Nỗi đau cuối đời của “người lạc quan trong Nhà Trắng”

Thứ Bảy, 13/06/2015, 07:15
Đám mây u ám đã quay trở lại che phủ trên cuộc đời vị chính khách 72 tuổi khi Joseph Robinette Biden III, 46 tuổi, con trai lớn của Phó Tổng thống Mỹ qua đời ngày 30/5 vì bệnh ung thư não. Ở buổi xế chiều của sự nghiệp chính trị, Phó Tổng thống Joe Biden lại một lần nữa phải chịu đựng nỗi đau mất người thân - nỗi đau đã mở đầu sự nghiệp của ông, và giờ nó đang quay trở lại khi sự nghiệp chính trị ấy bước vào giai đoạn cuối!

Đám tang của Beau Biden hôm 30/5 có khoảng 1.000 người đến tiễn đưa, trong đó có Tổng thống Barack Obama, cựu Tổng thống Bill Clinton, một vị tướng 4 sao và 4 nghị sĩ. Tổng thống Obama đại diện cho Chính phủ Mỹ đọc bài điếu văn dài, không chỉ ca ngợi Beau mà còn ca ngợi cả người cha - Joe Biden. Ông Obama đã khiến không gian tang lễ chùng hẳn xuống bằng giọng xúc động.

Beau Biden.

Nhiều người lần lượt viếng và tiễn đưa Beau, an ủi gia đình vợ chồng Phó tổng thống Biden. Người ta nhìn thấy vị chính khách gương mặt đầy nếp nhăn  mang kính đen để cố giấu đi nỗi đau mất mát thêm một lần giày vò tâm hồn ông. Ông siết chặt tay người vợ hiện tại, Jill, đi phía sau con dâu và 2 đứa cháu nội cùng đi sau quan tài đưa thi hài Beau về nơi yên nghỉ.

Nhiều người lo ngại liệu ông Biden có thể gượng dậy nổi sau mất mát này hay không, liệu ông có thể tham dự cuộc họp mặt lớp Đại học Yale hàng năm. Tuy nhiên, ông Biden đã đến dự cuộc họp mặt và dùng nó làm diễn đàn kể lại cuộc đời, sự nghiệp của mình, từ bi kịch đau thương để trở thành Thượng nghị sĩ và nhà ngoại giao kỳ cựu. Không ai có thể ngờ rằng nỗi đau đó đã từng một lần giằng xé cuộc đời ông Biden và cũng chính nó ghi dấu ấn không bao giờ phai và tạo ra ảnh hưởng nhất định lên cuộc đời chính trị sau này của ông.

Cách đây 43 năm, vào năm 1972, khi đó Joe chỉ mới là một thanh niên 30 tuổi ngấp nghé bước chân lên vũ đài chính trị; ông vừa thắng cử lần đầu tiên trở thành thượng nghị sĩ (TNS). Thế nhưng bi kịch đã xảy đến với ông vào tháng 12/1972: một vụ tai nạn xe hơi đã cướp đi sinh mạng của vợ ông, Neilia, và cô con gái nhỏ tên Naomi mới 18 tháng tuổi. Ông Biden cùng 2 con trai là Beau (khi đó 3 tuổi) và Hunter (2 tuổi) bị thương phải nằm viện. Vừa mang nỗi đau thể xác vừa đau khổ vì mất vợ con, Biden không muốn bỏ lại 2 con trai còn quá nhỏ để đi nhậm chức TNS. Vì thế, Thượng viện Mỹ đã phải tổ chức cho ông nhậm chức ngay tại bệnh viện nơi ông và 2 con đang điều trị chấn thương.

Rất đông người đến dự đám tang Beau Biden.

Sau vụ tai nạn năm 1972, Biden trở nên buồn rầu và hay cáu gắt, dễ nổi giận. Vào một ngày kia, khi đang đi đến hội kiến TNS Mike Mansfield (bang Montana), thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện, Biden đã nổi giận khi nghe TNS Jesse Helms (đảng Cộng hòa) chỉ trích dữ dội một dự luật trợ giúp người tàn tật. Hiểu được tính khá nóng nảy của Biden, TNS Mansfiled liền kéo Biden ngồi xuống và từ tốn giải thích về việc TNS Helms và vợ ông ta vừa nhận nuôi một thiếu niên tàn tật, không đi được.

