Mỹ: Kiểm lại phiếu bầu có “lật ngược thế cờ”?

Thứ Năm, 01/12/2016, 17:25
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 tưởng chừng đã ngã ngũ lại đang xuất hiện những diễn biến mới, với việc ứng viên đảng Xanh Jill Stein nộp đơn yêu cầu kiểm đếm lại phiếu bầu tại 3 bang chiến trường là Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Liệu việc kiểm phiếu lại có làm thay đổi kết quả bầu cử hay không?

Theo The Guardian, bà Jill Stein đưa ra yêu cầu kiểm phiếu lại dựa trên những chứng cứ bà cho là có dấu hiệu của sự can thiệp bởi các hacker nước ngoài làm thay đổi kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho ông Donald Trump. Các hacker nước ngoài đó đã xâm nhập vào cơ sở dữ liệu cử tri để tạo nên những lá phiếu cử tri vắng mặt tăng đột biến so với thông thường.

Theo quy định, sau khi nhận được yêu cầu của bà Stein, bang Wisconsin sẽ phải hoàn tất việc kiểm phiếu lại trước hạn chót là ngày 13-12 tới. Hai bang còn lại là Pennsylvania và Michigan cũng sẽ hoàn tất việc kiểm phiếu lại trong tháng 12-2016. Theo quy định, khi yêu cầu kiểm phiếu lại, bà Stein phải vận động gây quỹ để dùng vào chi phí cho công tác kiểm đếm phiếu lại. Và bà đã vận động được hơn 5 triệu USD chỉ trong vài ngày phát động chiến dịch.

Yêu cầu kiểm phiếu lại bắt đầu phát sinh ngay sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11-2016. Một liên minh bao gồm các học giả và nhà hoạt động đã đưa ra những lo ngại về an ninh của kỳ bầu cử đang chuẩn bị hoàn tất và công bố một báo cáo chi tiết để trình lên Quốc hội Mỹ xem xét vào cuối tháng 11 này.

Nhóm thứ hai bao gồm các nhà phân tích, dẫn đầu là Chủ tịch Viện Bảo vệ quyền bầu cử quốc gia (NVRI) John Bonifaz và giáo sư Alex Halderman, Giám đốc Trung tâm An ninh máy tính và xã hội thuộc Đại học Michigan cũng tham gia vào chiến dịch vận động kiểm phiếu lại của bà Stein. Ngoài ra, còn có những nhà lập pháp như nghị sĩ Lindsey Graham (bang Nam Carolina) và nghị sĩ Elijah Cummings (bang Maryland) cũng lên tiếng kêu gọi điều tra sâu hơn về mức độ can thiệp của tình báo Nga vào cuộc bầu cử ở Mỹ.

Bà Jill Stein.

Giáo sư Halderman viết trên blog cá nhân rằng, những lá phiếu giấy và thiết bị bầu cử điện tử tại 3 bang Wisconsin, Pennsylvania và Michigan nên được kiểm tra lại. Có những dấu hiệu đáng ngờ xuất hiện trong kỳ bầu cử, như việc các cơ quan tình báo Mỹ công bố báo cáo đánh giá rằng các hacker Nga đứng sau các vụ đột nhập vào hệ thống máy tính bầu cử khu vực và lấy trộm thư điện tử của các quan chức đảng Dân chủ trước ngày bầu cử.

Rồi người ta phát hiện tại bang Wisconsin ông Trump giành những chiến thắng với tỉ lệ cao bất thường tại những quận sử dụng thiết bị bầu cử điện tử so với những quận bầu bằng phiếu giấy. Các máy bỏ phiếu sử dụng tại bang Wisconsin đã bị cấm tại các bang khác, như California, sau khi các chuyên gia an ninh liên tục cảnh báo chúng có thể dễ dàng bị hacker đột nhập.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu việc kiểm phiếu lại có làm thay đổi kết quả bầu cử hay không, và liệu bà Clinton có cơ hội “lật ngược thế cờ” trước ông Trump hay không? Về lý thuyết thì có thể có. Wisconsin, Michigan và Pennsylvania là 3 bang chiến trường được dự đoán bà Clinton giành chiến thắng nhưng trên thực tế ông Trump đã giành chiến thắng khít khao, với tỉ lệ 0,7% ở bang Wisconsin, 1,2% ở bang Pennsylvania và 0,3% ở bang Michigan.

Tổng số phiếu đại cử tri ở 3 bang này gộp lại là 46. Kết quả bầu cử ngày 8-11 vừa qua, ông Trump giành chiến thắng với 307 phiếu đại cử tri, còn bà Clinton được 232 phiếu đại cử tri. Nếu việc kiểm phiếu lại tại 3 bang chiến trường này cho kết quả đúng như cáo buộc của bà Stein thì phần thắng tại 3 bang này có thể nghiêng về bà Clinton, từ đó làm thay đổi luôn kết quả bầu cử, vì lúc đó bà Hillary Clinton nắm trong tay thêm 46 phiếu đại cử tri, đủ để lật ngược tình thế.

