Mỹ: Đệ nhất phu nhân sẽ tranh cử vào Thượng viện?

Thứ Hai, 15/04/2013, 22:45

Như những gì mọi người biết, bà Michelle vốn không yêu thích những cuộc vận động tranh cử và luôn tránh các vấn đề gây tranh cãi. Thế nhưng, tin đồn về việc bà đang chuẩn bị tham gia tranh cử và những tham vọng chính trị bắt đầu lan rộng khi phu nhân quyết định quay trở lại Chicago lần thứ ba kể từ sau lần nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Barack Obama. Nếu đây là sự thực thì bà Michelle Obama sẽ phải đối mặt với những áp lực rất lớn, vượt ngoài tầm kiểm soát của một cá nhân với ít kinh nghiệm tranh cử thực tế, dù nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân và chính ông Obama.

Những lợi thế tranh cử

Michelle Obama dường như được lòng người dân hơn vị phu quân của mình ở bang Illinois. Đây có thể là một sự khởi đầu khá tốt để dành một chiếc ghế ở Thượng viện vào năm 2016 khi đối thủ chính của bà là nghị sĩ đảng Cộng hòa Mark Kirl cũng đang có ý định tái tranh sử sau một cơn đột quị nghiêm trọng. Chuyến thăm lần thứ 3 "ngoài dự kiến" tới Chicago của bà Michelle càng dấy lên nỗi nghi ngờ rằng bà đang để  mắt tới việc tranh cử.

Ông Paul Green, giáo sư Đại học Roosevelt, đã so sánh bà Michelle và bà Hillary Clinton hay Cindy McCain - phu nhân của thượng nghị sĩ John McCain - và cho rằng, phong cách của Michelle có thể được xem là sự pha trộn giữa 2 người phụ nữ này.

Cả Hillary và Michelle đều có một sự nghiệp sáng sủa cho riêng mình và đã gieo vào lòng người dân Mỹ hy vọng về một nữ tổng thống Mỹ trong tương lai. Nếu như Hillary từng tranh cử để trở thành người đại diện của đảng Dân chủ ứng cử tổng thống Mỹ năm 2008, thì người ta hy vọng Michelle sẽ làm việc này trong cuộc bầu cử năm 2016, sau khi trở thành một thượng nghị sĩ.

Trong khi đó, bà Michelle cũng chẳng bao giờ tự nhận bản thân là một chính khách, và tuyên bố bà không đam mê chính trị giống như phu nhân Cindy McCain. Bà thích "lang thang" khắp nước Mỹ với những bài phát biểu ấn tượng nhằm tìm kiếm những lá phiếu cho chồng. Ông Obama có thể né tránh nói đến vấn đề màu da, nhưng Michelle không ngại ngần phát biểu về vấn đề này, bởi đơn giản bà muốn xóa nhòa khoảng cách giữa người da trắng và người da màu để tạo ra sự bình đẳng.

Michelle Obama để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người dân Mỹ qua bài diễn văn đọc trong đêm đầu tiên ở Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ năm 2008. Bà nói về hoàn cảnh xuất thân của hai vợ chồng, cho biết hai vợ chồng tin rằng phải làm việc cực nhọc để thực hiện điều mong muốn trong đời, hoàn thiện "giấc mơ Mỹ" về vật chất và tham vọng quyền lực. Bà nói về việc đối xử với người khác bằng sự tôn trọng, ngay cả khi không biết họ là ai hay ngay cả khi không đồng ý với họ.

Nhiều nhà báo và nhà bình luận chính trị ngợi khen Michelle Obama về bài diễn văn này. Nhà bình luận chính trị Andrew Sullivan nhận xét bài diễn văn là "Một trong số những bài diễn văn hay nhất, cảm động nhất, thân tình,  khiêm tốn và rất đẹp mà tôi đã từng nghe tại một diễn đàn hội nghị".

Trong vai trò một phụ nữ nhiệt huyết với cộng đồng, Michelle Obama đã tham gia tích cực một tổ chức giúp đỡ người khuyết tật. Khi trở thành đệ nhất phu nhân, bà bỏ phiếu cho tất cả những luật bảo vệ người khuyết tật và người cao tuổi. Michelle cũng hoạt động tích cực vì sức khỏe của người dân. Tháng 10/2009, bà đề xuất chương trình lắc vòng trong vườn của Nhà Trắng. Năm 2010, bà khởi động chiến dịch "Let's move" (Hãy cùng vận động) để chống lại đại dịch béo phì ở trẻ em.

Tháng 4/2011, bà đề nghị Beyonce cùng tung ra clip "Get me Bodied", trong đó, diva của dòng nhạc R'n'B cùng hát và tập gym (thể thao thể hình) với hàng nghìn fan. Tại Olympic London, bà đã xuất hiện cùng với David Beckham tuyên truyền về lối sống tích cực với thể thao trong chương trình "Let's move London".

Chính trường lắm chông gai

Chính vì xuất hiện quá nhiều trong các cuộc vận động tranh cử của chồng nên có lẽ Đệ nhất phu nhân không thể né tránh những ảnh hưởng chính trị. Dư luận đều cho rằng Michelle Obama hoàn toàn có tố chất và thừa khả năng tham gia ứng cử một vị trí cao cấp bên trong Thượng viện. Bà đúc rút kinh nghiệm từ vai trò chủ chốt trong các chiến dịch vận động cho ông Barack Obama, lại có tài thuyết phục, hùng biện sôi nổi không cần tài liệu chuẩn bị trước về vô số các chủ đề rộng lớn, từ giáo dục trong nước tới chiến lược quân sự của Mỹ tại Iraq và Afghanistan.

Những phát biểu của bà đứng trên lập trường của một bà mẹ về vấn đề chủng tộc và giáo dục có sức thu hút cao. Người ta cho rằng bà sẽ tạo ra một phong cách mới ở Nhà Trắng với sự quyến rũ, hiện đại, tinh tế, thông minh, độc lập trong suy nghĩ và một cá tính chính trị nổi bật, sánh ngang với Hillary Clinton.

Một số nhà phân tích dự đoán, trong năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama, Michelle sẽ tập trung toàn lực tham gia vận động tranh cử nếu muốn có một ghế trong Thượng viện, và quan trọng hơn là nâng cao quyền lực chính trị của cá nhân. "Không cần phải hỏi Michelle, tôi cũng đoán được việc cuối cùng Michelle sẽ làm sau khi rời khỏi Nhà Trắng là chạy đua vào Thượng viện", một cựu cố vấn chính trị của ông Obama cho biết.

Trong khi đó, đối thủ dày dạn kinh nghiệm của bà Michelle, Thượng nghị sĩ Mark Kirl đã dành được rất nhiều sự cảm thông và kính trọng khi ông quay trở lại chính trường sau thời gian dài chống chọi với các dư chấn từ cơn đột quị. Kirl là một thế lực đáng gờm, tuy nhiên sức mạnh lớn nhất của Michelle là những con số bầu cử nhiều hơn dự kiến, và sự ủng hộ của người dân trước cá tính ôn hòa.

Quyền lực và sự nổi tiếng của Barack Obama tạo nên một đối trọng tuyệt vời khiến đối thủ Kirl phải e dè, cho dù chẳng ai đoán biết được liệu hai nhân tố trên có làm nên một chính khách Michelle Obama trong tương lai hay không

Lê Thúy - Doãn Anh(tổng hợp)
.
.