Người 26 năm chuyên chụp ảnh chân dung nữ Thủ tướng Đức

Thứ Sáu, 21/04/2017, 14:35
Đối với cánh báo chí, Thủ tướng Đức Angela Merkel là một người rất khó tiếp cận và trò chuyện thân mật. Những cuộc trò chuyện đó chỉ được thực hiện trong giai đoạn trước bầu cử.

Trước đây, khi bà mới lên làm Thủ tướng Đức, những người thân tín một khi đã để lộ những câu chuyện về đời tư của bà cho báo chí biết đều bị cho “ra rìa”. Đến bây giờ, Merkel đã là lãnh đạo tại vị lâu nhất trong Liên minh châu Âu (EU), dư luận báo chí vẫn biết rất ít về đời tư (ngoài chức vụ) của bà. Chỉ một người duy nhất nắm rõ những câu chuyện đời tư này, nhưng mấy chục năm qua chưa chia sẻ với ai.

Điều khiến cánh báo chí “buồn bực” nhất chính là ở chỗ, người duy nhất được bà Merkel tin tưởng chia sẻ chuyện đời tư lại không phải là người của báo chí, mà là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đó là nữ nhiếp ảnh gia Herlinde Koelbl, lớn hơn bà Merkel 15 tuổi.

Chân dung bà Angela Merkel thay đổi qua các năm 1991, 1995 và 2008.

Quan hệ giữa họ được xem là một trong những mối quan hệ đặc biệt hiếm trong đời sống chính trị hiện đại, kể cả chuyện thân mật và cách hai người gặp gỡ nhau. Kể từ năm 1991, bà Koelbl đều đặn gặp mặt Thủ tướng Đức Merkel một lần, chụp một bức ảnh chân dung và phỏng vấn, thường thì chỉ hỏi đúng hai câu, nội dung năm sau giống y như năm trước.

Trong tác phẩm nhiều tập nhan đề “Dấu ấn quyền lực” (Traces of Power), bà Koelbl muốn thể hiện cho mọi người thấy chức trọng quyền cao đã thay đổi thể chất một người như thế nào. Để thực hiện tác phẩm này, Koelbl tiếp xúc 15 chính khách và lãnh đạo doanh nghiệp, những người “đình đám” trong thời gian gần nhất và có nhiều triển vọng tương lai và yêu cầu họ cam kết thực hiện việc chụp ảnh trong 8 năm liên tục.

Nhiều năm trôi qua, 15 nhân vật nhiếp ảnh của Koelbl giờ đã có nhiều thay đổi. Có người lui vào vị trí khiêm tốn hơn, có người chuyển sang nghề nghiệp khác, thậm chí gần đây có người đã qua đời. Trong các chính khách bà theo đuổi được lâu dài, có ông Joschka Fischer, từ một bộ trưởng môi trường bang Hesse đã trở thành Bộ trưởng Ngoại giao CHLB Đức; hay như ông Gerhard Schroeder, khởi đầu là Thủ hiến bang Hạ Saxony, sau trở thành Thủ tướng Đức (người tiền nhiệm của bà Merkel).

Merkel là nhân vật lâu năm nhất và đặc biệt nhất của Koelbl. Merkel là một nhà nghiên cứu khoa học, có bằng tiến sĩ hóa lý trước khi làm chính trị. Koelbl tiếp cận Merkel khi bà mới chân ướt chân ráo vào đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo. Khi đó bà đã 37 tuổi và được Thủ tướng Helmut Kohl bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên.

Lúc đầu, Merkel tỏ vẻ nghi ngờ về mục đích và ý nghĩa của dự án nhiếp ảnh của bà Koelbl. Làm thế nào mà một tác phẩm nhiếp ảnh lại không được xuất bản trong 8 năm chứ? Chính khách cần xuất hiện trước công chúng ngay ngày mai cơ. Nhưng rốt cuộc Koelbl đã cố gắng thuyết phục được bà.

