Rủi may quanh lệnh áp đặt trừng phạt Venezuela của Mỹ

Thứ Hai, 23/03/2015, 14:55
Với tuyên bố coi Venezuela là “mối đe dọa an ninh quốc gia” và áp đặt lệnh trừng phạt đối với 7 quan chức của Caracas, Mỹ đang đẩy mối quan hệ vốn không mấy “xuôi chèo mát mái” với quốc gia Nam Mỹ này lên một nấc thang căng thẳng mới.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích những biện pháp trừng phạt mới của Washington chưa chắc “đánh chìm” được chính quyền Caracas, mà nó có thể trở thành yếu tố giúp ông Maduro đoàn kết những phe phái khác nhau trong đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất  (PSUV) cầm quyền trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội với nhiều dự đoán PSUV sẽ thua, sẽ diễn ra trong năm nay.

Lệnh trừng phạt có lợi?

Ngày 9/3 vừa qua, Mỹ đã khiến tranh cãi ngoại giao với Venezuela thêm trầm trọng khi tuyên bố rằng Venezuela là một "mối đe dọa an ninh quốc gia" và áp đặt lệnh trừng phạt đối với 7 quan chức của nước này. Ông Maduro đã mạnh mẽ chỉ trích sự hung hăng của "chủ nghĩa đế quốc". Với việc lập tức bổ nhiệm một trong số các quan chức bị trừng phạt làm Bộ trưởng Nội vụ, ông Maduro tuyên bố mối đe dọa từ Mỹ là lý do chính đáng để ông đề nghị Quốc hội Venezuela thông qua Luật trao quyền đặc biệt.

Theo giới phân tích, hành động trên của Mỹ đã khiến ông Maduro bất ngờ có lý do chính đáng để gia tăng những lời lẽ mang tính cách mạng và nỗ lực khuấy động lòng thù hận đối với nước Mỹ trong những người ủng hộ ông. Với việc "sao chép" một chiến thuật từng được người tiền nhiệm và cũng là người thầy của ông, cố Tổng thống Hugo Chavez, sử dụng một cách tài tình cách đây hơn một thập niên, ông Maduro có thể lật ngược thế cờ trong bối cảnh sự ủng hộ của người dân đối với ông đang ở mức thấp nhất (20%) kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống Venezuela năm 2013.

Tổng thống Venezuela Maduro.

Không những thế, một cuộc chiến mới với kẻ thù phương Bắc còn có thể giúp ông Maduro đoàn kết những phe phái khác nhau trong đảng PSUV cầm quyền, khiến người dân sao nhãng khỏi những khó khăn về kinh tế mà họ phải đối mặt hàng ngày để quay sang ủng hộ ông. Mặc dù ảnh hưởng của việc này chắc chắn chỉ trong ngắn hạn, song nó có thể đặc biệt có ích trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội đang đến gần, trong khi nhiều hãng thăm dò dư luận dự đoán rằng đảng cầm quyền sẽ thất bại.

Macrina Seijas, một thợ may ở vùng Cacique Tiuna - một "thành phố Xã hội chủ nghĩa" kiểu mẫu nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống Caracas, nói: "Tôi hài lòng với ông Maduro và thậm chí bây giờ tôi còn cảm thấy hài lòng hơn khi ông ấy đang giữ một quan điểm cứng rắn". Giống như nhiều "Chavista" khác (người ủng hộ ông Chavez), bà Seijas cáo buộc Washington đã kích động một "cuộc chiến tranh kinh tế" nhằm lật đổ chính phủ của ông Maduro và giành quyền kiểm soát lượng dự trữ dầu mỏ khổng lồ của quốc gia thành viên OPEC này.

Trong những tuần gần đây, ông Maduro đã cáo buộc Washington liên kết với các chính trị gia địa phương đối lập để xúc tiến một âm mưu nhằm lật đổ ông. Mặc dù một số người đối lập cho rằng các cáo buộc về một cuộc đảo chính chỉ nhằm tung hỏa mù, tuy nhiên nó không những giúp ông Chavez có được sự ủng hộ trong suốt 14 năm, mà còn giúp ông Maduro giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2013.

Chính vì vậy, các lệnh trừng phạt hiện nay của Washington đã giúp ông Maduro có thêm cái cớ để củng cố quan điểm của mình về sự phá hoại của nước ngoài. David Smilde, một chuyên gia về Venezuela và là nhà xã hội học tại Đại học Tulane, nói: "Về mặt chiến thuật chính trị, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm lợi cho ông Maduro. Nó giúp dập tắt những sự bất đồng chính kiến ở trong nước và đẩy lực lượng đối lập nghiêng về phía ủng hộ chính phủ".

Còn nhớ ông Chavez, người vượt qua được nỗ lực đảo chính do Mỹ hậu thuẫn năm 2002, đã liên tục nhắc tới kẻ đối địch về ý thức hệ nhằm tăng cường sự ủng hộ của người dân ở trong nước dành cho ông. Ông Maduro - từng là một tài xế xe bus và sau đó trở thành nhà hoạt động chính trị, tuy không gây được nhiều thiện cảm với người dân cũng như không thể làm được như người tiền nhiệm, nhưng những tranh cãi hiện nay với Mỹ khiến sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông tạm thời tăng lên.

