NAFTA và cách mặc cả kiểu Mỹ
Cú sốc với hệ thống
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Trump nêu quan điểm: “Cá nhân tôi không nghĩ chúng ta có thể có thỏa thuận vì chúng ta đã bị lợi dụng rất nhiều. Tôi nghĩ chúng ta cuối cùng có thể phải chấm dứt NAFTA”. Chỉ ra nguyên nhân, ông Trump cho rằng, NAFTA là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất” trong lịch sử Mỹ và là nguyên nhân khiến việc làm tại ngành sản xuất Mỹ biến mất.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ từng đồng ý tái đàm phán hiệp định thay vì bỏ nó ngay lập tức. Ông ra quyết định này hồi tháng 4 sau khi trò chuyện với lãnh đạo Canada và Mexico. Ông Trump thừa nhận bỏ hẳn NAFTA sẽ là “cú sốc tương đối lớn đối với hệ thống”. Dù vậy, kịch bản này vẫn có thể xảy ra nếu ông “không thể có thỏa thuận công bằng”.
Các cuộc đàm phán 3 bên bắt đầu căng thẳng từ tuần trước, 3 nước tái đàm phán đầu tiên tại Mỹ từ ngày 16 đến 20-8. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói: “Đối với nhiều người Mỹ, thỏa thuận này thất bại. Chúng ta không thể bỏ qua thâm hụt thương mại khổng lồ, tình hình việc làm ngành sản xuất mất đi và việc các doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc chuyển đi vì những ưu đãi trong hiệp định hiện thời”.
Phía Mỹ đã tỏ rõ lập trường cứng rắn khi đòi hỏi nhiều nhượng bộ quan trọng từ phía Mexico và Canada. Ưu tiên hàng đầu của Mỹ là xóa bỏ thâm hụt thương mại trên 60 tỷ USD/năm với Mexico. Đối với ngành công nghiệp ôtô, Mỹ có thể đưa ra các biện pháp hạn chế thông qua quy định về hạn ngạch sản xuất trong nước.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá "quy tắc xuất xứ" NAFTA là lỗi thời và đề xuất nâng thị phần của hàng nội địa lên đến 62,5% - điều mà nhiều nhà sản xuất ôtô phản đối vì cho rằng, biện pháp này có thể phản tác dụng vì Mỹ chỉ áp thuế nhập khẩu 2,5% đối với các xe ô tô nhập khẩu từ ngoài khối NAFTA.
Mỹ cũng đề xuất áp đặt các hạn chế mới dưới hình cách thức sử dụng rộng rãi hơn hạn ngạch. Điều đó sẽ đại diện cho một sự thay đổi hướng tới "thương mại quy định". Hạn ngạch đã là một đặc trưng thương mại trong NAFTA đối với các sản phẩm nông sản như đường và các sản phẩm sữa.
Ngoài ra, Mỹ còn muốn loại bỏ một tính năng của NAFTA liên quan tới giải quyết tranh chấp được gọi là "Chương 19", điều cho phép Washington áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa của Canada và Mexico, đồng thời áp dụng các biện pháp thương mại chặt chẽ khác. Đây là vấn đề mà Canada kiên quyết phản đối. Có thể thấy rõ, về lý thuyết, trong trường hợp Mỹ kiên quyết đẩy mạnh áp dụng hạn ngạch, NAFTA sẽ đổ vỡ.
Nông dân Mỹ được hưởng lợi nhiều nhất từ các điều khoản của NAFTA. |
Trong khi đó, Canada phản đối việc dùng vấn đề thâm hụt thương mại làm tôn chỉ cho thành công của một thỏa thuận thương mại như NAFTA. Còn Mexico nhấn mạnh mục tiêu của việc tái đàm phán NAFTA là làm thế nào để thương mại “phát triển hơn”. Là một quốc gia theo đuổi thương mại tự do, Mexico tin tưởng vào các thị trường mở và sẽ không chấp nhận bất kỳ bước lùi nào trong NAFTA.
Đi guốc trong bụng nhau
Quá hiểu nước Mỹ, Mexico và Canada đã rất bình tĩnh, không coi tuyên bố hủy bỏ NAFTA của Tổng thống Donald Trump là nghiêm trọng. Bởi cả 3 nước ở thời điểm hiện tại đều biết không thể phá bỏ NAFTA. Giới chức 2 nước Mexico và Canada cho biết họ không coi các tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ về việc hủy bỏ NAFTA là nghiêm trọng, cho rằng đây chỉ là một chiến thuật nhằm giành lợi thế trên bàn tái đàm phán hiệp định này.
Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray khẳng định: Mexico sẽ kiên định với những mục tiêu đặt ra trên bàn tái đàm phán. Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo ra tuyên bố cho biết Mexico đã chuẩn bị một "kế hoạch B rõ ràng" cho trường hợp tái đàm phán NAFTA thất bại, song từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tuyên bố Ottawa sẽ không thay đổi các ưu tiên của mình và sẽ tiếp tục nỗ lực để hiện đại hóa NAFTA. Ngoại trưởng Freeland, nêu rõ: “Canada tin tưởng Mỹ sẽ không có lợi ích gì trong việc phá bỏ NAFTA”.
Mỹ, Canada và Mexico đã khởi động tiến trình đàm phán lại thỏa thuận về NAFTA hơn 23 năm sau ngày thỏa thuận này có hiệu lực chính thức. Việc 3 nước vừa kết thúc vòng tái đàm phán đầu tiên tại Mỹ từ ngày 16 đến 20-8 mà chưa đạt được sự nhất trí về câu trả lời cho câu hỏi quan trọng nhất và quyết định nhất ở giai đoạn khởi đầu là: NAFTA mới khác biệt như thế nào với NAFTA cũ?
Trên phương diện này, sự khác biệt vẫn còn rất rõ ràng và cơ bản. Canada và Mexico chủ trương xuất phát từ NAFTA cũ và chỉ đàm phán về chỉnh sửa và bổ sung. Trong khi ấy, phía Mỹ chủ trương chơi lại ván bài này từ đầu.
Các chuyên gia nhận định, hiệp định được Mỹ, Mexico và Canada ký kết năm 1994 để dỡ bỏ các rào cản đối với sự dịch chuyển hàng hóa và người lao động giữa 3 nước, đồng thời thiết lập một quy trình giải quyết độc lập tranh chấp thương mại không thể bị phá vỡ. Tái đàm phán NAFTA “chỉ được tiến chứ không lùi”. Bởi đây là cơ hội để làm mới lại thỏa thuận 23 năm tuổi này theo hướng phù hợp hơn với tiến trình hội nhập kinh tế.
Các chuyên gia thương mại và kinh tế đều tin rằng NAFTA vẫn tồn tại sau khi các bên giải quyết được bất đồng, Mỹ sẽ không rút khỏi NAFTA bởi việc rút khỏi NAFTA sẽ là hành động “thiếu khôn ngoan” và cái giá phải trả cho sự gián đoạn về kinh tế giữa 3 nước “là rất khủng khiếp”.