Cho đến tận bây giờ, Biden vẫn còn nhớ lời khuyên khi đó của TNS Mansfield: "Joe, ta luôn có thể nghi ngờ sự phán đoán của một người, nhưng không bao giờ được nghi ngờ động cơ của anh ta". Đến giữa thập niên 90 thế kỷ XX, khi nắm giữ cương vị thành viên hàng đầu ở Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện, Biden đã cố gắng tạo mối quan hệ với TNS Helms, khi đó là Chủ tịch Ủy ban, người đã giới thiệu một loạt dự luật tạo nên dấu ấn khó quên trong sự nghiệp chính trị của mình, bao gồm cả hiệp ước chống vũ khí hóa học và việc gây quỹ chống AIDS ở châu Phi.

Tính cách cá nhân đôi khi cũng biến thành nhược điểm của Biden. Ông hay nói những điều không đúng lúc, đúng chỗ, và điều này thường làm cho bộ sậu cố vấn trong Nhà Trắng bực mình vì họ đang nỗ lực thực hiện "sứ mệnh" xây dựng hình ảnh Tổng thống Obama không tì vết. Biden thường tự gọi mình là một "người lạc quan trong Nhà Trắng", luôn luôn nhìn vào mặt tươi sáng cho dù tình thế có u ám đến mấy. Tính cách vô tư, đôi khi hay bông đùa, cùng với tuổi tác cao khiến nhiều người nghĩ rằng, sẽ khó có cơ hội cho ông Biden tiếp tục ra ứng cử vào Nhà Trắng. Một vị trí ứng cử viên hàng đầu đã chắc chắn dành cho bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, Biden tuyên bố, mùa hè vẫn chưa đến, và chưa ai biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Tổng thống Barack Obama ôm chặt Joe Biden để an ủi ông sau khi đọc xong bài điếu văn.

Những người thân cận Tổng thống Obama nhận xét rằng, ông Obama quả thật sáng suốt khi chọn Biden làm Phó tổng thống. Chính Biden đã giúp ông Obama bổ khuyết khía cạnh quan hệ với Quốc hội, vì vậy nếu không có Biden, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama sẽ vô cùng khó khăn. Với kinh nghiệm 36 năm ở Thượng viện, Biden là chiếc cầu nối hữu hiệu giữa Nhà Trắng và Quốc hội. Giai đoạn từ cuối năm 2010 cho đến đầu năm 2012, Biden đóng vai trò nhân vật trung tâm trong các cuộc đàm phán về tài khóa.

Khi ông Obama làm lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, Biden chính là người hoạt động nhiều nhất, liên tục tiếp xúc báo chí, trả lời phỏng vấn, tiếp chuyện và giao lưu với dân thường. Tháng 7/2013, báo chí ca tụng Biden còn hơn cả Tổng thống Obama.

Thế rồi, đúng một tháng sau, định mệnh lại gõ cửa nhà Biden. Con trai cả Beau Biden được chẩn đoán ung thư não vào tháng 8/2013 và phải đưa vào Trung tâm Ung thư Anderson ở Houston và tiến hành phẫu thuật. Lòng Joe lại đau như xé. Beau là người con đặc biệt mà Joe yêu mến và quý trọng nhất. Beau đã tạo cho mình một sự nghiệp riêng, một hình ảnh, phong cách rất riêng trong sự nghiệp, là một ngôi sao đang tỏa sáng kể từ khi giành chiến thắng làm Tổng chưởng lý bang Delaware vào năm 2006, khi mới 37 tuổi.

Tháng 8/2008, ông Biden đã giới thiệu Beau trước Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ trước khi nhận đề cử chức danh Phó tổng thống. Khi đó, Beau đã kể câu chuyện cảm động về tai nạn đã cướp đi mẹ và em gái mình; về cuộc sống "gà trống nuôi con" của người cha phải chăm sóc mình và em trai, Hunter; và rồi người cha tìm được tình yêu mới và vượt qua nỗi niềm tuyệt vọng trong cuộc sống.

Nhưng tháng 5/2015, khi Beau không thể chống lại số phận, không thể thắng được căn bệnh hiểm nghèo, thì cũng là lúc ông Biden một lần nữa chìm sâu trong nỗi đau. "Tôi đã hiểu ra rằng một đứa trẻ có thể có một suy nghĩ quan trọng mà nó muốn nói với bố mẹ, có thể trong 12 hay 14 giờ, sau đó thì thôi không nói nữa" - Biden mông lung nói với những người bạn học cũ ở Đại học Yale, như thể đang nói với chính mình.

An Châu (tổng hợp)
.
.