Mỹ: Rầm rộ “xuất tướng” sang Trung Đông

Thứ Sáu, 14/08/2009, 01:30
Trong kế hoạch xây dựng nền hòa bình tại Trung Đông, mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng lúc phái 4 quan chức cao cấp nhất của mình tới Israel và nhiều quốc gia Arập khác. Đây là đợt "xuất tướng" quy mô nhất từ khi chính quyền Obama được thành lập cho đến nay.

George Mitchell, đặc phái viên của Tổng thống Barack Obama về vấn đề Trung Đông; Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng; James Jones, Cố vấn an ninh quốc gia và Dennis Ross, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Obama về Trung Đông, 4 người này lần lượt được cử tới Israel và một loạt các quốc gia Arập khác trong tuần lễ từ 27/7 đến 2/8.

Nhiệm vụ của những "vị tướng" được Tổng thống Obama ra quân lần này là nhằm đạt được những hành động thể hiện thiện chí của tất cả các bên liên quan vì thiếu điều đó thì những kế hoạch hòa bình của Mỹ sẽ có nguy cơ rơi vào danh sách những toan tính hòa bình bị chết yểu tại khu vực Trung Đông.

Vì tại khu vực này, không ai là người đầu tiên chịu nhượng bộ, do vậy những vị khách Mỹ đến Trung Đông lần này sẽ thuyết phục tất cả các bên cùng lúc tiến hành những động thái hòa giải đầu tiên.

Trong chuyến công du lần này, ít nhất 3 ngày, ông George Mitchell đã lần lượt gặp Tổng thống Syria Bachar Al-Assad tại Damas, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehoud Barak tại Tel-Aviv, Tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak tại Cairo và Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas tại Bờ Tây.

Tại Jerusalem, vị đặc phái viên của Tổng thống Obama đã yêu cầu Israel chấp nhận ngưng tạm thời việc xây dựng trong các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Đối với các nước Arập, ông Mitchell đề xuất vài động thái tỏ rõ thiện chí đối với Israel như cho mở cửa các văn phòng thương mại tại Tel-Aviv. Bên cạnh đó, ông Mitchell cũng muốn Damas chấp nhận việc tái khởi động các cuộc đối thoại với Israel, vốn bị trì hoãn kể từ khi quân đội Israel tiến hành chiến tranh tại Dải Gaza hồi cuối năm ngoái.

Cho đến giờ này, Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu vẫn chống lại những áp lực từ phía đồng minh Mỹ, nhưng có vẻ sẽ chấp nhận một giải pháp tạm thời. Tuy nhiên, các nước Arập cho biết chừng nào Israel chịu nhượng bộ trước họ mới "làm vài động thái biểu trưng" như để đáp trả.

Trước chuyến thăm của ông Mitchell, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết, Mỹ chuyển 200 triệu USD giúp chính quyền Palestin. Thủ tướng nước này, Salam Fayyad, coi đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm cải thiện tình trạng Palestin và tỏ sự ủng hộ trong việc phục hồi các cuộc đàm phán hòa bình với Israel. Số tiền trên không phải là số tiền mới mà chỉ là một phần trong số tiền 900 triệu USD mà Mỹ hứa giúp cho Palestin hồi tháng 3/2009 tại hội nghị vận động trợ giúp Palestin được tổ chức ở Sharm el Sheikh, Ai Cập.

Với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để chấm dứt được sự chiếm đóng, thành lập Nhà nước Palestin, Palestin phải chuẩn bị sẵn một hệ thống minh bạch theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để tiếp tục nhận được sự giúp đỡ này. Thời gian chuyển tiền cũng đã nhằm tạo uy thế cho Đặc sứ George Mitchell đến Israel và Palestin để làm sống lại các cuộc đàm phán giữa 2 bên đã bị ngưng từ đầu năm nay.

Riêng chuyến thăm Israel lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates, chỉ để nói về vấn đề hạt nhân Iran. Mỹ trấn an Israel về sách lược nhất quán đối với Iran đồng thời thuyết phục Tel-Aviv không nên tấn công phủ đầu Iran, điều mà Washington không mong muốn. Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak tại Jerusalem ngày 27/7, ông Robert Gates nói rằng Tổng thống Obama không phải ngây thơ và đề nghị thương lượng với Iran không phải kéo dài vô hạn định.

Về phía mình ông Ehud Barak cho biết sự kiên nhẫn của Israel có giới hạn và lặp đi lặp lại rằng Israel sẽ không loại trừ bất cứ biện pháp đối phó nào, thậm chí ông ta còn ám chỉ tới khả năng Israel có thể mở một cuộc tấn công phủ đầu nhằm ngăn chặn việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tại nước Jordani láng giềng, ông Gates đã nói thẳng khi mô tả những gì có thể xảy ra cho Iran nếu họ từ chối đề nghị về kiểm soát vũ khí của quốc tế vào năm nay, hoặc làm ngơ trước đề nghị rộng rãi hơn của ông Obama để cải thiện quan hệ với Washington. "Nếu đường lối hợp tác không thành công, Mỹ sẵn sàng thúc đẩy để có thêm các chế tài đáng kể" - ông Gates nói. Ông Gates bày tỏ hy vọng sẽ có một câu trả lời sơ khởi vào tháng 9 tới về những cuộc thương lượng.

Từ lâu Iran vẫn nhất mực cho rằng họ chỉ cố phát triển các lò phản ứng hạt nhân cho việc sản xuất điện trong nước. Các lãnh đạo Israel sợ rằng Mỹ đang coi trọng vấn đề thương thảo với Iran hơn là các quan hệ lịch sử với Israel và có vẻ chấp nhận ý tưởng rằng, Iran sắp có khả năng chế tạo một vũ khí hạt nhân.

Trong khi ông Obama nói ông không hề chấp nhận một điều như vậy. Cả hai ông Barack và Gates đều nhấn mạnh rằng bất cứ sự thương lượng nào cũng không được trở thành bức bình phong để Iran kéo dài thời gian trong khi hoàn chỉnh một vũ khí hạt nhân.

Màn balê ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông sẽ tiếp tục được diễn trong những ngày tới với chuyến thăm của hai cố vấn của Nhà Trắng, cộng sự thân cận của Tổng thống Obama, và là những chuyên gia giỏi về vấn đề Palestin-Israel. James Jones, cựu tướng lục quân và là cố vấn riêng của ông Obama về an ninh quốc gia, từng là đặc phái viên đặc biệt về Trung Đông dưới thời Tổng thống Bush, sẽ tới Israel.

Dennis Ross, từ tháng 6/2009 được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt của Obama về Trung Đông, từng được Tổng thống Bill Clinton phái tới Trung Đông và tham gia vào những cuộc đối thoại giữa Israel và Palestin trong thập niên 90. Hai người sang Trung Đông lần này mang theo thông điệp của Tổng thống Obama: không thể đàm phán suông mà các bên cần phải có hành động cụ thể.

Giới phân tích cho rằng sau loạt “xuất tướng” rầm rộ lần này của Mỹ, hy vọng tiến trình hòa bình tại lò lửa Trung Đông sẽ đạt được những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, cũng không nên quá kỳ vọng vào một kết quả cụ thể từ nay tới cuối năm

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.