New Zealand “phát sốt” vì Thủ tướng mang bầu

Thứ Hai, 05/02/2018, 15:42
Chuyện chưa từng có tiền lệ trong chính trị thế giới nói chung và New Zealand nói riêng: Nữ Thủ tướng Jacinda Ardern thông báo mang thai khi đương chức. Thủ tướng Ardern quyết định vẫn thực hiện nhiệm vụ chính trị bình thường, trong khi cả nước New Zealand, và truyền thông thế giới, đều “phát sốt”.

Công việc vẫn diễn ra bình thường. 7 ngày sau khi thông báo mang thai, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vẫn xuất hành trong các hoạt động bình thường của một lãnh đạo quốc gia. Bà đã đến dự lễ gắn biển công nhận di tích lịch sử quốc gia cho tòa nhà trụ sở tòa án 115 năm tuổi ở Dunedin.

Tại buổi lễ, Ardern đã có bài phát biểu trong đó đặt ưu tiên cho việc bảo vệ các di sản văn hóa - lịch sử quốc gia, bảo vệ môi trường và tương lai trẻ em. Ardern thể hiện một phong thái tự nhiên như thường lệ, không có vẻ gì thay đổi trong từng cử chỉ, hành động của bà. Mọi việc không có gì thay đổi.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Jacinda vẫn tiến hành những công việc khác theo lịch làm việc: công bố một cuộc tổng điều tra về sức khỏe tâm thần, sửa đổi luật về lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, và thảo luận việc tham gia hiệp định thương mại TPP mới.

Ngoài ra, bà Jacinda và chính phủ của bà cũng đang đưa vào thực hiện một số quy định pháp luật nhằm mục tiêu giảm bớt gánh nặng cho các gia đình công nhân có nuôi con nhỏ, như tăng thời gian nghỉ thai sản có hưởng lương.

Trong khi đó, đất nước New Zealand như đang “lên cơn sốt” - cơn sốt “em bé của Jacinda”. Từ khi Jacinda và người bạn đời Clarke Gayford công bố “có em bé”, ngay lập tức “em bé Jacinda” đã trở thành đề tài bao trùm trên truyền thông, trong các bài bình luận, phát biểu ý kiến và các chương trình phát thanh, kể cả trên một số chương trình về thời sự xã hội.

Sự kiện Thủ tướng Jacinda Ardern công bố “mang bầu” đã làm phát sinh hàng loạt thuật ngữ mới, tít báo giật gân xuất hiện tràn ngập, nào là “cơn sốt Jacinda”, rồi “hiệu ứng Jacinda”, và sau nữa là “cơn sốt em bé Jacinda”.

Theo thống kê, có tới hơn 800 tờ báo và tạp chí trên thế giới đã đưa tin về sự kiện Jacinda mang thai. Ở New Zealand, tin tức báo chí về sự kiện này gây chú ý trong dân chúng hơn bất cứ sự kiện chính trị nào khác trước đây, người ta cùng nhau bàn tán, tranh luận về “chuyện gì sẽ xảy đến” trong tương lai.

Cháu bé vừa mới tượng hình đã được đặt cho biệt danh “cháu bé hoàng gia”, và giới bình luận chính trị New Zealand đang dự báo một nhiệm kỳ thứ hai đang chờ đón nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Công đảng New Zealand nhờ sự hứng khởi có được từ “cơn sốt em bé Jacinda”.

Jacinda có vẻ hơi ngạc nhiên trước sự quan tâm đến phát sốt của người dân đối với việc mang thai của bà. Vâng, “chỉ mang thai thôi mà” - như lời bà Jacinda phân trần. “Như mọi người khác, tôi cũng làm việc bình thường thôi”. Jacinda cho biết, bà cảm nhận được thái độ và tình cảm ấm áp mọi người dành cho bà mỗi khi bà đi ra ngoài đường kể từ khi họ biết bà mang thai. Điều này thật kỳ diệu và nó làm cho bà cảm thấy rất vui. Mọi người có vẻ xích lại gần nhau hơn.

