NATO "vạch áo cho người xem lưng"

Thứ Năm, 09/07/2020, 12:10
Cuộc tranh cãi tưởng là “nhỏ” giữa hai quốc gia cùng thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ bỗng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và bộc lộ nhược điểm “chết người” của tổ chức này.

Cuộc tranh cãi xuất phát từ một vụ đối đầu nhỏ tại Địa Trung Hải giữa tàu tuần dương Pháp và đội tàu Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống một tàu dân sự chở vũ khí được cho là đang trên đường đến Libya. Vụ việc đã xảy ra từ ngày 10-6, khi tàu hộ vệ Courbet của Pháp bị một tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ khóa rada tấn công mục tiêu để cảnh báo. Lý do của việc này là vì tàu Courbet của Pháp đang trên đường tiếp cận đội tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu vận tải hàng hóa mang cờ Tanzania.

Phía Pháp cho rằng mình đã hành động dựa theo thông tin tình báo của khối NATO cung cấp nói rằng một tàu dân sự có liên quan đến việc vận chuyển lậu vũ khí đến Libya. Tàu Courbet là thành viên tham gia chiến dịch tuần tra trên biển của khối NATO mang tên Sea Guradian nhằm bảo đảm an ninh hàng hải trong Địa Trung Hải.

NATO đang vướng vào những tranh cãi nội bộ.

Một file trình chiếu Powerpoint trình chiếu trước Thượng viện Pháp hôm 1-7 đã thể hiện hình ảnh Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Paris Hakki Musa chối bỏ việc tàu Courbet bị khóa bởi rada tấn công mục tiêu và còn cáo buộc hải quân Pháp “quấy nhiễu” đoàn tàu hộ tống của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vị đại sứ này còn cho biết một cuộc điều tra của NATO đối với vụ việc trên đã “không có kết luận gì” và rằng nước Pháp đã rút ra khỏi chiến dịch Sea Guardian. Bộ Quốc phòng Pháp không công bố dữ liệu câu chuyện đang nắm giữ nhưng nhấn mạnh rằng sẽ không tiếp tục tham gia vào chiến dịch tuần tra trên biển của NATO cho đến khi nào các thành viên của khối cam kết tuân thủ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya. Ngoài ra, Paris cũng đưa ra một số yêu cầu khác đối với các đồng minh.

Trong khi đó, Tổng hành dinh NATO cũng từ chối công bố thông tin chi tiết về cuộc điều tra, vì là thông tin “mật” và người ta không hy vọng khối này sẽ công khai các thông tin điều tra. Một nhà ngoại giao Pháp nói rẳng các nhà điều tra NATO có lẽ đã đứng trước sự chọn lựa khó xử khi tiếp nhận cùng lúc hai câu chuyện khác nhau về cùng một sự việc đã xảy ra.

Vào ngày 2-7, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cáo buộc Pháp “nói dối”. Ông Cavusoglu nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh sự thật trước NATO và mong muốn Pháp phải nói lời xin lỗi.

Cuộc tranh cãi bộc lộ điểm yếu của NATO, đó là làm sao giữ trật tự trong nội bộ khối. Khối NATO vận hành theo nguyên tắc đồng thuận 100% nhưng trên thực tế vẫn luôn xảy ra tình trạng “xé rào đánh lẻ” như trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ hay Mỹ. Ở đây, dư luận châu Âu đang quan tâm đến thực trạng Thổ Nhĩ Kỳ đang là thành viên thường xuyên gây ra các vụ “xé rào” nguyên tắc đồng thuận của khối. Cuộc tranh cãi đã làm lộ ra giới hạn quyền lực của NATO khi các thành viên của khối tham gia vào các cuộc xung đột và đứng ở hai phía đối nghịch nhau. Trong trường hợp này là Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc nội chiến tại Libya.

Ngày 29-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã không tôn trọng lời cam kết khi tăng cường sự hiện diện quân sự tại Libya, đồng thời còn đưa thêm các chiến binh thánh chiến từ Syria. Macron gọi đó là “trách nhiệm hình sự” của một quốc gia thành viên của NATO.

Đây không phải lần đầu Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm gây tranh cãi của khối NATO. Việc Ankara đưa quân vào miền Bắc Syria hồi cuối năm 2019 cũng đã từng khiến các đồng minh trong khối nổi giận. Nước này còn gây thêm bất bình khi xúc tiến việc mua tên lửa phòng không do Nga sản xuất. Nga vừa là đối tác lại vừa là đối thủ đối đầu của NATO, vì vậy việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa Nga được xem là sẽ phá hỏng cơ chế phòng thủ chung của khối, từ đó khiến Ankara bị loại ra khỏi chương trình triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Mặc dù những vấn đề tranh cãi thường xuyên xảy ra và dù cho Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ khá gần gũi với Nga nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thể bị loại ra khỏi khối này. Về mặt pháp lý, NATO hiện không có cơ chế nào về việc này và các quyết định liên quan đến mọi vấn đề của khối đều cần có sự đồng thuận của tất cả 30 quốc gia thành viên. Cho dù thế nào, NATO cũng đều cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí địa chính trị “quá chiến lược” nên không thể để “mất” đồng minh này.

Thông thường thì Mỹ - thành viên hùng mạnh nhất, quyền lực nhất của khối - có thể ra tay để chấn chỉnh, đưa đồng minh quay trở lại đường lối quy củ. Nhưng, trong 4 năm qua, nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump cũng chẳng làm được gì do quá bận rộn tranh cãi với các đồng minh khác xung quanh những vấn đề về tài chính. Tổng thống Trump đã công khai chỉ trích các đồng minh NATO ở châu Âu và Canada đã không chi đủ tiền cho ngân sách quốc phòng.

Bản thân ông Trump đã không thỏa thuận với các đồng minh mà tự rút ra khỏi Thỏa thuận hạt nhân với Iran, rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước do thám trên không mang tên Bầu trời mở (OSP), vốn được xem là có tầm quan trọng đối với an ninh của châu Âu.

Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria, Tổng thống Trump còn thông báo rằng ông sẽ cho rút quân Mỹ khỏi miền Bắc Syria để nhường chỗ cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dễ bề hoạt động. Hành động này đã khiến nhiều đồng minh ngạc nhiên và nổi giận. Trong tháng 6, ông Trump còn công bố kế hoạch rút bớt quân đội ra khỏi Đức, một đồng minh quan trọng trong khối NATO.

Trọng tâm của cuộc tranh cãi giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề “các đồng minh NATO có tôn trọng lậnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp quốc đối với Libya hay không”. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói hồi tháng 6 rằng khối “đương nhiên ủng hộ việc thực thi các quyết định của Liên Hợp quốc, kể cả các lệnh cấm vận vũ khí”.

Tuy nhiên, trên thực tế, Đại sứ Libya tại Liên Hợp quốc Ghassan Salame cho biết có vài nước thành viên Hội đồng Bảo an “đã và đang đưa tàu chiến, máy bay, vũ khí, lính đánh thuê” đến Libya.

An Châu (Tổng hợp)
.
.