Mức thu nhập “khủng” của giới dân biểu EU

Thứ Hai, 09/06/2014, 16:00

Từ ngày 22 đến 25/5 vừa qua, cư dân 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) lần thứ 8, nhằm chọn ra những người xứng đáng đại diện cho tiếng nói của cử tri. Ngoài danh tiếng là nghị sĩ EU (MEP) ra, các dân biểu trúng cử còn có khoản thu nhập "khủng" đầy mơ ước đối với bất cứ công dân EU nào.

Để so sánh, mức lương hàng tháng của một MEP là 17.827 euro, tính ra mỗi năm là 213.924 euro, gấp 878% mức thu nhập trung bình của người dân trong toàn khối EU. Cụ thể hơn, một MEP người Pháp nhận khoản lương nhiều gấp 740% so với mức thu nhập trung bình của những người đồng hương bình thường khác. Nhưng "nhà vô địch" thuộc về MEP người Bulgaria, có mức lương gấp… 2.051% mức trung bình của một người Bulgaria bình thường. Trong khi một thành viên của Quốc hội Cộng hòa Bulgaria nhận khoản lương chỉ cao hơn 6% so với mức thu nhập trung bình trong cả nước là 9.948 euro/năm.

Ngoài khoản tiền lương trang trải sinh hoạt phí hàng tháng, mỗi nghị sĩ EU còn được nhận bổ sung thêm 21.209 euro/tháng, hay 254.508 euro/năm để thuê mướn văn phòng và đội ngũ nhân viên phục vụ. Trong một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, chỉ riêng lương "cứng" của một MEP đã xấp xỉ 1,3 triệu euro, chưa kể các khoản thu nhập kiếm thêm khác ngoài chức danh MEP theo nghề nghiệp chuyên môn của vị dân biểu.

Trong 5 năm tại nhiệm, tiền lương của một nghị sĩ đã bằng 55 năm miệt mài lao động của một công dân EU. Chi tiết cụ thể hơn nữa là bằng 24 năm thu nhập của một người Luxembourg, 39 năm làm việc của một người Đức, 45 năm lao động của một người Italia, 78 năm của một người Ba Lan… Thậm chí bằng 108 năm làm việc của một người Bulgaria.

Quảng bá tốn kém nhằm "đánh bóng tên tuổi" là điều tối cần cho những ai muốn trở thành MEP.

Trong một nhiệm kỳ, giới dân biểu EU thường tham gia biểu quyết "quanh quẩn" nhiều vấn đề khác nhau, "từ thay thế bóng đèn sợi đốt qua đường cong tiêu chuẩn của quả dưa chuột thành phẩm, đến kích thước bao bì chai lọ đựng dầu ăn…" như lời nhận định trên trang web Preisvergleich.de, cổng thông tin điện tử dành cho người tiêu dùng EU chuyên so sánh giá cả hàng hóa, nhiên liệu, năng lượng và dịch vụ tài chính giữa các quốc gia thành viên EU.

Đồng thời website Preisvergleich.de cũng cho biết ngay từ thời điểm khai mạc EP khóa 7, tức là cách đây 5 năm, giới MEP đã có mức thu nhập chênh lệch khổng lồ nêu trên.

Với mức lương "khủng" như vậy, vô hình trung đã tạo ra hố ngăn cách giữa các MEP với giới dân biểu quốc nội. Bằng tiềm lực kinh tế sẵn có, các cựu nghị sĩ EU thừa khả năng "chi đậm" cho các chiến dịch quảng cáo "đánh bóng tên tuổi" nhằm tái đắc cử, trong khi giới dân biểu địa phương như ở Bulgaria chẳng hạn phải rất chật vật mới hy vọng trúng cử. Do vậy chẳng có gì lạ khi người ta đua nhau ghi danh ứng cử, cốt để trở thành thành viên EP với mức thu nhập cao ngất ngưởng.

Theo thống kê chính thức từ Ủy ban bầu cử của EU, đã có hơn 16.300 ứng viên thuộc đủ mọi đảng phái khác nhau ra tranh cử 751 ghế MEP.

Giới nghị sĩ EU đều là những triệu phú đích thực.

Cuộc bầu cử EP khóa 8 lần đầu tiên sẽ thực thi sự điều chỉnh theo Hiệp ước Lisbon, được các quốc gia thành viên EU ký kết và thông qua trong năm 2008. Theo đó số lượng các MEP sẽ giảm từ 766 ghế xuống còn 751 ghế, được phân chia dựa trên số dân của mỗi nước. Ví như CHLB Đức có nhiều MEP nhất với 96 ghế, tiếp theo là Pháp được 74 ghế, Anh và Italia mỗi nước đều có 73 ghế...  Các nước có dân số thấp trong EU là Síp, Estonia, Luxembourg và Malta mỗi nước được 6 ghế.

Một điểm mới đáng lưu ý sau cuộc bầu cử EP kỳ này, là lần đầu tiên sẽ tiến hành nghi thức bầu chức danh Tổng thống EU do Hội đồng châu Âu (EC), cơ quan hành pháp cao nhất ở EU giới thiệu dựa trên kết quả cuộc bầu cử vừa qua để EP biểu quyết bầu chọn. Hiện 2 ứng viên sáng giá nhất cho chức vụ Tổng thống EU đầu tiên là cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, ứng viên của đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và ông Martin Schulz người Đức, ứng viên của đảng Xã hội châu Âu (PES) cũng là Chủ tịch EP khóa trước.

Trong khi Ban lãnh đạo EU luôn tự hào rằng, công cuộc dân chủ hóa bao trùm là sức mạnh của toàn khối, nhưng thực tế cho thấy qua việc tranh cử vào EP, cơ quan lập pháp tối cao của EU đã thể hiện sự bất bình đẳng "từ trong trứng nước".

Công luận đòi hỏi Quốc hội mới của EU phải tiến hành cải cách mạnh mẽ hơn nữa theo tinh thần của Hiệp ước Lisbon, nhất là giản ước mức lương "khủng" trong giới nghị sĩ dân cử để khỏa lấp hố ngăn cách về thu nhập đang tồn tại

T.Q.Long (theo Deutsche Welle)
.
.