Mỹ: “Hồ sơ Trump” lộng giả thành chân?

Thứ Năm, 19/01/2017, 18:45
Truyền thông Mỹ lại đang dậy sóng với vấn đề những mối quan hệ bí mật giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với nước Nga. Một lần nữa, Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey lại là tâm điểm chú ý của truyền thông khi lên tiếng bác bỏ các yêu cầu thông tin về việc FBI có điều tra ông Trump hay không.

Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 10-1, Giám đốc FBI Comey đã từ chối trả lời câu hỏi của các thượng nghị sĩ về việc “FBI có điều tra các cáo buộc quan hệ bí mật giữa ông Trump với nước Nga” trong giai đoạn tranh cử hay không. Comey tuyên bố ông “không bao giờ bình luận trước diễn đàn công khai về các cuộc điều tra”.

Tuy nhiên, theo giới truyền thông, FBI dường như vẫn đang điều tra về các mối quan hệ của ông Trump với nước Nga để xác định độ tin cậy của những thông tin chứa trong một hồ sơ bí mật về ông Trump vốn đã được tập hợp từ giữa năm 2016 và đã chuyển đến cho FBI và Thượng nghị sĩ John McCain. Khi hồ sơ được rò rỉ trên truyền thông, không ai trong cộng đồng tình báo Mỹ dám khẳng định những thông tin trong hồ sơ là xác thực, đáng tin cậy hay không.

Michael Cohen bị nghi oan là đã tiếp xúc với quan chức Nga Oleg Solodukhin.

Cuộc điều trần hôm 10-1 là lần thứ hai trong tháng 1-2017, lãnh đạo các cơ quan tình báo chủ chốt (gồm CIA, FBI, NSA) ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về những vấn đề liên quan đến ông Trump và cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper cũng cho rằng, có bằng chứng cho thấy nước Nga đã “đột nhập, lục soát một số danh sách cử tri” ở một vài bang nào đó.

Comey bổ sung thêm rằng, Nga đã có đột nhập vào kho dữ liệu đã cũ của đảng Cộng hòa và lấy đi một số dữ liệu đã lỗi thời, nhưng không đột nhập vào kho dữ liệu mới, đặc biệt là chiến dịch của ông Trump. Comey còn nói thêm rằng, có thể các vụ tấn công, đột nhập đó do các hacker thực hiện ngoài sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Có vẻ như ông Trump và các cơ quan tình báo đang từng bước “làm lành” sau cuộc điều trần nói trên. Bản thân ông Trump sau đó cũng thừa nhận ông “tin” rằng nước Nga đã có can thiệp phần nào vào cuộc bầu cử, nhưng không tác động gì đến kết quả bầu cử. Tuy nhiên, cuộc “làm lành” đó đã gặp phải một gáo nước lạnh bởi loạt thông tin rò rỉ trên truyền thông đại chúng về hồ sơ về “các quan hệ bí mật giữa Trump và nước Nga”.

The Guardian cho biết, bộ hồ sơ nói trên được lên kế hoạch thực hiện từ giai đoạn tranh cử sơ bộ trong đảng Cộng hòa. Đó là một trò “bẩn” mà giới chính trị Mỹ thường thực hiện vào mùa bầu cử. Người ta gọi đó là “nghiên cứu đối lập”, tức là công việc tìm kiếm những thông tin xấu, bất lợi của đối thủ trong cuộc đua, tập hợp lại rồi tung lên truyền thông để tạo dư luận xấu, làm mất uy tín đối thủ, tạo thuận lợi cho mình.

Theo truyền thông Mỹ, cuộc điều tra bắt đầu từ tháng 9-2015. Khi đó, một nhà tài trợ cho đảng Cộng hòa, một người kịch liêt chống Trump đang cố thực hiện chiến dịch “loại bỏ Trump”, móc hầu bao thuê công ty “nghiên cứu đối lập” Fusion GPS ở Washington do cựu nhà báo Glenn Simpson của tờ Wall Street Journal làm chủ để thực hiện hoàn chỉnh bộ hồ sơ “bẩn” về những bê bối trong quá khứ và những nhược điểm của ông Trump.

Công ty Fusion GPS rất thường xuyên nhận hợp đồng từ các chính khách tranh cử, thành viên các đảng phái và cả những người ủng hộ ở Washington, vì vậy mà quen thuộc hầu hết các gương mặt “vai chính” ở đây.

Công việc của Fusion GPS trông có vẻ bình thường, bao gồm việc tạo ra một cơ sở dữ liệu các thông tin bao gồm các bài báo, tài liệu từ các phiên tòa và các dữ liệu hữu ích khác. Trong nhiều tháng, Fusion GPS đã tập hợp, hệ thống hóa các tài liệu về quá khứ của ông Trump trong kinh doanh và trong ngành giải trí.

Sau khi ông Trump vượt lên dẫn đầu cuộc đua sơ bộ và khẳng định là ứng cử viên sáng giá nhất, vì muốn loại bỏ Trump mà đảng Cộng hòa rút tài trợ cho cuộc nghiên cứu. Fusion GPS lỡ trớn, nhưng đã kịp tìm được khách hàng mới bên đảng Dân chủ, nên vẫn tiếp tục cuộc điều tra Trump.

