Mỹ: Ngoại trưởng dùng hòm thư cá nhân có vi phạm luật liên bang?

Thứ Ba, 17/03/2015, 07:20
Báo chí Mỹ những ngày qua đưa tin rất nhiều về việc bà Hillary Clinton đã sử dụng tài khoản email cá nhân trong nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Ngoại giao (2009-2013) để xử lý công việc thay vì dùng tài khoản do chính phủ cấp. Sự việc này đang dấy lên nhiều tranh cãi rằng hành động của bà Hillary có hay không vi phạm luật pháp liên bang?

Dùng email cá nhân xử lý việc công

Vụ việc bắt đầu khi tờ New York Times ngày 2/3 tiết lộ thông tin ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế tổng thống Mỹ năm 2016  sử dụng tài khoản email cá nhân và máy chủ riêng đặt tại nhà đăng ký dưới tên "Eric Hoteham" suốt thời gian 4 năm bà giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Người ta thật sự bất ngờ khi bà Hillary không sử dụng email do chính phủ cấp.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng bênh vực bà Hillary Clinton, khẳng định không hề có quy định cấm sử dụng tài khoản cá nhân trong xử lý công việc, miễn là chúng được bảo mật.

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa lại cho rằng, bà Hillary vi phạm luật liên bang về lưu trữ hồ sơ. Nghị sĩ Jeb Bush của đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng chuyện bà Hillary sử dụng email cá nhân và không nộp cho chính phủ sau khi rời nhiệm sở là "thiếu minh bạch”. Các nhà phê bình thậm chí còn cho rằng, hành động này là phạm luật, có thể làm tổn hại an ninh quốc gia và không lường trước được các mối nguy hiểm nếu tài khoản email của bà bị tin tặc tấn công.

Tờ New York Times cho biết, theo luật pháp liên bang Mỹ, thư từ, email của các quan chức liên bang đều được xem là hồ sơ quốc gia và phải được lưu trữ để các ủy ban thuộc Quốc hội, các nhà sử học và các cơ quan thông tấn có thể tiếp cận. Chỉ có những tài liệu mật và nhạy cảm mới nằm trong phần ngoại lệ của luật này.

Luật sư Jason R. Baron, người từng phụ  trách khâu kiện tụng ở Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ, nhận định: "Thật khó để chấp nhận việc một quan chức hàng đầu của chính phủ lại có thể sử dụng email cá nhân để xử lý việc công”. Một ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát ngày 4/3 thậm chí đã gửi trát đến cựu Ngoại trưởng Hillary, yêu cầu bà phải cung cấp tất cả các thư điện tử cá nhân trong thời gian đương nhiệm.

Trước yêu cầu cung cấp thư điện tử cá nhân, ngày 4/3, trên trang mạng xã hội Twitter, bà Hillary Clinton khẳng định muốn công khai tất cả email của bà và yêu cầu Bộ Ngoại giao công bố chúng. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng bảo vệ bà Hillary, cho rằng từ trước đến nay không có quy định bắt buộc nào cấm sử dụng email cá nhân  hay bắt phải dùng địa chỉ thư điện tử của chính phủ để xử lý các công việc chính thức.

Các nhà lập pháp và những người trung thành với đảng Dân chủ cũng chứng minh rằng, việc bà Hillary dùng tài khoản cá nhân để xử lý công việc không có gì bất bình thường. Họ còn chỉ ra một số chính khách trước đây như ông Collin Powell cũng dùng tài khoản email cá nhân vào mục đích tương tự.

Thậm chí ông Chuck Hagel, khi còn làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng không dùng tài khoản chính thức (được chính phủ cấp) để xử lý công việc. Ông James Lewis, một chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế thuộc Mỹ cho biết, trên thực tế có nhiều quan chức cấp cao Mỹ vẫn đang sử dụng email cá nhân trong công việc.

Việc bà Hillary sử dụng tài khoản cá nhân xử lý công việc càng trở nên nóng hơn khi Chủ tịch một ủy ban đặc biệt của Quốc hội đảm trách việc điều tra vụ tấn công vào cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Benghazi (Libya) năm 2012 lên tiếng yêu cầu thu thập các email của bà Hillary liên quan đến vụ việc này. Ủy ban điều tra nghi ngờ bà Hillary không làm hết trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong vụ Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi bị tấn công, khiến Đại sứ Christopher Steven cùng 3 quan chức ngoại giao thiệt mạng.

Bà Hillary được quyền dùng tài khoản cá nhân xử lý công việc nếu chúng được bảo mật.

