Nga bổ nhiệm Đại sứ mới tại Mỹ: Đòn cứng rắn của Tổng thống Putin

Thứ Hai, 28/08/2017, 12:28
Thông tin trên báo chí quốc tế hôm 21-8 đồng loạt cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Anatoly Antonov làm Đại sứ Nga tại Mỹ thay thế ông Sergey Kislyak đã được triệu hồi về nước vì có liên quan đến những cuộc tiếp xúc hậu trường với các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quyết định bổ nhiệm này thể hiện thái độ cứng rắn của Tổng thống Putin với nước Mỹ sau những gì diễn ra thời gian qua.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Anatoly Antonov năm nay 62 tuổi, là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Bộ Ngoại giao Nga, là một chuyên gia về Syria và Ukraine, hai điểm nóng ngoại giao của nước Nga, đặc biệt là trong quan hệ Nga-Mỹ.

Năm 1978, ông bắt đầu vào làm việc trong ngành ngoại giao Liên Xô ngay từ khi còn chưa học xong đại học. Đến khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga vào năm 2011, Antonov đã có hơn 30 năm làm công tác đối ngoại. 6 năm sau, ngày 28-12-2016, Antonov quay trở lại Bộ Ngoại giao ở vị trí Thứ trưởng. Ngay lập tức, những phẩm chất, kinh nghiệm của một nhà ngoại giao kỳ cựu phát huy tác dụng tối đa.

Tân Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov.

Tháng 3-2017, Antonov là một trong những cái tên trong danh sách đề cử người thay thế cố Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Churkin bị đột tử. Tuy nhiên, rốt cuộc chức Đại sứ tại LHQ đã được giao cho nhà ngoại giao kỳ cựu khác là Vasily Nebenzya.

Trong đợt bổ nhiệm này, Antonov được Tổng thống Putin tin tưởng giao cho trọng trách làm Đại sứ Nga tại Mỹ một phần nhờ vào kinh nghiệm trên 30 năm làm công tác đối ngoại, một phần khác chính là quan điểm, thái độ cứng rắn của Antonov luôn tạo ra những tác động đáng kể trong đối sách của nước Nga với đối tác - đối thủ NATO trong giai đoạn ông làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Khi cuộc khủng hoảng quân sự Ukraine diễn biến ngày càng khốc liệt trong năm 2014, Antonov thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc của phương Tây cho rằng Nga bí mật đưa quân đội vào Đông Ukraine để hỗ trợ quân sự cho phiến quân ly khai tại các nước cộng hòa Donesk và Luhansk và cả vùng Donbass.

Ông cũng bác bỏ các cáo buộc của phương Tây rằng, phiến quân ly khai miền Đông Ukraina, với sự hậu thuẫn của Moscow, đã bắn rơi chiếc máy bay dân dụng mang số hiệu MH17 của hãng Hàng không quốc gia Malaysia vào tháng 7-2014.

Chưa hết, Antonov là người thúc đẩy quyết liệt các chính sách quốc phòng cường quốc của Nga, vì vậy ông được phương Tây xem là “tiếng nói diều hâu” trong Bộ Quốc phòng Nga và cần phải “chế tài” ông. Thế là EU và Canada đã đưa ông vào danh sách cấm vận năm 2015. Tuy nhiên, lệnh cấm vận của EU và Canada đã không thể làm giảm đi quyết tâm và ý chí của Antonov trong cuộc đối đầu quyết liệt với phương Tây.

Ngay sau khi bị đưa vào danh sách cấm vận, Antonov lập tức phản công, lên tiếng cáo buộc những “ông thầy” phương Tây chính là người tạo ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine, buộc tội khối NATO biến Ukraine thành một “mặt trận” mới nhằm mục đích đối đầu với nước Nga.

Mặt khác, với việc Antonov nằm trong danh sách cấm vận của EU và Canada, và lệnh cấm vận này hiện nay còn hiệu lực, có nghĩa là một khi Antonov đến nhận nhiệm sở sẽ tạo ra tình huống khó xử cho Mỹ và các đồng minh.

Về nguyên tắc, bất cứ cá nhân hay thực thể nào vi phạm lệnh cấm vận sẽ bị các nước cấm vận ra lệnh trừng phạt. Nhưng Mỹ không cấm vận Antonov. Antonov cũng không vi phạm pháp luật quốc tế và của Mỹ, không bị Mỹ xem là “người không được hoan nghênh” (persona non grata).

Về nguyên tắc ngoại giao quốc tế thì ông hoàn toàn có quyền được tiếp nhận công tác tại Washington. Đến đây, vấn đề sẽ phát sinh là liệu EU và Canada có trừng phạt đồng minh Mỹ hay không, nếu Mỹ chấp nhận Antonov? Có lẽ Chính phủ Mỹ sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định tiếp nhận Antonov. Mọi chuyện vẫn còn ở phía trước.

Mỹ cũng bổ nhiệm Đại sứ mới tại Nga, ông John Huntsman.

Ông Antonov được bổ nhiệm Đại sứ Nga tại Mỹ trong thời điểm hiện nay được đánh giá là một động thái mạnh tay, cứng rắn của Tổng thống Putin. Quan hệ giữa Nga và Mỹ đang được định hình xoay quanh những vấn đề rối rắm của nước Mỹ phát sinh từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, với chiến thắng thuộc về một người mà tư duy chính trị truyền thống không mong muốn và làm mất mặt những chính khách đảng Dân chủ vốn tin chắc vào chiến thắng dựa vào những kết quả thăm dò dư luận.

Khi ông Trump lên làm Tổng thống, thể hiện rõ quan điểm muốn xây dựng quan hệ hợp tác gần gũi với nước Nga, cả Nga và Mỹ đều hy vọng điều đó sẽ xảy ra để tạo cơ hội cho hòa bình và ổn định chung của thế giới. Nước Nga của Tổng thống Putin đã kiên nhẫn chờ xem Washington sẽ hiện thực hóa định hướng chính trị này đến đâu. Rốt cuộc, cái mà Moscow nhận được chỉ là sự leo thang căng thẳng trong các mối quan hệ, đặc biệt là việc Quốc hội Mỹ thông qua luật áp đặt thêm trừng phạt đối với một số cá nhân và tổ chức của Nga vào hạ tuần tháng 7 vừa qua.

Để đáp trả, Chính phủ Nga ra lệnh hạn chế hoạt động của một số cơ sở ngoại giao Mỹ ở Nga, đặc biệt là cắt giảm số nhân viên ngoại giao Mỹ ở Nga từ khoảng 1.100 xuống còn không quá 455 người. Điều này đồng nghĩa Mỹ phải đóng cửa một số cơ sở tại Nga vì không có người quản lý.

An Châu (tổng hợp)
.
.