Ngoại giao Anh nhìn từ vụ bê bối Kim Darroch

Thứ Ba, 16/07/2019, 17:35
Vụ lọt thông tin ngoại giao của Đại sứ Anh tại Mỹ, Kim Darroch, cho thấy những điểm yếu trong chính sách đối ngoại của Anh và xa hơn nữa là những rạn nứt trong quan hệ Washington-London.

Những ẩn ý trên tờ The Mail

Việc Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt và người tiền nhiệm Boris Johnson đang tập trung vào cuộc đua trở thành Thủ tướng Anh sau khi bà Theresa May từ chức đã khiến Bộ Ngoại giao Anh gặp nhiều khủng hoảng. Mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn khi Bộ Ngoại giao Anh lúc này phải chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ các bức điện của Đại sứ Anh tại Mỹ, Kim Darroch.

Các bức điện của ông Kim Darroch có nội dung đánh giá về con người và chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến nay, bị rò rỉ trên tờ The Mail hôm 7-7 vừa qua. Ông Kim Darroch mô tả chính quyền Trump là “không bình thường, vụng về và ngớ ngẩn về ngoại giao” và không hy vọng rằng “điều đó sẽ thay đổi”. Còn về Tổng thống Trump, ông Kim Darroch mô tả là “kẻ gây bất ổn”.

Gần đây nhất, ông Kim Darroch cảnh báo rằng mặc dù Tổng thống Trump có thể rất vui với chuyến thăm cấp nhà nước gần đây tới Anh nhưng Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích của mình trong các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit. Điều này thể hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.

Ông Kim Darroch, người từng là đại diện thường trực của Anh tại Liên minh châu Âu (EU) và cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Thủ tướng David Cameron trước khi tới Washington năm 2016, được coi là một nhân vật thân châu Âu. Điều này dẫn đến nghi vấn rằng việc rò rỉ thông tin có thể là nhằm để đưa một người ủng hộ Brexit hơn vào nắm giữ một vị trí ngoại giao quan trọng sau khi ông Boris Johnson, nhân vật nhiều khả năng, sẽ trở thành thủ tướng vào cuối tháng này. Những tài liệu của ông Darroch xuất hiện thông qua nhà báo Isabel Oakeshott, một nhân vật cũng ủng hộ mạnh mẽ Brexit.

Nếu theo ý của ông Trump, nước Anh cần phải bổ nhiệm ông Nigel Farage, lãnh đạo đảng Brexit, làm đại sứ ở Washington. Sự hiện diện của ông Kim Darroch vốn không khiến Tổng thống Trump hài lòng, ông đưa ra nhận xét về ông Kim Darroch như sau: “Ngài Đại sứ đã không phục vụ tốt cho Vương quốc Anh. Tôi có thể nói với các bạn rằng chúng tôi không phải là những người hâm mộ người đàn ông đó”.

Sau vụ rò rỉ, ngày 8-7, ông Trump đã đẩy vụ việc lên khi thông qua Twitter tuyên bố tẩy chay Đại sứ Anh. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ không giao thiệp với ông ấy nữa”.

Đại sứ Anh đã từ chức sau vụ rò rỉ thông tin.

Vì lợi ích của ai?

Về phía chính giới Anh, dù không tán thành quan điểm của ông Kim Darroch nhưng nước Anh vẫn ủng hộ ông. Bà May khẳng định rằng bà “hoàn toàn tin tưởng” ông Kim Darroch. Cựu Ngoại trưởng William Hague nói với hãng tin BBC: “Bạn không thể thay đổi một đại sứ theo yêu cầu của nước chủ nhà”. Tuy vậy, vụ bê bối này sẽ đè nặng lên vai nhà lãnh đạo sắp tới của nước Anh khi nhân vật này vừa phải đối phó với áp lực của ông Trump, vừa phải ủng hộ đại sứ của mình.

Trang tin Politco viết: “Việc nhanh chóng cách chức ông Darroch sẽ bị coi là một hành động vội vàng. Tuy nhiên, việc lên tiếng ủng hộ đại sứ cũng có nguy cơ gây tổn hại đến mối quan hệ với Tổng thống Trump”.

Dường như, nỗ lực cải thiện quan hệ ngoại giao thông qua chuyến công du Anh của Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng 6 vừa qua đã sớm bị lu mờ bởi cuộc khẩu chiến giữa ông chủ Nhà Trắng với Thị trưởng London Sadiq Khan, hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm đó và giờ đây lại đến vụ scandal này.

Việc lộ thông tin mật này diễn ra cũng chỉ vài ngày trước khi hai ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng Anh, Ngoại trưởng đương nhiệm Jeremy Hunt và cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, có cuộc tranh luận trên truyền hình. Do vậy, rõ ràng nó cho thấy sự chia rẽ tại London về chính sách đối ngoại với Washington khi một bộ phận ủng hộ quan hệ đồng minh với Washington nhưng một bộ phận khác lại tỏ ra thận trọng với chính quyền Tổng thống Trump.

Phản ứng trước vụ việc này, hai ứng cử viên cho vai trò thủ tướng cũng có những phản ứng khác nhau. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt khẳng định sẽ mở rộng điều tra và không loại trừ khả năng đây là hành động can thiệp trực tiếp của bên thứ ba nhằm gây tổn hại quan hệ song phương. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, người từng được ông Trump khen ngợi, dường như đang tìm kế sách có lợi nhất cho mình và chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn nào.

Tất cả cho thấy một hướng đi rất rối ren trong chính sách đối ngoại của Anh. Không chỉ với Mỹ, Anh còn vướng phải rất nhiều vấn đề với Trung Quốc và Iran liên quan đến những chính sách đối với Huawei hay thỏa thuận hạt nhân Iran,...

Phải chăng, những chính trị gia của London đang quá mải mê với cuộc đua trở thành thủ tướng mà quên đi việc lèo lái chính sách đối ngoại của Anh đi theo một hướng nhất quán? Nỗi ám ảnh thực sự hiện nay của Ngoại trưởng Hunt là việc cạnh tranh với người tiền nhiệm, ông Johnson, để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với việc sẽ giữ cương vị thủ tướng. Cuộc đua này tạo động lực để ông Hunt đưa ra các tuyên bố không nhất thiết phải đem lại hiệu quả cho chính sách đối ngoại hiện tại của Anh.

Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox lẽ ra đang chuẩn bị cho một thỏa thuận thương mại trong tương lai với Mỹ nhưng tại Washington tuần này, ông lại phải đứng ra bảo vệ Đại sứ Anh sau vụ rò rỉ. Trong khi đó, EU đang bận rộn thực hiện các thỏa thuận thương mại thực tế. “Nước Anh toàn cầu” có rất nhiều việc phải làm nhưng những vụ rò rỉ ngoại giao kiểu này khiến công việc trở nên khó khăn hơn.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.