Một châu Âu nhìn từ nước Pháp

Thứ Sáu, 20/03/2020, 22:48
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhanh chóng trở thành hình mẫu lãnh đạo mạnh mẽ mà một châu Âu, với quá nhiều mối chia rẽ như hiện nay, đang cần. Có lý do chính đáng cho điều này. Không giống những người đồng cấp cùng vai trò, ông Macron không chút nghi ngờ về châu Âu.

Trên thực tế, gần như mọi điều ông làm hoặc hứa sẽ làm đều dưới bóng lá cờ xanh của EU, theo một nhận định của tờ Straits Times.

Không như người Đức, ông Macron cũng không có những kiềm chế mang tính lịch sử về việc phải thúc đẩy các mục tiêu của đất nước mình. Sự vĩ đại của nước Pháp không cần phải giải thích quá nhiều vì đó là lẽ đương nhiên và luôn được khẳng định.

Và không giống hầu hết các nhà lãnh đạo khác ở châu Âu, ông Macron gần như không phải đối mặt với bất kỳ thách thức bầu cử nào trong nước. Đúng là ông phải đối mặt với một chu kỳ bầu cử địa phương tương đối phức tạp trong một vài tuần nhưng đảng của ông đang kiểm soát Quốc hội Pháp và bản thân Tổng thống cũng không phải đối mặt với các cử tri cho đến năm 2022.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị an ninh Munich 2020.

Nhưng trên hết, theo đánh giá của các nhà phân tích chính trị, ông Macron, 42 tuổi, nhà lãnh đạo trẻ nhất của Pháp kể từ thời hoàng đế Napoleon cách đây hơn 2 thế kỷ (cũng là cách so sánh mà ông Macron luôn tỏ ra ưa thích), không chỉ thích vẽ ra những tầm nhìn vĩ đại cho tương lai mà ở độ tuổi khi hầu hết các chính trị gia đều cố gắng hành xử cho ra vẻ “một nhà lãnh đạo của nhân dân” thì ông Macron lại tỏ ra không hề lo ngại bị đánh giá là “một trí thức chỉ biết nói những điều đao to búa lớn” và thậm chí là cả những khái niệm lớn hơn.

Và rồi ông xuất hiện trên diễn đàn Hội nghị An ninh Munich 2020, không cần ghi chú và dàn ý chuẩn bị trước, sẵn sàng nói không ngừng trong hàng giờ đồng hồ về bất cứ chủ đề nào được gợi lên. Và phạm vi tầm nhìn của ông vạch ra cũng vô cùng ngoạn mục. Ông Macron cho rằng châu Âu không chỉ cần bảo vệ vị thế của mình là một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới mà còn phải bổ sung bằng sức mạnh quân sự, sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích của mình trên khắp thế giới.

Châu Âu cũng phải dàn hòa với Nga, không chỉ vì điều đó là tối quan trọng đối với sự ổn định của lục địa mà còn giúp châu Âu không bị gạt ra bên lề bởi một liên minh Nga - Trung đang dần tăng cường ảnh hưởng. Trong vấn đề này, ông Macron đã đi theo hướng mà gần như không nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới từng thực hiện. Tất cả các chuyên gia chính sách và chiến lược gia có mặt đều yêu thích điều này và một vài trong số những người cổ vũ ông ở Munich có thể chắc chắn rằng nếu lục địa châu Âu có bầu ra một nhà lãnh đạo duy nhất thì ông Macron sẽ giành chiến thắng vang dội.

Nỗ lực của ông Macron nhằm biến châu Âu thành một cường quốc toàn cầu thực sự đủ khả năng biến sức mạnh kinh tế thành các năng lực quân sự toàn cầu không phải là điều hoàn toàn mới. Các đời Tổng thống Pháp kể từ tướng Charles de Gaulle từ những năm 1950 đều mơ về khoảnh khắc châu Âu ngừng phụ thuộc vào chiếc ô quân sự của Mỹ và tự mình sải bước trên sân khấu toàn cầu.

Điều này được cho phần lớn là do phương thức của Pháp trong việc thích nghi với thế giới hậu Thế chiến 2. Trong khi Anh bù đắp cho những tổn thất của đế chế bằng cách dựa vào Mỹ thì Pháp lại tâm đắc với ý tưởng cho rằng một châu Âu mạnh mẽ (đương nhiên là do Paris dẫn dắt) sẽ bù đắp cho những tổn thất về địa vị toàn cầu của chính họ.

Binh lính Pháp triển khai tại Mali, Tây Châu Phi.

Và điều quan trọng, có một số lợi điểm của ông Macron ở thời điểm này, bên cạnh những bất lợi khác. Một trong số đó là việc Anh rút khỏi EU. Không còn Anh, nước Pháp hiện là cường quốc quân sự lớn nhất ở EU và là nước duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân, một thực tế mà Tổng thống Macron đã cẩn thận nhấn mạnh trong một bài phát biểu gần đây về chiến lược hạt nhân của nước này. Chi tiêu quốc phòng của Pháp vẫn luôn cao hơn mức trung bình của các nước châu Âu còn lại. Quân đội Pháp hiện cũng đang đi đầu trong các chiến dịch trên bộ và trên biển tại bờ biển châu Phi.

Theo đánh giá, một nguyên nhân lớn nhất khiến các kế hoạch quân sự của ông Macron gặp trở ngại là bởi chúng quá... đậm chất Pháp! Những kế hoạch này không tính đến cảm giác của các nước Đông Âu cũng như không tính đến Đức, vốn không muốn chi tiêu quá nhiều cho quân sự. Việc ông Macron và các cố vấn thân cận của ông nghiêng về Nga mà không tham vấn ngay cả các nhà ngoại giao kỳ cựu của Pháp cũng càng khiến chia rẽ tại châu lục này thêm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hiện không có nhà lãnh đạo châu Âu nào giàu sức và năng nổ hơn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trước tình trạng xáo trộn hiện nay ở châu Âu, Tổng thống Pháp đã mang lại chính sự lãnh đạo mà châu lục này cần. Nhưng, có vẻ như mọi sự vẫn chưa hẳn đã thuận lợi đối với người Pháp.

Anh đã ra đi. Mỹ có thể cũng ra đi. Chỉ có điều, mặc dù các nước châu Âu đang lo lắng nhưng có lẽ vẫn chưa đủ lo lắng để chấp nhận mọi kiến nghị mà Pháp đưa ra về tương lai của lục địa già hoặc giả họ còn cần thêm những bằng chứng thiết thực khác nữa về vị trí và vai trò đầu tầu mà người Pháp đang cố muốn gánh lấy?

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.