Cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras:

“Món nợ ngoại giao” của ông Obama

Thứ Ba, 08/12/2009, 07:45
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras đang ngày càng khó giải quyết sau hàng loạt sự kiện mới. Tổng thống Mỹ Barack Obama đang rơi vào tình thế khó ăn khó nói khi các nỗ lực giải quyết khủng hoảng của ông không mang lại kết quả mong muốn. Đây còn là "món nợ ngoại giao" của ông Obama đối với khu vực Mỹ Latinh.

Ngày 29/11, cuộc bầu cử Tổng thống Honduras đã diễn ra với kết quả sơ bộ cho thấy ứng cử viên bảo thủ Porfirio "Pepe" Lobo, đối thủ chính trị từng là bại tướng của ông Zelaya ở kỳ bầu cử trước, giành chiến thắng áp đảo. Lobo đã tổ chức ăn mừng "rôm rả" tại thủ đô Tegucigalpa ngay hôm sau, 30/11, và lên kế hoạch cho lễ nhậm chức vào ngày 27/1/2010 mà không cần quan tâm đến số phận của Tổng thống Zelaya.

Điều đáng nói là, cuộc bầu cử vẫn được tiến hành bất chấp sự phản đối của cộng đồng thế giới và khu vực Mỹ Latinh, và nhiều vấn đề liên quan tới cuộc đảo chính ngày 28/6/2009 khiến Tổng thống Zelaya phải lưu vong cũng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.

Ba điều quan trọng nhất trong bản thỏa thuận hòa giải ký ngày 29/10/2009 giữa ông Zelaya và Tổng thống lâm thời Micheletti là Quốc hội bỏ phiếu quyết định việc phục chức cho ông Zelaya; thành lập một Chính phủ liên hiệp hòa giải dân tộc và một ủy ban điều tra sự thật để điều tra các vụ việc dẫn đến cuộc đảo chính. Trong 3 điều này, chưa có điều nào được thực hiện một cách nghiêm túc.

Ông Porfirio "Pepe" Lobo tuyên bố thắng cử hôm 30/11.

Ngày 2/12/2009, tức 3 ngày sau bầu cử, Quốc hội Honduras mới tiến hành bỏ phiếu về việc phục chức cho Tổng thống Manuel Zelaya. Kết quả đa số đại biểu bác bỏ việc phục chức cho ông Zelaya. Như vậy, ông Zelaya sẽ không thể tiếp tục điều hành đất nước trong 2 tháng cuối nhiệm kỳ, và mong muốn đưa ông trở lại cầm quyền coi như phá sản.

Có một điều cần lưu ý, khi đặt bút ký vào bản thỏa thuận hòa giải, ông Zelaya đã không để ý tới “kẽ hở” của bản thỏa thuận do những người soạn thảo bản thỏa thuận đã cố tình tạo là không ràng buộc về thời gian cho việc bỏ phiếu của Quốc hội, để rồi rốt cuộc Quốc hội không bỏ phiếu ngay trong tuần như ông mong đợi mà hoãn lại cho đến sau bầu cử - một nước cờ hoàn toàn bất lợi cho ông Zelaya.

Một vấn đề quan trọng nữa là phải làm sáng tỏ tính hợp pháp của cuộc bầu cử ngày 29/11. Cuộc bầu cử này đã có kế hoạch từ trước nhưng nó lại không do chính phủ hợp pháp của ông Zelaya mà do chính quyền lâm thời đứng ra tổ chức. Xin nhắc lại, cuộc đảo chính ngày 28/6/2009 đã bị ông Zelaya tố cáo là vi hiến và cộng đồng thế giới lên án là bất hợp pháp.

Do đó, Honduras dưới chính quyền lâm thời do ông Roberto Micheletti lãnh đạo gần như bị cô lập hoàn toàn bởi cộng đồng thế giới: các nước khu vực Mỹ Latinh triệu hồi đại sứ, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) rút nhân viên ngoại giao về nước, Brazil ngưng chương trình miễn thị thực cho người Honduras, Ngân hàng Thế giới cắt viện trợ.

Chẳng đặng đừng, Mỹ cũng tham gia bằng tuyên bố cắt viện trợ phi nhân đạo cho Honduras vào tháng 9/2009. Vì không công nhận chính quyền lâm thời do ông Micheletti lãnh đạo nên các nước Mỹ Latinh và cộng đồng thế giới cũng tuyên bố không công nhận cuộc bầu cử do chính quyền này tổ chức. Do vậy, ngày 30/11, sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ, tất cả đều giữ nguyên quan điểm là không công nhận kết quả bầu cử, chỉ trừ Mỹ cùng các đồng minh là ColombiaPanama.

Tờ Los Angeles Times ngày 1/12 vừa qua đã đăng bài xã luận với tiêu đề "Mỹ vụng về xử lý cuộc khủng hoảng Honduras", trong đó đề cập một lời hứa mang tính chất ngoại giao mà Tổng thống Obama đã đưa ra trước các đồng nghiệp Mỹ Latinh, như một cách thể hiện thái độ "xích lại gần hơn" với khu vực.

Bài báo viết: "Khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Trinidad and Tobago hồi tháng 4/2009, ông Obama đã hứa hẹn về một sự khởi đầu mới trong các mối quan hệ giữa Mỹ với Mỹ Latinh". Thế nhưng, Los Angeles Times viết tiếp, kể từ đó đến nay Mỹ Latinh chỉ thấy một sự tiếp nối các chính sách khô cứng cũ kỹ từng góp phần đẩy khu vực từng được xem là "sân sau" này ngày càng xa nước Mỹ hơn chứ chưa hề thấy thay đổi.

Thực ra thì, ông Obama cũng cố gắng thực hiện "lời hứa" của mình, thông qua việc giải quyết cuộc khủng hoảng Honduras. Tuy nhiên, càng về sau, Mỹ đã thay đổi thái độ và giọng điệu, không còn quyết liệt đòi phục chức ông Zelaya vô điều kiện nữa mà chuyển sang yêu cầu "giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình thông qua đàm phán".

Những nguồn tin hậu trường cho biết, thái độ của Nhà Trắng đối với cuộc khủng hoảng Honduras phần nào bị tác động bởi chiến dịch vận động hành lang của chính quyền lâm thời Honduras, sau khi Tegucigalpa đã tung tiền ra "mua" được khá nhiều "người bạn" trong Quốc hội lẫn trong Chính phủ. Thay đổi chính sách và có thái độ không nhất quán đối với cuộc đảo chính Honduras, Mỹ đã gây bất bình trong cộng đồng các nước Mỹ Latinh.

Honduras đang trở thành một vết nhơ mới trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Mỹ Latinh, và là "món nợ ngoại giao" mà Tổng thống Obama đã trót "vay" ở những đồng nghiệp Mỹ Latinh nhưng có lẽ sẽ khó "trả" dứt.

Hiện ông Obama vẫn còn hy vọng tìm ra hướng giải quyết cuộc khủng hoảng Honaduras, vì cho dù không bị ràng buộc bởi thỏa thuận hòa giải nhưng nếu muốn được cộng đồng thế giới công nhận, để tiền viện trợ quay trở lại Honduras, thì "Pepe" Lobo buộc phải chọn một giải pháp thỏa hiệp nào đó

An Châu (tổng hợp)
.
.