Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: Thời thế tạo anh hùng

Thứ Ba, 01/10/2013, 09:05

Với thành quả ngăn chặn hoàn toàn âm mưu can thiệp của Mỹ và đồng minh vào Syria, đồng thời mở ra cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng nội bộ Syria bằng giải pháp chính trị, chấm dứt bạo lực kéo dài hơn 2 năm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang được giới chính khách, truyền thông của Mỹ, các nước phương Tây và cả những quốc gia đang bị o ép như Syria xem như một người hùng.

Sergei Lavrov không là người xa lạ với những ai quan tâm đến tình hình an ninh, chính trị thế giới thời gian gần đây. Đặc biệt là giới ngoại giao quốc tế rất quen thuộc với ông trong khoảng thời gian trên dưới 20 năm. Rất quen thuộc, nhưng báo giới Mỹ trong những ngày qua bỗng dưng lại quan tâm đặc biệt đến Lavrov, nhìn kỹ lại "dung nhan" của con người đã khiến cho bộ sậu ngoại giao Mỹ phải "xuống màu" và nước Mỹ không làm gì khác hơn là phải "biết ơn" vì đã giúp tránh được một thất bại thấy trước.

Chẳng hạn, phóng viên tờ Washington Post bây giờ mới chú ý Lavrov ăn mặc thế nào: bộ veston được cắt may kỹ lưỡng vừa vặn khổ người đồ sộ của ông. Còn phóng viên báo New York Times thì xem xét kỹ hơn về tính cách, thói quen của ông và đã giật tít về ông: "Nhà ngoại giao kỳ cựu mê xì-gà, rượu Whisky và cáo già hơn nước Mỹ".

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ thì đánh giá về Lavrov: Một người nắm rõ vấn đề mình đang giải quyết và bám chắc vào nó, không hề xa rời. Đó là cách mô tả rõ nét nhất về tinh thần kiên định, tính cương quyết đến lạnh lùng của nhà ngoại giao kỳ cựu đã được thể hiện đầy đủ trong các cuộc đấu ngoại giao vừa qua xoay quanh các vấn đề về chương trình hạt nhân Iran, về Libya và mới đây nhất là về Syria. Đặc biệt là Syria, chưa bao giờ người ta thấy nước Nga quả quyết và kiên cường đến vậy khi so găng với Mỹ và đồng minh trong các vấn đề ở Trung Đông.

Là nhà ngoại giao kỳ cựu, với trên 40 năm kinh nghiệm, rành 4 thứ tiếng, Lavrov quả đúng là sự lựa chọn hoàn hảo của Tổng thống Nga Vladimir Purin. Năm nay 63 tuổi (sinh năm 1950), Sergei Lavrov dường như là sinh ra chỉ để làm ngoại giao. Năm 1972 đánh dấu bước khởi đầu sự nghiệp ngoại giao của Lavrov. Ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Moskva, Lavrov lần đầu tiên nhận nhiệm vụ ngoại giao làm Cố vấn Đại sứ quán Liên Xô tại Sri Lanka, rồi sau đó là New York. Đến năm 1976, ông trở về Moskva làm việc trong Cục Quan hệ kinh tế quốc tế Bộ Ngoại giao Liên Xô.

Năm 1990, Lavrov làm Giám đốc Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao Liên Xô. Năm 1994, Lavrov đã tiến một bước dài trên con đường sự nghiệp ngoại giao khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Toàn quyền Nga tại Liên Hiệp Quốc và đảm nhiệm cương vị này lâu nhất, đến năm 2004, khi ông được Tổng thống Putin gọi về nước giao cho chức Bộ trưởng Ngoại giao Nga, tại nhiệm cho đến nay cũng gần 10 năm.

Trong toàn bộ sự nghiệp ngoại giao của mình, trên tất cả, Lavrov là người quyết liệt bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích của nước Nga trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông. Ông là "kiến trúc sư" về chính sách đối ngoại cho Tổng thống Putin. Hơn thế, ông không chỉ tham mưu giúp Tổng thống Putin đưa ra các quyết sách mà còn là người trực tiếp thi hành các chính sách đó, quyết liệt bảo vệ nó cho đến thành công cuối cùng.

Ngoại trưởng S. Lavrov được cánh truyền thông tận tình “săn đón”.

Nói về thỏa thuận hủy kho vũ khí hóa học của Syria và việc Syria chấp nhận gia nhập Hiệp ước Cấm vũ khí hóa học, các báo Mỹ đều thừa nhận rằng chính Lavrov là người đã chớp lấy thời cơ chính xác nhất, nắm lấy ngay sáng kiến hòa bình đã được tung ra nhưng đối phương không biết cách hoặc không muốn chộp lấy.

Trong "hiệp 1" cuộc đấu ngoại giao giữa 2 nước Nga - Mỹ, vào tháng 3/2013, Ngoại trưởng Lavrov đưa ra sáng kiến 2 nước Nga - Mỹ đồng bảo trợ một hội nghị hòa bình để tìm phương án chấm dứt nội chiến Syria. "hiệp 1" đó, người Mỹ đã chơi bài 2 mặt, vừa thúc đẩy hòa bình, vừa tung đòn đe nẹt chính quyền Bashar al-Assad, và nhất là vụ việc phiến quân tấn công vũ khí hóa học rồi đổ vấy cho Damascus. Tuy nhiên, sự kiên định trong việc bảo vệ lập trường ngoại giao của Ngoại trưởng Lavrov đã không để cho phương Tây tiến thêm bước nào trong ý đồ can thiệp vào Syria, mà chỉ dừng lại ở việc "hứa" cung cấp vũ khí tấn công cho phiến quân chống chính quyền Assad.

"Hiệp 2" với vụ việc tấn công vũ khí hóa học ngày 21/8 vừa qua đã diễn ra hết sức gay cấn. Mỹ không cần bằng chứng xác thực vẫn đùng đùng chuẩn bị cho hành động quân sự, vì không thể "chờ" thêm được nữa. Một lần nữa, nước Nga lại đứng ra "bảo vệ" Syria trước sức ép cực mạnh từ Mỹ. Khi Ngoại trưởng Kerry cùng bộ sậu ngoại giao Mỹ không thể xoay chuyển được tình thế trong việc thúc đẩy một cuộc can thiệp quân sự vào Syria, thì ngay lập tức, Lavrov nắm được "điểm mấu chốt" từ đó có thể tháo gỡ được tình thế: Đưa ra sáng kiến buộc Syria giao nộp kho vũ khí hóa học.

Và trong khi người Mỹ còn do dự, chưa tin vào sáng kiến của Nga thì Ngoại trưởng Lavrov dấn thêm bước nữa, tuyên bố: "Tôi sẽ công bố rộng rãi trước công chúng đề xuất này", và sau đó ông đã làm thật, thì John Kerry không còn cách nào khác là phải đi theo ván cờ của Lavrov. Tuy vậy, theo giới chuyên gia, nó còn là "cứu tinh" đưa Nhà Trắng thoát khỏi tình thế nan giải.

Ursula Plassnik, cựu Ngoại trưởng Áo, đã gọi Lavrov là "một trong những nhà hoạt động đối ngoại giàu kiến thức và đáng kính trọng nhất trong làng ngoại giao toàn cầu". Quả thật vậy, tuy là đối thủ ở 2 giới tuyến trong cuộc đấu Syria, nhưng sau thỏa thuận vừa qua, dù biết rằng Lavrov vừa "hạ đo ván" người của mình, nhưng truyền thông và giới phân tích Mỹ vẫn dành cho ông một sự khâm phục, một sự kính trọng đáng kể

An Châu (tổng hợp)
.
.