Nhưng quá trình kiểm phiếu lại tương đối tốn kém, mất thời gian và ít có khả năng thay đổi kết quả trừ khi nó chứng minh được rằng quá trình bầu cử xảy ra gian lận. Tại Wisconsin, nơi ủy ban vận động của bà Stein gửi yêu cầu kiểm phiếu lại, các quan chức bầu cử ở đây sẽ phải kiểm tra hàng triệu lá phiếu giấy cùng khoảng 5% phiếu bầu qua màn hình cảm ứng điện tử.

Theo các kết quả không chính thức, ông Trump chiến thắng ở Wisconsin với cách biệt hơn 27.000 phiếu. Giám đốc Ủy ban bầu cử bang Wisconsin cho biết, ủy ban của ông đang chuẩn bị kiểm lại phiếu, nhưng họ chưa nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy hệ thống bầu cử bị can thiệp. "Chúng tôi không có lý do gì để nghi ngờ các thiết bị phục vụ bầu cử bị giả mạo", quan chức này nói.

Liệu bà Hillary Clinton có thể lật ngược thế cờ trước ông Donald Trump sau khi kiểm lại phiếu 3 bang Wisconsin, Pennsylvania và Michigan?

Tại bang Pennsylvania, vấn đề khiến giới quan sát lo âu từ trước khi cuộc bầu cử diễn ra là việc bang này không lưu trữ dữ liệu trên giấy liên quan tới quá trình bỏ phiếu. "Điều kinh khủng có thể xảy ra nếu Pennsylvania trở thành bang quyết định kết quả cuộc bầu cử nhưng ở đây lại không có các bản ghi để làm cơ sở tiến hành kiểm phiếu lại", Lawrence Norden, đồng tác giả một báo cáo về hệ thống máy bầu cử, nói với báo giới.

Một số nhà chức trách cho rằng, vì các máy bầu cử tại Pennsylvania không kết nối Internet nên, cũng giống như ở Michigan, nguy cơ chúng bị tấn công mạng không thể xảy ra. Ông Trump hôm 24-11 tuyên bố chiến thắng ở bang Michigan với 10.704 phiếu cách biệt và giám đốc ủy ban bầu cử ở đây cũng khẳng định không có bằng chứng cho thấy hệ thống máy móc bị tấn công mạng.

Ngày 26-11, ban vận động của bà Clinton cho biết bà đã chính thức tham gia tiến trình kiểm phiếu lại tại bang Wisconsin. Quyết định của bà Clinton được xem là một quyết định khó khăn, trước áp lực lớn từ những người ủng hộ bà và chống ông Trump thúc giục bà tham gia, trong khi bà đã thừa nhận thua cuộc. Hơn nữa, Tổng thống đắc cử Trump còn đi nước cờ khôn khéo là tuyên bố “bỏ qua” việc truy tố bà vì vấn đề e-mail cá nhân bất chấp những áp lực từ những người ủng hộ mình (yêu cầu bỏ tù bà Clinton).

Tuy nhiên, rốt cuộc bà Clinton cũng phải lên tiếng tham gia cuộc vận động kiểm phiếu lại tại 3 bang chiến trường khiến ông Trump bực tức, chỉ trích bà là “làm chuyện nực cười”. Chưa thôi, ông Trump còn dấn thêm một bước, ngày 27-11 tung hỏa mù trên Twitter rằng “tôi lẽ ra đã giành chiến thắng ở số phiếu phổ thông nếu trừ đi hàng triệu người bỏ phiếu bất hợp pháp”.

Ông Trump đã nhắc lại những lời bà Clinton đã tuyên bố khi thua cuộc và trong tranh luận trực tiếp trên truyền hình trước bầu cử, với ngầm ý rằng hành động tham gia kiểm lại phiếu của bà Clinton là đi ngược lại chính những chủ trương của bà trong lúc tranh cử.

Nhìn nhận một cách khách quan, giới phân tích cho rằng hành động của bà Stein đã giúp tạo nên “lá chắn” cho đảng Dân chủ và ban vận động của bà Clinton trong vấn đề kiểm lại phiếu bầu, vì đây vốn là vấn đề quan tâm hàng đầu của ban vận động tranh cử của bà Clinton trong suốt thời gian bỏ phiếu diễn ra cho dù bà Stein nhấn mạnh bà không yêu cầu kiểm phiếu lại vì lợi ích của bất kỳ ứng viên tổng thống nào.

Trang web của Stein cho hay nỗ lực kiểm lại phiếu bầu chỉ nhằm cho công chúng thấy "hệ thống bầu cử Mỹ thiếu tin cậy như thế nào". Marc Elias, cố vấn chiến dịch tranh cử của bà Clinton cho biết các cố vấn của bà Clinton đã chia nhau theo dõi sát các kiểu bỏ phiếu tại những bang quyết đấu nhằm phát hiện những dấu hiệu gian lận bầu cử, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử bị ám ảnh bởi những vụ hacker nước ngoài đột nhập e-mail của các quan chức đảng Dân chủ và lấy trộm thư tung lên mạng Internet.