Giới quan sát cho rằng mặc dù PSUV sẽ phải chịu nhiều sức ép trong nỗ lực giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, trong bối cảnh những cử tri nghèo vốn có truyền thống ủng hộ đảng này đang phải hứng chịu tác động khủng khiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế, song việc sử dụng lá bài chống Mỹ vẫn có thể có tác dụng tại khu vực vốn đã chịu nhiều tổn thương do Washington từng hậu thuẫn các cuộc đảo chính trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Chiến dịch quân sự trực tiếp từ Mỹ không phải là khả năng lớn      

Trong hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ đã 9 lần đưa ra các lệnh hành pháp có nội dung tương tự như văn bản được công bố ngày 9/3 chống lại chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro (còn "tình trạng khẩn cấp" không xuất phát từ thảm họa, thiên tai trong nước đã được tuyên bố 53 lần, và chưa có lần nào trong số đó được tuyên bố chấm dứt).   

Trong 9 lần áp dụng Lệnh hành pháp trước đây, có 5 lần Mỹ thành công trong việc chặn đứng hoặc đánh bại các cuộc cách mạng (hoặc các tiến trình cách mạng), và trong các trường hợp còn lại, Washington cũng đạt được kết quả ngăn chặn hoặc kiểm soát được các cuộc xung đột ra vượt ra ngoài tầm với của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.   

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ tung ra Lệnh hành pháp lần này có thể là nhằm mục đích: Đào sâu bất đồng, tranh cãi giữa các nước trong khu vực hoặc trong các tổ chức khu vực; Kéo căng mặt trận truyền thông và ngoại giao chống Venezuela; Thử thách các chính phủ bè bạn với Venezuela tại Mỹ Latinh; Tạo ra hai dạng phản ứng để quyết định bước tiếp theo: một là thử thách khả năng hành động bạo lực của các nhóm thành niên chống đối có tổ chức, kết hợp với các nhóm bán quân sự cực hữu thâm nhập từ Colombia; và hai là thử phản ứng theo nhóm và khả năng ứng phó của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), và thậm chí là cả Liên minh Bolivia dành cho châu Mỹ (ALBA) và Tổ chức Hợp tác năng lượng vùng Caribe (PetroCaribe).   

Một chiến dịch quân sự trực tiếp từ Mỹ không phải là khả năng lớn nhất có thể xảy ra, dù tất nhiên cũng không thể loại trừ nó. Giới quan sát nhận định, lựa chọn quân sự khó xảy ra trong bối cảnh quốc tế, đặc biệt là bối cảnh Mỹ Latinh hiện tại vì nó sẽ gây quá nhiều rủi ro cho các liên minh chống ALBA và chống Venezuela mà Mỹ mất công thêu dệt trong những năm qua.

Với việc gia tăng sức ép trong bối cảnh chính trường Venezuela đang ở thời điểm nhạy cảm, Mỹ cũng có thể thử thách độ bền vững trong hàng ngũ Cách mạng Bolivar, hoặc làm gia tăng sự nghi kị trong hàng ngũ quân đội hay đảng PSUV cầm quyền.

Rõ ràng, giới lãnh đạo Venezuela có lý do để lo ngại: Trong cuộc đảo chính bất thành năm 2002, hơn một nửa ban lãnh đạo của Phong trào Cộng hòa thứ V (MVR, chính đảng cầm quyền khi đó) và một bộ phận của Nội các đã thỏa hiệp hoặc bỏ trốn; Một phần của Bộ Tham mưu bỏ sang hàng ngũ của những kẻ đảo chính; Nhiều nhân vật chủ chốt trong phe của Tổng thống Chavez đã dao động hoặc né tránh trong khoảng thời gian ông tạm bị giam giữ, và chỉ tới khi làn sóng quần chúng nổi dậy chống đảo chính tràn ngập các đường phố, họ mới quay lại chứng tỏ "lòng trung thành" với cách mạng.

Từ bài học đó, có lẽ trước khi nghĩ tới những phản ứng quân sự với các thế lực đối lập hoặc bên ngoài, Chính phủ Venezuela nên siết lại hàng ngũ nội bộ và chăm sóc phong trào quần chúng của mình.

Bước leo thang căng thẳng vừa qua của Mỹ chống Venezuela quả thực có những tiền lệ lịch sử đáng lo ngại, nhưng đồng thời cũng xuất hiện trong một bối cảnh cụ thể cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những ấn tượng sai lầm. Những điều Washington muốn là một chuyện, còn những điều Washington có thể làm lại là một chuyện khác. Lệnh hành pháp mà Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ban hành nhằm trừng phạt 7 quan chức Venezuela và tuyên bố của Washington rằng Caracas là một "mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ" tất nhiên sẽ buộc Venezuela phải đưa khả năng hành động quân sự vào các toan tính chiến lược của mình, nhưng chỉ một động thái đó của Venezuela không đủ để kết luận rằng các hành động quân sự của Mỹ là chắc chắn sẽ diễn ra hoặc diễn ra ngay lập tức.   

Giữa hai quốc gia có tư tưởng trái ngược này vẫn còn có quá nhiều yếu tố mang tầm cỡ quốc tế mà chắc chắn Tổng thống Obama sẽ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến một quyết định mạnh tay. Về phía Venezuela, chính phủ phải tính toán rất kỹ và chính xác động cơ, hệ quả của mỗi thông điệp và hành động đáp trả giữa hai bên vì những sai lầm trong mỗi bước đi của Caracas sẽ gây tổn hại tới ổn định chính trị của Venezuela không kém gì những âm mưu của Mỹ và các đồng minh. Chính vì thế, việc xác định động cơ cụ thể trong bước đi vừa qua của Washington là hết sức quan trọng.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.