Mỹ - Iran: Đối kháng leo thang

Thứ Năm, 24/01/2019, 14:05
Trong số các điểm nóng nhất của thế giới năm 2019, Trung Đông vẫn là khu vực được dự báo có nhiều diễn biến khó lường nhất. Nơi này được dự báo sẽ tiếp tục nóng theo chiều hướng xấu hơn trong năm 2018, bởi tham vọng của các cường quốc không thay đổi. Sau Syria, Mỹ đang chuyển hướng vào Iran. Nguy cơ xảy ra cuộc chiến mới Mỹ-Iran đang gần hơn bao giờ hết.

Iran trong "ma trận" Trung Đông

Ngoài tác động của những chính sách đối với khu vực Trung Đông của các nước lớn, diễn biến của các yếu tố nội tại bên trong khu vực và tình hình quốc tế như chính trị, kinh tế, xã hội... sẽ có tác động đáng kể mà không thể đo lường trước đối với các vấn đề trong khu vực. Quyết định bất ngờ của Mỹ rút khỏi Đông Bắc Syria sẽ thúc đẩy các đối thủ của Washington lấp đầy chỗ trống được tạo ra.

Ưu tiên của Mỹ tại Trung Đông giờ đây về bề ngoài sẽ không còn là Syria nữa mà là ngăn chặn ảnh hưởng của Iran. Theo quan điểm này, việc rút quân khỏi Syria dường như là một quyết định nhằm tăng cường cơ sở cho cuộc bầu cử và là một mánh khóe để tránh lãng phí nguồn lực ở Trung Đông, đồng thời khiến mặt trận chống lại nước cộng hòa Hồi giáo này trở thành mặt trận duy nhất của Mỹ trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng như các tiền nhiệm luôn đau đầu với Hồ sơ Iran. Ảnh: The National.

Tổng thống Trump sau đó sẽ làm mọi việc để cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và đảm bảo chắc chắn rằng Israel tìm thấy ở Saudi Arabia và các nước Vùng Vịnh một giải pháp hữu ích nhằm ngăn chặn Tehran.

Hiện tại, tầm hoạt động của Iran thậm chí vượt khỏi khuôn khổ Vùng Vịnh. Chính vì thế, dự báo cuộc đối đầu trực tiếp giữa Iran với các nước Arab và cuộc đối đầu gián tiếp với Mỹ vẫn sẽ tiếp tục. Thời điểm có ý nghĩa quyết định là khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc xuất khẩu dầu của Iran có hiệu lực thực tế sau những tuyên bố của Tổng thống Trump.

Một số người cho rằng Iran có thể đáp trả mạnh mẽ bằng cách chặn eo biển Hormuz. Tuy vẫn còn sớm để nói về một cuộc chiến nhưng chắc chắn các lựa chọn đàm phán của Tehran hiện giờ là rất hạn chế.

Câu hỏi là tại sao chiến dịch chống Iran lại được đưa ra trong thời điểm này? Câu trả lời là Mỹ muốn tranh thủ cơ hội tình hình nội bộ Iran đang có vấn đề khi các cuộc biểu tình phản đối chính sách kinh tế thất bại của chính phủ gia tăng. Sự trượt giá của đồng rial bắt đầu từ tháng 11-2018. Nhiều người phẫn nộ vì các khoản ngân quỹ thay vì phục vụ người dân lại được rót cho các lực lượng dân quân Shi'ite ở nhiều nơi trong thế giới Arab, đặc biệt là phong trào Hamas.

Quân đội Mỹ đang trở lại Trung Đông ngày một nhiều hơn. Ảnh: Defense News.

Hiện nay, giới phân tích không ngừng tranh luận về chiến lược Iran của chính quyền ông Donald Trump. Có phân tích cho rằng chính quyền của ông không có chiến lược đối với Iran mà chỉ có sách lược. Bị ảnh hưởng bởi vấn đề thương mại khiến đối sách của Mỹ trong vấn đề Iran thiếu tư duy chiến lược hệ thống và lâu dài. Cũng có phân tích cho rằng tuy chính sách Iran của chính quyền ông Trump thiếu tính ổn định nhưng vẫn hình thành một chiến lược tăng cường kiềm chế Iran.

Còn có phân tích cho rằng cùng với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chiến lược Iran của chính quyền ông Trump đang trở lại thời kỳ G.W.Bush... Tóm lại, chiến lược này đang có sự thay đổi rõ rệt, tác động đáng kể đến việc nắm bắt tình hình chính trị ở Trung Đông.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, chính quyền của Tổng thống Donald Trump luôn muốn thuyết phục Iran thay đổi hành vi, chấp nhận địa vị lãnh đạo của Mỹ ở Trung Đông. Ý tưởng chiến lược này nói chung không hiệu quả. Trước tiên, nó khó có thể gây sức ép lên Iran một cách hiệu quả. Thỏa thuận hạt nhân tuy hạn chế được chương trình hạt nhân của Iran nhưng cũng khiến nước này bảo tồn năng lực làm giàu urani.

