Một EU hậu Brexit

Thứ Sáu, 06/03/2020, 18:25
Khi cuộc đàm phán thương mại mấu chốt hậu Brexit đang diễn ra, người ta mới thấy thế giới quan tâm nhiều đến ý nghĩa của Brexit đối với nước Anh và thị trường quốc tế. Nhưng ý nghĩa của nó đối với địa chính trị châu Âu lại ít được nói đến.

Rõ ràng, khi đề cập đến những thiệt hại tài chính ngày càng lớn thời kỳ hậu Brexit, EU không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Mặc dù chính giới EU bây giờ không phải bận tâm đến vấn đề Brexit nữa nhưng đổi lại, họ sẽ phải tìm cách thay thế khoản đóng góp của Anh vào ngân sách EU và giải quyết những vấn đề tài chính khó khăn hơn đang nổi lên.

Đó là những bất đồng về quy mô ngân sách, chi tiêu khu vực, hội nhập và dĩ nhiên là cả vấn đề Khu vực đồng euro giữa các nước đóng góp chủ yếu (phần lớn là các nước Bắc Âu) và các nước nhận viện trợ chủ yếu (các nước Nam Âu và các thành viên mới ở Đông Âu) sẽ trở nên sâu sắc hơn. Thiếu đi một trong những nước đóng góp lớn nhất vào ngân sách EU, hoạt động kinh tế nội khối sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Brexit.

Một trong những nguyên nhận lớn nhất gây căng thẳng trong EU là ngân sách khối, với 11,26% khoản đóng góp trong năm 2018 đến từ Anh, nước đóng góp nhiều thứ tư sau Pháp và Đức. Brexit là tổn thất lớn về ngân sách đối với EU, thể chế đã chật vật tìm cách gia tăng đóng góp tài chính của các thành viên mới ở Đông Âu.

Để bù đắp tổn thất này, EU đã cam kết cắt giảm chi tiêu trong khu vực của Quỹ phát triển khu vực châu Âu (ERDF) và Quỹ xã hội châu Âu (ESF), đồng thời gây sức ép buộc các thành viên giàu có hơn ở Bắc Âu tăng đóng góp ngân sách mỗi năm. Trong đó Đức sẽ lấp đầy phần lớn khoảng trống ngân sách bằng cách tăng dần khoản đóng góp, vốn đã và đang là nước đóng góp lớn nhất, lên mức 33 tỷ euro vào năm 2027.

EU sẽ phải tìm cách thay thế khoản đóng góp của Anh vào ngân sách.

Và những điều chỉnh chính sách này sẽ không tách rời tình trạng căng thẳng chính trị. Việc Brussels kêu gọi tăng mức đóng góp ngân sách từ các nước giàu có hơn ở Bắc Âu và duy trì ngân sách ở mức gần 1% tổng thu nhập của liên minh cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thụy Điển - “5 nước tiết kiệm” - trong việc duy trì một ngân sách dè dặt hơn để hạn chế chi tiêu khu vực. Hầu hết các thành viên Nam Âu và Đông Âu đều phụ thuộc nhiều hơn vào kế hoạch chi tiêu khu vực của liên minh và bắt đầu phản đối việc tiếp tục cắt giảm chi tiêu.

Sự bất đồng về chi tiêu chắc chắn sẽ biến thành cuộc tranh luận căn bản trong EU về các khoản trợ cấp cho nông dân vốn được đánh giá cao, số tiền được hoàn trả và cách thức thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa các nước nhận viện trợ chủ yếu và các nước đóng góp chủ yếu.

Các nước Bắc Âu, Nam Âu và Đông Âu cũng bất đồng về các vấn đề kinh tế được ưu tiên thời kỳ hậu Brexit. Những bất đồng này dai dẳng và làm trầm trọng thêm tình trạng đoàn kết trong giới chính trị châu Âu. Trong khi các thành viên EU ở Bắc Âu tìm cách thu hút ngành công nghiệp tài chính của Anh và duy trì thường mại tự do thì Brussels lại phải đối mặt với tình trạng mâu thuẫn về lợi ích giữa các thành viên EU ở Nam Âu và Đông Âu vốn đang tìm kiếm các thỏa thuận giúp cải thiện tình hình tài chính ngay trong chính đất nước của họ, nhất là bảo vệ các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp.

