễn ra khi Tony Blair mới được chỉ định làm Đại sứ hòa bình.

Nhưng trong những chuyến viếng thăm không chính thức sau đó, Tony Blair hội kiến với Thái tử và quan chức của ông này với nhiều tư cách khác nhau - khi là Đại sứ hòa bình, lúc là nhà tư vấn cho Ngân hàng đầu tư Mỹ JP Morgan hay lãnh đạo Công ty tư vấn cá nhân Tony Blair Associates (TBA). Những chuyến viếng thăm này đã để lại ấn tượng sâu sắc cho giới chức Abu Dhabi và ông Blair còn được đánh giá là nhân vật "có thể hợp tác chặt chẽ".

Tony Blair hội kiến Chủ tịch UAE Khalifa bin Zayed, năm 2006.

Thật ra, từ lâu trước khi hình thành mối quan hệ tốt đẹp này, mối liên kết làm ăn giữa hai bên đã phát triển bền chặt. Năm 2010, Tony Blair còn có chuyến viếng thăm đến Arập Xêút gặp Quốc vương Abdullah và cựu Thủ tướng Anh cũng đã ký được hợp đồng với PetroSaudi - công ty do con trai của Abdullah thành lập.

Vào giữa năm 2009 và chỉ vài tháng sau khi thành lập, TBA đã giành được một hợp đồng lớn, tư vấn cho Quỹ Đầu tư Mubadala của UAE, với danh mục đầu tư trị giá đến 44 tỉ bảng Anh. Kể từ đó, Tony Blair trở thành nhân vật được ưu ái đặc biệt ở Abu Dhabi, được bố trí ở trong một căn phòng sang trọng ở Emirates Palace  - khách sạn 7 sao tráng lệ bậc nhất Trung Đông với nội thất được dát vàng và trang trí bằng đá cẩm thạch. Mỗi căn phòng đều có quản gia phục vụ 24 giờ/ngày. Thậm chí, khách sạn còn có máy ATM nhưng không nhả ra tiền mặt mà là những thỏi vàng!

Nghề tư vấn lên ngôi

Từ mối quan hệ sâu đậm sau những chuyến viếng thăm của Tony Blair, UAE bắt đầu tài trợ cho TBA ký kết các hợp đồng làm ăn tại một số quốc gia như là Serbia ở châu Âu, Mông Cổ ở châu Á và Colombia ở Nam Mỹ. Cựu Thủ tướng Anh cũng tranh thủ được hợp đồng tư vấn cho Tổng thống Kazakhstan, cũng như các hợp đồng khác ở Brazil, Peru, Albania.... Windrush Ventures Ltd. - Công ty điều hành kinh doanh của Tony Blair - đã chi ra 57 triệu bảng Anh trong vòng 4 năm để trả lương cho đội ngũ nhân viên cũng như thanh toán các khoản phí bao gồm đi lại và ăn ở.

Chiếc máy bay "Blair Force One" của Tony Blair.

Tony Blair di chuyển bằng chiếc máy bay mà ông ưa thích nhất Bombardier Global Express được gọi là "Blair Force One". Thỏa thuận tài trợ của UAE có nghĩa là Tony Blair có thể triển khai các đoàn chuyên gia tư vấn của ông đến mọi nơi trên thế giới mà không phải yêu cầu các nước nghèo chi tiền cho họ - tương tự như Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tài trợ cho các cố vấn và tổ chức từ thiện làm việc tại các quốc gia đang phát triển. Động cơ của Abu Dhabi không rõ ràng song người ta nghi ngờ vai trò của Tony Blair giúp UAE bảo đảm những khoản đầu tư lớn của nước này tại các quốc gia khác được sử dụng đúng mục đích.

Tony Blair và Tổng thống Colombia Juan Santos.

Mới đây nhất, ông Tony Blair bị cáo buộc lợi dụng vai trò Đại sứ hòa bình Trung Đông của mình để thu lợi cá nhân sau khi ký hợp đồng tư vấn với chính quyền Colombia giúp quản lý số tiền gần 2 tỉ bảng Anh mà nước này có được từ những hợp đồng khai khoáng.

Hợp đồng được tiết lộ mới đây, một phần cũng nhờ mối quan hệ bạn bè giữa Tony Blair và Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos. Hợp đồng (dài 34 trang) được ký kết ngày 22/10/2013 giữa Windrush Ventures của Tony Blair và Bộ Kế hoạch Quốc gia Colombia chắc chắn ra đời từ tình bạn thân thiết giữa cựu Thủ tướng Anh với Tổng thống Colombia cũng như Thái tử Abu Dhabi.

Juan Santos và Tony Blair quen biết nhau nhiều năm và thậm chí hai người còn là đồng tác giả một cuốn sách xuất bản năm 1999 về học thuyết chính trị với tựa đề "Third Way" (Con đường thứ 3). Tháng 4/2011, Santos đã trao tặng cựu Thủ tướng Tony Blair Huân chương thời bình, Huân chương cao quý nhất của Colombia. Lúc đó, Tony Blair nắm giữ vai trò cố vấn cho Tổng thống Santos và hỗ trợ ông trong những cuộc thương lượng hòa bình giữa chính quyền Colombia với phong trào du kích FARC (Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cololmbia) nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài nhất thế giới tại quốc gia Nam Mỹ này.

Những hợp đồng tư vấn không minh bạch của Tony Blair đã khiến người ta nghi ngờ không có giới hạn rạch ròi giữa vai trò Đại sứ hòa bình Trung Đông và các dự án kinh doanh của Tony Blair.

Mối nghi ngờ cũng có cơ sở do sự thiếu minh bạch trong các hợp đồng tư vấn của Tony Blair. Số tiền lương hưu đến mãn đời 2 triệu bảng Anh/năm chẳng đáng gì đối với Tony Blair. Hợp đồng tư vấn cho chính quyền Kuwait (nay đã hết hiệu lực) trị giá 27 triệu bảng Anh - con số mà văn phòng của Tony Blair mô tả là thổi phồng quá đáng! Còn số tiền mà Tony Blair kiếm được từ chính quyền Kazakhstan được cho là 13 triệu bảng Anh. Tony Blair cũng được trả 2 triệu bảng Anh/năm với vai trò tư vấn cho Ngân hàng JP Morgan của Mỹ.

Đó là chưa kể những khoản tiền có được từ những bài diễn văn hay những lần xuất hiện khác. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Anh bác bỏ cáo buộc rằng, ông có sự lập lờ giữa các vai trò - doanh nhân, nhà từ thiện và đại sứ hòa bình. Liệu áp lực từ cáo buộc này có buộc ông Tony Blair phải nghĩ đến việc từ bỏ vị trí Đại sứ hòa bình Trung Đông trong thời gian sắp tới?

Duy Minh (tổng hợp)
.
.