Vẫn là chiêu thức “dìm” đối thủ

Trước vụ lùm xùm liên quan đến bà Hillary, đảng Cộng hòa lập tức "vào cuộc" để cản trở con đường vào Nhà Trắng của bà Hillary. Họ đã lợi dụng kẽ hở này để một lần nữa phơi bày "sự giấu giếm" của bà Hillary cùng chồng - cựu Tổng thống Bill Clinton, cáo buộc vị cựu Ngoại trưởng cố ý che giấu những email liên quan đến vụ sát hại các quan chức Mỹ tại Libya năm 2012.  Tuy nhiên, đảng Dân chủ nhanh chóng cáo buộc đây là hành động mang động cơ chính trị của một ủy ban do đảng Cộng hòa dẫn dắt.

Theo các nhà phân tích, những tác động tiêu cực của vụ lùm xùm trên là không thể phủ nhận, nhất là khi quá trình lựa chọn ứng viên Tổng thống Mỹ đang đến gần. Ngay trong nội bộ đảng Dân chủ cũng nhỏ to một số lời kêu gọi tìm kiếm ứng viên thay thế bà Hillary hoặc ít ra cần có một quá trình lựa chọn gắt gao hơn. Dù vậy, truyền thông Mỹ nhìn chung cho rằng mọi chuyện đã bị thổi phồng và cơ hội vào Nhà Trắng của cựu đệ nhất phu nhân bị ảnh hưởng không đáng kể. Tuần báo The Christian Science Monitor dẫn lời phóng viên Dave Wieigel của Hãng tin Bloomberg cho rằng, đây không phải lần đầu tiên nhà Clinton đối mặt với thử thách. Vụ việc này chẳng là gì nếu so với những khủng hoảng họ từng trải qua trong quá khứ như vụ bê bối ngoại tình của ông Clinton với cô thực tập sinh Monica Lewinsky hồi cuối thập niên 90. Nhiều nghị sĩ Dân chủ có chung suy nghĩ rằng vụ email này chỉ là chiêu hạ uy tín mới nhất nhằm vào một chính khách đã vượt qua những điều còn tồi tệ hơn.

Không chỉ được những người Dân chủ ủng hộ, trước khi xảy ra vụ việc này, bà Hillary còn được cả Thượng nghị sĩ John McCain của đảng Cộng hòa đánh giá cao. Ông John McCain cho rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ là ứng cử viên tổng thống nặng ký vào năm 2016 nếu bà quyết định ra tranh cử.

Tại sự kiện ở thành phố Chicago thuộc bang Illinois hồi cuối tháng 10 năm ngoái, ông McCain khẳng định: "Nếu bà Hillary Clinton quyết định tranh cử tổng thống vào năm 2016, bà ấy chắc chắn là một ứng cử viên nặng ký". Ông McCain nhắc đến thành tích của bà Clinton trên vai trò ngoại trưởng rất nổi bật và không thể phủ nhận, ngoại trừ vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi - Libya làm Đại sứ Christopher Stevens thiệt mạng.

Mặc dù "không đồng tình với Tổng thống về tất cả mọi việc", song người đứng đầu Nhà Trắng vẫn miêu tả bà Hillary là một người bạn. Bà Hillary đã đóng vai trò nổi bật trong chiến dịch tranh cử giữa kỳ của đảng Dân chủ hồi tháng trước và bà là gương mặt đại diện mà mọi đảng viên Dân chủ đều muốn có.

Trước đó, giới phân tích cho biết bà Hillary Clinton có thể sẽ trở thành Tổng thống Mỹ sau đợt bầu cử 2016 do nhận được đánh giá cao từ dư luận và chưa có đối thủ xứng tầm. Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất của Trường đại học Quinnipiac (Mỹ), bà Hillary hiện là gương mặt sáng giá nhất của đảng Dân chủ với tỷ lệ ủng hộ lên tới 56%.

Các nhà quan sát cho rằng đối với trường hợp của bà Hillary, nước Mỹ có sẵn một tập thể cử tri ủng hộ bà làm tổng thống, nhưng cũng có sẵn một lực lượng cho rằng bà là người không thể tin tưởng. Đảng Dân chủ mặc dù đang đứng trước một nguy cơ thất bại to lớn vào dịp bầu cử tổng thống vào năm 2016, bởi kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ cuối năm 2014 vừa qua đã cho thấy người dân mất niềm tin vào chính quyền Obama và đường lối của phe Dân chủ.

Tuy nhiên, việc bà Hillary tham gia tranh cử Tổng thống sẽ là tín hiệu vui cho những người ủng hộ đảng này. Cách mà bà Hillary ứng xử trước những khủng hoảng mà phe Cộng hòa giăng ra cho thấy đây sẽ là một đối thủ nặng ký và cuộc đua vào Nhà Trắng tới đây sẽ đầy lý thú.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.