Các thành viên EU cũng bất đồng về phạm vi liên minh. Brexit sẽ làm gia tăng mức độ gay gắt của cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các thành viên EU muốn mở rộng liên minh bằng việc kết nạp thêm thành viên mới và các thành viên EU đang tìm cách duy trì quy mô liên minh và tăng cường sự hội nhập giữa các thành viên hiện có, chú trọng hơn vào việc cải cách thể chế. Sự bất đồng này là nút thắt của tình trạng mất đoàn kết trong EU, sự mất cân bằng mà sẽ trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Anh rời khỏi liên minh này.

Có một điều khác biệt, đó là trước Brexit, EU đã bị chia rẽ. Nhiều luồng quan điểm e ngại rằng Brexit sẽ thúc đẩy các phong trào dân túy, hoài nghi châu Âu mà có thể gây tổn hại hơn nữa đến sự đoàn kết của EU trong các vấn đề chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của Ủy ban châu Âu mới đây, Brexit thực sự đã khơi dậy tinh thần ủng hộ EU trên toàn lục địa, với 61% người được hỏi ở các nước thành viên (ngoại trừ Anh) cho biết việc nước họ trở thành thành viên EU là một điều tốt đẹp, tăng 8% so với kết quả thu được ngay sau cuộc bỏ phiếu về Brexit vào năm 2016.

Cũng theo khảo sát này, lòng tin vào EU đã gia tăng ở tất cả các nước thành viên, đạt tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2014. Thể chế này vẫn duy trì được mức độ ủng hộ như ở thời điểm sau Hiệp ước Maastricht 1992, biến mọi chiến dịch ủng hộ Swexit (Thụy Điển ra đi); Italexit (Italy ra đi) và Nexit (Hà Lan ra đi) trở thành một việc mạo hiểm. Câu chuyện Brexit hao tiền tốn của của nước Anh đã khiến các đảng bài EU ở các nước đổi mới chiến dịch của họ theo hướng tập trung vào kêu gọi “cải cách” và “thay đổi thể chế”.

Tuy nhiên, sự ra đi của Anh sẽ gây ra những làn sóng phản kháng trong toàn khối về vấn đề đối ngoại và an ninh. Các nhà lập pháp EU đang nỗ lực cải tổ cấu trúc phòng thủ của châu Âu, với lời kêu gọi thúc đẩy Chính sách an ninh và phòng thủ chung (CSDP) và lập ra Quỹ phòng thủ châu Âu.

Sự ra đi của Anh có nghĩa là EU mất đi nguồn đóng góp lớn nhất vào ngân sách phòng thủ và lực lượng vũ trang lớn thứ hai (sau Pháp) của họ và cũng có thể làm suy yếu mối quan hệ EU - Mỹ. Anh đóng góp khoảng 328 triệu euro cho CSDP năm 2018, cho dù đóng góp của nước này vào việc tiến hành các nhiệm vụ và chiến dịch trong khuôn khổ CSDP của EU còn khiêm tốn.

Việc EU để mất Anh, cũng với một loạt năng lực phòng thủ trên mọi lĩnh vực và vị thế là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng là một tổn thất không hề nhỏ. Sau Brexit, các thành viên EU đã bắt đầu coi châu Âu là một bên tham gia độc lập vào lĩnh vực an ninh và phòng thủ.

EU đã bắt đầu củng cố các sáng kiến phòng thủ được tiến hành song song và tôn trọng khuôn khổ NATO, phê chuẩn các biện pháp tăng cường hợp tác phòng thủ nội khối EU như Quỹ phòng thủ châu Âu, Hợp tác cơ cấu thường trực và Phối hợp đánh giá quốc phòng thường niên. Dù sao thì EU cũng vẫn là một thực thể và nó sẽ phải vận động cho dù có xáo trộn thế nào đi chăng nữa.

Ngọc Lan (tổng hợp)
.
.