Theo giới quan sát, những cử tri trước đây không hài lòng vì cảm thấy xa cách với giới chính trị đôi khi cao ngạo, ra vẻ “tinh hoa”, giờ họ có thể cảm thấy gần gũi hơn, cảm thấy giữa họ với vị lãnh đạo trẻ của mình có cái chung - nhất là khi bà sắp sửa làm mẹ và sẽ tự tay thực hiện những việc rất đời thường khi chăm con nhỏ. Rốt cuộc, vị Thủ tướng của họ cũng sẽ trải qua khoảng thời gian vừa làm mẹ vừa đi làm - giống như tất cả mọi người trong số họ. Và đây chính là mấu chốt kéo những cử tri “khó chịu” xích gần lại với Jacinda.

Nữ Thủ tướng Jacinda Ardern và bạn đời Clarke Gayford thông báo việc mang thai.

Giáo sư Jennifer Curtin của Đại học Auckland đưa ra một bình luận giản dị nhưng thực tế về sự kiện Thủ tướng Ardern mang thai: Jacinda Ardern biến việc làm mẹ trong chính trị thành chuyện bình thường. Điều giáo sư Curtin muốn nói đến ở đây chính là khía cạnh bình đẳng giới trong sự kiện này.

Lâu nay, việc một nữ chính khách có con nhỏ ngay trong nhiệm kỳ chức vụ là rất hiếm, thậm chí còn bị kỳ thị, như trong Quốc hội Australia hồi tháng 12-2017 một nữ nghị sĩ đã bị tạm đình chỉ vì cho con bú ngay giữa hội trường. Riêng trong trường hợp của Thủ tướng Ardern, giáo sư Curtin cho rằng bà nhận được sự ủng hộ của nhiều người bởi việc có con nhỏ tạo nên sự đồng cảm chung.

Tuy nhiên, trái với “cơn sốt em bé Jacinda”, ở đâu đó trên đất nước New Zealand vẫn có những người không vui, và họ cũng có những lời dè bỉu. Có người khuyên bà Jacinda nên nghỉ thai sản 6 tháng thay vì 6 tuần như thông báo, vì e rằng bà xoay trở khó khăn trong công việc; người khác lại mỉa mai, chỉ trích việc nhiều người chúc mừng, quan tâm một cách ồn ào đến sự kiện nữ thủ tướng mang thai đã gây nên “nỗi buồn và đau lòng” cho những người không thể thụ thai (vì bị vô sinh).

Theo giáo sư Curtin, nữ chính khách hay nữ công chức kiểu gì cũng bị dèm pha, dù họ có con nhỏ hay không có con. Khi một nữ chính khách có con nhỏ, người ta đặt ra vấn đề năng lực công tác, liệu việc công có bị ảnh hưởng bởi việc riêng là chăm sóc con nhỏ. Rồi nếu có đảm đương được cả hai việc cùng lúc, thì người ta cũng lại hỏi “liệu làm có tốt hay không?”, khó thật. Thế nhưng, khi một nữ chính khách không có con, có nghĩa là có thể toàn tâm toàn ý phục vụ cho việc công, thì người ta cũng lại chỉ trích, phê phán không tiếc lời.

Cựu nữ Thủ tướng Australia Julia Gillard là một điển hình. Bà bị nhiều người phê phán gay gắt vì “tội” không có con, cho rằng vì không có con nên bà thiếu tình cảm, không thể thông cảm được cho những người đang có con.

Mặc cho những lời dè bỉu ồn ào, bà Jacinda và người bạn đời Gayford vẫn ăn mừng sự kiện theo cách riêng của mình. Họ vào một quán ăn ở một góc phố để tự thưởng thức món hamburger và trao hoa chúc mừng cho nhau. Cách họ thư dãn giữa những bộn bề xã hội về phân biệt giới tính, về sự xáo trộn của đợt cải tổ nhân sự trong Quốc hội khiến cho nhiều phụ nữ New Zealand cảm thấy chính họ đang là những người chiến thắng trong cuộc chiến đòi quyền bình đẳng giới bấy lâu nay.

An Châu (tổng hợp)
.
.