Doanh nhân Carter Page, đề cử cố vấn đối ngoại cho ông Trump, cũng bị nghi oan là đã tiếp xúc bí mật với người Nga.

Tháng 6-2016, cuộc nghiên cứu bất ngờ đổi hướng sau khi báo Washington Post đưa tin hệ thống e-mail của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ bị đột nhập, thủ phạm nghi là “các điệp viên Nga”, và một gã vô danh nào đó tự xưng là “Guccifer 2.0” bắt đầu cho công bố lên mạng Internet các tài liệu lấy trộm. Simpson tìm đến cựu điệp viên MI-6 Christopher Steele và thuê ông này thực hiện công việc điều tra, thu thập thêm thông tin để bổ sung hồ sơ.

Steele năm nay 52 tuổi, là một điệp viên kỳ cựu của MI-6, nổi tiếng trong giới tình báo Anh-Mỹ về tính chính xác và độ tin cậy cao của thông tin tình báo. Thời còn làm việc cho MI-6, Steele là một chuyên gia hàng đầu về nước Nga. Năm 2009, Steele xin nghỉ việc và mở công ty riêng, tên là Orbis Business Intelligence.

Cả hai, một cựu nhà báo, một cựu điệp viên, đều có cái nhìn ác cảm đối với nước Nga và Tổng thống Putin. Steele từng tiến hành nhiều phi vụ gián điệp bên trong nước Nga, nhiều lần dùng những trò bẩn nhắm vào nước Nga, như tung tin bôi xấu, tống tiền hay đưa hối lộ để làm tha hóa các mục tiêu tấn công.

Tuy nhiên, khi nhận hợp đồng thu thập dữ liệu cho Simpson, Steele không tự mình đi đến Nga mà thuê lại những người Nga bản xứ liên hệ với các chỉ điểm viên Nga và “tạo dựng” các cuộc tiếp xúc lén lút với chính người của mình ở Nga. Ngoài thành phần đó, Steele còn tìm gặp những đầu mối quan hệ người Nga ở nước ngoài để tìm hiểu. Steele tập hợp các thông tin thu thập được vào các báo cáo, mỗi báo cáo vài trang giấy và bắt đầu chuyển cho Fusion GPS từ tháng 6-2016 đến tháng 12-2016.

Đến tháng 12, cuộc bầu cử đã qua, cả Steele và Simpson đều không nhận được tiền thù lao điều tra vì công việc không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, Simpson và Steele vẫn tiếp tục việc thu thập thông tin về Trump và chuyển giao cho FBI.

Đến tháng 7-2016, Steele đã thu thập được một khối lượng lớn thông tin về Trump. Sau khi tập hợp đầy đủ hồ sơ, Fusion GPS tiếp tục giao cho FBI phục vụ cho công việc nghiên cứu, điều tra. Đồng thời, Steele cũng chuyển một bản hồ sơ đó cho cơ quan tình báo của Anh (MI-6), nhưng cơ quan này không thể hành động gì, nên im lặng và để cho người Mỹ hành động.

Đến giữa tháng 11-2016, hồ sơ của Steele lại được chuyển đến Washington bằng một con đường khác, và lần này nó được đề cập trong một báo cáo tổng hợp liên cơ quan tình báo về sự can thiệp của Nga và sau đó được chuyển đến cho Tổng thống Obama và Tổng thống đắc cử Trump.

Tại Hội nghị thường niên Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax tổ chức tại thành phố Halifax, Canada, vào ngày 18-11-2016, Thượng nghị sĩ John McCain tham dự hội nghị và được giới thiệu với một cựu quan chức ngoại giao, người từng nhìn thấy các tài liệu trong hồ sơ của Steele và biết rõ nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy.

Ông McCain xác định đây là một “vụ việc lớn”, nên cử người đại diện là một cựu quan chức Mỹ (giấu tên) sang châu Âu gặp “nguồn thông tin”, tức Steele. Người đại diện quay trở về trong vòng 24 giờ và trình cho McCain các tài liệu, kèm theo lời xác nhận “hầu như không thể xác nhận tính xác thực nếu không mở một cuộc điều tra thích hợp”.

Ban đầu, ông McCain tỏ vẻ không muốn dính vào vụ việc này, vì ngại mang tiếng “trả thù” cho những lời lẽ mạo phạm của ông Trump trước đó, nhưng đến ngày 9-12, ông quyết định đến trao nó cho Giám đốc FBI Comey. Không ai rõ động cơ nào thúc đẩy ông Comey tổng hợp bản báo cáo tóm tắt gửi cho hai ông Obama và Trump cũng như các trợ lý cao cấp của hai ông ngay cả trước khi FBI hoàn tất việc điều tra. 