Ban vận động của bà Clinton không muốn công khai yêu cầu kiểm phiếu lại vì e ngại việc này có thể gây bất đồng với một số thành viên cấp cao trong đảng Dân chủ, những người không mặn mà lắm với việc kiểm lại phiếu. Với việc bà Stein đứng ra vận động, họ hy vọng có một “phép mầu” nào đó có thể giúp bà Clinton lật ngược thế cờ tại 3 bang miền Trung Tây quan trọng này.

Nhưng khi có những nỗ lực kêu gọi và tiến hành kiểm lại phiếu bầu, dường như phần lớn dư luận và sự lựa chọn của cử tri lại bị bỏ qua. Là một doanh nhân, ông Louis Coletta, 78 tuổi, quan tâm đến các chính sách của chính phủ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông Coletta, Tổng thống Barack Obama và đảng Dân chủ đã không làm tốt việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Đảng Dân chủ có đưa ra một số chính sách ưu tiên về thuế cho doanh nghiệp nhưng đó chưa hẳn là điều tốt. Do vậy, ông Coletta bỏ phiếu chọn tỷ phú Donald Trump vì cho rằng ứng viên đảng Cộng hòa sẽ vực dậy nền kinh tế. “Tất cả mọi người đã sẵn sàng cho sự thay đổi”, ông Coletta cho biết.

Còn theo ông Scott Sandlin, 49 tuổi: “Dù đôi lúc Donald Trump phát ngôn quá bạo miệng, nhưng ông ấy đã đề cập đến những người lao động và hứa mang lại việc làm cho họ. Ông ấy không phải chính trị gia, ông ấy tự kiếm được tiền nên ông ấy không thể bị mua chuộc. Tôi nghĩ ông ấy sẽ xốc lại mọi thứ. Tôi thích ý tưởng của Trump khi ông ấy nói rằng đã đến lúc đảng Dân chủ và Cộng hòa nên hợp tác với nhau và đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại như trước đây”, ông Sandlin chia sẻ.

Cử tri Michael, 29 tuổi, cũng tiết lộ lý do anh bỏ phiếu cho tỷ phú New York, thay vì lựa chọn cựu Ngoại trưởng Mỹ, trong cuộc bầu cử năm nay: “Tôi vốn là một cử tri độc lập. Nhưng lần này, tôi bỏ phiếu cho ông Trump vì mọi việc tại Mỹ dường như không hoạt động hiệu quả. Nền kinh tế không quay lại thời điểm phát triển như chúng tôi mong muốn. Tôi thích sự nhạy bén trong kinh doanh của ông Trump!”.

Trong cuộc bầu cử vừa qua, dù bà Clinton hơn ông Trump 2 triệu phiếu phổ thông nhưng yếu tố chính là bà thua ở số phiếu đại cử tri. Thực tế, đã có 4 cuộc bầu cử tổng thống mà người chiến thắng không nhận được đa số phiếu phổ thông. Người đầu tiên là John Quincy Adams trong cuộc bầu cử năm 1824, và gần đây nhất là vào năm 2000 trong cuộc chạy đua ghế tổng thống giữa George W. Bush và Al Gore.

Nhân tố quyết định nằm ở “Cử tri đoàn”. Những người soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ đã tìm cách tạo ra một hệ thống cân bằng lợi ích của 13 bang (lúc đó) và của người dân Mỹ. Cử tri chọn các nghị sĩ của Hạ viện, nhưng cơ quan lập pháp của bang (cũng do dân bầu) lại bầu các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ. Và các bang cử các đại biểu đến một cơ quan - Cử tri đoàn - để chọn tổng thống và phó tổng thống. Người Mỹ sau đó đã sửa đổi hiến pháp để hệ thống bầu cử dân chủ hơn.

Bắt đầu từ năm 1913, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã được người dân bầu trực tiếp. Và mặc dù Cử tri đoàn vẫn chính thức bầu ra tổng thống, song người dân lại là người lựa chọn các thành viên của Cử tri đoàn.

Sau cuộc bầu cử tổng thống trên toàn quốc được tổ chức vào tháng 11, Cử tri đoàn sẽ gặp mặt vào tháng 12. Ở hầu hết các bang, các đại cử tri bỏ phiếu dựa trên cách đa số cử tri tại bang của họ bỏ phiếu. Các đại cử tri bỏ phiếu tại các bang của mình vào ngày 15-12, và Quốc hội chính thức kiểm phiếu vào tháng 1 năm sau. Mỗi bang có một số đại cử tri bằng với số nghị sĩ của bang đó tại Hạ viện Hoa Kỳ - được quyết định thông qua một cuộc điều tra dân số của bang đó, và 2 thượng nghị sĩ.

Quận Columbia mặc dù không phải là một bang và không có đại diện có quyền biểu quyết tại Quốc hội, nhưng vẫn có 3 phiếu đại cử tri.

Cử tri đoàn bao gồm 538 đại cử tri; và cần có 270 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Người Mỹ duy trì cử tri đoàn vì đơn giản là, điều này được quy định trong hiến pháp và rất khó để sửa đổi hiến pháp. Hệ thống Cử tri đoàn cũng tăng cường hệ thống 2 đảng, nghĩa là không đảng nào trong số 2 đảng lớn có khả năng vận động thay đổi.

 

An Châu - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.