Ấn tượng nổi bật nhất Koelbl ghi nhận trong lần đầu tiếp xúc nữ chính khách 37 tuổi chính là “bà ấy rụt rè quá” - Koelbl nhận xét. Các nhân vật khác đều sẵn sàng cởi mở trước ống kính. Ông Schroeder thậm chí còn yêu cầu chụp ảnh chân dung ông cùng điếu xì-gà. “Vì ông ấy muốn người khác nhìn mình như thế” - Koelbl nói. Còn bà Merkel thì khác, trong bức ảnh chụp đầu tiên, bà co rúm người trước ống kính, hai tay bắt chéo đặt trên đùi.

Koelbl nhận xét: “Chính khách không là những người phô trương, nhưng họ buộc phải yêu thích việc xuất hiện trước ống kính. Đàn ông phù phiếm hơn phụ nữ trước ống kính, ở mức độ hợp lý. Nhưng bà Merkel là một người khác, không muốn thể hiện cái tôi trước ống kính”.

Năm 1996, Koelbl để ý thấy rằng ngôn ngữ cơ thể của bà Merkel đã có thay đổi. “Bà ấy không còn ngước lên nhìn ống kính nữa mà bắt đầu nhìn xuống chằm chằm vào ống kính” - Koelbl mô tả. Ngay sau khi chụp xong bức ảnh chân dung, Koelbl phỏng vấn nhân vật của mình. Bà Merkel bảo: “Trước kia, cái khó nhất đối với tôi chính là khi đứng để nghe một bài phát biểu. Tay chân tôi trở nên dư thừa, không biết để vào đâu. Bây giờ thì khá hơn rồi, không còn lóng ngóng tay chân nữa”.

Nhiếp ảnh gia Herlinde Koelbl.

Bà Merkel giải thích, đó là vì càng về sau này, bà càng dày dạn kinh nghiệm và trở nên tự tin hơn. Merkel cho rằng có sự pha trộn giữa việc “diễn” vai trò mình đang đóng và tự bộc lộ tư cách cá nhân của mình. Trong hầu hết các bức ảnh chân dung bà Merkel sau này, người ta nhìn thấy bà chập ngón tay hình kim cương, và nó đã trở thành thương hiệu “Vòng kim cương Merkel”.

Bà Koelbl có cách tiếp cận nhân vật chụp ảnh một cách nhẹ nhàng, không “đối đầu trực tiếp”, theo cách gọi của báo chí. Từ đó, nhân vật chụp ảnh nghĩ rằng họ không cần phải diễn gì cả, không có sức ép nào như khi phát biểu trước ống kính báo chí. Ba câu hỏi thường trực đóng khung cuộc phỏng vấn ngay sau khi chụp ảnh: “Bà đã biết thêm được gì trong năm nay?”, Bà không biết những gì?”, và “Bà có thời gian để làm một cái bánh táo không?”.

Câu trả lời cho các câu hỏi này không chỉ cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động hằng ngày mà cả những chi tiết đời tư của vị lãnh đạo nước Đức, trong đó có một số chi tiết ít ai biết, như quan hệ giữa bà với nhà nghiên cứu Joachim Sauer, mối bận tâm về việc không có con cái, những ký ức vụng về thời thơ ấu,...

Sau khi xuất bản một tập “Dấu ấn quyền lực” vào năm 1999, Koelbl bỏ lửng 7 năm, đến năm 2006 bà mới tiếp tục thực hiện dự án này, đúng một năm sau khi bà Merkel lên làm Thủ tướng Đức. Qua 26 năm chụp ảnh và phỏng vấn, giữa nhiếp ảnh gia Koelbl và bà Merkel đã nảy sinh một thứ quan hệ rất đặc biệt, nó như là tình bạn, nhưng Koelbl vẫn e ngại thừa nhận, vì tình bạn với chính khách là thứ cần phải thận trọng. Koelbl cho biết, dự án chụp ảnh “Dấu ấn quyền lực” của bà sẽ còn tiếp tục thực hiện chừng nào bà Merkel còn làm Thủ tướng Đức.

An Châu (tổng hợp)
.
.