Nga- Mỹ: Tìm đường đối thoại

Thứ Sáu, 20/03/2009, 08:20
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Genève, Thụy Sĩ, hôm 6/3 vừa qua đã chính thức xác nhận việc tái khởi động hành trình tìm kiếm lối thoát cho những căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Mỹ dưới thời của Tổng thống Bush liên quan tới những vấn đề như hệ thống phòng thủ tên lửa, Kosovo, Gruzia, cắt giảm vũ khí chiến lược...

Chấp nhận đàm phán

Nếu như Tổng thống Bush suốt 8 năm cầm quyền luôn tỏ ra cứng rắn trong các hồ sơ gây tranh cãi với Nga thì ông Obama từ khi lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, đã phát đi nhiều tín hiệu cho thấy đường lối ngoại giao của Mỹ đã thay đổi, đặc biệt trong quan hệ Nga - Mỹ.

Buổi gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Genève, Thụy Sĩ, hôm 6/3 vừa qua đã chính thức xác nhận sự biến chuyển này.

Nếu như Phó tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, Đức, tháng 2/2009, rằng quan hệ Nga - Mỹ đã đến lúc khởi động lại thì trong cuộc gặp tại Genève vừa qua, bà Hillary đã tặng ông Lavrov một chiếc nút bấm trên có ghi "reset" (khởi động lại) rồi hai người cùng nhau nhấn nút trước sự chứng kiến đông đảo của giới truyền thông quốc tế.

Mặc dù đây chỉ là hành động mang tính tượng trưng song nó đã cho thấy tất cả về chính sách ngoại giao của Mỹ với Nga. Trước đó, Tổng thống Obama đã viết thư và điện thoại thường xuyên cho Tổng thống Nga Medvedev để bàn cách nối lại đối thoại Nga - Mỹ.

Trước khi gặp Ngoại trưởng Nga Lavrov, ngày 6/3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố NATO đã đồng ý bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nga. Cơ chế mang tên Hội đồng NATO - Nga là một diễn đàn trao đổi giữa hai bên về nhiều vấn đề, đã bị gián đoạn từ 7 tháng nay sau khi xảy ra cuộc chiến Nga - Gruzia.

Nga đã hoan nghênh quyết định của NATO và đồng ý gặp ngoại trưởng các nước NATO ở Brussels. Trước khi các vị ngoại trưởng khối NATO nhóm họp, Nga đã tuyên bố đồng ý cho Mỹ dùng lãnh thổ để chuyển vận tiếp liệu phi quân sự tới Afghanistan.

NATO cũng hy vọng với sự cộng tác của Nga sẽ làm cho các quốc gia Trung Á có thể mở cửa các căn cứ cho lực lượng NATO sử dụng, trong lúc một căn cứ không quân của Mỹ ở Kyrgyzstan sắp phải bị đóng cửa.

Jaap de Hoop Scheffer, Tổng thư ký NATO, trong buổi họp báo tại trụ sở ở Brussels, Bỉ, không xác định thời điểm hội đồng này sẽ làm việc trở lại, tuy nhiên theo dự đoán của các quan sát viên sẽ không diễn ra trước ngày Hội nghị thượng đỉnh NATO họp vào tháng 4 tới. Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố với các Bộ trưởng Ngoại giao ở Brussels là "đã đến lúc để khởi sự những quan hệ mới mẻ với Nga".

Cũng trong buổi gặp trên, Washington và Moskva đã cam kết tới đây sẽ có một thỏa thuận mới về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược, START-1. Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: "Chúng tôi đã chuẩn bị điều chỉnh quan hệ hai bên như phía Mỹ đề xuất... Ký kết một hiệp ước có hiệu lực pháp lý giữa Nga và Mỹ về vũ khí tấn công chiến lược sẽ trở thành một bước ưu tiên theo hướng này".

Ngoại trưởng Mỹ Hillary cho biết, việc đi tới một thỏa thuận mới với Nga để thay thế Hiệp ước START-1 là vấn đề ưu tiên. Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mà hai đối thủ thời Chiến tranh lạnh từng thương thuyết và đi tới thỏa thuận, sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/12/2009.

Bà Hillary cho hay, bà mong muốn Tổng thống Obama và người đồng cấp Nga Medvedev sẽ có một kế hoạch mới về hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược trước khi hai người gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại London vào ngày 2/4 tới.

Nga coi Hiệp ước START-1 cơ sở kiểm soát vũ khí thời hậu Chiến tranh lạnh và tin rằng nếu hiệp ước này hết hiệu lực trong khi chưa tìm được một thỏa thuận thay thế thì có thể làm rối loạn sự cân bằng chiến lược.

Trích lời Tổng thống Nga Medvedev, Ngoại trưởng Lavrov nói, một thỏa thuận mới nên giới hạn không chỉ đầu đạn hạt nhân mà còn phải hạn chế các loại thiết bị chuyển chiến lược như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo gắn ở tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng...

Từ đối đầu sang đối thoại

Ngày 7/3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, kết thúc chuyến công du kéo dài 8 ngày đưa bà sang 3 lục địa để chuyển tải thông điệp: Mỹ muốn bắt tay với các nước bạn, cũng như thỏa hiệp với các đối thủ của mình.

Tại Jerusalem, nơi bà Hillary tiết lộ Washington phái hai sứ giả sang thủ đô Damas của Syria; tại Brussels, khi bà đề xuất sáng kiến mời Iran tham dự hội nghị về Afghanistan hay tại Genève, thời điểm bà cùng với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đồng ý  ''bấm nút'' kích hoạt trở lại quan hệ song phương.

Ở đâu bà Hillary Clinton cũng nỗ lực tỏ thiện chí của Mỹ, đoạn tuyệt với chính sách cũ của chính quyền Bush. Cũng trong ngày 7/3, bản thân Tổng thống Barack Obama nêu quyết tâm tìm hòa giải cho Afghanistan và thăm dò khả năng xích lại gần với Taliban ôn hòa.

Về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, Mỹ muốn đối thoại với nước này. Nhiều động thái mới hơn, như hôm 2/3 vừa qua, bà Hillary đã chủ động tiến về phía Ngoại trưởng Syria để trao đổi với ông bên lề hội nghị các nhà tài trợ cho Gaza, cho phép giới quan sát tin tưởng vào khả năng tiếp cận mới này của chính quyền Obama.

Không chỉ quan tâm đến các đối thủ, chuyến công du của bà Hillary cũng là cơ hội để Mỹ xây dựng những nhịp cầu mới với các đồng minh. Ngoại trưởng Mỹ đã hứa với châu Âu phát huy quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã bị tổn thương dưới thời Tổng thống Bush.

Mặc dù những bất đồng chính giữa hai nước liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Âu, vấn đề Gruzia, Ukraina, Kosovo, Iran... vẫn chưa có vấn đề nào được giải quyết dứt điểm, song thái độ chấp nhận đàm phán của Mỹ đã ghi nhận một bước tiến mới trong quan hệ Nga - Mỹ

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.