Một năm cầm quyền của Tổng thống Pháp: Đơn độc trong giông bão

Thứ Năm, 09/05/2013, 05:30

Ngày 15/5 cách đây một năm, ông Francois Hollande nhậm chức Tổng thống Pháp, bắt đầu thực hiện lời cam kết với cử tri là tạo ra sự thay đổi đáng kể tình hình đất nước. Một năm sau, tình hình nước Pháp hầu như chưa có thay đổi gì so với trước, thậm chí những khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế châu lục còn nặng nề hơn. Tuy nhiên, lập trường chống "thắt lưng buộc bụng" của ông Hollande đang thắng thế, tạo hướng mở cho ông trong giai đoạn sắp tới.

Nhìn vào thực trạng hiện nay, không mấy ai dám tin tưởng rằng nước Pháp do Tổng thống Francois Hollande lãnh đạo đang sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn đang bủa vây để thực hiện 2 lời hứa quan trọng của ông trước cử tri là phục hồi tăng trưởng kinh tế và cải thiện công ăn việc làm. Trong thời điểm hiện tại, tình hình tăng trưởng kinh tế của Pháp có chiều hướng đi xuống so với cách đây một năm, với tỉ lệ tăng trưởng bằng không và con số dự báo cho cả năm 2013 là tăng trưởng âm (khoảng 0,5%-0,7%). Từ đầu năm 2013, Tổng thống Hollande đã ủng hộ một thỏa thuận giữa giới công đoàn và chủ doanh nghiệp nhằm nới lỏng bớt các quy định bảo hộ lao động trong nước.

Ông Hollande cho rằng, điều này sẽ giúp nước Pháp tăng tính cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tỉ lệ thất nghiệp trong nước lại có chiều hướng tăng, lên trên 11%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1999, trong đó thất nghiệp trong giới trẻ hiện đã vượt qua 24%, và có đến 80% việc làm mới là hợp đồng lao động tạm thời, không bền vững.

Tỉ lệ thất nghiệp tăng là hệ quả kéo theo của những khó khăn chồng chất trong nhiều ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, khiến cho hàng loạt nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, một số tập đoàn đa quốc gia phải đóng cửa các nhà máy lớn ở Pháp vì chi phí lao động cao để chuyển sang các nhà máy gia công ở nước ngoài có chi phí sản xuất và nhân công rẻ hơn, đẩy một số lượng không nhỏ lao động vào cảnh thất nghiệp.

Trong các khó khăn đang bủa vây ông Hollande, vấn đề thâm hụt ngân sách đang nổi cộm lên trên nhiều vấn đề khác. Nước Pháp đang bị các thành viên lớn khác trong EU chỉ trích vì không giữ được cam kết kìm hãm mức thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP. Hiện tại, tỉ lệ này đang là 3,7%, còn thấp so với nhiều nước EU khác, nhưng Pháp là một trong 2 nền kinh tế đầu tàu EU, vì vậy phải bằng mọi giá duy trì mức thâm hụt dưới 3%, như nước Đức đang làm được.

Để chống thâm hụt, nước Pháp đã chọn một trong 2 phương án là thúc đẩy tăng trưởng để tăng nguồn thu ngân sách bù cho các khoản chi, chứ không áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng" như chủ trương của nước Đức. Pháp vẫn đang là một trong những quốc gia có bộ máy hành chính cồng kềnh nhất thế giới, với 20% lực lượng lao động làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp, công ty,… hưởng lương ngân sách nhà nước. Điều này đang trở thành gánh nặng cho ngân sách, nhưng Tổng thống Hollande đã khẳng định, ông quyết tâm không tiết giảm guồng máy hành chính đó, vẫn duy trì biên chế dù phải cắt giảm lương tháng của một bộ phận quan chức hành chính cấp cao.

Một số khoản chi tiêu phúc lợi xã hội khác, như trợ cấp cho các gia đình có con nhỏ, chi trả một phần bảo hiểm y tế,… vẫn được duy trì, từ đó buộc Tổng thống Hollande phải áp dụng chính sách tăng thuế để bù thâm hụt ngân sách, với mức thuế gây tranh cãi lên đến 75% đối với những người có thu nhập từ 1 triệu euro trở lên.

Tất cả những điều này đang khiến cho một bộ phận không nhỏ cử tri từ chỗ ủng hộ ông Hollande chuyển sang chỉ trích ông, nó làm cho Hollande trở thành vị tổng thống có tỉ lệ cử ủng hộ thấp nhất nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, từ mức ủng hộ 65% khi nhậm chức đã giảm còn 25%, thấp hơn cả người tiền nhiệm là Nicolas Sarkozy.

Chưa hết, ngay cả những thành viên trong cùng đảng Xã hội cũng quay sang chỉ trích Tổng thống Hollande vì những quyết định mới đây của ông đụng chạm đến quyền lợi cá nhân của họ: Đó là sau vụ lùm xùm của một quan chức Bộ Kinh tế có tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ, Tổng thống Hollande đã ra lệnh cho tất cả các quan chức chính phủ, kể cả các nghị sĩ thuộc đảng Xã hội, phải kê khai tài sản và minh bạch trước cơ quan thuế và quản lý tài chính quốc gia nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự tái diễn.

Sau những trục trặc nhỏ ban đầu, ông Hollande đã dần lấy lại được cân bằng và lẳng lặng thi hành những kế hoạch đã đặt ra. Dù những khó khăn vẫn tiếp tục ập đến, nhưng đó chưa hẳn là do các chính sách điều hành kém cỏi của chính ông Hollande, mà một phần còn do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn châu Âu đã kéo dài 3 năm qua.

Trên con đường ông Hollande đang đi, hầu như có rất ít sự đồng cảm từ nhiều phía, cả cánh hữu (đối lập) lẫn cánh tả, ngay trong đảng Xã hội của ông, cả trong lẫn ngoài nước, đặc biệt là với nước Đức - quốc gia kiên quyết thúc đẩy chính sách “thắt lưng buộc bụng” gây nhiều tranh cãi, trong khi nước Pháp của ông Hollande lại đang làm ngược lại - thúc đẩy tăng trưởng để vực dậy sức sống cho nền kinh tế.

Nhưng Hollande có quyền lạc quan, vì chí ít ông cũng đang có thêm đồng minh theo lập trường chống thắt lưng buộc bụng là Thủ tướng Italia mới nhậm chức Enrico Letta. "Lời phán xét hãy để dành cho đến cuối nhiệm kỳ 5 năm của tôi" - Hollande nói

An Châu (tổng hợp)
.
.