Nội dung bộ hồ sơ này đã được rò rỉ cho các cơ quan truyền thông ngay khi Steele chuyển một phần nội dung cho FBI. Ngày 10-1-2017, đài CNN và trang tin điện tử BuzzFeed bắt đầu tiết lộ một phần nội dung của hồ sơ. Các báo cáo trong hồ sơ mô tả hai hoạt động khác nhau của nước Nga.

Cựu điệp viên Christopher Steele.

Hoạt động thứ nhất là một nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm tìm cách gây ảnh hưởng lên ông Trump, “có lẽ vì ông Trump có tiếp xúc với nhóm tỉ phú mà Tổng thống Nga Putin muốn theo dõi”. Các hoạt động này bao gồm việc thu thập các tư liệu gây bất lợi cho ông Trump bằng cách ghi âm lén ông Trump “hú hí với gái” ở Moskva, ghi âm những lời mời chào các thương vụ béo bở với ông Trump. Mục tiêu của chiến dịch này là biến ông Trump thành một nguồn cung cấp thông tin bất đắc dĩ cho những “người bạn Nga thân thiết”.

Hoạt động thứ hai của người Nga được cho là diễn ra gần đây: Một loạt cuộc tiếp xúc giữa người Nga với các đại diện của ông Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016, một phần là để bàn bạc về vụ việc hacker đột nhập hộp thư điện tử của DNC và ông John D. Podesta - Chủ tịch chiến dịch của bà Hillary Clinton.

Theo tài liệu của Steele, trong các cuộc tiếp xúc này có một cuộc gặp ở Prague (Cộng hòa Séc) vào cuối mùa hè giữa Michael Cohen, luật sư riêng của ông Trump, với Oleg Solodukhin, một quan chức Nga làm việc cho Rossotrudnichestvo, một tổ chức xúc tiến các lợi ích Nga ở nước ngoài. Một báo cáo ghi ngày 19-7-2016 nói rằng Carter Page, một doanh nhân được Trump đề cử làm cố vấn chính sách đối ngoại, đã có một cuộc gặp bí mật với Igor Sechin, Chủ tịch Công ty Dầu mỏ quốc doanh Rosneft, là một phụ tá lâu năm của Tổng thống Putin.

Ngoài ra, Page còn gặp một người nữa là Igor Divyekin, một quan chức nội vụ từng làm việc trong ngành tình báo, và chính Divyekin đã cảnh báo với Page rằng người Nga đang nắm những thông tin bất lợi về ông Trump.

Tuy nhiên, hai tháng sau, các “cuộc gặp bí mật” nói trên của Page bỗng dưng được tiết lộ trên truyền thông Mỹ, dẫn nguồn “tin tình báo”, cùng với thông tin rằng Page bị FBI điều tra. Sự thật câu chuyện là gì? Page vốn là người công khai ủng hộ Moskva, quả thực đã có đến Moskva vào tháng 7-2016 để phát biểu chỉ trích chính sách của phương Tây đối với nước Nga.

Nhưng Page kịch liệt phản bác thông tin cho rằng ông có tiếp xúc riêng với các quan chức Nga, cho rằng đó là thứ “thông tin rác rưởi”. Rồi ngay sau khi ông Trump thắng cử, Page quay trở lại Moskva, gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và bác bỏ cuộc điều tra của FBI là “săn phù thủy”. Các doanh nhân Nga cho rằng việc người Mỹ cáo buộc người Nga đột nhập vào e-mail đảng Dân chủ có thể chỉ là chiêu tung thông tin giả để gây áp lực với Moskva.

Có quá nhiều vấn đề cần phải xem xét kỹ tính chân thực của nó trong các báo cáo của Steele. Ngoài câu chuyện bị Page bác bỏ nêu trên, những cuộc gặp khác của ông Cohen với Solodukhin cũng tỏ ra không đáng tin cậy. Ông Cohen đã lên mạng xã hội Twitter nói rằng “tôi có đến Prague hồi nào đâu mà bảo rằng tôi đã tiếp xúc bí mật với Solodukhin?”.

Còn chính Solodukhin, khi báo chí điện thoại hỏi về cuộc gặp với Cohen cũng... ngã ngửa và khẳng định không hề gặp và biết đến trợ lý nào của ông Trump chứ đừng nói là Cohen.

Cơ bản, các đồng nghiệp cũ của Steele cho rằng, việc ông ta không đích thân đi điều tra để nắm thông tin mà chủ yếu dựa vào “nguồn tin Nga bản xứ” là một sơ hở rất lớn, có nguy cơ đẩy ông vào cái bẫy thông tin giả do tình báo Nga “bơm” vào để ông tung lên dư luận xã hội Mỹ, từ đó gây hỗn loạn về chính trị.

Điều này dường như đang thành hiện thực, với cơn khủng hoảng “hồ sơ Trump” vẫn chưa lắng dịu. Trong khi đó, Steele, người khởi nguồn vụ “hồ sơ Trump” gây ầm ĩ trên truyền thông quốc tế, đã phải bỏ trốn khỏi nơi ở, vì lo sợ nhiều chuyện bất trắc có thể xảy đến với mình bất cứ lúc nào.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.