Ở cấp độ khu vực, Iran đã mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng tại Iraq, Syria, Liban và Yemen. Mỹ lo lắng, nếu tình hình này kéo dài, Iran rất có khả năng giành được quyền bá chủ khu vực.

Cụ thể, trong quan hệ kinh tế và thương mại, Iran với các nước châu Âu và châu Á ngày càng gần gũi. Ở cấp độ khu vực, quan hệ giữa Iran với các nước Arab như Qatar, Ai Cập không ngừng cải thiện. Ngược lại, quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và Trung Đông lại dần xa cách. Israel và Saudi Arabia mong muốn rút ngắn khoảng cách với Nga và Trung Quốc, để đối trọng với rủi ro từ sự thu hẹp chiến lược của Mỹ.

Iran vẫn thường xuyên công khai các vụ thử tên lửa và vũ khí mới. Ảnh: Space Coast Daily.

Không chỉ vậy, sự sụp đổ của IS đã để lại khoảng trống quyền lực mới cho Syria và Iraq. Để ngăn chặn Iran có cơ hội thiết lập hành lang địa chính trị Shi'ite xuyên suốt Địa Trung Hải, Mỹ phải khẩn trương có chiến lược mới để giành lại khoảng trống quyền lực.

Để xoay chuyển cục diện bất lợi, sau khi ông Trump lên nắm quyền, chính sách đối với Iran đã chuyển hướng cứng rắn rõ rệt. Một là đưa Iran vào danh sách “Lệnh cấm người Hồi giáo”. Hai là, đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Iran, buộc Iran phải chấp nhận sửa đổi thỏa thuận hoặc đạt được thỏa thuận mới.

Nhìn vào khuynh hướng ngăn chặn, chiến lược của Mỹ có 4 sự lựa chọn: Một là thay đổi chế độ, sử dụng mọi thủ đoạn để lật đổ chính quyền Iran. Hai là chiến lược đẩy lùi, xoay chuyển những ưu thế và thành quả mà Iran giành được trước đó trong việc bành trướng khu vực. Ba là kiềm chế từ xa, duy trì cân bằng cán cân quyền lực giữa Iran với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, từ ngoài khu vực ngăn chặn Iran có được ưu thế cạnh tranh. Bốn là chiến lược lui về sau, rút khỏi tranh chấp bằng phương thức bảo toàn tối đa lợi ích, sau này tìm biện pháp đối phó hiệu quả hơn.

Nhìn vào khuynh hướng tiếp xúc, Mỹ cũng có 4 sự lựa chọn: một là chiến lược răn đe, sử dụng quân sự và kinh tế để đe dọa Iran, khiến nước này phải nhượng bộ ở mức tối đa. Hai là thực hiện tiếp xúc, đối thoại một cách cẩn trọng và thiết thực với Iran, thông qua hợp tác và giao dịch trong giới hạn để tìm hiểu và gây ảnh hưởng cho đối thủ. Ba là mở rộng tiếp xúc, tăng cường đối thoại, giao dịch và hợp tác, thay đổi phương thức hành động và định hướng chính sách của Iran. Bốn là chiến lược xoa dịu, thông qua hợp tác nhiều hơn hoặc nhượng bộ để lấy lòng đối thủ cạnh tranh. Đương nhiên, không có có lựa chọn nào hoàn hảo, bởi mỗi chiến lược đều có rủi ro và khiếm khuyết.

So với hai chính quyền trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump không quan tâm lắm việc thúc đẩy “xây dựng dân chủ” ở Trung Đông nhưng vẫn hết sức bảo vệ 5 lợi ích chủ yếu của Mỹ tại Trung Đông: cuộc chiến chống khủng bố; bảo đảm an ninh cho các đồng minh; bảo đảm ổn định cho việc cung cấp năng lượng của Trung Đông; ngăn chặn phổ biến vũ khí sát thương; đề phòng sự xuất hiện bá quyền khu vực.

Do Iran trên mọi mặt lợi ích đều tạo thành thách thức cho Mỹ nên ông Donald Trump rất khó coi Iran là đối tác hợp tác tiềm năng mà có xu hướng coi nước này là “đất nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”, “kẻ nói dối giả vờ từ bỏ hạt nhân”, “đối thủ cạnh tranh tìm cách kiểm soát tuyến đường năng lượng của các nước Arab và vịnh Persian”, “nước đe dọa đến an ninh các đồng minh của Mỹ và phá vỡ sự sửa đổi trật tự Trung Đông”.

