Mỹ thực hiện cam kết với thế giới Hồi giáo ra sao?

Thứ Tư, 09/12/2009, 16:35
Ngày 4/6/2009, tại Đại học Cairo (Ai Cập), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu gây chấn động thế giới Hồi giáo, tuy nhiên vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ vẫn chưa có hành động thực tế để biến những cam kết của mình thành hiện thực.

Theo điều tra gần đây của Trung tâm Pew Research, sau những giây phút hào hứng trước lời phát biểu của ông Obama, tỉ lệ ủng hộ ông trong khu vực đang giảm dần.

Có thể chính quyền Obama phải mất nhiều thời gian để tạo ra những đột phá về đối ngoại nhằm xóa bỏ dần ác cảm của thế giới Hồi giáo đối với Mỹ nhưng chắc chắn Nhà Trắng sẽ phải cân nhắc đến chính sách can dự về ngoại giao, kinh tế và xã hội nhằm cứu vãn ấn tượng tốt đẹp ban đầu của những người Hồi giáo đối với Tổng thống Obama. Chính quyền Mỹ sẽ phải tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm thực hiện cam kết của của Tổng thống Obama là sẽ giúp đỡ 54 nhà nước và tổ chức Hồi giáo trong đó có Tổ chức Hội thảo Hồi giáo (OIC).

Mỹ sẽ xem xét chỉ định quan sát viên tại OIC và Liên đoàn Arập, bởi chính việc không can dự vào hai tổ chức này đã dẫn đến những thất bại đáng tiếc trong chính sách đối ngoại của Washington đối với thế giới Hồi giáo. Một khi đã có quan sát viên làm việc tại các tổ chức này, Mỹ sẽ có cơ hội tăng cường đối thoại, can dự, điều phối các sáng kiến thương mại và phát triển, đồng thời nắm được quan điểm của các nước Hồi giáo.

Các nước này xem OIC và Liên đoàn Arập là hai tổ chức quan trọng, đại diện cho quan điểm của họ đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích của Washington như hòa bình Trung Đông, đối thoại đa tín ngưỡng, quan hệ nội bộ giữa các nước Hồi giáo...

Hơn nữa, thông qua việc can dự vào OIC, Mỹ sẽ tận dụng được Ủy ban Jerusalem (thuộc OIC) để từng bước tháo gỡ vướng mắc xung quanh tương lai của thánh địa Jerusalem, đưa Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán. Nhà Trắng có thể phối hợp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - OIC nhằm tìm giải pháp mở rộng đối thoại đa tín ngưỡng và hỗ trợ cho những quốc gia Hồi giáo trung lập.

Trong bài phát biểu tại Cairo, Tổng thống Obama thể hiện mong muốn mở rộng quan hệ thương mại với các nước Hồi giáo nhằm giúp họ tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Để thực hiện cam kết này, Mỹ sẽ phải tăng cường đầu tư và đẩy mạnh các chương trình đào tạo nhân lực cho các nước Hồi giáo. Lực lượng đặc biệt Mỹ - OIC được thành lập nhằm mở rộng Quỹ Phát triển doanh nghiệp Mỹ - Các nước Hồi giáo; giúp đào tạo ra một thế hệ trẻ Hồi giáo mới có kỹ năng lao động và kinh doanh.

Cải thiện môi trường kinh tế tại những nước Hồi giáo nghèo cũng đòi hỏi phải tiến hành những cải cách thương mại nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Để đạt được mục tiêu này, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ sẽ phải thiết lập một kênh đặc biệt nhằm thúc đẩy đàm phán ký kết Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) với 32 thành viên OIC hiện chưa ký Hiệp định này.

TIFA mở đường cho đối thoại song phương về mở rộng thương mại và đầu tư, thúc đẩy đàm phán về hiệp định tự do thương mại song phương và khu vực với các nước Hồi giáo như Morocco, JordanBahrain. Những hiệp định này góp phần tăng đầu tư nước ngoài, tạo thêm việc làm và thúc đẩy cải cách thị trường.

Bên cạnh những cải cách thương mại và đầu tư, chính quyền Obama cũng phải xem xét các sáng kiến phát triển khác, trong đó có việc xây dựng Chương trình Y tế Mỹ - Các nước Hồi giáo nhằm giúp các nước này xóa dần các bệnh dịch nguy hiểm.

Trẻ em suy dinh dưỡng, tiểu đường, các bệnh liên quan đến hút thuốc lá đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nhiều nước Hồi giáo mở rộng. Việc đào tạo y tế cho các bác sĩ và cung cấp chương trình đào tạo trực tuyến cho các nhân viên y tế sẽ giúp cải thiện đáng kể điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân các nước này.

Chính quyền Obama sẽ yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ thu xếp để các phái đoàn thương mại của các nước Hồi giáo gặp gỡ với các đối tác Mỹ tại Washington nhằm phá bỏ rào cản, mở rộng thương mại và đưa ra những ý tưởng kinh doanh mới.

Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ tổ chức Hội chợ việc làm luân phiên giữa các nước Hồi giáo nhằm tạo cơ hội cho giới trẻ Hồi giáo được tiếp cận cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó, chính quyền Obama sẽ thành lập Đội Tình nguyện kinh tế bao gồm các nhà quản lý doanh nghiệp đã nghỉ hưu tham gia đào tạo kỹ năng kinh doanh cho giới trẻ Hồi giáo.

Các chương trình ngoại giao công chúng của Mỹ tại nhiều nước Hồi giáo trong những năm qua không được đầu tư đúng mức. Đã đến lúc Mỹ phải thúc đẩy tự do hóa các phương tiện thông tin đại chúng để thực thi chính sách can dự của Tổng thống Obama.

Hiện nay có trên 450 hãng truyền thông tư nhân và bán tư nhân ở các nước Hồi giáo chỉ tập trung thông tin về văn hóa Hồi giáo mà không có các chương trình đa văn hóa nhằm mở rộng hiểu biết cho người dân. Việc tăng cường hỗ trợ cho các hãng truyền thông tư nhân ở các nước Hồi giáo sẽ giúp Nhà Trắng có được sợi dây liên hệ tốt hơn với người dân các nước Hồi giáo.

Bên cạnh đó, các nhà báo Arập cũng ít có cơ hội tiếp xúc với các đồng nghiệp Mỹ. Việc thành lập một trung tâm trao đổi báo chí tại Abu Dhabi sẽ tạo cơ hội giao lưu, học hỏi cho các nhà báo và blogger của Mỹ và các nước Hồi giáo.

Như vậy, để không trở thành người chỉ nói suông, Tổng thống Obama sẽ phải thực thi chính sách can dự trên các mặt trận ngoại giao, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, những lời cam kết và hành động thực tế của chính quyền Mỹ không thể xóa bỏ được hết những nhân tố cản trở sự phát triển của thế giới Hồi giáo. Chỉ bản thân các nước Hồi giáo mới làm được điều này.

Việc ông Obama đắc cử, cùng với cam kết về một chính sách ngoại giao mềm dẻo, đa phương hơn đã mở ra một tia hy vọng giúp thay đổi cách tiếp cận của Washington với các nước Hồi giáo. Hy vọng là chính quyền Obama sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để cải thiện hình ảnh nước Mỹ trong mắt những người Hồi giáo

Nguyễn Trọng Phú (tổng hợp)
.
.