Nga và sự hiện diện tại Trung Đông

Thứ Sáu, 11/12/2020, 13:26
Chính sách ngoại giao của Nga đối với Trung Đông phản ánh tầm nhìn truyền thống về luật pháp quốc tế - tôn trọng nguyên tắc chủ quyền và không can thiệp.

Điều ngày càng trở nên rõ ràng kể từ sau các cuộc chiến ở Iraq và Libya là lập trường này đối lập với khuynh hướng hoạt động của các phong trào tiến bộ ở các quốc gia phương Tây - luôn tìm cách thúc đẩy trách nhiệm chung là bảo vệ người dân trước các hành vi tùy tiện của chính phủ. Trên bình diện quân sự, sự đối lập về mặt ý thức hệ này được thể hiện rõ nét ở 2 mục tiêu chiến lược: Kiềm chế sự can thiệp quân sự của phương Tây và củng cố chủ quyền của các thể chế nhà nước ở Trung Đông.

Trong lĩnh vực quân sự - công nghiệp, từ cuối những năm 2000, Nga đã quyết định bán vũ khí phòng thủ cho các quốc gia trong khu vực để đề phòng một cuộc không kích lớn do Mỹ hoặc NATO dàn dựng, cũng như để tái khẳng định chủ quyền lãnh thổ của những nước này. Về mặt này, một trong những tài sản quân sự quý giá nhất của Nga là các hệ thống phòng thủ tên lửa phòng không.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể được tham gia dây chuyền chế tạo tổ hợp S-500.

Các khẩu đội tên lửa có gắn radar này, về nguyên tắc có thể định vị, đánh chặn và sau đó phá hủy bất kỳ vật thể nào trên không. Do có khả năng cản trở một cuộc can thiệp quân sự bằng đường không nên chúng phần nào cho phép các quốc gia sở hữu đảm bảo mức an toàn nhất định.

Việc Iran, Ai Cập và Syria là những quốc gia Trung Đông sở hữu loại vũ khí phòng thủ này đã kích thích sự thèm muốn của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang trong thời kỳ căng thẳng với các đồng minh phương Tây. Cuối năm 2017, Ankara và Moscow đã ký thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD về việc cung cấp một số đơn vị của hệ thống tên lửa S-400.

Quan trọng hơn, giao dịch vũ khí giữa Nga và một thành viên NATO căn bản là sự phủ nhận vai trò thống trị của Mỹ trong việc cung cấp thiết bị quân sự cho các đồng minh. Bất chấp Đạo luật trừng phạt các đối thủ của Mỹ (CAATSA), Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì thỏa thuận với Nga. Theo đó, 4 khẩu đội tên lửa gồm 36 đơn vị phóng và 192 quả đạn đã được bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020.

Và cho dù Mỹ đã thực hiện các biện pháp trả đũa như xóa bỏ ưu đãi thương mại đối với các sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ và đình chỉ dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F-35 nhưng các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn đang được tiến hành nhằm cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chế tạo tổ hợp S-500, một phiên bản cải tiến của S-400 trong tương lai.

Sự quan tâm gần đây của Saudi Arabia, một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực đối với loại thiết bị quân sự này, không chỉ là một phần của cuộc chiến mà Riyadh đang tiến hành ở Yemen, mà còn là cuộc đối đầu địa chính trị với Iran. Sau khi ký kết biên bản ghi nhớ đầu tiên cho phép hợp tác sản xuất và sản xuất tại chỗ các hệ thống tên lửa hồi tháng 10-2017, Chính phủ hai nước Nga và Saudi Arabia đã tiến hành đàm phán cuối tháng 4-2020 về các chi tiết cuối cùng liên quan đến khía cạnh tài chính và hậu cần của sự hợp tác quân sự - công nghiệp này.

Về mặt nào đó, Syria vẫn là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn chính trị từ Moscow. Với mong muốn tránh lặp lại kịch bản Libya bằng mọi giá, Nga đã tham gia tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình nhằm bảo tồn sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và chuyển đổi chế độ Syria trong khi vẫn duy trì các cấu trúc nhà nước hiện có. Đó là những đề xuất của Nga về việc dỡ bỏ kho vũ khí hóa học của Syria (tháng 9-2013), sự can thiệp quân sự vào Syria (tháng 9-2015) hay tiến trình Astana được khởi xướng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran (tháng 6-2017) từ góc độ này.

Về mặt quân sự, việc triển khai một đơn vị S-400 tới căn cứ không quân Hmeimim vào tháng 11-2015 có tác động kép - vừa bảo đảm một phần khu vực Đông Bắc của Syria vừa gây thiệt hại đáng kể cho máy bay không người lái và máy bay chiến đấu của đối phương - cho dù là Thổ Nhĩ Kỳ, Israel hay Mỹ.

Về mặt chính trị, Nga không ngần ngại phối hợp với Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bác bỏ mọi dự thảo nghị quyết phản ánh sự nghi ngờ về tính hợp pháp, toàn vẹn hay chủ quyền của các thể chế nhà nước ở Syria. Kể từ năm 2018, Nga cũng đã xúc tiến dự án xây dựng hiến pháp mới cho Syria, trong đó nhiều phần công việc đã được bắt đầu từ ngày 30-10 tại Geneva.

Và Syria không phải là địa bàn hoạt động duy nhất của Nga liên quan đến vấn đề hòa giải. Kể từ những năm 2010, Moscow đã tìm cách khẳng định mình là trung gian hòa giải nhiều bất đồng chính trị ở Trung Đông. Trong một môi trường khu vực bất ổn cao như Trung Đông, ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga cho phép họ dự đoán chính xác những rủi ro và thách thức liên quan đến các lựa chọn chiến lược của họ trong khu vực. Đặc biệt, ảnh hưởng này gián tiếp buộc các quốc gia phương Tây - đứng đầu là Mỹ - phải chú ý hơn đến các tuyên bố của Nga.

Về việc giải quyết xung đột, cách tiếp cận của giới ngoại giao Nga là không nghiêng về một bên nào mà tham gia đồng thời với cả hai bên. Nếu mỗi bên liên quan đến xung đột hoặc căng thẳng thực sự không hài lòng về sự hợp tác giữa Nga và đối thủ của mình thì bên đó được khuyến khích nối lại đối thoại thông qua vai trò trung gian của Nga, có tính đến những hậu quả của việc ngừng hợp tác với Nga. Và những chính sách kiểu ấy, đang đem lại ảnh hưởng tích cực và uy tín của "gấu" Nga tại Trung Đông cũng như trên thế giới.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.