Mỹ luôn e dè sức mạnh quân sự của Iran. Ảnh: New York Post và Israel National News.

Nhìn từ quan điểm của chính quyền ông Donald Trump, mối đe dọa từ Iran không chỉ mang tính cấp bách mà cũng mang tính tiệm tiến và tính phổ biến. Phán đoán này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn chiến lược đối với Iran của chính quyền ông Trump.

Thêm vào đó, rủi ro của việc sử dụng vũ lực. Đối với Mỹ, dùng vũ lực để lật đổ chính quyền Iran dường như có thể giải quyết mọi vấn đề nhưng giống với Omaba, ông Trump hy vọng có thể kiểm soát nguy cơ về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran, không muốn giẫm vào vết xe đổ của chiến tranh Iraq.

Ngoài ra, giai đoạn này mà xảy ra chiến tranh với Iran sẽ không có lợi cho Mỹ trong việc thực hiện thu hẹp chiến lược, Quốc hội và dân chúng Mỹ - những chủ thể phản đối chiến tranh mạnh mẽ cũng sẽ không ủng hộ ông Trump mạo hiểm một lần nữa ở Trung Đông. Quan trọng hơn là năng lực quân sự đang nhanh chóng nâng cao của Iran làm tăng đáng kể chi phí phát động chiến tranh của Mỹ. Cân nhắc những yếu tố này, chính quyền ông Trump giữ thái độ rất thận trọng trong việc lật đổ chế độ Iran bằng phương thức quân sự.

Những dấu hiệu của một cuộc chiến

Nhưng không giống với cựu Tổng thống Obama, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho rằng việc kiềm chế từ xa là biện pháp quá mềm yếu. Rõ ràng, những hành động quân sự mới nhất của quân đội Mỹ tại Syria và Yemen đã chứng minh rằng chính quyền ông Trump có xu hướng thích sử dụng vũ lực và một sự hiện diện quân sự tích cực hơn ở Trung Đông.

Phán đoán về điểm mạnh, yếu, chính quyền ông Trump hiểu rõ rằng trong cuộc đấu sức giữa Mỹ và Iran, ưu thế của Mỹ là có được sự bá quyền về kinh tế và tài chính, có hàng loạt đồng minh và đối tác khu vực, chất lượng quân sự và khả năng điều quân đều chiếm ưu thế; điểm yếu là có mối quan hệ căng thẳng với thế giới Hồi giáo đặc biệt là thế lực tôn giáo cực đoan; thực lực quốc gia suy giảm khiến việc đầu tư tài nguyên khu vực hạn chế.

So với Mỹ, ưu thế của Iran là có vị trí địa lý ưu việt, tài nguyên dầu khí phong phú và mạng lưới địa lý, tôn giáo khu vực; điểm yếu là nền kinh tế phụ thuộc nghiêm trọng vào xuất khẩu năng lượng, hệ thống tài chính yếu kém, đấu tranh chính trị trong nước khốc liệt và tiềm ẩn sự mở rộng quá mức trong khu vực. Dựa trên logic chiến lược tận dụng thế mạnh hạn chế mặt yếu, chính quyền ông Donald Trump hy vọng thông qua đẩy mạnh trừng phạt kinh tế, củng cố quan hệ đối tác đồng minh và tăng cường uy hiếp quân sự để gây sức ép lên Iran.

Gia tăng hợp lý những căng thẳng của tình hình Trung Đông, khôi phục lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran có lợi cho xuất khẩu dầu khí của Mỹ; mở rộng thị trường vũ khí tại Trung Đông, kích thích tăng việc làm ở các ngành năng lượng và công nghiệp quân sự, giúp ông Trump có được sự ủng hộ chính trị của các tập đoàn lợi ích liên quan trong cuộc bầu cử năm 2020.

Một chính sách chống lại Iran giúp ông Trump tập hợp các nước Do Thái, phe bảo thủ mới, thế lực “diều hâu” trong nước cũng như các đồng minh Trung Đông, các tập đoàn tài chính Arab bên cạnh mình. Ngoài ra, việc lật đổ di sản ngoại giao của ông Obama chắc chắn có lợi cho ông Trump chống lại phái tự do trong cuộc đấu tranh ý thức hệ trong nước, củng cố nền móng của mình trong lòng các cử tri theo chủ nghĩa bảo thủ.

Và hiển nhiên, đối kháng leo thang, xung đột chiến lược, phán đoán sai rất có thể khiến tình hình dần xấu đi.

Hoa Vinh
.
.